Trang 9 của Khung Chiếc lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có đề cập đến Việt Nam. Photo White House
Một tài liệu được Nhà Trắng giải mật hôm 12/1 cho thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á mà Washington muốn thúc đẩy hợp tác về an ninh trong chiến lược một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở với mục tiêu kìm tỏa Trung Quốc. Tài liệu này được xem là tiền đề cho các chính sách và hướng dẫn xuyên suốt của chính phủ Hoa Kỳ trước sự bành trướng của Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố tài liệu có tiêu đề Khung Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (sau đây gọi là Khung Chiến lược) hôm 12/1. Tài liệu này được hình thành trong đầu nhiệm kỳ của ông từ năm 2017, trong đó khái quát tất cả những hướng dẫn mà Washington đã và đang thực hiện trong suốt ba năm qua đối với khu vực có dân số và nền kinh tế năng động nhất thế giới. Cuối năm 2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Trump đã hé lộ về chính sách này, trước khi ông phê chuẩn vào tháng 2/2018.
Tài liệu dài 10 trang, trong đó có một ít chỗ bị bôi đen, nêu bật các thách thức an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trước sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, và trình bày các chính sách, hướng dẫn cụ thể để đối phó với Bắc Kinh.
Ngoài việc thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng với các đồng minh và đối tác trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, và Đài Loan, chính quyền của Tổng thống Donald Trump còn hướng dẫn cách tiếp cận đối với khối ASEAN bằng cách “làm nổi bật vai trò trung tâm của ASEAN như một thành phần cốt lõi của chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.”
“Tăng cường quan hệ của chúng ta với Singapore, Malaysia, Việt Nam, và Indonesia,” tài liệu viết, “nhằm thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Đông Nam Á và ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực và đồng hành cùng khối này trong việc đưa ra tiếng nói thống nhất về các vấn đề chính.”
Trong một tuyên bố đề ngày 5/1 và được công bố hôm 12/1 về việc giải mật Khung Chiến lược này, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien cho biết Khung Chiến lược đã hướng dẫn sự phát triển của nhiều chính sách và kế hoạch dưới khung, nêu rõ cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với các vấn đề cụ thể về tầm quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa, chẳng hạn như Phương pháp Tiếp cận Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Khung chiến lược của Hoa Kỳ để đối phó với bành trướng kinh tế của Trung Quốc, Kế hoạch chiến dịch của Hoa Kỳ để chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế và những vấn đế khác.
“Cùng với các tài liệu khác, Khung Chiến lược này đã hướng dẫn các hành động cho toàn bộ chính phủ Hoa Kỳ để thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực, bao gồm chủ quyền, tự do hàng hải và hàng không, có đi có lại trong thương mại và đầu tư, tôn trọng quyền cá nhân và pháp quyền, và tính minh bạch,” thông cáo của Cố vấn An ninh Quốc gia viết.
Ông O’Brien viết: “Tại Đà Nẵng, Việt Nam, vào năm 2017, trong chuyến công du dài nhất đến khu vực này trong hơn một phần tư thế kỷ của một Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã đúc kết một chính sách, cùng với tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Abe, kêu gọi một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.”
Khu vực này, theo Tổng thống Trump, “là một nơi các quốc gia có chủ quyền và độc lập, với nền văn hóa đa dạng và nhiều giấc mơ khác nhau, tất cả đều có thể cùng nhau thịnh vượng, và phát triển trong tự do và hòa bình.”
Theo ông O’Brien, việc giải mật Khung Chiếc lược này cho thấy sự minh bạch, cam kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Hoa Kỳ coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là “một chòm sao quốc gia tuyệt đẹp, mỗi quốc gia đều có vệ tinh, ngôi sao sáng - và mỗi ngôi sao là một quốc gia, một nền văn hóa, một lối sống, và một ngôi nhà,” thông cáo dẫn lời ông Trump phát biểu tại Việt Nam năm 2017.
Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) hôm 13/1 cho biết tác giả chính của Khung Chiến lược này là Cố vấn An ninh Quốc gia lúc bấy giờ, H.R. McMaster, và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) phụ trách châu Á Matt Pottinger, người sau đó trở thành Phó Cố vấn An ninh Quốc gia.
Việc giải mật tài liệu này diễn ra vào lúc chính quyền Trump sắp mãn nhiệm, một tuần trước khi Tổng thống Đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Giáo sư Rory Medcalf viết trên trang của ASPI rằng ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu này “thường mang tính phòng thủ: không nhằm mục đích cản trở mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, mà là để “ngăn chặn các chính sách công nghiệp và hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc vì họ làm méo mó thị trường toàn cầu và gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.”
“Vẫn có sự thừa nhận về sự cần thiết phải “hợp tác với Trung Quốc khi có lợi cho các lợi ích của Hoa Kỳ”, mặc dù điều này rất mơ hồ, cho nên chính quyền của Tổng thống Đắc cử Joe Biden sẽ có thể nhận ra một số thông tin cụ thể từ lúc ban đầu cho các phép thử thận trọng trong quan hệ đối tác [Mỹ-Trung]”, ông Medcalf nhận định.
“Các nhà quan sát có tính hoài nghi thì có thể hiểu rằng việc công bố chiến lược ngay lúc này, trong bối cảnh quá trình chuyển đổi đang gặp khó khăn, là một trò chơi hiển nhiên cho sự liên tục của chính sách.”
Giáo sư Medcalf viết: “Sở dĩ có như vậy là vì xuất hiện lo ngại rằng chính quyền của ông Biden có thể chưa quyết tâm lắm trước thách thức và nỗ lực thống trị của Trung Quốc - hoặc thực sự có hình thành một ý tưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không, ít nhất là trong một biến thể “Tự do và Rộng mở”, giữa lúc vẫn còn đó lời kêu gọi đoàn kết trong khu vực chống lại thế lực bá quyền của của Trung Quốc.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét