Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

5152 - Đảng ta – Đảng chính mình

Nguyễn Thùy Dương


Câu “được Nhân dân tin yêu và coi Đảng ta là Đảng của chính mình” khiến nhiều người khó hiểu. Tôi cũng rất khó hiểu, ở đây, dĩ nhiên tôi chỉ phân tích trên góc độ ngữ pháp Văn học và gửi gắm vài câu hỏi cá nhân. 

Ngày 18/11/2020, trong buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày kỉ niệm truyền thống Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đọc một bài phát biểu. Trong đó, có một đoạn như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo xã hội và đất nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với dân tộc, được nhân dân tin yêu và coi Đảng ta là Đảng của chính mình”.

Về ngữ pháp, câu nói ấy khẳng định Nhân dân tin yêu Đảng Cộng sản Việt Nam vì Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với dân tộc. Vậy lấy cái gì bảo chứng cho lòng trung thành? Và cái gì bảo chứng cho niềm tin? Nếu một bên thiếu trung thành thì bên kia có được quyền thiếu niềm tin không?

Ai cũng biết “niềm tin” là phạm trù tư tưởng có thể thay đổi, có thể biến đổi, có thể có niềm tin khác tốt đẹp hơn. Duy chỉ có “đức tin” là vĩnh hằng, tuy nhiên, đức tin dành cho tôn giáo, xưa nay, người ta chỉ nghe Hồi giáo, Công giáo, Bà La Môn giáo có ai nghe nói Đờ giáo chưa? Nếu đã không phải là tôn giáo cực đoan thì không có điều lệ nào ép buộc người ta không được nghi ngờ, không được đặt vấn đề, không được nghĩ theo chiều hướng khác. Nên nhớ, chỉ có tôn giáo cực đoan mới quản lý tư tưởng của tín đồ một cách cuồng loạn mà thôi.

Là Tổng bí thư đứng đầu đảng của một đảng lãnh đạo xã hội và đất nước, lại là dân chuyên văn nên tôi chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng nói không sai. Nếu ông Trọng nói không sai thì Bộ Công an nên coi lại điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015 vì pháp luật chỉ có thể quy định, sử phạt về hành vi phạm tội đối với việc chống phá chính quyền Nhân dân nhưng pháp luật không thể dùng để khống chế suy nghĩ niềm tin, tư tưởng về đường lối. Nếu có thì nó là của tôn giáo với các giới Luật bảo vệ tôn giáo. Điều 117 quy định thiếu rõ ràng về hành vi chống lại chính quyền Nhân dân, xuyên tạc, gây mất niềm tin… Nó khiến cá nhân tôi nghi ngờ khi người ta đóng lồng nhốt tư duy.

“… được Nhân dân tin yêu và coi Đảng ta là Đảng của chính mình” như vậy thể hiện rõ, Đảng phải tận tụy, lắng nghe dân mới “được” dân tin yêu. Vậy khi lắng nghe, lời lẽ của dân không êm dịu, đảng viên cũng phải có tấm lòng cầu thị, hết sức gần gũi hay báo công an bắt dân tội xuyên tạc, gây mất niềm tin?

“… Đảng ta…” là đảng CSVN? Vậy bài phát biểu này là dành cho đảng viên hay sao? Khi ông Trọng, tâm sự với MTTQ về thành quả của “Đảng ta”, vậy vẫn tồn tại sự phân biệt dù dân “coi” Đảng ta là Đảng của chính mình? Nó làm tôi liên tưởng đến câu “đứa trẻ mồ côi đó rất hiếu thuận nên được cha mẹ nuôi tin yêu và coi như con đẻ nhưng bản chất nó vẫn là con ghẻ. Và nó được tin yêu vì việc nó đã hiếu thuận?

Bắt đầu thấy rối chưa? Chứ tôi là tôi không phân biệt được đường lối của Đảng với đạo của Đảng rồi đó. Vì đường lối có thể đúng, có thể sai, có quyền phản biện, quyền nghi ngờ, quyền suy luận để nhận phản hồi xây dựng. Còn tôn giáo là cấm cãi, nếu bạn muốn bạn ra đạo đi, mà nếu đó là quốc đạo thì sau khi ra đạo bạn ở đâu? Có bị xử tội chống phá tôn giáo dân tộc hay không?

Khó hiểu thiệt sự, mình trằn trọc khó hiểu không chịu được nên viết lên đây. Biết đau có ai thông tuệ giải thích dùm mình, hay biết đâu người anh cả 10B Nguyễn Gia Thiều mời mình lên bàn luận văn chương khai sáng dùm mình thì sao.

Rồi cơ quan công an có quy bài này vào tội xuyên tạc, làm lung lạc niềm tin của Nhân dân vào Đảng không vậy? Thật sự mình không biết lấy gì cân niềm tin khi nhiều cô chú từng là đảng viên ra đảng để định cư xứ giãy chết quá?

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/11/21/dang-ta-dang-chinh-minh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét