Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

5121 - RCEP và Việt Nam trong lúc Mỹ lùi Trung Quốc tiến tới

  • TS. Đinh Hoàng Thắng
RCEP
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết Hiệp định RCEP trực tuyến được thực hiện tại Hà Nội hôm 15/11/2020

Hiệp định "Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực" (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020 là thoả thuận mậu dịch tự do "khủng" nhất. Nó ra đời đúng lúc có nhiều biến động và xáo trộn về chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, liệu RCEP có giúp Việt Nam giải quyết được bài toán nhập siêu từ Trung Quốc và từ một số đối tác ngay trong khối hay không, thì chưa thể xác quyết.

Sức nóng của hậu bầu cử Mỹ năm nay đã lấn át một phần các hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và Cấp cao Đông Á (EAS-15), từ 11 đến 15 tháng này. Trong khuôn khổ ấy, 10 nước Đông Nam Á và 3 đối tác Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Australia và New Zealand, đã ký Hiệp định RCEP thì Mỹ lại dường như bị gạt ra ngoài cơ chế liên kết khu vực.

Trước mắt, RCEP chưa hẳn đã là một thoả thuận lý tưởng nhất vừa được ký kết, nhưng cũng không phải là một hiệp định tồi tệ. Ít nhất ở hai khía cạnh. Thứ nhất, các tập đoàn và các công ty toàn cầu sẽ bắt đầu nghĩ về châu Á như một "thị trường cuối" phù hợp với họ. Các cơ sở kinh doanh và sản xuất sẽ tái cơ cấu hoạt động nhằm hướng tới thị trường bao trùm 1/3 dân số thế giới.

Thứ hai, vượt xa các thoả thuận thương mại trong khuôn khổ "ASEAN+1", từ nay ASEAN giành thêm được quyền tiếp cận thương mại hàng hoá từ các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc đơn giản hoá và hợp nhất các quy tắc từ nhiều FTA khác nhau quả là "nhất cử lưỡng tiện". Ngoài việc sử dụng các FTA độc lập hiện có, các nước ASEAN có thể yêu cầu quyền tiếp cận thị trường theo RCEP.

Mỹ lùi, Trung Quốc tiến

RCEP
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Với RCEP được ký kết, Trung Quốc đã có một "bước tiến", trong khi Hoa Kỳ "lùi" ở khu vực, theo tác giả

Trong vòng hai năm nay, ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là thoả thuận lớn thứ hai không có Mỹ. Phải chăng Mỹ lùi thì Trung Quốc tiến? Rồi đây, nếu Washington vẫn chỉ đóng vai trò "quan sát viên" đối với cơ chế hợp tác kinh tế hay an ninh khu vực, thì liệu RCEP có trở thành bước ngoặt cho các mối bang giao đầy trắc trở của cả Đông Nam Á lẫn Đông Á với Trung Quốc?

Ở chiều ngược lại, tâm lý bồn chồn về tương lai vẫn còn ngự trị. Liệu RCEP và hiệu ứng của BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) sẽ là "cái dây thòng lọng" thắt cổ các nước thành viên một khi các thoả hiệp trong 8 năm đàm phán nhằm che đậy các động cơ trái ngược nhau trong quá trình đi đến đồng thuận, sẽ trào lên và dẫn đến xung đột không thể điều hoà?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hiệp định RCEP "là niềm tự hào, là thành quả to lớn". Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại thời điểm Hiệp định ra đời, vẫn bày tỏ quan ngại, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác cùng cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…

Đáng chú ý hơn, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm 17/11 về dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại Nam Định quê hương ông, khi nói tới những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, ít nhất là trên mặt báo, đã không nhắc gì đến sự kiện ký kết RCEP trong khuôn khổ Cấp cao ASEAN-37.

Phải chăng khác với những lần tham gia các định chế quốc tế lớn trước đây, kỳ này Việt Nam phần nào tỏ ra thận trọng hơn? Các tờ báo của Nhà nước không chạy xã luận "rung trời", coi gia nhập RCEP là "thắng lợi vẻ vang". Bởi vì, vẫn còn đó những quan ngại, với thể chế dễ bị cac nhóm lợi ích thao túng, Việt Nam có tận dụng được các cơ hội do EVFTA, CPTPP và RSEP mang lại hay không.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI mới đây đã nói với BBC rằng, thực sự bà tiếp cận thông tin về RCEP với cảm giác nửa mừng, nửa lo và có lẽ lo còn lớn hơn mừng. Bởi vì một mặt, Hiệp định có thể mang lại một số lợi ích cho Việt Nam và cũng vì có lợi ích nhất định cho nên Việt Nam mới tham gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
BBC/GETTY

Chụp lại hình ảnh,

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra lo nhiều hơn mừng về RCEP mà Việt Nam vừa ký kết

Nhưng mặt khác, RCEP cũng có thể nảy sinh một số vấn đề. Một trong những vấn nạn ấy là: Việt Nam hiện đang vươn lên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với một vị trí tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế và nhất là giúp tăng cường hội nhập, để thoát ra khỏi vị thế phụ thuộc quá nặng vào một số đối tác khổng lồ. Vậy tham gia RCEP liệu có giảm bớt các động lực của Việt Nam, liệu vì những lợi ích trước mắt, Việt Nam có lơ là những cố gắng dài lâu hơn?

Hy vọng mong manh

Le lói một niềm hy vọng mong manh khác, RCEP rồi ra sẽ có tác động như một lực kiềm chế ở một mức độ nào đó đối với Trung Quốc. Nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ phải dè chừng hơn trong các hành động của mình trên Biển Đông, Biển Hoa Đông. Bắc Kinh không thể "múa gậy vườn hoang", vì sẽ bị chế tài bởi lợi ích do Hiệp định mang lại. Biết đâu, sau RCEP họ càng không ngưng nghỉ tạo hình ảnh mới về mình đối với các nước trong khu vực.

Nhưng Bắc Kinh đã không hề kiềm chế!

Ngay khi RCEP chưa ráo mực, ngày 16/11/2020, bản tiếng Anh của "Nhân dân Nhật báo Trung Quốc" đã đăng tải tấm ảnh đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, kèm thông báo Bắc Kinh "đang tập trận trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cấm ngặt tàu bè qua lại".

Và như một cảnh báo không thể kịp thời hơn, ngày 16 và 17/11/2020, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế 2 ngày về Biển Đông lần thứ 12, với chủ đề: "Duy trì hòa bình và ổn định trong giai đoạn hỗn loạn", cũng chỉ rõ: Năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng dịch bệnh để tăng cường các hoạt động phi pháp trên biển, cụ thể, nhân cơ hội các nước tập trung chống dịch Bắc Kinh đã thúc đẩy các tham vọng ở Biển Đông.

Một vấn đề nóng bỏng khác được đề cập tại cuộc Hội thảo nói trên liên quan đến chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là "Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc". Điều bất trắc ở đây là Dự luật này có thể quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách một cách trái với UNNCLOS 1982 trên Biển Đông.

RCEP
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Lễ ký kết được thực hiện qua mạng với sự chứng kiến của nhiều quan chức hàng đầu, lãnh đạo chính phủ các nước tham gia RCEP

Cấp cao Đông Á, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn chiến lược hàng đầu trong vùng, là nơi các lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết như thế khi phát biểu khai mạc EAS-15.

Nhưng "Tuyên bố Hà Nội" tại EAS-15 lại không đề cập gì cụ thể đến Biển Đông. Các tranh chấp ác liệt, đặc biệt tăng cao bất thường trong năm nay với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch, đã không được nhắc đến. Tuyên bố chỉ nói chung chung rằng các quốc gia thành viên sẽ tăng cường các hành động thực tiễn và phối hợp toàn diện trong những lĩnh vực ưu tiên nhằm ứng phó đối với các thách thức cùng quan tâm.

Sự mềm mỏng nói trên là sách lược trong thời điểm nhất định hay đấy là sự điều chỉnh chính sách của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong kỷ nguyên Biden đang tới? Liệu tới đây, thi thoảng Việt Nam chỉ còn nhắc tới "Bộ tứ" như một giấc mơ thoảng qua, hay tiếp tục kiên trì xây đắp bộ khung an ninh tập thể theo hướng "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở " (FOIP). Chừng nào BRI vẫn như một "vạn lý trường thành" xuyên các lục địa thì "QUAD" vẫn còn đất sống.

Chú ý không khí bữa tiệc

Dư luận cho rằng, giữa tâm trạng hưng phấn được kích hoạt bởi sự kiện RCEP, cả chủ nhà lẫn các lãnh đạo EAS-15 đã không muốn nhắc lại những điều rất khắc nghiệt trên Biển Đông trong năm đang khép lại với nhiều khả năng sang năm tới còn khắc nghiệt hơn. Vả lại, tại Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, cả Việt Nam, Philippines cũng đã liên thủ thúc đẩy hồ sơ Biển Đông.

Thực tế mọi người đều biết, trong khi Mỹ muốn "đối đầu" và "ly thân" với Trung Quốc, thì các cuộc tập trận tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm qua vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn Trung Quốc thao túng Đông Nam Á và hành xử với Biển Đông như cái ao nhà của họ.

Mỹ
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho thấy Sắc lệnh rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi ông ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 23/01/2017

"Cái gậy và củ cà-rốt" của Trung Quốc tỏ ra lưỡng dụng. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục thọc sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam như chỗ không người, mặt khác, Bắc Kinh vừa qua đã hạ cố "tuyên dương" Hà Nội trong vài trò chủ tịch ASEAN đã dẫn dắt khối ASEAN kết thúc đàm phán RCEP.

Trung Quốc là vậy. Khen hôm nay, chê ngày mai. Là thoả thuận liên quan đến địa-chính trị và địa-kinh tế, tương lai RCEP tuỳ thuộc vào cách 14 nền kinh tế thành viên và Trung Quốc sẽ điều chỉnh để thích nghi lẫn nhau trong khuôn khổ khối thương mại lớn nhất hành tinh. Ngược lại nếu ban lãnh đạo Bắc Kinh không tiết chế, RCEP dễ trở thành "con dao hai lưỡi", "lợi bất cập hại". Đến lúc ấy thì chính Trung Quốc cũng khó trở thành "ngư ông đắc lợi" trong tương lai!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu các vấn đề Phát triển (VIDS).

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54994272

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét