Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

5144 - Trồng cây lan man truyện




Hôm 10 (tháng 11) vừa rồi, trên diễn đàn quốc hội, trước các nghị viên, cũng tức là trước quốc dân đồng bào, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất trong vòng 5 năm tới, cả nước cần trồng 1 tỉ cây xanh.Xin lưu ý rằng 1 tỉ cây. Lâu nay cứ nghe nói tới tỉ là khiếp. Lớn quá, nhiều quá.

Người thật giàu mới được phong danh hiệu tỉ phú. Thực ra tỉ hồi xưa thôi, chứ bây giờ tỉ chả là cái đinh gì. Ở nông thôn, bán sào vườn bỗng chốc thành tỉ phú, có tiền tha hồ đánh đề, hết thì kéo nhau ra phố làm thuê. Tham nhũng, thất thoát mỗi vụ “đạt” tới nghìn tỉ, công trình đội vốn nghìn tỉ là chuyện thường, chuyện… nhỏ. Không tin cứ hỏi đảng và chính quyền thủ đô về con rắn xi moong Cát Linh - Hà Đông thì rõ ngay. Trồng 1 tỉ cây, duyệt. Đừng thắc mắc, làm khó thủ tướng.

Thế sao tự dưng lại đòi trồng cây? Mới sang đầu đông, đã có tí hơi hướng xuân xiếc gì đâu mà cắm với trồng. Chẳng qua tại đồi núi trọc lốc hết, mưa vài trận sạt lở ầm ầm, đổ nhà, chết người, sực nghĩ đến cây. Tại không có cây, nên phải gấp rút trồng, trồng 1 tỉ cây, may còn kịp trong cuộc chạy đua với tạo hóa.

Nghe thủ tướng giục trồng cây, lại nhớ hồi xưa hay được nghe câu cụ Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”, ai cũng thấm thía, khen nức nở, sao cụ dạy khéo thế, ý nghĩa thâm trầm sâu xa thế. Thì kính yêu idol là khen thôi, thực ra câu ni đã có bản quyền từ thời xa tít tắp. Nó của Quản Trọng, viên quan nổi tiếng nước Tề thời Chiến quốc cách nay gần 3.000 năm. Trong sách Quản Tử, ông ta chỉ bày: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc/Chung thân chi kế mạc như thụ nhân” (Mưu tính cho 10 năm, chi bằng trồng cây/Kế sách trọn đời, chi bằng trồng người”. Một đời người, theo quan niệm xưa là 100 năm, bách niên, người ta thường chúc bách niên giai lão, hoặc sống lâu trăm tuổi. Cụ nhà ta cũng mượn nhời người xưa mà dạy thôi, chứ không phải của cụ. Cái nào bản quyền cụ thì được xác nhận rồi, ví dụ thánh chỉ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đố ai dám bảo không phải, cũng chả ai dám tranh giành, bởi nó được khắc hẳn bằng chữ vàng trong lăng. Nhời ấy, hậu sinh mới thực hiện được một phần ba, còn đang cố gắng tăng tỷ lệ, nếu thêm được chữ “quý” nữa thì tốt.

Nhớ hồi còn bé, trong sách tập đọc có bài Cây tre Việt Nam của nhà báo Thép Mới, mở đầu rằng “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý”. Một đất nước thanh bình luôn gắn với màu xanh. Thiên nhiên đã ưu đãi cho xứ sở mình cỏ cây tươi tốt 4 mùa nhưng không vì thế mà con người chỉ nên tận hưởng. Đã có thời gian dài chính quyền lấy lý do khai hoang, mở kinh tế mới cho phép vô tư phá rừng, đốn hạ cây cối. Coi rừng là rừng hoang, đã hoang thì tha hồ phá, cứ thế hủy diệt màu xanh, tàn hại môi trường sinh thái mà không nghĩ hành động đó chả khác nào vác dao tự chặt chân mình. Những vụ thiên tai lũ lụt, sạt lở đất xảy ra vừa rồi ở dải miền Trung là ví dụ cụ thể, sinh động và đau xót nhất.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét