Ngày 03/11/2020, cử tri Mỹ sẽ lựa chọn Donald Trump hoặc Joe Biden để làm vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Trận chung kết của hai đối thủ Cộng Hòa và Dân Chủ lần này đặc biệt lôi cuốn sự quan tâm của người Mỹ. Giới thể thao Mỹ vốn không mấy quan tâm đến chính trị giờ đang huy động tích cực, để tiếng nói của họ được lắng nghe trong kỳ bầu cử tổng thống lần này.
Suốt nhiệm kỳ tổng thống Mỹ vừa qua, không thể nói quan hệ giữa ông Donald Trump và giới thể thao Mỹ là một dòng sông phẳng lặng. Trái lại mối quan hệ đó đã bị rạn vỡ ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống. Tháng 12 năm 2016, trước một trận bóng đá Mỹ, khi hai đội thi đấu làm thủ tục hát quốc ca, chào cờ, cầu thủ Colin Kaepernick đã quỳ một đầu gối xuống đất để tỏ thái độ phản kháng về các vụ bạo hành cảnh sát đối với người da đen. Hành động của cầu thủ đó đã khiến ông Donald Trump vừa mới đắc cử tổng thống nổi đóa, tung ra những lời sỉ vả nặng nề nhằm vào cầu thủ và cả đội bóng đã ủng hộ anh.
Không lâu sau đó, Lebron James, một ngôi sao khác của thể thao Mỹ cũng công khai tỏ thái độ chống lại tổng thống tỷ phú. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN năm 2018, cầu thủ nổi tiếng làng bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA đã nói thẳng Donald Trump là người gây chia rẽ chủng tộc. Ngay lập tức tổng thống Trump với bản tính bốp chát có sẵn đã đáp trả rằng cả người phỏng vấn và được phỏng vấn đều là « những kẻ ngu dốt ».
Đó là hai thí dụ điển hình cho thấy sự rạn nứt giữa làng thể thao Mỹ với vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng. Nhà sử học về Mỹ, Nicolas Matin-Breteau, thuộc Đại học Lille, Pháp nhận định : « Không có vị tổng thống Mỹ nào trước Doanld Trump lại chia rẽ với giới thể thao như thế. Đây là vị tổng thống gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau cuộc Nội chiến. Theo tôi, ông ta có khẩu khí dữ dằn chưa từng có trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ, khi ông nhằm trực tiếp và công khai vào các vận động viên thể thao, như trường hợp ông làm với Colin Kaepernick ».
Ở một xã hội đa chủng tộc như Hoa Kỳ, vấn đề chủng tộc biểu hiện rõ nét nhất trong giới thể thao. Chuyên gia thể thao, Trần Văn Mui, tại Houston, Texas phân tích :
Chuyên gia Trần Văn Mui - Texas, Hoa Kỳ
"Những rạn vỡ giữa ông Donald Trump và các vận động viên dấy lên từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông không hề được hàn gắn mà chỉ ngày càng sâu rộng thêm, nhất là khi nổ ra các sự kiện phân biệt đối xử với người da màu, chuyện muôn thuở của xã hội đa chủng tộc như ở Hoa Kỳ.
Động tác quỳ một gối xuống đất của Colin Kaepernick cách đây 4 năm giờ đã thành hành động biểu tượng cho việc đòi quyền bình đẳng của người Mỹ da đen. Nhất là từ hồi tháng 5 /2019 xảy ra vụ người Mỹ gốc Phi George Floyd bị chết nghẹt vì cảnh sát bắt giữ thô bạo. Ngay sau đó phong trào Black Lives Matter đấu tranh vì quyền của người da đen ra đời, lan rộng làm bùng lên các cuộc biểu tình bạo động khắp nước Mỹ. Các liên đoàn thể thao nhà nghề Mỹ cũng vào cuộc ủng hộ cuộc đấu tranh chống bạo hành cảnh sát. Làng thể thao Mỹ càng dấn thân hơn vào chính trị đến mức ngày càng tỏ đối đầu với chính quyền Trump. Ông Trần Văn Mui nhận định :
"Gần đến cuộc bầu cử tổng thống, các liên đoàn thể thao ở Mỹ càng hoạt động tích cực. Các liên đoàn bóng rổ NBA, bóng đá Mỹ NFL, bóng chày MLB hay MLS, giải vô địch quốc gia bóng đá tìm mọi hình thức huy động đông đảo người hâm mộ của họ tham gia bỏ phiếu, các vận động viên thể thao Mỹ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe qua lá phiếu bầu. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng sự huy động của giới thể thao Mỹ có thể đóng vai trò như cơ hội để ghi điểm trong một trận đấu, còn biến cơ hội thành bàn thắng thì lại một chuyện khác. Trận chung kết Trump-Biden cũng có yếu tố bất ngờ không khác gì những trận đấu thể thao thực sự."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét