Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

4087 - Cuộc khủng hoảng mang tên Trump: Ngũ quyền phân lập

Thể chế tam quyền phân lập, báo chí độc lập và quần chúng được quyền biểu đạt ôn hòa, luôn giữ cho Hoa Kỳ cân bằng quyền lực. Tất cả bị nhốt trong cái lồng Hiến pháp có từ thời lập quốc “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng mang tên Trump đang tới đỉnh điểm.

Nhánh Lập pháp – Thượng viện và Hạ viện, quyền lực thứ 1

Bà Nancy Pelosi tuyên bố vừa gửi “tối hậu thư” cho Mike Pence có 24 tiếng xem xét việc kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Trump. Nếu không sẽ tiến hành luận tội.

Hạ viện do Dân chủ kiểm soát, kiên quyết không bỏ qua việc TT Trump đứng sau vụ bạo loạn tấn công vào Capitol Hill, dù chỉ còn 10 ngày nữa Trump rời nhiệm sở. Không có chuyện như ông ta nói hồi tranh cử năm 2016, Trump có thể ra đại lộ số 5 ở New York bắn chết người nhưng vẫn vô tội.

Tuy nhiên, Hạ viện trình lên cần có Thượng viện đồng ý với 2/3 số phiếu. Mà Thượng viện do Cộng hòa kiểm soát (52-48) nên Dân chủ cần ít nhất 18 TNS Cộng hòa đồng ý. Hiện mới có 2 người tuyên bố Trump nên từ chức.

Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell trước đó đã gửi bản ghi nhớ cho các nghị sĩ, chỉ ra quy trình Thượng viện sẽ tiến hành nếu Hạ viện thông qua các điều khoản xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump sau vụ bạo loạn ở quốc hội.

Theo McConnell, kịch bản có khả năng xảy ra nhất nếu Hạ viện luận tội Trump trong 12 ngày tại nhiệm cuối cùng của ông là Hạ viện sẽ thông báo cho Thượng viện về hành động này vào ngày 19/1, khi các thượng nghị sĩ làm việc trở lại sau kỳ nghỉ.

Khi đó, Thượng viện sẽ yêu cầu lãnh đạo Hạ viện trình bày những điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump ngay trong ngày. Quy tắc luận tội của Thượng viện yêu cầu Thượng viện “phải xúc tiến quá trình xem xét” các điều khoản luận tội sau khi được lãnh đạo Hạ viện nêu lên, bắt đầu từ 13h ngày tiếp theo.

Do đó, phiên tòa xem xét bãi nhiệm Trump ở Thượng viện sẽ chỉ bắt đầu một giờ sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào 12 giờ trưa 20/1. Quả bóng được đá sang cho chính quyền mới.

Phe Dân chủ sẽ bị mang tiếng luận tội và phế truất… nguyên TT, nghe quen quen. Lập pháp mà có hai nhánh nhỏ (Thượng viện và Hạ viện) quản lý lẫn nhau. Gọi là quyền lực tối cao nhưng cũng bị nhốt bởi cái lồng Hiến pháp.

Nhánh Hành pháp – Chính phủ, quyền lực thứ 2

Các nguồn thạo tin cho hay, Pence sẽ không loại trừ việc kích hoạt tu chính án này, nhưng trong trường hợp “Tổng thống trở nên bất ổn hơn”.

Từ hôm thứ 4 (6/1) tới nay (10/1), Pence và Trump không nói chuyện với nhau. Người biểu tình từng vào nhà Quốc hội hò hét “Mike Pence, Mike Pence”, tìm để treo cổ ông, do Pence không chịu lật ngược kết quả bầu cử như Trump muốn.

Tuy đang là Tổng thống quyền lực nhưng trong bối cảnh hiện nay, Trump là con tin của Pence. Chỉ cần Pence lên tiếng, họp chính phủ, trong một nốt nhạc, Tổng thống sẽ phải rời nhiệm sở.

Như vậy, Trump làm gì cũng phải nghĩ cho kỹ. Giờ mà véo von hơi bị liều.

Tư pháp – Tòa án, quyền lực thứ 3

Chưa kiện tụng nên tòa ngồi xem. Ngọa sơn quan hổ đấu – Nhớ là ngọa sơn… ngủ nhé, bao giờ có kiện thì ông tỉnh, mở Hiến pháp ra xem và có tiền.

Báo chí – Quyền lực thứ 4

Báo chí thuộc tư nhân nên bên nào câu views được nhiều sẽ giầu. Họ sẽ dựa vào tình hình đấu đá để đưa tin sao cho người đọc thích xem, thích nghe, quảng cáo nhiều hơn, túi họ nhiều tiền hơn. Period.

Mạng XH và quần chúng nhân dân – Quyền lực thứ 5

Dân số Mỹ khoảng 328 triệu trong đó 239 triệu người có quyền đi bầu, khoảng 66.1% trong số này đã tham gia bầu cử, tương đương với 158 triệu. Biden được 81 triệu, Trump được 75 triệu (*), còn lại 3 triệu cho hai ứng viên độc lập là Jo Jorgensen và Howie Hawkins. Suy ra còn 81 triệu ba phải.

[(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Theo kết quả của hầu hết các hãng tin công bố, trong đó có Fox News, Trump chỉ được 74.223.755 phiếu (không phải 75 triệu như ông ta nói), Biden được 81.283.495 phiếu].

Trong khảo sát gần đây, sau vụ tấn công Capitol, có 57% đồng ý bãi nhiệm Trump trong khi có 43% không đồng ý. Lực lượng quần chúng ủng hộ, phản đối, ba phải, tương đương nhau (33-33-33) trong vụ khủng hoảng mang tên Trump.

Trump có thể kêu gọi biểu tình hợp pháp vào ngày 17-1 hoặc đúng hôm Biden nhậm chức. Nhưng quần chúng cũng nghĩ kỹ, theo đuôi dễ lợi bất cập hại… Pence đang muốn chức Tổng thống vào 2024, nên trong bối cảnh nguy hiểm này, Trump khơi mào bạo loạn sẽ giúp Pence kiếm phiếu nhưng Pence sẽ cho Trump vô tù.

Quân đội và cảnh sát đâu?

Họ thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Tuy dưới quyền của TT nhưng không phục vụ quyền lợi chính trị của TT. Họ sẽ đứng ngoài cuộc tranh giành quyền lực. Hơn nữa cuộc họp Quốc hội hôm 6/1 đã tuyên bố, Biden là TT hợp hiến từ 12 giờ trưa ngày 20-1. Mọi nỗ lực phản thùng được coi là vi hiến.

Mới hay, thể chế tam quyền phân lập thêm 2 quyền lực báo chí và quần chúng luôn giữ cho Hoa Kỳ cân bằng quyền lực. Tất cả bị nhốt trong cái lồng Hiến pháp có từ thời lập quốc “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét