Trần Gia Phụng
Hoàng Sa (Paracel Archipelago) là một quần đảo gồm khoảng trên 100 đảo nhỏ, giữa kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, và khoảng vĩ tuyến 15 đến 17 độ Bắc, tức phía nam vĩ tuyến 17 độ Bắc, trong biển Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo nầy gồm hai nhóm: nhóm phía tây là Nguyệt Thiềm (hay Trăng Khuyết, tiếng Anh là Crescent group) và nhóm phía đông bắc là An Vĩnh (Amphitrite group).
Trong lịch sử, nhiều tài liệu chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Có thể trước hoặc trong thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (cầm quyền ở miền nam sông Gianh từ 1659-1687), chúa Nguyễn thành lập đội Hoàng Sa, nhiệm vụ ra vào hàng năm theo mùa gió, nhằm kiểm soát và khai thác tài nguyên ở quần đảo nầy.
Từ thời các vua nhà Nguyễn, hàng năm, triều đình gởi thuyền ra Hoàng Sa thăm dò rồi trở về. Năm 1835 vua Minh Mạng (trị vì 1820-1820) sai thuyền chở gạch đá, đến xây đền trên đảo Bàn Than (thuộc Hoàng Sa), dựng bia để ghi dấu, gieo hạt trồng cây. Khi đào móng đắp nền, xây đền, các lính thợ đã đào được 2,000 cân đồng và gang sắt. (Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 8, tỉnh Quảng Ngãi, Phạm Trọng Điềm dịch, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập 2, 1997, tr. 322-323.)
Từ đó, theo mùa gió hàng năm, triều đình nhà Nguyễn gởi thủy binh ra Hoàng Sa vào cuối tháng giêng (âm lịch) để thăm dò, bảo vệ, rồi trở về sáu tháng sau. Dưới thời Pháp thuộc, Pháp bắt đầu đặt trạm quan thuế và tuần tra quần đảo từ năm 1920. Sau đó Pháp lập trạm khí tượng năm 1933. Trạm nầy thuộc quyền quản lý của sở Khí tượng ở Đà Nẵng. Từ năm 1938, Pháp xây bia, dựng hải đăng và lập đội biên phòng bảo vệ Hoàng Sa. Ngày 30-3-1938, vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945) ban đạo dụ tách Hoàng Sa khỏi liên tỉnh Nam Ngãi và nhập vào tỉnh Thừa Thiên.
Trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ, có thể do nhu cầu quân sự, chuẩn bị tiến xuống Đông Nam Á, Nhật đưa quân chiếm quần đảo Trường Sa (Spratlys) ngày 31-3-1939, và sau đó vài ngày chiếm tiếp quần đảo Hoàng Sa (Paracel Archipelago). (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975 (tập A: 1939-1946), Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tr. 16.)
Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Pháp tái kiểm soát các quần đảo trên Biển Đông. Ngày 14-10-1950, Pháp chuyển giao Hoàng Sa cho Quốc Gia Việt Nam (QGVN). Thủ hiến Trung Việt là Phan Văn Giáo ra tận đảo Hoàng Sa làm lễ tiếp nhận. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975 (tập B: 1947-1954), Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 196.)
Lợi dụng tình hình lúc Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Trung Hoa Dân Quốc gởi quân chiếm một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa năm 1946, nhưng chính phủ Pháp phản đối. Năm 1949, lên cầm quyền ở Trung Hoa, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) tức Trung Cộng tiếp tục đòi hỏi:
“Chính quyền Quốc Dân Đảng đã nghiên cứu và xác định tên tiếng Trung Hoa và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Hoa trên biển phía nam Trung Hoa vào tháng 12/1934 và tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo lần đầu tiên. Một bản đồ ấn hành vào tháng 4-1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Hoa trên biển phía nam Trung Hoa, đánh dấu mũi cực nam của biển phía nam Trung Hoa là Zengmu’ansha ở vĩ độ 4 độ Bắc chí tuyến. Một bản đồ khác, ấn hành tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Trung Hoa Dân Quốc. Bản đồ còn cho thấy đường nối dài 11 điểm bao quanh bốn quần đảo với mũi cực nam ở Zengmu’ansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hình chữ U của Trung Hoa trên biển phía nam Trung Hoa. Các bản đồ ấn hành sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập [1949] đã giữ lại đường nối dài 11 điểm, và cho tới năm 1953, thì hai điểm đánh dấu Vịnh Bắc Việt bị xóa bỏ. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Hoa đều theo đường nối dài chín điểm, hình chữ U.” (Internet: China Daily ngày 22-7-2011, trang 9.)
Trong khi đó, sau thất bại năm 1945, tại Hội nghị hòa bình San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 6-9-1951, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại diện Liên Xô là Andrei Gromyko cho rằng quần đảo Hoàng Sa (Paracel Archipelago) và các đảo khác về phía nam, được xem là lãnh thổ của CHNDTH, và yêu cầu hội nghị bổ sung vào hiệp định là các hải đảo đó thuộc chủ quyền của CHNDTH. Tuy nhiên, Gromyko không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào chứng minh chủ quyền của CHNDTH đối với các đảo trên, nên hội nghị đã bác bỏ yêu cầu của Liên Xô.
Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam là Trần Văn Hữu xác nhận tại diễn đàn hội nghị nầy rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Không một nước nào lên tiếng phản đối. (Vào Google, chữ khóa “Hội nghị hòa bình San Francisco năm 1951”.)
Qua thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành “Luật và sắc lệnh” số 174 NV ngày 13-7-1961 đặt tên quần đảo Hoàng Sa là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, do một phái viên hành chánh đứng đầu. Mời xem văn bản đính kèm sau đây:
Quyết định sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam có thể dựa vào vĩ độ của quần đảo Hoàng Sa tương đương với vĩ độ của tỉnh Quảng Nam, và cũng có thể trạm khí tượng trên Hoàng Sa trực thuộc Sở Khí tượng Đà Nẵng (trụ sở gần phi trường).
Trong khi đó từ Cù Lao Ré hay đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra tới đảo Tri Tôn (cực tây của Hoàng Sa) là 123 hải lý. Ngày 21-10-1969, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký nghị định số 709-BNV/HĐCP sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, cũng thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
CỘNG SẢN VIỆT NAM TÁN THÀNH BẢN TUYÊN BỐ NGÀY 4-9-1958 CỦA CHNDTH
Từ 24-2 đến 29-4-1958, Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức hội nghị tại Gènève để bàn về luật biển. Các nước hội viên LHQ tham dự hội nghị ký kết bốn quy ước về luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS): 1) Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp. 2) Quy ước về thềm lục địa. 3) Quy ước về hải phận quốc tế. 4) Quy ước về nghề đánh cá và bảo tồn tài nguyên sống ở hải phận quốc tế.
Riêng quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp, các nước tham dự hội nghị có lập trường khác nhau về chiều rộng hải phận, và không có lập trường nào hội đủ túc số 2/3 để thành luật.
(http://untreaty.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_1_1958_territorial_sea.pdf)
Khi diễn ra hội nghị Genève về luật biển trên đây, CHNDTH hay Trung Cộng chưa gia nhập LHQ, nên chưa được tham dự hội nghị nầy. Ngày 4-9-1958, CHNDTH đưa ra tuyên bố về lãnh hải, gồm có 4 điều theo đó điều 1 và điều 4 mặc nhiên khẳng định rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ CHNDTH và gọi theo tên Trung Hoa là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa]. Điều 1 và điều 4 bản tuyên bố được dịch như sau:
Điều (1) “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Xisha tức Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Nansha tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc Trung Quốc”. Điều (4) “Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc…” (Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện. (trích Internet). Bản Anh ngữ, xin vào Google, tìm “Declaration of the Government of the Peoples’s Republic of the China on the Territorial Sea”.)
Cộng Hòa NDTH tự cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc CHNDTH, chỉ dựa vào bản đồ do chính quyền Tưởng Giới Thạch nghiên cứu và vẽ năm 1934. (Đã viết ở trên.)
Chắc chắn, bản đồ nầy cũng có trong hồ sơ của Andrei Gromyko tại hội nghị San Francisco năm 1951, nhưng hồ sơ của Gromyko đã bị hội nghị bác bỏ vì thiếu bằng chứng lịch sử.
Ngoài ra, tuy từ đảo Hải Nam (CHNDTH) xuống tới Hoàng Sa là 140 hải lý, nhưng CHNDTH nói rằng từ đảo Hải Nam tới bãi đá ngầm (North Reef) của Hoàng Sa là 112 hải lý để chứng minh rằng quần đảo nầy gần CHNDTH hơn Việt Nam. Tuy nhiên, bãi đá ngầm dưới mặt nước biển không phải là đảo, nên lý luận trên không được quốc tế chấp nhận. (Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông, Westminster: 2007, tt. 150-151.)
Cộng Hòa NDTH đưa ra bản tuyên bố ngày 4-9-1958 chỉ nhằm khẳng định chủ trương về lãnh hải của CHNDTH mà không gởi riêng cho nước nào trên thế giới. Thế mà chỉ 10 ngày sau, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt Nam (BVN), với sự đồng ý của chủ tịch BVN là Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng Lao Động, một tổ chức không có trong hiến pháp, nhưng thực tế cầm quyển tối cao ở BVN, vội vàng ký công hàm ngày 14-9-1958, tán thành quyết định về lãnh hải của CHNDTH.
Phần chính công hàm Phạm Văn Đồng như sau: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể.” (Xin xem văn bản dưới đây.)
Tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của CHNDTH có nghĩa là đảng Lao Động (CS) tán thành điều 1 và điều 4 của bản tuyên bố, theo đó CHNDTH tự xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của CHNDTH, ngược lại với sử sách Việt Nam về chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo nầy.
Đảng Lao Động (tức đảng CS) tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của CHNDTH nhằm trả ơn CHNDTH đã viện trợ cho VNDCCH từ năm 1950 đến 1954, và còn nhằm mục đích khác là chuẩn bị xin Trung Cộng tiếp tục viện trợ quân sự để tấn công Nam Việt Nam (NVN). Cộng Hòa NDTH xem quốc thư của Phạm Văn Đồng là bằng chứng của nhà nước VNDCCH thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của CHNDTH.
Tháng 10-1959, nghĩa là một năm sau công hàm, Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh xin CHNDTH viện trợ để BVN tấn công NVN. Tháng 11-1959, CHNDTH gởi một phái đoàn sang BVN trong hai tháng, nghiên cứu tất cả những nhu cầu cần thiết của BVN. Tháng 5-1960, lãnh đạo BVN và CHNDTH hội họp liên tiếp nhiều lần ở Hà Nội và Bắc Kinh để thảo luận chiến lược tấn công NVN. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, tt. 82-83.)
Được CHNDTH đồng ý hậu thuẫn, tại đại hội III ở Hà Nội từ 5-9 đến 10-9-1960, đảng Lao Động đưa ra hai mục tiêu là xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng NVN bằng võ lực, nghĩa là động binh tấn công VNCH.
TIỀM NĂNG HOÀNG SA
Cộng Hòa NDTH tấn công Hoàng Sa ngày 19-1-1974 có thể vì bốn lẽ sau đây: 1) Cộng Hòa NDTH muốn làm chủ vị trí chiến lược Hoàng Sa trên Biển Đông để tiến xuống Đông Nam Á. 2) Lúc đó, CHNDTH gặp ba yếu tố thuận lợi: a) VNDCCH hay BVN đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc CHNDTH từ năm 1958. b) Sau hiệp định Paris (27-01-1973), Hoa Kỳ rút hết quân khỏi NVN, cắt giảm viện trợ cho NVN, và không trở lui can thiệp vào Việt Nam. c) VNCH hay NVN một mình bận rộn chống đỡ những cuộc tấn công mạnh mẽ của VNDCCH hay BVN, đang được cả khồi CS hậu thuẫn tối đa. 3) Lúc đó, Liên Xô càng ngày càng tăng cường viện trợ cho BVN, nên BVN có thể sẽ đổi ý, giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Liên Xô để trả ơn, nếu BVN thành công trong cuộc chiến xâm lăng NVN. Vì vậy CHNDTH cần ra tay trước. 4) CHNDTH muốn tìm kiếm khí đốt và dầu hỏa dưới lòng Biển Đông trong khu vực nầy, mà CHNDTH rất cần trong việc phát triển kỹ nghệ của CHNDTH.
Nguyên vào đầu thập niên 70, chính phủ VNCH (NVN) bắt đầu nghiên cứu vấn đề dầu hỏa và khí đốt dưới thềm lục địa trong Biển Đông. Ngày 1-12-1970, chính phủ VNCH ban hành luật số 11/70 về việc tìm kiếm, khai thác dầu hỏa cùng những điều kiện về thuế khóa, lệ phí và hối đoái liên hệ. (Công báo VNCH 1970, tr. 8573). Sau đó, chính phủ ban hành sắc lệnh số 3-SL/KT ngày 7-1-1971 thiết lập tại Bộ Kinh tế một ủy ban mệnh danh là “Ủy ban quốc gia dầu hỏa.10b (Công báo VNCH 1971, tr. 642). Ủy ban quốc gia dầu hỏa phụ trách việc nghiên cứu vấn đề thềm lục địa (nghị định số 571-NĐ/KT ngày 2-6-1971).(Công báo VNCH 1971, tr. 3848). Cuối cùng nghị định số 249-BKT/VP/UBQGDH/NĐ ngày 9-6-1971 công bố ý định cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu hỏa. (Công báo VNCH 1971, tr. 3857.)
Năm 1972, công ty Geological Service Inc (GSI) nghiên cứu khu vực trung và nam Hoàng Sa. Tháng 6-1973, hai tổ hợp Anh Pháp là Roberto Research International Limited và Bureau d’Études Insdustrielles et de Coopération de l’Institut Français du Pétrole (BEICPIP) phối hợp làm báo cáo “Địa chất và Khai thác hydrocarbon ở ngoài khơi Nam Việt Nam”.
Lúc đó, VNCH bắt đầu tổ chức cho các công ty ngoại quốc đấu thầu. Những công ty trúng thầu đã khoan nhiều giếng, và vào tháng 10-1973 cho biết tại thềm lục địa Việt Nam, tiềm năng dầu hỏa là có thật. (Trịnh Quốc Thiên, Những biến cố mất lãnh thổ – lãnh hải Việt Nam từ năm 939 đến 2002, VA: Nam Quan Ấn Quán, 2002, tt. 163-167.)
Việc phát hiện tiềm năng dầu hỏa dưới đáy biển Biển Đông làm cho vấn đề Hoàng Sa trở nên căng thẳng vì tranh chấp quyền lợi kinh tế.
KẾT LUẬN
Quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc Việt Nam từ lâu trong lịch sử, nhưng CHNDTH muốn bành trướng, tìm đường xuống Đông Nam Á và tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên dưới lòng Biển Đông, nên nhân cơ hội Liên Hiệp Quốc đưa ra luật biển tại hội nghị Genève từ 24-2 đến 29-4-1958, CHNDTH liền tự nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của CHNDTH trong tuyên bố ngày 4-9-1958. Thế mà BVN do đảng Lao Động (đảng CS) cai trị, lại tán thành bản tuyên bố của CHNDTH, tức mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo nầy là của CHNDTH.
Như thế, CS Việt Nam không thể tránh khỏi tội phản quốc, là tội bị lên án nặng nề nhứt trong lịch sử cổ kim đông tây, và CSVN còn tiếp tay cho CHNDTH mở đường xuống Đông Nam Á. (Nguồn: Trích từ sách Chiến tranh 1954-1975, sẽ xuất bản).
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/19/truoc-tran-hoang-sa-19-1-1974/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét