Nhiệm kỳ của Donald Trump sẽ chính thức chấm dứt khi ngày 20 tháng Giêng, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Chỉ còn 9 ngày nữa nhưng đảng Dân Chủ liên tiếp các nỗ lực truất quyền và luận tội tổng thống của Donald Trump vì trách nhiệm trong vụ bạo loạn ở nhà Quốc Hội đồi Capitol hôm 06/01 vừa qua nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Hôm qua, 10/01, bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số cho biết sẵn sàng trong những ngày tới tiến hành những hành động buộc tổng thống mãn nhiệm phải rời khỏi quyền lực trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trong đó gồm cả thủ tục luận tội tổng thống sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol.
Bà Nancy Pelosi, thông báo cụ thể, hôm nay 11/01 Hạ Viện sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép cách chức tổng thống khi bị đa số thành viên chính phủ đánh giá không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ. Nếu ông Mike Pence không đáp ứng đòi hỏi trên, lãnh đạo Hạ Viện cho biết phe Dân Chủ đã sẵn sàng trình văn kiện luận tội Donald Trump theo thủ tục phế truất tổng thống. Theo văn bản luận tội đã được các dân biểu Dân Chủ soạn thảo, tổng thống Trump bị cáo buộc « có những tuyên bố cố ý khuyến khích những người ủng hộ tràn vào chiếm nhà Quốc Hội ». Dân biểu Ted Lieu của đảng Dân Chủ cho biết thêm, văn kiện đã được ít nhất 180 nghị sĩ ký, đồng thời ông khẳng định Donald Trump đã « gây nguy hiểm nghiêm trong cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và các định chế chính quyền ».
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố : « Để bảo vệ Hiến Pháp và nền dân chủ, chúng ta phải hành động khẩn cấp, bởi vì vị tổng thống này là mối đe dọa tức khắc với cả Hiến Pháp và nền dân chủ » của nước Mỹ .
Như vậy quyết tâm của bên thắng cuộc rõ ràng là đối thủ phải bị hạ đo ván trước khi màn đấu khép lại. Tuy nhiên giới phân tích chính trị Mỹ đều nhận thấy các nỗ lực của đảng Dân Chủ không thể có kết quả tức thì như mong muốn. Nếu vận dụng Tu chính án 25 thì phó tổng thống Mike Pence phải có được sự ủng hộ của đa số thành phần nội các hiện nay. Trong khi đó, những người còn lại trong chính quyền Trump lúc này đều là những người được coi là trung thành nhất. Những người bất đồng với tổng thống từ sau vụ đồi Capitol thì đã từ chức. Cho đến giờ Mike Pence dù không còn gần gũi với tổng thống Trump nhưng chưa tỏ dấu hiệu nào mặn mà với đề xuất mà đúng hơn là sức ép từ phía Dân Chủ, vì lo ngại đến hệ hụy cho đảng Cộng Hòa.
Còn thủ tục luận tội phế truất tổng thống, thì đòi hỏi nhiều thời gian cho dù đã cắt ngắn, không qua khâu điều tra. Lãnh đạo đa số của phe Cộng Hòa hiện tại ở Thượng Viện Mitch McConnell đã cho biết các thủ tục này chỉ có thể được xem xét sau ngày Joe Biden tuyện thệ nhậm chức 20 tháng Giêng.
Những nỗ lực muốn phế truất ngay lập tức Donad Trump hầu như đều không có cơ hội đạt được. Vậy phải chăng những động thái của đảng Dân Chủ chỉ mang tính biểu tượng, để khẳng định thể chế dân chủ Mỹ vẫn còn vững mạnh ?
Cũng không hẳn là như vậy. Theo tính toán của phe Dân Chủ, sau ngày Joe Biden chính thức bước Nhà Trắng thì cũng là lúc đảng Dân Chủ nắm đa số tại lưỡng viện Quốc Hội, các thủ tục luận tội Doanld Trump có nhiều khả năng được thông qua, khác với lần luận tội đầu tiên bị Thượng Viện, khi đó phe Cộng Hòa chiếm đa số, bác bỏ hồi tháng 2/2020. Nếu phe Dân Chủ đi đến đích thì Donald Trump, dù không còn là tổng thống, cũng có « tiền án ». Điều này ngăn chặn Donald Trump quay trở lại chính trường, như ông đã không giấu ý đồ cách đây ít lâu.
Đó là về lâu dài, trước mắt động thái của phe Dân Chủ được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như là đòn áp lực với các nghị sĩ Cộng Hòa, buộc họ phải tỏ lập trường. Vô hình chung phe Cộng Hòa sẽ bị phân hóa giữa ủng hộ và chống Trump làm rạn nứt thêm đảng. Donald Trump có thể sẽ bị cô lập hơn, không còn có thể làm thêm điều « khó lường » nào nữa, ít nhất từ nay đến ngày chuyển giao quyền lực.
Tuy nhiên, nhiều người thuộc đảng Dân Chủ lo ngại những nỗ lực vô hiệu hóa Donald Trump sẽ càng khoét sâu thêm rạn nứt đoàn kết quốc gia, gây khó khăn cho Joe Biden lãnh đạo đất nước tới đây.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đang dần khép lại, giống như khi bắt đầu, một cách không bình thường. Nước Mỹ lại một lần nữa đếm ngược từng ngày dài cho đến 20 tháng Giêng với hy vọng không có điều tồi tệ nào xảy ra thêm sau vụ bạo lực ở đồi Capitol. Nhưng những rạn vỡ chính trị, xã hội và nền dân chủ Mỹ vẫn còn tồn tại lâu dài như một thách thức cho nhiệm kỳ của Joe Biden.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét