Hiệp hội ASEAN là một tác nhân then chốt trong chính trị đối ngoại tại Đông Nam Á. Thế nhưng, trong bối cảnh cần đoàn kết chặt trước áp lực của các đại cường bên ngoài, thì một nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore, hồi hưu, gây ra cơn bão ngoại giao, gợi ý ASEAN trục xuất Cam Bốt và Lào vì đã « cho phép » một cường quốc, ám chỉ Trung Quốc, can thiệp vào đường lối của hiệp hội.
Vì sao Cam Bốt và Lào bị chiếu cố ? Liệu « trục xuất » có phải là giải pháp tối ưu hay trái lại ?
Từ nhiều ngày qua, hàng loạt trang mạng chuyên đề ở châu Á, từ Asia Times, Nikkei Asian Review, The Diplomat và hôm nay đến lượt ASEAN Today nhập cuộc để tìm hiểu vì sao cựu đại sứ Singapore Bilahary Kausikan, chuyên gia của viện địa chiến lược ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đặt vấn đề tín nhiệm Phnom Penh và Vientiane.
Trong cuộc hội thảo trực tuyến của ISEAS-Yusof Ishak ngày 27/10/2020, Bilahary Kausikan, người từng là nhân vật số hai của bộ Ngoại Giao Singapore cho là Cam Bốt và Lào đã gián tiếp ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đồng ý là hai thành viên này « bị khó khăn trong quyết định » nhưng nếu họ chọn sai thì họ đặt ASEAN vào thế chọn lựa khó khăn theo. Nếu thế, thì tốt hơn hết là nên « cắt đứt » hai thành viên này để cứu tám nước còn lại.
Cam Bốt, chủ tịch luân phiên năm 2012, đã cản trở ASEAN ra thông cáo chung chỉ vì có đoạn nói đến tranh chấp tại Biển Đông.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề trục xuất thành viên được đặt ra trong ASEAN. Trước đây, vấn đề Miến Điện cũng đã được nêu lên thời quân đội cầm quyền. Cũng không phải là lần đầu tiên Cam Bốt là Lào bị nghi kỵ. Năm 2007, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng từng nói với Mỹ là ASEAN đã sai lầm khi cho Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt và Lào gia nhập sớm, đặc biệt là Cam Bốt với chế độ « bị Hun Sen cá nhân hóa » (Wikileaks 2010)
Cùng quan điểm này, Bilahary Kausikan cũng cho rằng Cam Bốt và Lào hoàn toàn không ý thức là quyền lợi riêng của mỗi nước gắn liền với quyền lợi chung của khu vực.
Vấn đề là khó có thể, nếu không muốn nói là không thể trục xuất được hai thành viên này
Trên Asean Today ngày 17/11/2020, nhà báo Umair Jamal nêu ra ba lý do.
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, cần phải có đồng thuận của cả hiệp hội. Ít có cơ may Thái Lan và Miến Điện, vì không có quyền lơi ở Biển Đông, đồng ý.
Thứ hai, mất đi hai thành viên, ASEAN hết còn ý nghĩa bản sắc Đông Nam Á, không chắc có một chính phủ nào chấp nhận tương lai này.
Và thứ ba, trục xuất một thành viên vì nước đó theo một chính sách ngoại giao đặc thù không phải là quyết định có lợi. Hiệp hội ASEAN đã nỗ lực rất nhiều để tạo được thế trung lập với các siêu, đại cường đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Mỗi thành viên cũng cố gắng bảo vệ quyền lợi quốc gia bằng thỏa thuận thương mại song phương hay hữu hảo với lân bang. Do vậy, trách Cam Bốt thân Bắc Kinh thì cũng có thể trách một thành viên khác thân Mỹ. Nhưng khó hơn nữa, nếu tuân theo lối suy luận này, ASEAN phải bỏ hết những thiên hướng riêng để xây dựng một chính sách chung từ an ninh cho đến thương mại và đối ngoại.
Nhưng dù không thực hiện, sự kiện nêu lên khả năng trục xuất cũng là mối nguy hiểm cho ASEAN.
Theo nhà báo Umair Jamal, tuyên bố của nhà cựu ngoại giao Sigapore được đưa ra vào lúc Trung Quốc và Mỹ gia tăng tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Và Trung Quốc rất hiệu quả trong thủ đoạn khai thác nhược điểm để chia rẽ ASEAN. Hiệp Hội Đông Nam Á càng chia rẽ thì Bắc Kinh càng có lợi.
Do vậy, Trung Quốc càng mạnh thì ASEAN càng phải vững chắc.
Trước những lời công kích của nhà ngoại giao Singapore, chính phủ Cam Bốt qua trang mạng chính thức Fresh News phản đối một cách lợi hại, cáo buộc ngược lại: Bilahary Kausikan và viện địa chiến lược ISEAS-Yusof Ishak « làm việc cho ai ? ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét