Đảng CSVN xác định công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ (ảnh chụp ở Bình Thuận, 10/6/2018)
Với tỷ lệ đa số trên 60%, các đại biểu Quốc hội Việt Nam hôm 17/11 bày tỏ “không đồng ý” chuyển việc cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông-Vận tải sang Bộ Công an, cũng như cho rằng “không cần thiết” phải xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Qua quan sát mạng xã hội, VOA nhận thấy nhiều người dân hoan nghênh động thái của các đại biểu quốc hội gạt đi hai chủ trương bị coi là phục vụ lợi ích của ngành công an.
Các báo, trang tin trong nước bao gồm cả Thanh Niên, Lao Động, Tuổi Trẻ và Zing News đưa tin rằng 321 đại biểu Quốc hội (gần 67% tổng số đại biểu) chọn phương án “không chuyển” chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông-Vận tải sang Bộ Công an.
Về sự cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có 290 đại biểu Quốc hội (xấp xỉ 61%) chọn phương án "chưa cần thiết", vẫn báo chí Việt Nam tường thuật.
Thảo luận về dự luật kể trên, tướng quân đội Sùng Thìn Cò, đại biểu tỉnh Hà Giang, nói: “Lực lượng công an xã có lịch sử 70 năm xây dựng, trưởng thành. Tuy nhiên luật Công an nhân dân có hiệu lực đã đưa lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng này đã hết. Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông”, theo trích dẫn trên báo chí trong nước.
Nhiều người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng việc Quốc hội Việt Nam gạt ra lề hai chủ trương nêu trên là tín hiệu tốt, đáng mừng cho đất nước. Họ khen ngợi Quốc hội có chính kiến sáng suốt và hợp lòng dân khi ngăn Bộ Công an trở thành siêu bộ.
Viết trên trang cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ và tiến bộ xã hội, đưa ra ý kiến: “Lực lượng công an là một nhóm lợi ích khổng lồ, nó còn muốn khổng lồ hơn nữa! Phải chặn nó lại!”
VOA cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Công an để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, một cựu thiếu tá an ninh Việt Nam, từng bị bỏ tù vì viết blog về các vấn đề dân chủ, tự do chính trị, có chung suy nghĩ rằng Quốc hội đã sáng suốt.
Nhận xét thêm với VOA, ông Vinh nói việc Quốc hội chặn hai chủ trương tăng thêm quyền và lực lượng cho công an là động thái “đặc biệt”.
Ông Vinh lưu ý rằng quyền lực của công an Việt Nam rất lớn với thực tế là ngày càng có nhiều người trải qua các vị trí lãnh đạo trong ngành công an rồi sau đó thăng tiến trong hệ thống đảng, chính quyền.
Nêu ra một số ví dụ về điều này, cựu tù nhân chính trị nay là nhà báo độc lập liệt kê ra các cái tên Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Trương Hòa Bình, Trần Đại Quang, Phạm Minh Chính, v.v... “Người dân gọi đó là sự công an hóa đảng và chính quyền”, ông Vinh nói.
Vì vậy, việc Quốc hội bác hai chủ trương được nêu ra là điều rất lạ, cựu thiếu tá an ninh đánh giá. Ông Vinh đưa ra nhận định vì sao các đại biểu Quốc hội làm như vậy:
“Phải chăng nhiều người sắp mãn nhiệm nên họ thể hiện rằng họ có bản lĩnh và quan điểm riêng. Hoặc cũng có thể ở cấp cao hơn của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chẳng hạn, có sự không đồng tình nên các đại biểu được bật đèn xanh”.
Cựu thiếu tá, cựu tù chính trị còn được biết đến với tên blogger Anh Ba Sàm bình luận với VOA rằng ngành công an cần nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ, sao cho số người giảm xuống và có nghiệp vụ giỏi hơn thay vì phình to ra.
Ở tầm lãnh đạo chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cần siết chặt việc các quan chức công an được giao các vị trí chủ chốt trong hệ thống đảng, nhà nước. Với hiểu biết lâu năm về công an, ông Nguyễn Hữu Vinh đưa ra phân tích:
“Cá nhân tôi thấy các vị ở trong ngành công an thiếu điều kiện đào tạo, học hỏi những kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, nhà nước. Khi các vị lên các vị trí lãnh đạo đảng, nhà nước, chắc chắn là các vị gặp bất lợi hơn những người được đào tạo bài bản, được cọ sát rất nhiều ở vị trí quản lý đó. Các vị chỉ có quyền hơn, người ta sợ các vị chứ không nể các vị”.
Blogger Anh Ba Sàm cho rằng không khó hiểu khi ngành công an “có vẻ đang bành trướng” trong nhiều lĩnh vực.
Ông khẳng định do đảng cộng sản tự cho mình có độc quyền lãnh đạo đất nước, họ cảm thấy không yên tâm về việc có thể duy trì quyền lực lâu dài, nên phải củng cố lực lượng bảo vệ thể chế mà trong đó công an có vai trò rất lớn.
“Đảng gọi công an là thanh bảo kiếm bảo vệ đảng”, ông Vinh nói, “Giờ đây họ càng có thêm quyền lực vì công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh”.
Nhưng có hai điều trớ trêu được đặt ra song các đại biểu Quốc hội và báo chí nhà nước “không dám” chất vấn, theo góc nhìn của cựu thiếu tá an ninh-blogger Anh Ba Sàm, đó là công an có thật sự chống tham nhũng hiệu quả không khi mà tham nhũng đã và đang tăng lên, và bản thân lực lượng công an có trong sạch, miễn nhiễm với tham nhũng không.
Một vấn đề khác liên quan đến quyền lực của công an là việc bộ nắm cả bộ phận an ninh lẫn bộ phận cảnh sát, ông Nguyễn Hữu Vinh chỉ ra.
Cựu sĩ quan an ninh nói số cán bộ, chiến sĩ an ninh hiện chiếm tới nửa lực lượng toàn ngành công an, với nhân sự “xuống tận hang cùng ngỏ hẻm của người dân”. Trong khi đó, ông Vinh so sánh rằng ở nhiều nước tiến bộ trên thế giới, an ninh-tình báo là lực lượng đặc biệt, không có số lượng nhân sự lớn.
Lấy riêng ví dụ mảng an ninh có tên là “bảo vệ văn hóa”, blogger Anh Ba Sàm khẳng định lực lượng này giám soát chặt chẽ giới văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, làm họ “sợ, ái ngại, bị kìm hãm sự phát triển trí tuệ, sáng tác, thấy bất an”.
Hệ lụy của việc giới văn nghệ sĩ, trí thức bị kiểm soát tư tưởng là họ không thể cho ra đời các sản phẩm văn hóa, tri thức lành mạnh, bỏ mặc cho các sản phẩm hạ cấp, rẻ tiền làm mưa làm gió trên mạng xã hội, trong khi đạo đức xã hội xuống cấp, ông Nguyễn Hữu Vinh nói với VOA.
Như vậy, cựu sĩ quan an ninh tích cực lên tiếng vì tiến bộ xã hội đề xuất rằng Đảng CSVN cần điều chỉnh cơ cấu của Bộ Công an, tách và tinh giản bộ phận an ninh, chuyển bộ phận này thành Ủy ban An ninh Tình báo (cấp tổng cục trực thuộc chính phủ).
Một đề xuất nữa của ông Vinh là việc đào tạo ra cán bộ, chiến sĩ công an - mà ông xem là gốc rễ - cũng cần cải tổ.
Từng là người trong ngành này, cựu thiếu tá an ninh nói với VOA: “Ở nhiều nước, họ tuyển những người trưởng thành để đào tạo thành cảnh sát hoặc nhân viên an ninh. Ở Việt Nam, người ta tuyển học sinh phổ thông rồi đào tạo thành công an. Việc dạy những học sinh ngây thơ về các thủ đoạn của ngành và gieo vào đầu họ ý thức rằng họ có quyền lực ghê gớm, điều đó thật là sai, thật phi lý”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét