Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

5175 - “Chiến Lang” Trung Quốc lại lên tiếng đe dọa Mỹ và đồng minh

Trọng Nghĩa RFI
Ảnh minh họa: Ba nghị sĩ dân chủ Hồng Kông Khải Địch (Eddie Chu), Trần Chí Toàn (Ray Chan) và Hứa Trí Phong (Ted Hui) - từ trái sang phải - trên đường ra tòa tại Hồng Kông ngày 19/11/2020. AP - Vincent Yu

Bầu cử Mỹ và Covid-19 tiếp tục khuấy động thời sự trong tuần. Trong tạp chí thế giới đó đây hôm nay, RFI sẽ mời quý thính giả dừng chân tại Hoa Kỳ để rà soát lại những thời điểm cần chú ý sắp tới đây trong tiến trình bầu cử tổng thống, sau đó đi xuôi xuống khu vực châu Mỹ Latinh để xem Cuba mở cửa lại đón du khách như thế nào vào thời Covid-19 hoành hành. Riêng tại châu Á, vào lúc Mỹ đang bận tâm về vấn đề bầu cử, các chiến lang của ngành ngoại giao Trung Quốc đã lại lên tiếng dọa nạt Mỹ và các đồng minh.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 19/11/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng phản đối nhóm Ngũ Nhãn, tiếng Anh là Five Eyes - liên minh tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand - là đã “can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc”.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản ứng như trên nhằm đáp trả tuyên bố chung ngày 18/11 của ngoại trưởng nhóm "Ngũ Nhãn", tố cáo Trung Quốc vi phạm cam kết, nghĩa vụ quốc tế khi cho phép bãi nhiệm 4 nghị sĩ đối lập Hong Kong.

Lời lẽ của nhân vật được mệnh danh là Chiến Lang này rất thộ bạo khi ông cảnh báo là nhóm này sẽ bị “chọc mù mắt” nếu gây hại cho Bắc Kinh. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình :

Chiến Lang của ngành ngoại giao Trung Quốc lại cắn trở lại, và lời lẽ của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, đã phản ánh thái độ bực tức  của các nhà lãnh đạo Cộng Sản trước những gì bị coi là một đợt tấn công cuối cùng từ chính quyền Trump.

Tuyên bố mới nhất của nhóm « Ngũ Nhãn » chỉ trích việc các nghị sĩ đối lập ở Hong Kong bị tước quyền đã chọc tức chính quyền Bắc Kinh. Liên minh mang tên tiếng Anh « Five Eyes » tức là « Năm Con Mắt bao gồm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada, còn đi xa đến mức yêu cầu Bắc Kinh lùi bước.

Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đe dọa : « Cho dù quý vị có bao nhiêu mắt, năm hay mười con mắt, thì cũng nên cẩn thận kẻo bị móc đi và trở thành mù lòa, khi gây hại cho lợi ích, chủ quyền, an ninh và sự phát triển của Trung Quốc ».

Phát ngôn viên này nói tiếp : « Người Trung Quốc không bao giờ gây rắc rối và không sợ bất cứ điều gì ».

Ăn miếng trả miếng, không có gì phải sợ hãi : Liếc qua các bài xã luận và trang ý kiến gần như là mỗi ngày một bài trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo là thấy ngay là guồng máy tuyên truyền Trung Quốc đang nỗ lực nã pháo vào các đồng minh của Mỹ, để buộc họ hòa hoãn hơn khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

Các tranh biếm họa cũng như vậy, chẳng hạn như các bức vẽ một con gấu trúc Trung Quốc gan dạ đối mặt với một con kangaroo Úc đeo găng tay đấm bốc, một con rối trong tay Chú Sam đang dẫn đồng minh bé nhỏ của mình đến bờ vực.

Những lời lẽ cay nghiệt trên đây rất hợp tại dư luận bên trong Trung Quốc, nhưng lại gây lo ngại ở ngoài nước. Một cuộc khảo sát gần đây nơi 20.000 người từ 13 quốc gia châu Âu cho thấy quyền lực mềm của Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm.

Chính quyền Hồng Kông lại bắt giữ ba cựu nghị sĩ dân chủ

Riêng tại Hồng Kông, hôm 18/11, 3 cựu nghị sĩ đã bị bắt do đã tham gia gây náo loạn ở Nghị Viện vào mùa xuân, nhằm đẩy lùi việc thông qua một văn kiện trừng phạt mọi hành vi xúc phạm quốc ca và quốc kỳ Trung Quốc. Đối lập tố cáo một chính phủ ngày càng độc tài vào lúc mà không còn nghị sĩ đối lập nào ở Nghị Viện sau vụ từ nhiệm hàng loạt của phe đối lập.

Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy, cho biết thêm chi tiết:

Hứa Trí Phong (Ted Hui), 38 tuổi, Khải Địch (Eddie Chu), 43 tuổi, và Trần Chí Toàn (Ray Chan), 48 tuổi, 3 cựu nghị sĩ đối lập, năng động và được lòng dân, đã bị truy tố về tội « lăng nhục » và vì đã « ném ra những chất độc hại với mục đích gây thương tích, gây hại hay bực tức ». Họ đã phải ra trình diện tòa án vào trưa thứ Năm 19/11 vừa qua. Những tội danh này có thể dẫn đến bản án 3 năm tù giam.

Vào cuối tháng Năm, các nghị sĩ nói trên họ đã đổ một hợp chất pha trộn cây thối và phân bón lỏng vào trong phòng họp Nghị Viện, làm hoen ố thảm trải, và theo cảnh sát, còn « làm rối loạn tinh thần » chủ tịch Nghị Viện Lương Quân Ngạn (Andrew Leung). 

Nghiêm trọng nhất việc phiên họp bị ngưng và phải dời sang một phòng khác và bộ luật trừng phạt việc xúc phạm quốc ca và quốc kỳ Trung Quốc rốt cuộc cũng được thông qua.

Cho đến giờ những vụ ấu đả, xô xát ở Nghị Viện Hồng Kông đều được xem như trò vui không quan trọng, dù đáng tiếc nhưng được dung thứ. Cách cư xử của một số nghị sĩ thân Bắc Kinh cũng không phải là không đáng bị chê trách. 

Thế nhưng khi nghị sĩ đối lập Trần Chí Toàn kiện một nghị sĩ thân Bắc Kinh đã nắm cổ áo lôi ông dưới đất trên nhiều mét, thì đơn kiện này không được tiếp nhận. 

Nghị sĩ Hứa Trí Phong đã tố cáo một chế độ độc tài, còn Văn Phòng Liên Hiệp Châu Âu tại Hồng Kông đã bày tỏ nỗi lo ngại và cho biết theo dõi sát sự vụ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn xác nhận kết quả

Tại Hoa Kỳ, thời sự nổi bật vẫn là những diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, với các nỗ lực của tổng thống Donald Trump để phủ nhận chiến thắng của ông Joe Biden đã được dự báo là thắng cử với 306 phiếu đại cử tri, so với 232 phiếu của ông Trump.

Cho đến lúc này, các cố gắng của tổng thống Mỹ đều không thấy đạt kết quả, và rất nhiều đơn kiện chống lại kết quả bầu cử mà ban vận động tranh cử của ông đệ trình tại các bang gọi là “then chốt”, nơi mà ông bị thua sát nút, đã bị bác bỏ vì thiếu chứng cứ.

Song song với các đơn kiện phe Dân Chủ gian lận bầu cử, tổng thống Trump và giới thân cận còn được cho là đang khuyến khích giới chức thuộc đảng Cộng Hòa ở các bang then chốt ngăn chặn việc xác nhận kết quả bỏ phiếu, tạo điều kiện cho các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa tại các bang đó can thiệp vào và chỉ định các đại cử tri sẽ bầu cho ông Trump, thay vì chọn các đại cử tri ủng hộ ông Biden, người chiếm đa số phiếu bầu.

Công việc này cho đến giờ cũng không mấy thành công trong bối cảnh sắp đến lúc các bang mà ông Trump muốn đảo ngược kết quả bỏ phiếu phải xác nhận kết quả cuộc bầu cử.

Bang đầu tiên phải xác nhận là Georgia. Vào đúng hạn chót hôm 20/11, bang này đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden, dù chỉ hơn ông Trump hơn 12.000 phiếu bầu. Ông Trump có hai ngày để yêu cầu kiểm phiếu lại, nhưng theo giới quan sát, ông khó có khả năng vượt qua được ông Biden.

Bang thứ hai là Michigan sẽ phải xác nhận kết quả hôm 23/11. Tại bang này, ông Biden dẫn trước ông Trump với 146.000 phiếu. Tuy nhiên công việc chứng thực có thể có vấn đề, vì ủy ban xác nhận bao gồm hai người thuộc đảng Dân Chủ và hai người thuộc đảng Cộng Hòa. Các ủy viên Cộng Hòa có thể làm giống như hai ủy viên thuộc đảng Cộng Hòa trong ban xác nhận ở cấp hạt trước đó, thoạt đầu đã từ chối xác nhận viện lẽ bầu cử không trung thực, trước khi thay đổi ý kiến dưới sức ép của dư luận.

Tại bang Pennsylvania, ngày 23/11 là hạn chót để các hạt xác nhận kết quả bầu cử, và người chịu trách nhiệm xác nhận ở cấp tiểu bang – thuộc đảng Dân Chủ - được cho là sẽ nhanh chóng tiến hành việc chứng thực.

Ngày 24/11 đến lượt bang Nevada xác nhận kết quả, và sau đó 1 tuần, ngày 30/11 là bang Arizona, và ngày 01/12 là bang Wisconsin.

Nếu mọi việc suôn sẻ, các bang sẽ tiến hành chỉ định đại cử tri, và vào ngày 14/12, ngay tại bang của mình, 538 người sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ, kết quả sẽ chuyến lên Quốc Hội Mỹ để kiểm vào ngày 6/1/2021, và đến ngày 20/01/2021, tổng thống mới sẽ nhậm chức.

Cuba mở cửa đón du khách cho dù chưa hết dịch Covid-19

Vào lúc số liệu về các ca nhiễm Covid-19 cao ngất ngưởng ở Châu Âu cũng như ở nhiều nước châu Mỹ, Cuba đã nổi bật là một điểm son với một chính sách chống dịch hiệu quả đã được Tổ Chức Y Tế Thế giới xác nhận.

Trong số 12 quốc gia bị tác hại nặng nhất, có đến 6 quốc gia ở châu Mỹ, với riêng châu Mỹ Latinh chiếm 31% số ca tử vong vì Covid-19.  Thế mà Cuba chỉ bị 7.639 ca nhiễm trên tổng số hơn 11,2 triệu dân và 131 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh đó, để cứu nền kinh tế, chính quyền La Habana đã quyết định mở cửa đón du khách sau 7 tháng tự cô lập. Dấu hiệu điển hình là việc mở cửa sân bay quốc tế La Habana kể từ ngày 15/11/2020. Thông tín viên RFI Domitille Piron tại Cuba ghi nhận:

Sân bay José Marti của La Habana đã sẵn sàng cho tình trạng "bình thường mới". Đây là cách người Cuba gọi tình huống thích nghi với sự hiện diện của virus corona. Khi đến sân bay, tất cả các du khách đều được xét nghiêm PCR, và phải trả 30 đô la chi phí.

Du khách sau đó sẽ phải cách ly trong vài ngày, theo giải thích của Bác sĩ Duran, phụ trách giám sát dịch bệnh trong nước:

« Một khách du lịch khi vào đất nước chúng tôi, sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR thêm một lần nữa vào ngày thứ năm, bởi vì có khả năng là virus chưa được phát hiện hôm mới nhập cảnh, và đến ngày thứ năm mới xuất hiện. Vì vậy du khách sẽ phải hạn chế đi lại trong 5-6 ngày. »

Cuba đã mở lại biên giới với một thủ tục y tế nghiêm ngặt vì đất nước này cần du khách sau hơn 8 tháng đóng cửa, nhưng không thể đứng vững được nếu để xẩy ra khủng hoảng y tế.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bị các lệnh trừng phạt của Mỹ tác hại nặng nề, Cuba đã lại phải đối mặt với dịch bệnh trong khi đang bị khủng hoảng kinh tế, nên cần dựa vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét