Mỗi dịp đầu năm dương lịch tôi thường nghe lại ca khúc nổi tiếng "Imagine" (Hãy tưởng tượng) do ca nhạc sĩ John Lennon của ban The Beatles sáng tác và trình bày năm 1971. Năm nào cũng nghe lại cho nên tôi thuộc lòng những câu như "Hãy tưởng tượng không có thiên đàng và bên dưới chúng ta cũng chẳng có hỏa ngục"; "Hãy tưởng tượng không có quốc gia... thì sẽ chẳng còn gì để giết hay chết cho. Và khi không có tôn giáo, hãy tưởng tượng mọi dân tộc đang sống trong hòa bình".
Bài nhạc Imagine trong đoạn kết phim The Killing Fields năm 1884
John Lennon sinh năm 1940. Như vậy, ca khúc "Imagine" được anh sáng tác khi vừa tròn 30 tuổi. Có lẽ vì đã chứng kiến bao nhiêu cảnh chiến tranh loạn lạc do dân tộc chủ nghĩa và kỳ thị tôn giáo tạo ra cho nên người thanh niên này chỉ muốn nói lên niềm mơ ước hòa bình của anh.
Trong phần điệp khúc của bài "Imagine", John Lennon thú nhận rằng có người bảo rằng anh là một kẻ mơ mộng (a dreamer). Quả thật, John Lennon mơ mộng đến độ năm 1969, vào giữa lúc cuộc chiến Việt Nam ngày càng leo thang, anh và Yoko Ono, vợ anh, đã tổ chức hai tuần lễ gọi là "Hãy cho hòa bình một cơ hội" (give peace a chance). Trong hai tuần liên tiếp, cặp vợ chồng trẻ này đã vào sống trong hai khách sạn nổi tiếng là Hilton Hotel tại Amsterdam, Hòa Lan và khách sạn Queen Elizabeth Hotel tại Montreal, Gia Nã Đại. Trong suốt hai tuần lễ này, John Lennon và Yoko Ono đã mở toang cửa phòng để cho các ký giả và phóng viên được vào phỏng vấn và theo dõi nhứt cử nhứt động của họ. Hai vợ chồng nghệ sĩ này giải thích rằng hai tuần "tọa kháng" trong khách sạn của họ là những cuộc biểu tình phản đối các cuộc chiến tranh và là những cuộc thử nghiệm về những cách cổ võ hòa bình.
Tuổi trẻ "ngông". Người ta thường bảo thế khi nhìn vào những hành động nông nổi, bốc đồng của giới trẻ.
Tuy không được thấm nhuần Khổng Giáo, nhưng lúc nhỏ lúc nào tôi cũng được dạy "kính lão đắc thọ". Tôi luôn nhìn vào người có tuổi như bậc trưởng thượng, đáng kính vì đức độ và nhứt là vì sự khôn ngoan mà họ đã tích lũy được từ kinh nghiệm sống. Ở bậc trung học, câu châm ngôn "phải chi tuổi trẻ có hiểu biết, phải chi tuổi già có sức lực" (si jeunesse savait, si vieillesse pouvait !) lại càng làm cho tôi thêm xác tín rằng tuổi đời là một bảo đảm cho sự hiểu biết và khôn ngoan. Nhưng ngày nay khi chính mình đã bước vào tuổi già, kinh nghiệm bản thân lại buộc tôi phải nghi ngờ về điều được gọi là sự hiểu biết, lẽ khôn ngoan và nhứt là đức độ mà tôi đã đắc thủ được. Và dĩ nhiên, cái nhìn của tôi về tuổi trẻ cũng thay đổi, nhứt là trong thời đại này. Tôi ngưỡng mộ giới trẻ ngày nay, bởi vì họ qua mặt những cụ già như tôi về rất nhiều phương diện.
Cô Malala Yousafzai, người Pakistan, và cô Greta Thunberg, người Thụy Điển
Một khuôn mặt tuổi trẻ của thời đại mà thế giới sẽ không bao giờ quên là thiếu nữ người Pakistan tên là Malala Yousafzai. Khi chỉ mới 11-12 tuổi, Malala đã bắt đầu viết Blog và gởi cho ban Urdu của Đài BBC. Trong các trang Blog, Malala đã mô tả cuộc sống của mình tại quận Swat hiện đang bị các phiến quân Hồi giáo cực đoan Taliban kiểm soát. Malala cũng đứng lên tranh đấu cho quyền của các em thiếu nhi nữ được cắp sách đến trường, bởi vì trong chế độ Taliban, nữ giới không được phép đi học. Một ngày tháng Mười năm 2012, tức năm lên 15 tuổi, trên một chuyến xe buýt trở về nhà sau khi trải qua một cuộc thi ở trường, Malala đã bị một tay súng Taliban bắn một viên đạn vào đầu. Em đã được đưa sang Anh quốc điều trị. Từ đó, tên tuổi của em được cả thế giới biết đến. Malala đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Nobel Hòa Bình năm 2014.
Gần đây hơn, một tên tuổi thiếu niên nổi bật khác là Greta Thunberg cũng được thế giới nhắc đến rất nhiều. Năm nay cô gái Thụy Điển này đã được 17 tuổi. Ngay từ nhỏ, em đã thuyết phục cha mẹ của em phải thay đổi cách sống để giảm bớt lượng khí thải khi sử dụng năng lượng. Tháng Tám năm 2018, ở tuổi 15, cô thiếu niên này đã đến trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi chính phủ hãy có những biện pháp mạnh hơn trong việc chống lại hiện tượng khí hậu thay đổi. Greta đã lôi kéo được nhiều học sinh khác cùng tham gia vào chiến dịch "học sinh bãi học vì khí hậu thay đổi". Nổi tiếng khắp thế giới vì hoạt động chống khí thải nhà kính cho nên Greta đã được mời đến đọc diễn văn tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về khí hậu thay đổi. Năm 2019, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hành Động chống lại Khí Hậu Thay Đổi, thay vì đi máy bay, em đã đi bằng thuyền buồm để giảm bớt ô nhiểm. Tại Hội nghị, Greta đã được hoan nghênh nhiệt liệt khi em thách thức các nhà lãnh đạo quốc gia bằng câu "Tại sao quý vị dám làm như thế..." (How dare you). Dĩ nhiên, người thiếu niên này đã gặp phải một đối thủ sừng sỏ nhứt. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia khác đều tán thành và ủng hộ lời kêu gọi của em thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tìm cách ăn thua đủ với em. Thành ra, cứ nhắc đến tên Greta Thunberg thì dường như người ta lại phải liên tưởng đến Donald Trump.
Vào lúc đó, khi chỉ mới 15 tuổi, cô thiếu niên người Thụy Điển đã tỏ ra già dặn, chững chạc, với kiến thức khoa học, sự khôn ngoan và tư cách của một người trưởng thành. Trong khi đó lời qua tiếng lại giữa cô thiếu niên 15 tuổi và cụ già 74 tuổi Donald Trump chỉ làm nổi bật tư cách tồi tệ về mọi mặt của ông. Chiếc bong bóng bay với hình tượng của "baby" Trump 3 tuổi bay lơ lửng trên bầu trời Thủ đô London, Anh Quốc nhân chuyến viếng thăm chính thức của ông tại nước này dạo tháng Bảy năm 2018 có lẽ đã nói lên tất cả về con người của tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Cuộc bạo loạn mới đây ngay trong tòa nhà Quốc hội Liên bang tại Thủ đô Washington do chính ông kích động cũng chỉ là biểu hiện của cách suy nghĩ, phán đoán và hành động của một đứa trẻ 3 tuổi chỉ biết nghĩ đến bản thân và xem mình như cái rốn của vũ trụ. Dù chỉ còn mấy ngày ngắn ngủi nữa nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ chấm dứt, nhưng cả nước Mỹ và cả thế giới đều lo sợ về những hành động không thể lường được mà một đứa trẻ 3 tuổi có thể làm. Thế giới lo sợ là phải bởi vì trong tay đứa trẻ 3 tuổi này hiện đang có một thứ đồ chơi nguy hiểm nhứt mà một cái nhấn nút thiếu suy nghĩ của nó có thể hủy hoại cả thế giới.
Có những thiếu niên 15 tuổi có hiểu biết và cư xử như một người trưởng thành. Nhưng cũng có không biết bao nhiêu cụ già không chịu lớn. Sở dĩ có một "cụ già 3 tuổi" được bầu làm nguyên thủ của một quốc gia được xem là hùng cường, thịnh vượng và có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới là bởi vì cũng có rất nhiều "cụ già 3 tuổi" đã dồn phiếu cho cụ và ngay cả khi cụ đã thất cử, vẫn một mực tuyên bố sống chết cho cụ và đòi giành lại chiếc ghế mà như cụ đã hô hào tranh đấu, là người ta đã đánh cướp của cụ. Tôi nghĩ đến các "cụ già 3 tuổi" trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như tại rất nhiều nước khác trong đó có Úc Đại Lợi của tôi.
Cả nước Mỹ và cả thế giới đều lo sợ về những hành động không thể lường được của đứa trẻ 3 tuổi này có thể làm…
Tại sao phần lớn các cụ già như tôi đã triệt để ủng hộ "cụ già 3 tuổi" Donald Trump ? Tôi tìm ra câu trả lời khi tự mình so sánh với giới trẻ ngày nay. Trong khi giới trẻ học rộng, hiểu sâu nhờ nắm trong tay các phương tiện để truy cập, phân tách, đào sâu các nguồn thông tin thì những người già như tôi, vì khả năng sinh ngữ hạn hẹp lại bị trói chặt trong các thành kiến và chỉ biết "ăn mày dĩ vãng" cho nên dễ làm mồi cho những lời dối trá và các thuyết âm mưu vốn được phát tán đầy dẫy trên các trang mạng xã hội. Già đầu, già tuổi nhưng có thể kiến thức, cách suy nghĩ, lý luận và ngay cả cách cư xử của tôi dường như vẫn dậm chân tại chỗ, chớ không chịu già dặn.
Trong mùa Giáng Sinh vừa qua, cậu con trai nhà tôi xin được về nhà tạm trú vài bữa. Lý do là vì giữa cậu và cô bạn gái, vốn đã sống chung hơn 5 năm nay, đang có vấn đề. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng và chiến tranh lạnh đều là những chuyện nhỏ vốn là "chuyện thường ngày ở huyện" trong bất cứ một mối quan hệ nào. Sau vài ngày, chiến tranh lạnh chấm dứt, cậu xin trở về với cô bạn gái. Trước khi về lại mái ấm, cậu tâm sự rằng cậu đã học được một bài học trong cuốn sách mà chính tôi cũng đã từng nghiền ngẫm trong thời gian gần đây. Cuốn sách đó là "12 quy luật cho cuộc sống" (12 rules for life : An antidote to Chaos) của một giáo sư tâm lý học Gia Nã Đại là ông Jordan Peterson được xuất bản năm 2018. Một trong những quy luật mà cậu con trai nhà tôi lấy làm tâm đắc nhứt là : "Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc dọn dẹp căn phòng của bạn". Jordan Peterson, một chuyên gia tâm lý mà nhiều người cho là có khuynh hướng bảo thủ, chỉ nhắm đến giới trẻ khi đưa ra quy luật này. Thật ra, quy luật này xem ra có giá trị hơn cho những cụ già như tôi. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng vì rất nhiều lý do, một người già như tôi thường không muốn thay đổi, trái lại chỉ muốn ù lì và chôn chặt trong những thói quen dẫn đến mọi thứ trì trệ trong cuộc sống.
Sách "12 rules for life : An antidote to Chaos" của giáo sư tâm lý học Jordan Peterson được xuất bản năm 2018
Không rõ Giáo sư Peterson có chịu ảnh hưởng của Khổng giáo không, chớ người Á đông nào mà chẳng thuộc lòng câu "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Người Trung Hoa cũng truyền tụng rằng vua Thang (1847 -1760 trước Công nguyên), vị vua sáng lập Nhà Thương, đã cho khắc lên cái chậu tắm của ông dòng chữ "Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân" (Nếu muốn ngày hôm nay đổi mới thì ngày ngày đều phải luôn đổi mới).
Tôi biết cậu con trai nhà tôi muốn nói lên quyết tâm xem trọng những chuyện nhỏ trong quan hệ giữa cậu và cô bạn gái khi nhắc lại quy luật về việc "dọn dẹp căn phòng". Nhưng tôi cũng xem đó như một lời nhắc khéo cho một cụ già lú lẫn như tôi. Kể từ hôm đó, sáng nào khi thức dậy tôi cũng cố gắng bỏ ra vài phút để dọn dẹp lại giường ngủ và phòng ngủ. Nhưng quan trọng hơn, để có thể mỗi ngày vẫn tiếp tục đổi mới và lớn lên, tôi thấy căn phòng nội tâm mới là nơi cần được dọn dẹp hơn cả. Nếu không dọn dẹp và quét sạch những thứ mạng nhện và rác rưởi trong căn phòng nội tâm như ích kỷ, hận thù, thành kiến, vô cảm... thì mãi mãi tôi cũng sẽ chỉ là một "cụ già 3 tuổi" mà thôi.
Nguồn: https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/20206-nh-t-nh-t-tan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét