Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

4239 - Bom nguyên tử

Võ Phiến


— Hãy nói chuyện về bom nguyên tử một chút, nên chăng?

— Không nên. Giá nói chuyện ấy hồi 1945 thì hợp thời. Bây giờ chậm mất 45 năm. Đem ra lải nhải lỡ lọt vào tai kẻ nóng tiết, không khỏi bị kêu ầm lên: “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.” Thử hỏi thời buổi này còn bụng dạ nào tán dóc về món “thời trang” áo Lemur nữa, phải không?

Vả lại bom nguyên tử coi bộ tận số tới nơi, còn ngôn gì nữa? Vấn đề loại bỏ vũ khí chiến lược (START) đã được thoả thuận, việc loại bỏ luôn vũ khí nguyên tử ngắn tầm (SNF) cũng sắp đem ra thương nghị vào cuối năm nay. Siêu cường thỏa thuận xong là bom nguyên thử bị lôi từ kho ra hủy dần. Tuyên án, rồi xách cổ ra hành hình. Bom nguyên tử — cái khủng khiếp của một thời — đang lâm cảnh nhục nhã. Còn gì mà nói?

— Xin xét lại. Chúng ta là những kẻ yêu tự do. Vì tự do mà bỏ nước bỏ nhà. Bom nguyên tử nó... ra đi, chúng ta lại không có lời vĩnh biệt. Nỡ lòng nào?

— Yêu cầu cố gắng gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Cái gì mà tự do xen cả vào bom nguyên tử? Tối nghĩa quá.

— Thế sự sụp đổ ầm ĩ của các chế độ độc tài dữ dằn nhất mà chúng ta đang chứng kiến do đâu có? Thế sự kiện bùng phát dân chủ tự do đang làm rạng rỡ cả tâm hồn nhân loại do đâu có? Do đâu, nếu không do vũ khí nguyên tử?

— Ta dân chủ ta tự do, ta thuận lòng dân thì phải tồn tại vững bền. Chúng độc tài chúng khát máu, tất bị dân chúng lật đổ. Ta làm ăn đúng kiểu đúng đường, nên giàu sang phởn phơ. Chúng xài thứ học thuyết kinh tế sai bét nên thất bại đói rách, suy sụm. Vũ khí nguyên tử có vai trò gì trong đó?

— Nói thế không sợ bom đạn nó mắng là bạc như... người à? Bảo rằng chủ nghĩa cộng sản sai lầm, cái sai đưa nó tới thất bại, tới sự sụp đổ tất nhiên: không đúng đâu. Từ cái sai tới chỗ sụp đổ, có một thời gian. Trong khoảng thời gian ấy có thể xảy ra chuyện tai hại, chuyện rất đáng tiếc: là cộng sản vồ lấy các nước giàu, đè đầu xuống, bắt đem cái giàu ra nuôi nó. Thế là nó cứ tiếp tục “sai” mãi, “sai” bằng thích. Còn lâu nó mới sụp đổ.

Nói vậy không phải là suy đoán, là đưa ra một giả thuyết. Không! Nhiệm vụ giải phóng toàn thế giới vẫn là nhiệm vụ lớn của cách mạng vô sản mà. Người nóng nảy như Khruschev nói oang oang lên khắp nơi. Năm 1958 ông ta đã tuyên bố một kỳ hạn để chôn Hoa Kỳ.

Nỗ lực bành trướng của cộng sản, mình là người Việt Nam, đâu cần nghe ai chứng minh! Sự bành trướng ấy đã xua hàng triệu người Việt từ Bắc vào Nam, xua hàng triệu người nữa xuống biển, tung tóe khắp hoàn cầu...

— Sự bành trướng của cộng sản: đồng ý. Khỏi cần dài dòng...

— Hễ cướp được chính quyền, thành lập chế độ cộng sản xong, là bắt tay ngay vào sự nghiệp bành trướng. Nhanh như máy. Mọi chế độ cộng sản ở bất cứ nơi nào đều thế cả. Nga vừa cách mạng xong là túm luôn mười lăm nước lân cận vào liên bang. Liên bang rồi, liền tràn luôn ra ngoài liên bang: Đông Âu, Mông Cổ... Tàu cách mạng xong là tràn ngập Tây Tạng. Bắc Việt tính xong Miền Nam liền nuốt cả Lào lẫn Miên v.v...

— Vẫn cộng sản bành trướng? Đồng ý, đồng ý. Xin tha cho.

— Mối quan tâm đầu tiên, chủ yếu, của nhà nước cộng sản không phải là đời sống của dân, mà là sức mạnh của nước. Trên thế giới chỉ có toàn những nước cộng sản nghèo, không có nước cộng sản yếu. Mọi nước cộng sản đều mạnh, đều nuôi những quân đội khổng lồ, đều chất chứa vũ khí như núi, đều ham đánh giết như điên. Cuba mãi đến ngày nay vẫn đớp đều đều ngót năm tỉ mỹ kim viện trợ mỗi năm, hụt viện trợ là ngất xỉu cấp kỳ, thế nhưng lính thì không lúc nào thiếu, lính gửi đi tận Nam Mỹ, Á châu, Phi châu để làm nhiệm vụ cách mạng. Nơi nào cần Cuba có, nơi nào khó có Cuba...

— Ối trời. Vẫn chuyện cộng sản bành trướng ấy à? Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Chết tôi...

— Cuba còn thế, nói gì Nga xô. Cuộc thương thuyết tài giảm lực lượng qui ước ở Âu châu lằng nhằng mãi vì khối lực lượng Nga xô dàn ra nó đồ sộ quá, muốn rút xuống cho ngang nhau thì bên Đồng minh giảm một Nga phải giảm đến bốn! Nga kêu xử ức. Nga không chịu. Lại kẹt nữa vì đã đến lúc cùng, bị ép phải giảm, mà Nga xô vẫn vừa giảm vừa tiếc: 100.000 xe tăng của Nga chỉ muốn tạm rút lui về cất giữ chứ không chịu phá hủy theo đề nghị của Đồng minh.

Lực lượng qui ước hùng hậu gấp bốn lần ấy mà tràn tới thì có nước nào ở Âu châu chịu thấu!

— Xin cho biết: Vẫn còn tiếp tục nữa đấy chứ?

— Tiếp tục về chính sách vũ lực của cộng sản? Không! Xin đủ. nghĩa là đủ để vị nào nghĩ rằng chế độ cộng sản sai quấy rồi lặng lẽ tự tiêu, không hại ai, đủ để các vị ấy biết sợ hãi. Những tên cướp hung hãn như thế mà túng bấn như thế, lăm lăm súng ống, vũ trang đến tận răng, kéo nhau đến tận cửa các nhà giàu nứt đố nổ vách, rồi rủ nhau nằm dài ra chờ chết đói: đó là chuyện không thể cắt nghĩa nổi. Nếu không có bom nguyên tử.

Ông Nixon từng viết trên giấy trắng mực đen rằng nếu không xảy ra vụ Watergate, nếu ông mà còn ngồi vững tại tòa Bạch ốc, thì vận mệnh nam Việt Nam đã đổi khác. Lời ấy rất đáng tin. Chỉ cần có một cánh tay đầy đủ uy lực giơ cao mấy quả bom nguyên tử con con thật xinh xắn lên là cộng quân không dám làm hỗn. Họ có thể tha hồ lồng lên chửi rủa, tru tréo; nhưng chắc chắn họ không dám làm hỗn khi có quả bom nguyên tử lơ lửng trên đầu. Tình hình kéo dài thêm chừng mười ba năm, chỉ cần thêm một khoảnh khắc lịch sử mười ba năm thôi, thế là nam bắc Việt Nam dám thống nhất theo kiểu đông tây Đức lắm. Thấy không?

Năm 1975, khi Bắc Việt đổ xô vào Miền Nam họ hồ hởi khuân của cải hàng hóa về mấy năm liền chưa hết. Hãy tưởng tượng nếu Nga xô mà xô được cánh cửa vào Tây Đức, vào Pháp v.v... thì sự phồn vinh hưởng thụ đến chừng nào? Lực lượng qui ước của Nga thừa sức san bằng mọi cản trở biên giới khắp các quốc gia thịnh vượng Âu châu. Lực lượng ấy dàn sẵn la liệt dọc ranh giới đông tây Âu châu, choáng bao nhiêu là đất đai, gây náo động phiền hà không biết chừng nào cho dân chúng các nước sở tại: xe nhà binh chạy tới chạy lui đêm ngày rần rộ, máy bay quân sự lên xuống ầm ĩ các phi trường, lính tráng nghênh ngang đầy dẫy v.v... Cái lực lượng dữ dằn ấy cứ rậm rật sát bên rào các nước Âu châu thịnh vượng mãi ngót nửa thế kỷ mà không động thủ được.

Hai khối quân lính và vũ khí qui mô nhất cổ kim, đối đầu sát nhau trong một thời gian dài nhất lịch sử, sát khí đằng đằng ngút trời, mà không xảy ra một xô xát nào cả: phép lạ ấy chỉ nhờ vào bom nguyên tử thôi.

Đã có mấy lần Nga xô nhấp nhổm, suýt không kìm nén nổi dục vọng, toan làm hỗn. Hoa Kỳ đằng hắng một tiếng, trỏ tay vào đống bom nguyên tử, tức thì mọi sự lại êm xuôi. Đó là vào thời kỳ các ông Kennedy, ông Nixon. Ông Kennedy đuổi các giàn hỏa tiễn của Nga ở Cuba về hơi ồn ào; ông Nixon kể lại ba lần hăm he kín đáo hơn. Tất cả đều hiệu quả mỹ mãn.

Nếu các siêu cường choảng nhau một trận, (dù là với vũ khí qui ước vẫn nhất định là trận long trời lở đất) thì cho rằng sự thắng bại có về bên nào đi nữa, cục diện thế giới cũng khó bề đẹp đẽ như hiện thời. Loài người tránh được thảm họa, tự do được cứu vãn: nhờ nó cả. Quả bom nguyên tử, nó nằm chình ình ra đấy, nằm yên không nhúc nhích, thế mà công đức của nó không biết để đâu cho hết. Trên đời có thứ gì quí báu hơn, có phát minh nào tài tình hơn?

— Bom nguyên tử xem ra không phải là thứ dùng được. Nói cách khác, cách dùng duy nhất là đem xếp nó vào kho, khóa thật kỹ. Cái đem tung ra chỉ là cái tên, cái uy danh của nó thôi.

— Phải. Chiến tranh nguyên tử là thứ chiến tranh chỉ có thể diễn ra trong tính toán, trong tưởng tượng.

Chỉ tính toán thôi thấy đã ghê. Một đầu đạn nguyên tử do tiềm thủy đỉnh phóng ra có thể làm mất tích luôn điện Cẩm-linh và mọi công trình kiến trúc trong vòng nửa dặm; còn xa hơn, trong vòng bốn dặm xung quanh, thì nhà cửa sập và cháy hết. Thế nhưng kế hoạch chiến tranh nguyên tử không chỉ dành cho Mạc-tư-khoa dăm mười quả bom đâu nhé. Riêng phần nó, Mạc-tư-khoa được lãnh 120 quả. Đã tính toán phải tính toán cẩn thận, không được phép sơ hở.

Do đó, kế hoạch gia đã soạn sẵn một danh sách mười lăm nghìn mục tiêu trên đất Nga sẽ tưng bừng đón rước bom nguyên tử trong đợt đầu, gồm những trung tâm nguyên tử, những căn cứ quân sự, những cơ sở kỹ nghệ, và có cả chừng 105 nghìn nhân vật trong các guồng máy chính trị, quân sự, kinh tế cần phải đưa gấp sang thế giới bên kia v.v... Lại tính toán thế nào mà một phần ba số lượng bom trong kho của Mỹ được thả xuống đủ nghiền nát hết tất cả các thị trấn Nga xô có dân số từ 25 nghìn người trở lên. Dĩ nhiên khi lâm sự Mỹ không hề dự định chỉ dùng một phần ba kho bom, còn hai phần ba để dành mà chưng. Tất cả đều tính toán cẩn thận.

Về phía Nga xô, họ càng kỹ hơn. Nhất định thế. Có bao giờ Nga xô kém chu đáo trong việc giết chóc đâu?

— Câu chuyện làm nhớ đến điều ông Sakharov kể lại trong hồi ký. Hồi đó quả bom nguyên tử đầu tiên của Nga xô đưa ra thử, được kết quả tốt. Nhà nước mở tiệc ăn mừng; riêng ông Sakharov sau khi chứng kiến sức tàn phá của công trình do chính mình, ông kinh hoàng. Ngồi vào bàn tiệc, ông thẫn thờ bảo: Bom nguyên thử, giá cứ đem thả thử thôi, đừng bao giờ thả thiệt xuống bất cứ nơi nào thì tốt nhất.

Vị tướng ngồi bên cạnh nghe ông than thở, bèn kể chuyện đêm tân hôn của một cặp vợ chồng nông dân. Đêm ấy, trước giờ phút trọng đại tự nhiên chú rể xúc động, run bấn lên, tưởng chừng không đủ can đảm. Anh ta quì trước bàn thờ lâm râm cầu xin đấng Thiêng Liêng “hướng dẫn con và làm cho con được vững lòng, cứng rắn.” (Guide me, harden me.) Cô dâu đến bên cạnh thỏ thẻ: “Anh yêu! Miễn anh cầu xin cho nó thực cứng rắn lên là đủ. Còn khoản hướng dẫn, cứ để em lo: không sai đích đâu.”

Ông tướng cười khoái trá, ông bác học càng bấn thêm...

— Nào ngờ sự đời diễn biến éo le: rốt cuộc các ông tướng đều thất nghiệp, không được dùng đến quả bom nguyên tử nào; còn cái phát minh tưởng như vô dụng của nhà bác học lại có hiệu năng quyết định. Cứng lên là đủ.

Nga xô có ưu thế tuyệt đối về vũ khí qui ước, nhưng khối Minh ước Đại tây dương minh định nếu bị tấn công dù bằng loại vũ khí nào thì sự chống trả sẽ không nhất thiết giới hạn trong phạm vi vũ khí qui ước. Thành thử kẹt cứng. Bom nguyên tử nó làm cho chiến tranh lớn không xảy ra được. Trong non nửa thế kỷ chỉ có chiến tranh địa phương lai rai; còn đại chiến thì bất khả. Cứng là đủ, và phải có bom nguyên tử mới cứng nổi.

Không đánh nhau được, phe cộng cứ thế hầm hầm, thời gian cứ thế trôi qua. Và thời gian đã làm công việc của nó: là chứng minh cái sai lầm của chủ nghĩa Mác. Sự chứng minh không thể thực hiện hỏa tốc, phải cần có sự hỗ trợ của bom nguyên tử. Bom nguyên tử chận đứng chiến tranh, để sự chứng minh có đủ thì giờ. Từ Đệ nhất Thế chiến đến Đệ nhị Thế chiến chỉ cách nhau vài mươi năm. Sau Đệ nhị Thế chiến, sự sụp đổ của chế độ cộng sản nó khẩn khoản xin một hạn kỳ dài gấp đôi. Nếu không có sự bảo đảm như đanh như sắt của bom nguyên tử, nếu Đệ tam Thế chiến xảy ra vào giữa thập niên 60 chẳng hạn thì... ai biết thế giới đi về đâu?

Tóm lại, rõ ràng là sự bảo đảm ấy đã cứu chúng ta, bom nguyên tử đã cứu chúng ta. Đấng Cứu Đời của hậu bán thế kỷ XX là một đấng Vô Ngôn. Ngài xuất hiện, Ngài nằm đấy, Ngài không cựa quậy, Ngài không mở miệng. Ấy vậy mà nhờ đó thiên hạ thái bình, tự do phát triển...

— Ca tụng như thế e quá lời.

— Đó mới chỉ là sự ca tụng nửa công đức.

— Đấng Vô Ngôn còn có thể có hoạt động nào nữa?

— Tuyệt không có hoạt động nào cả. Chỉ nguyên một sự xuất hiện của Ngài đủ làm kẻ xấu mất sức, kiệt quệ.

Đầu tháng 7 - 1990 vừa qua, ngoại trưởng Edward A. Shevardnadze than thở tại Đại hội Cộng đảng lần thứ 28 ở Mạc-tư-khoa rằng Nga đã đốt một phần tư ngân sách vào chi phí quân sự; xứ sở thì xác xơ dân tộc thì nghèo đói, tiêu làm gì cho việc quân sự mà tiêu lắm thế?

Vô lý thật! Đánh nhau không đánh được, mà vũ khí cứ phải sản xuất không ngừng. Làm mãi làm mãi những món xe tăng, bom, hỏa tiễn, tiềm thủy đĩnh, phóng pháo cơ... đắt đỏ kinh khủng. Một chiếc B2 giá đắt hơn khối vàng y cùng một trọng lượng với nó. Mà bom kia đạn nọ, xe tăng này máy bay kia, làm ra ít lâu trở nên lỗi thời, phải loại bỏ, phải làm ra cái mới đắt hơn, rồi lại bỏ, lại làm ra cái đắt hơn nữa. Trước con mắt dân nghèo thì đó là một việc điên khùng.

Nhưng đấng Vô Ngôn đã xuất thế là phải vậy. Không vậy thì lo chậm tay, chết không kịp ngáp. Cuộc chạy đua ấy làm cho kẻ yếu mau kiệt sức. Kinh tế thịnh vượng như Mỹ thì B1, B2, thì kế hoạch chiến tranh không gian, hệ thống Phòng thủ chiến lược (SDI) còn khả dĩ, chứ bệ xệ như Nga mà cũng ham đủ chừng ấy món thì khuỵu gấp thôi. Chiến tranh nguyên tử (trong tưởng tượng) nó rút hết sinh lực của phe cộng sản, rút đêm chưa chán lại rút ngày, như một hồ ly Liêu Trai rút tinh khí của kẻ hàn nho xanh xao, còm cõi. Do đó mà chế độ cộng sản vắn số nhất cổ kim.

Nghĩ coi: Từ lúc nó chào đời, nó hung hãn phá phách, nó phùng mang trợn mắt, phách lối huênh hoang, cho đến lúc nó rống lên, ngất xỉu, quay lơ, vỏn vẹn có bảy chục năm. Nó là màn hài kịch quá ngắn, so với lịch sử mọi chế độ từ trước đến nay.

Lại công đức của bom nguyên tử nữa. Để đâu cho hết.

— Không nói sợ chê là bạc. Nói mà quá lời đến thế không sợ bom đạn nó chê là bốc láo như văn nô à? Thứ nhất, bảo rằng nó chưa mở miệng: sai. Ai mà không nhớ tiếng quỉ gào ở Hiroshima? Thứ đến, bảo sự nghiệp của nó là tốt lành: Cũng sai nữa. Ngày nay siêu cường giải tỏa mâu thuẫn, cố gắng giải trừ hiểm họa đại chiến. Nhưng bom nguyên tử đâu đã mãn tận số kiếp? Hiện thời Do-thái, Irak, Syrie, Ả-rập Séoudite, Ba-tư đã có, và đến cuối thập niên này thì ước chừng 15 quốc gia sẽ sắm hỏa tiễn. Do-thái hiện có và một số nước nhỏ khác đã có khả năng chế bom nguyên tử. Ông Khadaffi ở Lybia công khai nghĩ rằng các nước Á-rập nên chế tạo món ấy. Riêng phần ông, hồi 1986 sau vụ chết hụt vì quả bom Mỹ, ông ta đã ao ước có thể rải mấy quả bom nguyên tử xuống Nữu-ước. Như vậy siêu cường xử tử mà biết đâu lỡ bom nguyên tử nó không chịu chết? Thay vì rút lui, nó đang cố gắng mở rộng khu vực hoạt động.

Và ở Trung Đông, ở các nước Á Phi mai kia, ai biết được rồi nó sẽ tác yêu tác quái cách nào? thiện ác ra sao?

— Có một sơ hở từ đầu. Lẽ ra nên minh định rõ ràng là ở đây chỉ nói về vai trò của bom nguyên tử trong cuộc xung đột giữa tự do với cộng sản mà thôi. Không trở về đến Đệ nhị Thế chiến, cũng không vượt xa tới các cuộc xung đột khác trên thế giới từ đây về sau.

— Tại sao không? Chuyện đã qua... cho qua cũng được. Nhưng chuyện sắp tới cần biết lắm chứ. Do-thái Á-rập xài bom nguyên tử ta không khốn khổ à? Hãy nói về chuyện ấy một chút, nên chăng?

— Không nên. Vì quá sớm. Chịu khó chờ đợi mấy chục năm nữa, nếu còn sống tha hồ nói. Ai không chờ đợi được, hãy hỏi người bạn của bà Nancy. Ngoài ra, thiên cơ không phải ai cũng tiết lậu được.


7 – 1990

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2021/01/vo-phien-bom-nguyen-tu.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét