Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

4293 - Ta Biết Tin Ai Bây Giờ?

Mặc Lý

Một người bạn tôi, trong một bàn luận về chính trị nước Mỹ, đã nói đùa: “Ta biết tin ai bây giờ?” (Bài Không Tên Cuối Cùng – Vũ Thành An). Anh nói đùa nhưng tôi nghĩ có nhiều người có câu hỏi tương tự, nghiêm chỉnh hơn là: “Trong thế giới thông tin ngày nay, làm sao đánh giá tin tức đến tay ta là tin thật hay tin giả?”. Trong bài này, tôi hạn chế chỉ nói về tin tức chính trị Mỹ.

Khi có một định kiến và dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter…, bấm thích (Like) vài bài mà bạn thấy hợp và không cần bình luận gì cả, thuật toán của mạng xã hội sẽ mang cho bạn toàn những tin từ những nguồn này, và cứ thế mà nhân lên, bạn sẽ ở giữa vòng tin tức mà bạn sẽ vui và nghĩ là thật. Nhưng đó là tìm tin tức cho mình vui và những tin tức đó thường không phải là tin thật. Nhiều người chọn lựa như vậy và lâu ngày, họ nghĩ đó là thế giới thật. Bài viết này không dành cho họ mà chỉ cho những người muốn tìm hiểu và đánh giá tin tức thật hay giả một cách khách quan.

Nếu bạn ở nước ngoài và có trở ngại với tiếng Anh, tôi có thể đề nghị với bạn vài nguồn: RFI tiếng Việt của Pháp, BBC tiếng Việt của Anh, VOA và RFA của Mỹ (có hơi thiên kiến nhưng nói chung khá tốt). Báo Người Việt ở California cũng là một báo rất chuyên nghiệp. Tốt nhất là cùng một tin nên tham khảo nhiều nguồn đứng đắn để biết mọi phía. Nếu dùng mạng xã hội thì nên tránh những trang có ý kiến cực đoan, nhất là khi họ loan nhiều tin mà mình đã biết là sai lạc.

Nếu bạn ở Việt Nam không biết cách vượt tường lửa để đọc trực tiếp báo tiếng Anh hay những báo tôi đưa bên trên, tôi cũng không biết làm sao giúp bạn. Chỉ đề nghị khi đọc bất cứ cái gì, nên để thời gian suy nghĩ và tự đánh giá từ nhiều khía cạnh thay vì bị cuốn theo cảm tính. Và cần tỉnh táo với những cá nhân hay nhóm cực đoan hay loan tin sai lạc như đã đề cập bên trên.

Bài viết này chính yếu dành cho các bạn không trở ngại tiếng Anh và nếu ở Việt Nam thì biết cách vượt tường lửa để đọc tin tức nguyên thủy.

Phần 1 – Tin tức và Ý Kiến

Một bản tin hay một bài báo trên truyền thông thường gồm 2 phần: tin tức (news) và ý kiến (opinion). Người viết tin là con người, có suy nghĩ riêng về chính trị, xã hội… nên cùng một tin họ có thể có ý kiến khác nhau. Sự thiên vị chính là ở đây.

Lấy thí dụ ngày Nov 27, 2020 các báo và truyền thông đều đăng tin này: Tối Cao Pháp Viện Mỹ bỏ phiếu 5-4 cho phán quyết là các biện pháp cách ly và hạn chế áp dụng tại các nhà thờ (và các nơi thờ phụng khác) ở New York City do thống đốc New York Cuomo đưa ra là vi phạm hiến pháp. Nguyên đơn trong vụ này gồm tòa tổng giám mục Công giáo giáo phận Brooklyn và Chính Thống giáo Do Thái ở New York City kiện những biện pháp áp dụng tại các nhà thờ này là vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất, trong bối cảnh mới của Tối Cao Pháp Viện, có thêm 3 thẩm pháp do TT Trump bổ nhiệm từ 2017, với bà Amy Coney Barrett là người mới nhất.

Tin tức thì trên truyền thông lớn (dòng chính, sẽ nói sau) nói chung thường giống nhau. Nhưng chỉ lướt qua cái tựa từ những truyền thông này, ta có thể thấy ý kiến của người viết bài. Tôi tạm chia làm 3 nhóm:

a) Nhóm 1:

CBS: Supreme Court Blocks Covid Limits on New York Churches, Synagogues (Tối Cao Pháp Viện không cho phép những giới hạn vì COVID trên các nhà thờ và nhà nguyện ở New York)

USA Today: Supreme Court blocks strict COVID-19 restrictions on New York houses of worship (Tối Cao Pháp Viện không cho phép những hạn chế vì COVID-19 tại các nơi thờ phượng ở New York)

CBC (Canada) U.S. Supreme Court rules against limits on religious services in NYC virus hot spots (Tối Cao Pháp Viện Mỹ phán quyết chống lại các giới hạn trong mục vụ tại các điểm nóng trong cơn dịch tại thành phố New York)

Washington Post: Supreme Court relieves religious organizations from some Covid-related restrictions (Tối Cao Pháp Viện miễn trừ các tổ chức tôn giáo khỏi những hạn chế vì COVID)

b) Nhóm 2:

CNN: In a 5-4 ruling, Supreme Court sides with religious groups in a dispute over Covid-19 restrictions in New York (Trong một phán quyết 5-4, Tối Cao Pháp Viện đã đứng về phía các nhóm tôn giáo trong tranh chấp về những hạn chế vì Covid-19 tại New York)

Fox News: Supreme Court rules against Cuomo's coronavirus limits -- with Barrett playing key role (Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết chống lại những giới hạn vì dịch của Cuomo – với Barrett đóng vai trò quyết định)

New York Times: Splitting 5 to 4, Supreme Court Backs Religious Challenge to Cuomo’s Virus Shutdown Order (Chia theo 5-4, Tối Cao Pháp Viện hậu thuẫn những thách thức của các nhóm tôn giáo với lệnh đóng cửa vì dịch từ Cuomo)

c) Nhóm 3:

Newsweek: Amy Coney Barrett Plays Decisive Role As Supreme Court Bars New York COVID Restrictions on Religious Services (Amy Coney Barrett đóng vai trò quyết định khi Tối Cao Pháp Viện cấm những hạn chế vì COVID trên những mục vụ)

Politico: Major shift at Supreme Court on Covid-19 orders (Thay đổi khuynh hướng lớn tại Tối Cao Pháp Viện về sắc lệnh tiểu bang do Covid-19)

Tinh ý một chút thì các bạn thấy trong khi đưa tin này, chỉ xét qua tựa bài, ta thấy Nhóm 1 khá trung dung, không đưa ý kiến nghiêng về bên nào, Nhóm 2 có ý kiến riêng hàm ý phê phán hay tán đồng (chê hay khen, ủng hộ một phe) bản án của TCPV. Nhóm 3 thì không đưa ý kiến riêng nhưng đối chiếu phán quyết mới này trong tình hính nhân sự mới của TCPV.

Dĩ nhiên là tùy từng sự kiện, bài báo và ta phải đọc toàn bài để xét đoán kỹ hơn.

Đánh giá một nguồn thông tin xem sự chính xác thế nào (tin thật hay giả), thiên vị hay không, tôi dựa vào cách xếp hạng của tổ chức Media Bias Check (Kiểm Tra Thiên Vị của Truyền Thông - sẽ nói thêm về các hệ thống xếp hạng chính xác và thiên kiến của truyền thông trong phần 4), tôi xét trên hai khía cạnh:

1) Độ Chính Xác (Factural reporting): tôi chuyển thành thang 0 -> 10 cho dễ thấy, với 0: rất không đáng tin và 10: rất đáng tin.

2) Thiên Kiến (Bias): từ Cực Tả, Tả/Cánh Tả, Trung Tả/Khuynh Tả/Thiên Tả, Trung Dung, Trung Hữu/Khuynh Hữu/Thiên Hữu, Hữu/Cánh Hữu đến Cực Hữu. Tương tự như trên tôi cũng chuyển thành -5 cho Cực Tả và 5 cho Cực Hữu.

Tin đúng hay sai, giả hay thật thì thường dễ thấy, còn ý kiến thiên vị hay không thì khó hơn một chút, phải quan sát qua việc sử dụng ngôn ngữ khích động hay không và việc chú ý đến tin có lợi cho khuynh hướng mình, bỏ qua tin bất lợi.

Ta sẽ xét qua các nguồn truyền thông: dòng chính, dòng phụ và việc đánh giá sự chính xác cùng thiên kiến của các nguồn này.

Phần 2: Truyền Thông Dòng Chính

Truyền thông dòng chính gồm:

1) Các hãng truyền thông lớn (The Big Six of US Media) trong nước Mỹ: Comcast (NBC, MSNBC), The Walt Disney (ABC), News Corporation (Fox News/Fox Business/Fox TV), AT & T / WarnerMedia (CNN, CW), CBS, Viacom (MTV). Đây là nhưng đại công ty truyền thông hoạt động trên nhiều lãnh vực: truyền hình, truyền thanh, phim ảnh.

2) Hãng truyền thông nước ngoài và thông tấn lớn hoạt động ở Mỹ và toàn thế giới: AP (Mỹ), Reuters (Anh), BBC (Anh), RFI (Pháp)…

3) Nhật báo lớn: Washington Post, New York Times, Los Angeles Times, Forbes, Wall Street Journal…
4) Các think tank trung lập, tả hay hữu: các think tank này là những viện nghiên cứu, thường liên kết với những trường đại học hoăc các tổ chức hàn lâm, quy tụ các học giả: The Pew Research Institute, The Hoover institute, The Lowry Institute (Úc)

Xét về hai khía cạnh nêu trên của một bản tin, nghĩa là Chính Xác và Thiên Kiến thì thế nào?

Về khía cạnh thứ nhất, truyền thông dòng chính thường rất chú ý đến sự chính xác. Các truyền thông ấy có lịch sử lâu đời, hoạt động như một đại công ty, họ sợ bị kiện tụng, vì có thể thiệt hại tài chánh, mất uy tín, nghĩa là mất khán thính giả, độc giả nếu loan tin thất thiệt. Họ để ý đến sự đánh giá của các cơ quan độc lập của người tiêu thụ. Khi một tin tức đã loan được công nhận là sai lạc, họ thường phải xin lỗi, đính chính và có những quyết định chế tài với những cộng tác viên dính líu vào đó. Còn với các truyền thông lá cải hay dòng phụ (sẽ nói sau) họ không có gì để mất nếu thua kiện, cùng lắm thì lập công ty khác do đó người ta thường không muốn kiện truyền thông dòng phụ nếu bị loan tin sai. Ông bà mình có câu :”Nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu”.

Về khía cạnh thứ hai, truyền thông dòng chính có thiên kiến không? Có chứ, ký giả, nhà báo cũng chỉ là con người. Nghề ký giả có cái hấp dẫn của việc tìm tòi và khao khát muốn đưa mặt trái của xã hội để mong tốt đẹp hơn. Nhưng con người vẫn có những thiên kiến. Do đó mỗi truyền thông lớn cũng có thiên kiến, ít hay nhiều. Thiên kiến nhiều quá có thể làm giảm uy tín truyền thông. Hơn nữa thiên kiến nhiều ảnh hưởng đến cả khía cạnh thứ nhất là Độ Chính Xác. Với một hãng truyền thông lớn, ngoài khuynh hướng chính trị chính, họ hay có hướng khuynh hướng phụ để làm nổi bật và có sự so sánh ý kiến/bình luận. CNN thiên tả nhưng có cả Paris Dennard, Kayleigh McEnany thậm chí Kellyanne Conway từng ăn lương CNN. Fox News thiên hữu thì có Megyn Kelly bầu cho cả Dân chủ lẫn Cộng Hòa.

Dựa theo Media Bias Check, tôi tạm cho điểm của truyền thông dòng chính (sẽ nói thêm về cách cho điểm của trang mạng Kiểm soát Thiên Kiến Truyền Thông (Media Bias Check) ở phần 4). Mỗi truyền thông dòng chính bên trên được gán cho hai số, số đầu chỉ Độ Chính Xác (0 cho rất không đáng tin và 10 cho rất đáng tin), số sau chỉ Thiên Kiến (-5 cho cực tả, 0 cho trung dung, 5 cho cực hữu):

ABC News (8, -1)
CBS News (8, -1)
Fox News (6, 3)
Fox Business (7, 1)
CNN (6, -3)
MSNBC (6, -3)
NBC News (8, -1)
Reuters (Anh) (10, 0)
AP (10, 0)
CBC News (Canada) (8, -1)
Washington Post (8, -1)
New York Times (8. -1)
Los Angeles Times (8, -1)
Wall Street Journal (7, 2)
Forbes (7, 1)
The Pew Research (10, 0)
The Hoover institute (8, 2)
Barron’s (8, 1)

𝗣𝗵ần 𝟯 – 𝗧𝗿𝘂𝘆ề𝗻 𝘁𝗵ô𝗻𝗴 𝗱ò𝗻𝗴 𝗽𝗵ụ, 𝗻𝗵ỏ

Ở đây ta nói đến một số truyền thông hoặc nhỏ, chỉ một vài địa phương hoặc có chương trình hoạt động với mục đích riêng hoặc phục vụ một số khách hàng có định kiến chính trị.

1) Hãng truyền thông
a) Breitbart News (2, 5): đây là một nguồn truyền thông thiên về bình luận hơn là tin tức, khuynh hướng cực hữu. Nguồn này do Andrew Breitbart sáng lập năm 2007, sau này có thêm Steve Bannon của Alt-right Corporation tham gia làm CEO. Steve Bannon là người từng bị câu lưu do gian lận tiền đóng góp của những người ủng hộ Trump.

b) Newsmax Media (3, 3): đây là một truyền thông có từ 1998, quy tụ một số cộng tác viên bảo thủ của các nguồn truyền thông khác. Newsmax Media, trụ sở tại West Palm Beah, Florida, gồm trang mạng về tin tức Newsmax.com, các tạp chí Newsmax Magazine và Franklin Prosperity Report và đài truyền hình Newsmax TV. Những năm gần đây, truyền thông này ngả hơn về khuynh hướng bảo thủ. Cuối năm 2020, khi Fox trở lại khuynh hướng trung dung hơn, Trump và các người ủng hộ tìm đến Newsmax như một truyền thông ủng hộ chính. Tuy nhiên, Newsmax Media vẫn còn rất nhỏ so với các truyền thông dòng chính, về mặt tài chánh lẫn người xem. Chúng ta hãy quan sát nó tiến triển thế nào trong tương lai.

c) One American News Network (OAN) (2, 5): đây là một truyền thông cực hữu thiên về những bình luận và tin tức chính trị, ủng hộ Trump nhiệt thành. Lợi tức năm 2020 của OAN là 48 Mil (so với 2.9 Bil của Fox).

d) The Epoch Times/Đại Kỷ Nguyên (2, 4): báo này do John Tang khởi xướng năm 2000, từ hầm nhà của anh. Báo liên hệ chặt chẽ với Pháp Luân Công, một phong trào tôn giáo bị đảng Cộng Sản Trung Quóc bức hại. Báo có văn phòng chính ở Mỹ, xuất bản trên 35 thứ tiếng trên toàn thế giới. Các chi nhánh quốc tế của báo liên hệ với văn phòng chính một cách lỏng lẻo về biên tập cũng như tài chính, thuế khóa. Chi nhánh tiếng Việt là Đại Kỷ Nguyên, có nhiều mục ngoài mục chính trị, nhưng không khó về biên tập: một vài người có kinh nghiệm về truyền thông có thể làm một tờ báo như vậy với tin tức, bài vở 90% là lượm lặt từ những nơi khác. Ngoài The Epoch Times, tổ chức The Epoch Media Group còn có đài truyền hình The New Tang Dynasty (NTD) và đoàn nghệ thuật ca vũ Thần Vận (Shen Yun). Lợi tức của báo tăng nhanh chóng, từ 3.8 Mil năm 2016 đến 8.1 Mil năm 2017, 12,4 Mil 2018, nghĩa là tăng 230% trong vỏn vẹn 2 năm. Khuynh hướng tờ báo tin vào tuyết âm mưu, kiểu QAnon. Báo ủng hộ ông Trump nhiệt tình ngay từ 2016, là nhóm ủng hộ lớn thứ hai cho quảng cáo trên Facebook của ông Trump. Tuy vậy, nó nhỏ so với các truyền thông dòng chính tuy ảnh hưởng tờ báo phiên bản Việt rất lớn tại Việt Nam cũng như những người gốc Việt không thông thạo tiếng Anh.
New Tang Dynasty (NTD) (2, 4)

2) Các nhật báo:
- New York Post (5, 2)
- Washington Times (5, 2)
- Washington Examiner (3, 4)
- Huffington Post (6, -3)
- The Guardian (6, -3)
- Mother Jones (8, -1)
- Vox (7. -3)
- Daily Caller (3, 3)

Phần 4 – Cách đánh giá một bản tin

1) Khi đọc tin tức trên một nguồn lạ mình chưa rõ, bạn có thể dùng một trong những trang mạng sau đây để thẩm định Độ Chính Xác và Thiên vị của nguồn cần tìm hiểu: Media bias check, Politico, Real Clear Politics, Wikipedia.

Không nguồn nào là hoàn hảo, nhưng bạn có một khái niệm tổng quát về việc đánh giá nguồn tin bạn cần tìm hiểu. Các trang mạng này đều dựa vào các tiêu chí của Poynter Institute, một học viện báo chí có từ 1975:
- Chính xác
- Độc lập
- Công bằng
- Minh bạch
- Trách nhiệm

2) Kiểm chứng tin: các trang mạng kiểm chứng tin thật giả: Factcheck, FactCan, Factcheck của báo Washington Post, PolicyFacts, Snopes

3) Các bạn tự mình tìm kiếm

- Dùng Wikipedia: tự điển mở này nhiều người có thể viết, tuy nhiên nếu ai viết sai hay thiếu sót thì người sau có thể viết chồng lên. Bản thân tôi thấy tự điển này càng ngày càng đáng tin (nhưng tin tức về lịch sử hiện và cận đại của Việt Nam thì còn rất nhiều thiên kiến, sai lạc và thiếu sót). Nên xem thêm các tham khảo được dẫn trên Wikipedia.

- Dùng Google: không phải ngẫu nhiên mà Google là một công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới. Các bạn có thể tìm mọi tin tức hay tìm bằng hình ảnh. Tìm mọi tin tức thì đánh những chữ chính, không cần đúng văn phạm.

Phần 5 – Kết luận

Theo kinh nghiệm riêng của tôi,

1) Với mỗi tin tức các bạn nên xem nhiều nguồn. Với mỗi nguồn, đọc xem họ loan tin thế nào và ý kiến ra sao. Chỉ đọc theo một nguồn quen thuộc thì các bạn sẽ bị dẫn dắt và sẽ nhận định sai lạc.

2) Khi hai hay ba nguồn tin dòng chính cùng loan một tin thì tin đó 99% là đúng. Ý kiến (opinion) cần được người đọc tách biệt với tin (news).

3) Khi chỉ có một tin từ truyền thông lá cải hay dòng phụ thì 99% tin đó là ngụy tạo.

4) Một hình vẽ, một youtube, một lời tuyên bố qua mạng xã hội thì khó là bằng cớ. Càng ngày tin tức càng có thể làm dễ dàng, tinh vi hơn, với Thông Minh Nhân Tạo (AI).

Trở về với câu hỏi ban đầu “Ta biết tin ai bây giờ”. Câu trả lời của tôi là “Ta chỉ nên tin ở chính ta”.

Mặc Lý

Tham khảo

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Newsmax_Media#Reach_and_influence
[2] https://www.forbes.com/sites/bradadgate/2020/11/17/can-newsmax-challenge-fox-news/?sh=3f22b6616e0d
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/The_Epoch_Times
[4] https://www.nytimes.com/2020/10/24/technology/epoch-times-influence-falun-gong.html
[5]https://www.google.com/books/edition/Mind_Over_Media_Propaganda_Education_for/gC3xDwAAQBAJ
[6] https://www.theatlantic.com/politics/archive/2021/01/inside-the-epoch-times-a-mysterious-pro-trump-newspaper/617645/
[7] https://www.nytimes.com/2020/10/24/technology/epoch-times-influence-falun-gong.html
[8] Các trang kiểm tra tin
https://www.factcheck.org/
http://factscan.ca/
https://www.washingtonpost.com/news/fact-checker/
https://www.politifact.com/
https://www.snopes.com/



Nguồn: https://www.diendantheky.net/2021/01/mac-ly-ta-biet-tin-ai-bay-gio.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét