- TS Lê Trung Tĩnh - Gửi cho BBC từ Gloucestershire, Anh quốc
Đại hội 13 của đảng Cộng sản đang diễn ra và như thường lệ có nhiều bàn luận về tính tập trung dân chủ của đảng, đặc biệt trong tình hình có vài trường hợp "đặc biệt" như hiện nay.
Một tiếng nói hiếm hoi và khá bất ngờ có thể được nghe thấy từ ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, và người từng lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhắc nhở vai trò quan trọng của dân chủ trong đảng:
"Đảng ta tôn trọng nguyên tắc tập trung, dân chủ. Đó là điều luôn phải thực hành, nhưng nghiên cứu những khóa vừa qua thì thấy cần hết sức coi trọng dân chủ, đừng quá đề cao tập trung mà đánh mất dân chủ."
Theo lời ông Duyệt, thì tính dân chủ trong đảng, nhờ đó mà các đảng viên cấp dưới có thể lên tiếng, đề xuất ý kiến hoặc giới thiệu những người lãnh đạo mà họ tin tưởng, đang bị yếu thế và tính tập trung ngày càng tăng.
Tập trung trong đảng không phải là điều mới mẻ đối với những người quen thuộc với tình hình chính trị ở Việt Nam, nơi mà hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các vị trí lãnh đạo của đất nước và các tỉnh thành đều bị áp đặt từ cấp trên hơn là được đề xuất, đừng nói đến được bầu từ cấp dưới.
Tuy nhiên, lần này khía cạnh tập trung được nhấn mạnh nhiều hơn. Đến mức vào ngày 21/01/2021, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nói rằng bất cứ ai giới thiệu bất kỳ ứng cử viên trong đại hội này mà khác với ý kiến của Ủy ban Trung ương phải chịu trách nhiệm về những giới thiệu đó, theo các báo Việt Nam.
Với lời cảnh báo như vậy, xin hỏi ai dám nghĩ đến dân chủ, dù chỉ trong đảng?
Cải thiện dân chủ để được dân tin yêu
Mặc dù có xu hướng rõ ràng trong việc gia tăng quyền quyết định từ một số ít bên trên bằng cách tập trung hóa trong tổ chức, luận điểm chính của đảng Cộng sản là luôn muốn cải thiện dân chủ trong tất cả các tổ chức cơ sở của mình, cũng như đảng Cộng sản luôn hướng tới và nhận được sự tin yêu ngày càng cao của người dân Việt Nam.
Thực tế mạng xã hội Việt Nam lại cho thấy mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa nhân dân với đảng Cộng sản.
Cần lưu ý là ở Việt Nam chưa có một cuộc thăm dò chính thức nào về sự tín nhiệm của người dân đối với chính phủ hay đảng cầm quyền do các tổ chức độc lập làm, điều hết sức bình thường ở các nước dân chủ.
Một hoạt động hiếm hoi đang diễn ra trên mạng có tên Cuộc Bầu cử Lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ do tác giả bài viết này tham gia tổ chức, nếu có thể hiểu như một cuộc thăm dò ý kiến, lại đưa ra một bức tranh khác nhiều so với mô tả của lãnh đạo Cộng sản.
Trong cuộc thăm dò còn nhỏ về phạm vi này, danh sách bốn thành viên hàng đầu của đảng Cộng sản và các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến nổi bật khác được đề xuất để được người bình chọn bỏ phiếu.
Bên cạnh những người được đề xuất trong danh sách này, người bình chọn cũng có thể đề xuất ứng cử viên của riêng họ. Ứng cử viên được gợi ý nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ thay thế ứng viên trong danh sách ban đầu có ít phiếu bầu nhất.
Chúng tôi tin rằng thể thức này, tuy chỉ áp dụng được với các bạn vào được mạng Internet, chứ không phải là cho cộng đồng dân cư ở khắp Việt Nam, cũng đã mang lại nhiều quyền tự do lựa chọn hơn và quyền hạn cho người bình chọn.
Người ta có thể đề cử ứng cử viên khác, hay có thể đề cử chính mình, và vận động cho ứng cử viên đó.
Theo bình chọn của hơn 1.400 người cho câu hỏi "Theo bạn, lãnh đạo/tổ chức chính trị nào có thể đảm bảo một nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng, người dân tự do và bình đẳng?" của cuộc thăm dò, đảng Cộng sản chiếm một vị trí rất khiêm tốn. Một nửa số ứng cử viên của họ đã bị thay thế bởi những người bên ngoài do người thăm dò đề cử.
Tổng số phiếu bầu tính đến nay cho tất cả các đảng viên Cộng sản đương nhiệm đứng dưới vị trí thứ năm, kém hơn nhiều so với số phiếu bầu dành cho những người như ông Trần Huỳnh Duy Thức (35,7% phiếu bầu) và ông Nguyễn Quang A (hơn 16,2% phiếu bầu).
Điều đáng chú ý là ông Thức đã bị bỏ tù hơn mười năm và vẫn ở tù nhiều năm nữa. Trong khi ông Quang A, một nhà bất đồng chính kiến khác, bị theo dõi thường xuyên, theo những gì chính ông viết trên mạng xã hội.
Chúng tôi tin rằng Bầu cử/thăm dò này, mặc dù vẫn còn hạn chế về dữ liệu, gợi ý về một khả năng là đảng Cộng sản có thể thua nếu một cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong tương lai gần, cho dù đó là cuộc bầu cử phổ thông cho chức Tổng thống của đất nước (theo kiểu Mỹ) hoặc một cuộc bầu cử nghị viện cho một đảng lãnh đạo (theo kiểu Vương quốc Anh).
Có lựa chọn khác như thế nào?
Đảng Cộng sản đương nhiên có nhiều lý giải cho việc không tin vào kết quả của cuộc thăm dò hoặc phủ nhận sự cần thiết của bất kỳ cuộc bầu cử phổ thông nào bằng cách lặp đi lặp lại sự tin yêu của người dân dành cho họ.
Còn nếu chọn lý lẽ, họ có thể lập luận rằng mô hình lựa chọn lãnh đạo của họ dựa trên chế độ Xứng danh (Meritocracy), một cách thức được Trung Quốc sử dụng và ca ngợi, như Daniel A. Bell đã mô tả trong cuốn sách 'Mô hình Trung Quốc: Chế độ Xứng danh và các giới hạn của thể chế Dân chủ'.
Tuy nhiên, như các nhà phê bình của cuốn sách đã đề cập, đặc biệt là ông Timothy Garton Ash, giáo sư tại Đại học Oxford, chế độ Xứng danh, chưa bàn tốt xấu ra sao, thực tế không được áp dụng ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Mà đó chỉ đơn giản là một chủ nghĩa bè phái, thân hữu, bảo trợ lẫn nhau, và tham nhũng.
Ngoài ra, một nền dân chủ thực sự không chỉ dựa trên việc lựa chọn các nhà lãnh đạo mà còn dựa trên một môi trường dân chủ với hệ thống kiểm tra và cân bằng mạnh mẽ, điều mà các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc đang thiếu.
Hơn nữa, như đã mô tả ở trên, sự tập trung quyền lực hiện đang thách thức tính dân chủ ngay cả trong đảng, một điều thiết yếu để chế độ Xứng danh có thể thành hiện thực. Nói một cách giản dị: dân chủ trong đảng còn không có, nói gì đến dân chủ cho nhân dân.
Chừng nào chưa có một cuộc bầu cử thật sự của người dân thì các sự kiện như đại hội 13 chỉ có thể được coi là những cuộc thăm dò, thậm chí còn chưa đầy đủ, ai được ủng hộ trong nội bộ của đảng mà thôi.
Nếu đảng Cộng sản tự hào về sự yêu mến và tin tưởng của nhân dân, chúng tôi băn khoăn là tại sao các lãnh đạo đảng này không tham gia vào một cuộc bầu cử phổ thông thực sự để khẳng định và gia tăng tính chính danh của mình?
Sự tham gia của họ chắc chắn sẽ góp phần xiển dương tinh thần mà Thăm dò đề cập ở trên luôn nêu ra trong mọi thông báo của mình: "Tuyệt đối công bằng, trung thực, tôn trọng tất cả các Ứng cử viên và đảng phái".
Đảng Cộng sản làm được điều này thì tôi thực sự tin rằng nhân dân Việt Nam rất cảm ơn.
Và chừng nào chưa có một cuộc bầu cử thật sự của người dân thì các sự kiện như Đại hội 13 chỉ có thể được coi là những cuộc thăm dò, thậm chí còn chưa đầy đủ, rằng ai được ủng hộ trong nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55866314
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét