Không học thêm, không vượt qua được các kỳ thi.
Mới vào lớp Một, trẻ em sau một học kỳ đã buộc phải đọc thông, viết thạo. Đọc hiểu được 9 môn học bắt buộc và 14 đầu sách tham khảo. “Học nhanh để còn học các môn khác” là chủ trương của Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết mà bà Nguyễn Thị Hạnh, người phát ngôn của ông Thuyết biện bạch trong vụ sách giáo khoa vừa rồi.
Nói là cải cách với chủ trương “chuyển truyền thụ tri thức sang phát triển năng lực”, nhưng sự nhồi nhét càng ngày càng khủng khiếp hơn. Từ Chương trình 2000 trở đi, sự nhồi sọ đã gia tăng lên cấp số nhân so với trước. Một vài ví dụ về các môn học chính.
Môn Tiếng Việt và Ngữ văn, lẽ ra ở trình độ phổ thông, học sinh học tiếng Việt và tiếp cận văn bản văn học để sử dụng cho mục đích nghe, nói, đọc, viết, đằng này trẻ phải học như một nhà nghiên cứu ở trình độ đại học. Học đủ loại tri thức từ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp các loại. Nhiều loại ngữ pháp mà trình độ tiến sỹ như tôi cũng chưa cần như ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học…
Học sinh rơi vào một thứ ma trận hùm bà lằng trong sự phân loại bất nhất mà sách giáo khoa yêu cầu. Ở sách lớp 7 có dạng bài tập phân loại ngữ pháp với cái ma trận mà trình độ tiến sỹ như tôi cũng bị loạn não. Còn đọc hiểu văn bản, lẽ ra văn bản chỉ là phương tiện để học sinh trải nghiệm sống và trải nghiệm sáng tạo thì toàn là câu hỏi vụn vặt, máy móc, chồng chéo câu trước với câu sau, thậm chí có những câu hỏi ngu ngơ để học sinh trả lời xong thì thấy mình ngu ngơ hơn. Và môn này cũng khoe đủ loại kiến thức tầm đại học như thi pháp học, tự sự học.
Tôi vốn là học sinh giỏi toán, nhưng bó tay với những bài toán ở trung học cơ sở chứ chưa nói ở trung học phổ thông. Có những bài toán lớp 7, lớp 8, tôi mang cho giảng viên đại học giỏi có tiếng giải giúp, anh ta giải suốt một buổi gần 4 tiếng chưa ra. Tôi hỏi, vậy thì sao trẻ em làm được? Anh ta bảo phải học thêm. Tôi lại hỏi, người dạy thêm ở phổ thông chắc chắn không giỏi hơn anh thì làm sao giải ra? Anh ta bảo, người ta dạy theo bài mẫu, tức người ra đề đã giải mẫu, học sinh không hiểu thì học thuộc!
Các môn học khác cũng tương tự. Không học thêm thì không thể vượt qua các kỳ kiểm tra và thi. Những kiến thức gì có ở đại học thì người ta ném hết xuống phổ thông bất luận “đảm bảo tính vừa sức” trong nguyên lý giáo dục. Ban đầu tôi những tưởng đám giáo sư, tiến sỹ làm sách giáo khoa khoe chữ, khoe kiến thức. Nay mới hiểu người ta tạo áp lực cho cả một bộ máy giáo dục làm tiền. Một nền giáo dục đua nhau làm tiền thì nhân dân bị vắt chày ra nước và con em chúng ta thì không ngu ngơ cũng điên loạn.
Báo VTC gần như đổ lỗi cho giáo viên. Theo tôi, lỗi từ đứa chủ trương “học phí thấp thì không thể có chất lượng cao”, tiếp đến là đội ngũ biên soạn chương trình và sách giáo khoa. Tội ác này đến lúc phải phán xử một cách sòng phẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét