Ngày này 47 năm trước Hoàng Sa của chúng ta bất ngờ bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Chắc ít người biết rõ Trung Quốc sau đó đã làm gì và đã tuyên truyền với dân chúng của họ như thế nào. Chúng ta đều biết cuộc tấn công xâm lược vào lãnh thổ của ta năm 1979 được Trung Quốc tuyên truyền với dân chúng của họ đó là cuộc chiến “tự vệ”.
Về việc cưỡng đoạt Hoàng Sa của ta ngày 19/1/1974 ta cũng có thể tưởng tượng họ có cùng giọng điệu như thế. Nhưng có dịp đọc những gì họ phổ biến, tuyên truyền về sự kiện Hoàng Sa tôi không khỏi ngạc nhiên về sự bịa đặt rất chi tiết, trắng trợn.
Sáu năm trước tôi được giáo sư Ishii Akira tặng cuốn sách Chugoku Kokkyou Nessen no Ato o Aruku (Bước theo dấu vết các cuộc chiến tranh nóng ở các biên giới Trung Quốc), NXB Iwanami Shoten, 2014. Ishii Akira là giáo sư danh dự Đại học Tokyo, nhà nghiên cứu uy tín về lịch sử chính trị Á châu, đặc biệt chuyên về Trung Quốc, từng làm Chủ tịch Hội nghiên cứu Chính trị Kinh tế châu Á. Năm 2012 tôi có tổ chức cuộc đối thoại trí thức Việt Trung tại Tokyo (có thuật lại trên báo Quân đội Nhân dân trong các số ra ngày 22 và 23/5/2014) và có mời Giáo sư Ishii đến phát biểu. Ông đã đi khắp các vùng biên giới của Trung Quốc để khảo sát, tìm hiểu những di tích, những dấu vết liên quan các cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với các nước láng giềng từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), sau đó kết hợp với các sử liệu liên quan, ông viết cuốn sách nầy. Ông cũng đi thăm biên giới Việt Trung và viết một chương về cuộc chiến năm 1979. Riêng về sự kiện Hoàng Sa ông đến thăm tỉnh Hải Nam vì nghe nói ở đó Trung Quốc có xây khu tưởng niệm các “liệt sĩ” trong trận Tây Sa (tên phía Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa của ta).
Sau đây là một phần nội dung trong chương “Tây Sa hải chiến” của cuốn sách nói trên. Tại thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam, vào năm 1975, Trung Quốc xây dựng một khu gọi là Tây Sa hải chiến liệt sĩ lăng viên (Ở Hoàng Sa họ cũng xây một khu tương tự. Hai khu nầy lập ra để tưởng niệm 18 binh sĩ tử trận mà họ gọi là Nhất bát dũng sĩ). Riêng về Lăng viên ở Hải Nam, qua khỏi cổng chính thì đến Tháp kỷ niệm, phía bên phải tháp có khắc hàng chữ: “Những liệt sĩ hy sinh vinh quang trong trận chiến phản kích tự vệ ở quần đảo Vĩnh Lạc Tây Sa”.
Phía bên trong tháp là một đoạn văn được khắc lên để thuật lại sự kiện hải chiến Tây Sa: “Ngày 19/1/1974, tại quần đảo Vĩnh lạc Tây Sa, tàu hải quân của chính quyền Saigon Nam Việt Nam xâm nhập các đảo và hải vực của Trung Quốc, hạm đội Nam Hải của chúng ta đã anh hùng phản kích, đánh chìm một chiến tầu hộ vệ và đại phá 3 chiếc khu trục hạm của địch. Thừa thắng, hải quân ta đã thu hồi được các đảo Sách Hồ, Cam Tuyền, và Kim Ngân mà chính quyền Saigon đã chiếm bất hợp pháp. Ta đã đại thắng trong cuộc chiến phản kích tự vệ ở hải vực Tây Sa, giữ được lợi ích trên biển và chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Tham gia trận hải chiến lần nầy có các tầu chiến số... (lược), trong cuộc hải chiến ác liệt, 18 đồng chí đã vì bảo vệ sự tôn nghiêm của tổ quốc mà không sợ hy sinh, đã anh hùng chiến đấu. Họ đã hiến sinh mệnh cao quý cho nhân dân, cho tổ quốc. Sự tích anh hùng của họ sẽ sáng ngời theo năm tháng, và sông mãi với đất trời. Những liệt sĩ cách mạng sẽ bất diệt”.
Cũng theo sách đã dẫn, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc vào ngày 20/1/1974 đã thuật lại sự kiện. Ở đây chỉ tóm lược mấy điểm chính: “Từ ngày 15/1/1974 chính quyền Saigon đã dùng quân hạm và phi cơ liên tục xâm phạm lãnh hải và vùng trời quần đảo Tây Sa. Ngư dân và tầu biển của ta bất đắc dĩ phải phản kich tự vệ. Sáng 19/1, tầu của Nam Việt Nam chiếm đảo Thám Hàng, giết và làm bị thương nhiều ngư dân. Quân đội Saigon còn bắn vào tầu tuần trên biển của ta, tầu của ta phải phản kích tự vệ,...”.
Kẻ xâm lược chẳng những đã bẻ cong sự thật mà còn muốn đời đời lưu truyền câu chuyện về “thành quả” xâm lược bằng các khu tưởng niệm. Nỗ lực của chúng ta trong việc làm sáng tỏ lịch sử và minh định chủ quyền đã đủ chưa?
Tokyo, 19/1/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét