VietTuSaiGon
“Ông Trọng: ‘MTTQ phải làm tốt công tác tuyên truyền, không mị dân!’. Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có phát biểu như vừa nêu hôm 18-11-2020 trong buổi kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ‘Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mị dân’, ông Trọng nhấn mạnh.
Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn phát ngôn của lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam hiện nay đặc biệt lưu ý với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Mặt trận các cấp phải trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân và "không mị dân", bởi "chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn của lịch sử". Ông Trọng cũng mong muốn Mặt trận luôn là nơi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết, nơi mọi người có thể xóa bỏ những hiềm khích trong lịch sử, chấp nhận những khác biệt về quan điểm miễn là không trái với lợi ích của dân tộc, cống hiến cho sự phát triển của đất nước”. (Trích nguồn RFA)
Đến nay, việc đặt câu hỏi “ngày đại đoàn kết toàn dân” có vô cảm, mị dân không? Cũng có nghĩa là đang hỏi đến đến một vấn đề gốc rễ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mị dân và vô cảm không? Vì ngày hội đại đoàn kết toàn dân là do Mặt Trận tổ quốc Việt Nam đứng ra tổ chức vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường niên, điều này như một đặc trưng của tổ chức này. Và, khi đặt câu hỏi này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn, thiên tai, đói kém… lại cho ra câu trả lời: Đây là một kiểu mị dân và vô cảm. Nó hoàn toàn đi ngược với cái điều gọi là Đoàn Kết. Vì sao?
Chỉ riêng chuyện kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi năm đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng, riêng năm 2020, mỗi thôn được cấp từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng, mỗi xã được cấp từ 20 triệu đồng tới 25 triệu đồng để tổ chức ngày đại đoàn kết. Mà Việt Nam có bao nhiêu xã, bao nhiêu huyện, bao nhiêu tỉnh, cấp huyện và tỉnh được cấp bao nhiêu? Đây chỉ mới là kinh phí tổ chức hoạt động cho ngày này, chưa kể tới kinh phí cho cán bộ duy trì hoạt động, gọi là tiền phù đạo, rồi các khoản chi bất thường, chi khi thiên tai, các khoản kêu gọi, vận động từ người dân. Cộng tất cả những con số này lại, số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) gần như rất mờ nhạt, đến hẹn lại lên. Đối với người dân, dường như họ chỉ xuất hiện ở ngày gọi là đại đoàn kết toàn dân. Họ xuất hiện ra sao?
Để đón cái ngày ấy, cán bộ đi phát thư hoặc bắc loa mời người dân đến nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa khối phố để “dự gặp mặt”, chương trình dự gặp mặt gồm ngồi nghe các báo cáo mà đảm bảo không có người nào hiểu được đang nghe cái gì và cũng chẳng mấy người biết được, tin được độ thật giả của các báo cáo này, hầu hết chỉ mong nói cho nhanh, vào chương trình chính (ca hát, ăn nhậu, cụng ly, say lại về). Nói chính xác hơn là cái ngày “đại đoàn kết toàn dân” chẳng có chi khác ngoài việc bà con xóm làng cùng ngồi lại, nghe những người của MTTQ nói năm điều bảy chuyện, sau đó tiêu thụ một lượng bia, rượu, thịt và hát karaoke với nhau, chơi những trò chơi theo kiểu bày trò của những quản trò đám cưới, xong lại đi về, ngủ một giấc. Cái chính ở đây là được ăn uống, nhậu miễn phí. Chẳng có gì khác!
Vì mọi hoạt động của MTTQ không có gì hơn ngoài khuấy động phong trào, mà phong trào gì cũng không rõ rệt cho mấy nên chủ yếu là khuấy động phong trào rượu bia, ca hát để tiêu thụ cho hết kinh phí trung ương rót về. Về phía người dân, hằng ngày cũng có ăn nhậu, nhưng bây giờ đi nhậu miễn phí, nhậu chính qui, có nhà nước mời, miếng của làng bằng sàng thịt chợ là vậy! Cả đời sống riêng biệt, lép vế, chẳng dám ăn dám nói, bây giờ trong cái ngày này, cũng bá vai, quàng cổ cán bộ, cụng ly, mời mọc, được cán bộ đến thăm hỏi… Dù sao thì cũng được an ủi chút đỉnh, bù cho những ngày lủi thủi kiếp dân đen!
Và, trong lúc này, sau gần một năm dài dịch họa, thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống người dân cả ba miền, đặc biệt dân miền Trung vừa trải qua thiên tai, nhân họa chết người, mọi thứ tan hoang như vậy, một bữa ăn nhậu gọi là đại đoàn kết toàn dân nghe có vẻ như một cú xả xui, một bữa ngồi lại với nhau để cùng hô hào vượt khó… Nhưng trên thực tế, một bữa ăn uống, rượu thịt như vậy liệu có xóa được nỗi mất mát? Đặc biệt, ăn uống, cụng ly, ca hát giữa lúc đồng loại đang đói khổ, mất nhà cửa, tang tóc, lầm than như vậy có phải là đoàn kết? Có phải là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”?
Không, hoàn toàn không phải như vậy, dường như thiên tai chồng thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ và vô cảm chồng vô cảm. Người ta có thể nguyền rủa, sỉ vả hoặc lên án những kẻ, những nhóm, những đám đông ăn chơi, nhảy múa, hưởng lạc trong lúc đồng bào, đồng loại đang đau khổ, nhưng người ta đâu có dám nói gì về cái bữa ăn nhậu, múa hát nhân danh một ngày lễ, nhân danh một điều gì đó có tính nhân văn, cao cả như là “đại đoàn kết” được! Hoặc là người ta không dám nói, bởi đây là bữa ăn nhậu chính qui, có cấp phép, cấp kinh phí. Kỳ thực, đây cũng là đỉnh điểm của vô cảm, hay nói khác đi là một sự khốn nạn có giấy phép, có sự đồng thuận và chống lưng của đảng lãnh đạo.
Và đâu đó, khi đã được nhậu chính qui thì người ta cũng vui vẻ tìm cách bày ra những bữa nhậu không chính qui, cũng ăn uống, hát hò nhân cái gọi là đại đoàn kết này, các cụm, các xóm, các nhóm… tha hồ tổ chức, khuấy động phong trào “đại đoàn kết”, người ta nhanh chóng quên đi khó khăn, quên đi nỗi đau, quên đi những gì mình phải trả giá cho các nhóm lợi ích, các tư bản đỏ. Ai sống chết thây kệ, ta cứ nhậu, cứ ăn uống, hát hò, để thêm đoàn kết!
Cái sự đoàn kết quái gở này xuất hiện đầy rẫy trên dải đất hình chữ S này, và càng đau khổ người ta càng đoàn kết, càng đoàn kết thì lượng rượu bia càng được tiêu thụ nhanh chóng, càng đau khổ, đoàn kết thì càng nhanh lâm vào nợ nần quán xá, càng nhanh đổ vỡ gia đình do ăn nhậu mà ra… Cuối cùng, dường như MTTQ chỉ làm đúng một việc đến hẹn lại lên, lại kêu gọi, hô hào đại đoàn kết. Trong những ngày thiên tai, bão lũ, cũng kêu gọi nhân dân đóng góp để mua thịt heo, mua mì tôm đi cứu trợ. Nhưng hiện tại, các hủ thịt muối để cứu trợ đang bày bán đầy rẫy trên thị trường, mì tôm thì chất đầy cơ quan, tiền của dân đã thu xong, giờ các cán bộ đang từ từ, rỉ rả tới các quầy kí gởi để lấy tiền bán thịt muối… Mọi thứ đều có tính phong trào và cũng chẳng có mấy ai vì dân, vì lòng nhân ái. Hay nói khác đi, đây là một sự xảo trá, mị dân, đẩy con người đến chỗ mụ mị, vô cảm.
Đó là chưa muốn nói tới hiệu ứng lây lan của cái đại đoàn kết này trong những ngày tới, các nhóm phụ huynh, các trường cũng hè nhau tổ chức ăn nhậu, vừa có cái gọi là tri ân nhà giáo, lại vừa thêm đại đoàn kết! Mọi thứ lại đâu vào đó, nhậu, tiêu thụ rượu bia, ăn uống, hò hát… múa lửa lắc vòng…!
Có lẽ, sau một trận bệnh dài, cái điều mà ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ngộ ra được, đó là lâu nay, cánh tay nối dài của đảng đã không những không làm gì được ngoài việc gây tốn kém ngân sách mà còn làm trái pháp luật nhiều thứ và mị dân. Lời nhắc của ông cũng là một kinh nghiệm xương máu của người hết lòng cống hiến cho đảng, cho lý tưởng Cộng sản và cho tham vọng quyền lực. Để rồi, những thứ ông nhận được là đi không vững, phải diễn bộ khỏe mạnh, phải cố gắng cầm cự với quyền lực để rồi phải thấy rằng công cuộc lâu nay của mình cùng đám đàn em, tính chân thực thì ít mà tính mị dân thì nhiều!
Nguồn:
VietTuSaiGon's blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét