Hiếu Chân/Người Việt
Thế là cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính của năm 2020 đã sắp kết thúc. Những lá phiếu đang được kiểm đếm, những con số xanh đỏ nhảy múa trên hàng triệu màn hình tivi khắp nước Mỹ và thế giới. Chỉ vài giờ nữa, mọi người đã biết được kết quả sơ bộ, tổng thống đương nhiệm Donald Trump hoặc đối thủ đảng Dân Chủ Joe Biden sẽ là ông chủ của Tòa Bạch Ốc trong bốn năm kế tiếp, kể từ ngày 20 Tháng Giêng, 2021.
Cho đến chiều tối 4 Tháng Mười Một, cuộc đua vẫn diễn ra rất gay go với số phiếu sít sao giữa hai ứng cử viên với lợi thế có phần nghiêng về ông Joe Biden của đảng Dân Chủ, dù ngay từ lúc rạng sáng Tổng Thống Trump đã tuyên bố chiến thắng trước những người ủng hộ ông trong Tòa Bạch Ốc.
Nhưng cho dù ai là người chiến thắng chung cuộc, cuộc bầu cử 2020 cũng đi vào lịch sử như là một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” phơi bày sự phân cực, chia rẽ của xã hội Mỹ. Chưa có cuộc bầu cử nào mà quan điểm và lựa chọn của cử tri đối lập nhau như nước với lửa như vậy. Đông đảo những người ủng hộ Tổng Thống Trump và những người ủng hộ cựu Phó Tổng Thống Joe Biden – cũng đông đảo không kém, hầu như không chia sẻ với nhau các quan điểm về cùng một vấn đề. Sự đối kháng nhiều khi diễn ra rất cực đoan, không ai chịu ai, thậm chí coi nhau như kẻ thù. Bạn bè từ mặt nhau, cả trong đời thực lẫn trên mạng xã hội. Con cái từ mặt cha mẹ chỉ vì mỗi bên chọn một ứng cử viên để “gửi niềm tin trong lá phiếu;” đến mức một người con hét vào mặt mẹ “bà không còn là mẹ của tôi nữa” như nhan đề một bản tin của hãng tin Reuters.
Cuộc bầu cử rồi sẽ đi vào quá khứ nhưng những vết nứt trong xã hội Mỹ vẫn sẽ tồn tại lâu dài và khó có thể hàn gắn được. Vì đâu nên nỗi?
Có người đổ lỗi cho Tổng Thống Donald Trump và cung cách điều hành đất nước của ông trong nhiệm kỳ bốn năm qua. Nhưng xét kỹ, những mâu thuẫn và chia rẽ trong xã hội Mỹ đã có gốc rễ từ rất lâu trước khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc, vấn đề là xử lý mâu thuẫn đó như thế nào.
Mọi tổ chức xã hội từ thời thượng cổ tới nay, từ Đông sang Tây, không xã hội nào không có những mâu thuẫn nội tại, từ đó dẫn tới chiến tranh liên miên giữa các bộ tộc, các vùng miền, các quốc gia. Xã hội càng phát triển, mâu thuẫn càng nhiều và càng gay gắt.
Nước Mỹ trước thời Trump đã tồn tại sự đối kháng về ý thức hệ giữa hai đảng chính trị Dân Chủ và Cộng Hòa, xung đột sắc tộc giữa người da trắng và người da màu, bất bình đẳng về kinh tế và tài sản giữa người giàu và người nghèo từng dẫn tới phong trào Chiếm Wall Street trong những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush.
Đối kháng và mâu thuẫn xã hội là tất nhiên nhưng không nhất thiết dẫn tới sự thù địch. Thế giới có hàng trăm quốc gia theo các chế độ chính trị khác nhau, các tín ngưỡng khác nhau và trình độ phát triển kinh tế khác nhau nhưng vẫn có thể “chung sống hòa bình” mà không nhất thiết phải tiêu diệt nhau trong những lò lửa chiến tranh.
Thể chế dân chủ có điểm cốt lõi là sự thỏa hiệp: dù bất đồng quan điểm đến mức nào thì các bên đều phải tìm tới những điểm tương đồng để hợp tác với nhau, vượt qua những điểm khác biệt để cùng tồn tại trong một môi trường tương đối ổn định. Các nhà khoa học chính trị đúc kết rằng, các nước theo chế độ dân chủ tự do hầu như không bao giờ tìm cách giải quyết mâu thuẫn bằng con đường chiến tranh bạo lực.
Theo nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama, những nền tảng của tư tưởng dân chủ đã được xác lập lần đầu tiên trong Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo; trong đó thỏa hiệp được đẩy tới đỉnh cao là sự bao dung, bác ái sẵn sàng chấp nhận những kẻ khác với mình về mọi phương diện – màu da sắc tóc, tiếng nói và sự giàu nghèo. Kinh Thánh nói, kẻ giàu ác đức vào cửa thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui vào lỗ kim, nhưng cũng nói nếu ta bị ai đó tát vào má phải thì hãy chìa má trái cho họ. Vì tất cả mọi sinh linh trên thế gian này đều là con cái của Đức Chúa Trời.
Bao dung là liều thuốc duy nhất chữa trị những mâu thuẫn, đối kháng vốn là đặc tính của xã hội loài người. “Tôi không đồng tình với những gì bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của bạn,” câu nói trứ danh được cho là của Voltaire (1694-1778), nhà văn, nhà tư tưởng tự do Pháp, phản ánh tinh thần bao dung và thỏa hiệp được vun trồng trong thể chế dân chủ khởi đầu từ Cách Mạng Pháp 1789.
Nhìn lại lịch sử, chỉ có chủ nghĩa Quốc Xã (Quốc Gia Xã Hội, Nazism) ở Đức và chủ nghĩa Cộng Sản mới cổ xúy bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xã hội thay cho sự bao dung. Chủ nghĩa Quốc Xã đề cao một dân tộc Đức thượng đẳng và để bảo toàn tính thuần khiết của dân tộc chống lại sự pha trộn của các sắc dân khác, Hitler đã không ngại làm cuộc diệt chủng tàn khốc, không chỉ tàn sát người Do Thái mà cả người dân các quốc gia bị Đức chiếm đóng. Chủ nghĩa Cộng Sản đề cao “tính giai cấp,” coi sự khác biệt về tài sản giữa người giàu (tư sản) và người nghèo (vô sản) là mâu thuẫn chính của xã hội, chỉ có thể giải quyết bằng “bạo lực cách mạng,” xóa bỏ quyền tư hữu, lấy của người giàu chia cho kẻ nghèo! Cả hai chủ nghĩa này, một cực hữu (Quốc Xã), một cực tả (Cộng Sản) đều chứng tỏ là những ý nghĩ điên rồ, hoang tưởng và tàn ác, đều đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử.
Nước Mỹ vẫn là ngọn hải đăng về dân chủ và tự do. Những người đấu tranh trên khắp thế giới đều nhìn thấy ở nước Mỹ mô hình tổ chức xã hội mà họ theo đuổi, những người nghèo khổ hoặc bị đàn áp đều tìm đến Mỹ để được an toàn trong vòng tay bao dung. Nhưng xã hội Mỹ trong bốn năm qua đã chứng kiến một sự đi xuống về tinh thần bao dung và thỏa hiệp, dẫn tới tình trạng chia rẽ và thù địch hiện nay.
Những rạn nứt của xã hội Mỹ đã có từ lâu, thỉnh thoảng lại bùng lên thành những phong trào đấu tranh đủ loại, nhưng xã hội dân chủ Mỹ chưa bao giờ là nơi “vô sản đoàn kết lại” làm cách mạng lật đổ “tư bản” cả. Tổng Thống Trump không phải là người gây ra những rạn nứt này, nhưng rất tiếc, trong bốn năm cầm quyền, những hành động và lời nói của ông đã kích thích sự chia rẽ trong các tầng lớp xã hội, chia rẽ giữa người da trắng và người da màu, giữa “công dân” và người nhập cư, giữa những “Trumpers” và “No-Trumpers.” Và dưới sự lãnh đạo của ông, cùng sự đồng thuận của đảng Cộng Hòa, chính trị đảng phái và sự phân cực chính trị trở nên hết sức quyết liệt; hầu như việc quyết định mọi đại sự của quốc gia đều diễn ra theo lằn ranh đảng phái: nếu Cộng Hòa đề nghị thì Dân Chủ phản đối và ngược lại. Mỹ dẫn đầu thế giới về thiệt hại do dịch COVID-19, cả về số người nhiễm lẫn số người tử vong, không phải vì nước Mỹ nghèo, nền y tế Mỹ yếu kém hoặc khoa học Mỹ lạc hậu mà trái lại, vì guồng máy chính quyền bị tê liệt do chính trị đảng phái.
Tính đảng phái không chỉ làm cho sự đoàn kết trong nội bộ nước Mỹ bị tổn thương mà các định chế dân chủ lâu đời của Mỹ cũng bị xâm hại. Hệ thống kiểm tra và cân bằng của Mỹ gần như bị vô hiệu hóa; ông Trump coi thường Quốc Hội, lên án báo chí truyền thông là “kẻ thù của nhân dân,” kêu gọi bỏ tù (lock up) các đối thủ chính trị, thậm chí gieo rắc nỗi hoài nghi về tính chính trực của cuộc bầu cử tổng thống và tuyên bố sẽ không chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa nếu ông ta thất cử.
Đáng lo ngại, là thay cho tinh thần thỏa hiệp và bao dung vốn là nền tảng của chế độ dân chủ Mỹ, ông có thiên hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xã hội. Ông đòi “giải phóng” các tiểu bang áp đặt những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn dịch COVID-19, đồng tình với những ủng hộ viên của ông có hành vi bạo lực trên đường phố đến việc đòi huy động các lực lượng Vệ Binh Quốc Gia, thậm chí cả quân đội, để trấn áp những người biểu tình trong phong trào Black Lives Matter, kêu gọi các nhóm da trắng thượng đẳng “standup and standby” phòng khi ông thua trong cuộc bầu cử… Tất cả những lời nói và hành động như vậy, chẳng những không có tác dụng nêu tấm gương đạo đức của nhà lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất thế giới mà ngược lại, càng kích thích bạo lực, khuyến khích giải quyết các vấn đề bằng sức mạnh của súng đạn và nắm đấm.
Xu hướng chia rẽ và bạo lực trong lời nói và hành động của ông tổng thống đã được tiếp nhận và noi theo ở một phần rất lớn dân Mỹ, một phần vì họ nghĩ mình bị thua thiệt trước làn sóng di dân và công nghệ những năm gần đây, phần vì tâm lý bức bối, thích nổi loạn do bị tù túng dưới mái nhà do biện pháp “lock-down” để phòng dịch. Những cử tri ủng hộ ông – tính đến 6 giờ chiều 4 Tháng Mười Một đã có 68.5 triệu cử tri bỏ phiếu bầu ông Trump, chiếm 47.99% tổng số phiếu cử tri đã kiểm đếm – nhìn thấy ở nhà lãnh đạo Donald Trump con người nổi loạn của chính họ, muốn phá vỡ các lề lối cũ để tạo dựng lại, “Make America Great Again.” Có điều họ không chấp nhận thỏa hiệp, cũng không bao dung với những người bất đồng chính kiến!
Nước Mỹ của bốn năm kế tiếp sẽ như thế nào, khó mà đoán trước được. Nếu ông Trump tái đắc cử, sự chia rẽ và rạn nứt của xã hội Mỹ có thể trầm trọng hơn nữa, đến lúc nào đó những người tỉnh táo thấy cần phải ra tay hàn gắn lại. Cũng có thể ông Trump, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, sẽ hồi tâm chuyển ý, thay đổi quan điểm và hành xử như một vị tổng thống của toàn dân Mỹ, một nhà lãnh đạo quốc gia chứ không phải như một tổng thống chuyên quyền nhìn chung quanh đâu cũng thấy “thế lực thù địch.”
Nếu đắc cử, ông Joe Biden có hàn gắn được những rạn nứt của nước Mỹ hay không? Không chắc. Ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ mà ông đại diện đã tồn tại một hố ngăn cách ngày càng sâu giữa những người ôn hòa già lão như ông và cánh cấp tiến như các dân biểu, nghị sĩ Dân Chủ trẻ tuổi trong Quốc Hội. Thêm nữa, những cuộc đấu khẩu nảy lửa trong chiến dịch tranh cử suốt nửa năm qua cho thấy giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, con đường đi tới thỏa hiệp và chấp nhận lẫn nhau hãy còn một chặng rất dài. Có điều, được cho là một chính trị gia trung tả, xây dựng định chế và tìm kiếm sự đồng thuận, ông Biden hy vọng sẽ bắt đầu con đường hòa giải của nước Mỹ nếu ông làm tổng thống sau ngày 20 Tháng Giêng, 2021.
Dù thế nào, dù ai là tổng thống, nước Mỹ cũng cần một cuộc chữa trị lớn: chữa trị đại dịch COVID-19 về thể xác và chữa trị vết thương tâm lý về tinh thần. Chữa COVID-19 thì sẽ sớm có vaccine và thuốc đặc trị nhưng hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, thúc đẩy tinh thần bao dung và bác ái, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng của xã hội Mỹ là công việc lâu dài, có thể mất vài nhiệm kỳ tổng thống nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét