Có lẽ những người vui mừng nhất mấy hôm nay là các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Bộ máy tuyên truyền ở Moscow và Bắc Kinh sẽ ca tụng chế độ độc tài ở nước họ, họ chỉ mong tất cả mọi người cúi đầu thần phục lãnh tụ. Họ sẽ so sánh với cảnh hỗn độn, có lúc hỗn loạn trong chế độ dân chủ, như mùa tranh cử năm nay ở Mỹ.
Dân Nga chắc chắn không đồng ý, vì họ đã trải qua một thời gian tập sống dân chủ. Thà tranh cử ồn ào, hỗn loạn, nhưng người dân được bầy tỏ ý kiến qua lá phiếu, còn hơn phải chấp nhận cảnh Putin độc diễn không biết bao nhiêu năm nữa! Kinh tế Nga suy sụp, nhưng tay chân của Putin vẫn làm giàu, còn những nhà chính trị, nhà báo đối lập liên tiếp bị trấn áp, bị ám sát! Aleksei Navalny vừa mới bị đầu độc! Còn người dân Trung Quốc sẽ nghĩ sao? Cũng như người Việt Nam, chắc họ cũng không muốn sống mãi mãi trong cảnh “Đảng cử, dân bầu!” Họ sẽ thấy, khi mùa bầu cử qua rồi, nước Mỹ vẫn là nước Mỹ!
Nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Người ta sống tự do. Không thích chính quyền thì bỏ phiếu để thay đổi; hoặc thích thì bỏ phiếu giữ lại. Dẫn đầu thế giới về các phát minh, sáng chế. Những sản phẩm của nền kinh tế tri thức được phát triển vì con người được tự do. Chế độ độc tài và kinh tế chỉ huy không khuyến khích người ta suy nghĩ tự do. Khoa học, kỹ thuật ở Nga, ở Tàu, chậm chân mấy chục năm so với Âu, Mỹ cũng vì thiếu tự do.
Tập Cận Bình đang khản tiếng kêu gọi các công ty Trung Quốc chế tạo “chip” thật nhiều để khỏi bị lệ thuộc vào các nhà sản xuất chịp của Mỹ và Anh. Cả thế giới đều biết chuyện đó. Nhưng chế tạo các loại chip rẻ tiền thì dễ, bây giờ nước nào cũng làm được, Đến khi cần các loại chip mới nhất, dùng trong các máy vi tính tối tân thì các công ty trong lục địa Trung Hoa vẫn còn đi sau các công ty Anh, Mỹ, cần một thế hệ chuyên làm công việc nghiên cứu!
Có một món ăn chiếm địa vị ưu việt trong thực đơn của người Trung Hoa là thịt gà, thì nhà nuôi gà công nghiệp ở bên Tàu cũng vẫn lệ thuộc vào một sản phẩm tri thức của Mỹ, giống như các con chip điện tử!
Báo Economist tuần này mới kể chuyện một cơ xưởng nuôi gà công nghiệp ở tỉnh Giang Tô bên Trung Quốc. Họ nuôi thứ gà “lông trắng” nhập cảng giống từ các công ty Aviagen và Tyson ở Mỹ. Gà Mỹ nuôi trong 40 ngày đã nặng 2.5 ký. Còn gà Trung Quốc, lông vàng, phải nuôi đến 80 ngày mới lớn lên và chỉ nặng bằng một nửa.
Nhà nuôi gà này vẫn phải mua gà con từ nước Mỹ. Các con gà lớn nhanh này đã được các công ty Mỹ nghiên cứu gây giống. Công trình gây giống gà năng suất cao này mất 80 năm mới thành! Tám mươi năm, tốn bao nhiêu công sức và tiền đầu tư. Kỹ thuật gia tăng năng suất lớn nhanh cho con gà là một nguồn lợi nhuận lớn, có thể bán gà con với giá cao! Cho nên các công ty Mỹ giữ bí mật.
Cái giống gà đó, cho nó đẻ trứng và ấp thành gà con, một con gà đúng giống này có thể sinh ra 4 triệu con gà con. Nhưng sang thế hệ thứ hai thì cái gien đã thay đổi, không thể sinh ra loại gà con có thể lớn nhanh như gà mẹ nữa. Mỗi thế hệ thì năng suất lại giảm bớt!
Những con gà con thuộc thế hệ thứ hai được đưa qua các “xưởng nuôi gà” ở Anh quốc, Brazil, New Zealand, đẻ ra gà con thế hệ thứ ba. Mỗi năm các nhà nuôi gà bên Trung Quốc, như ở Giang Tô, mua 1.6 triệu những con gà này. Họ nuôi trong sáu tháng, cho sinh ra thế hệ thứ tư, thứ năm, bán cho các nhà nuôi gà khác trong nước.
Các công ty Mỹ chỉ bán gà con thuộc thế hệ thứ ba đến thứ năm cho nhà nuôi gà bên Trung Quốc! Người Trung Quốc có cho gà đẻ rồi ấp trứng, sanh gà con thì năng suất cũng giảm xuống. Cho nên phải tiếp tục nhập cảng gà con thế hệ thứ ba.
Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty Trung Quốc nghiên cứu thêm để nghiên cứu làm chip và nuôi gà giống! Nhưng ngoài khả năng cóp nhặt, bắt chước, làm lại, không biết đến bao giờ một cơ cấu xã hội độc tài chuyên chế có thể phát huy sáng kiến trong khoa học, kỹ thuật!
Trung Cộng chỉ còn cách tuyên truyền dân chúng rằng chế độ “xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa” của họ là “ưu việt,” không lộn xộn như nền chính trị ở Mỹ!
Nhưng kinh tế Mỹ thịnh vượng trong mấy trăm năm qua chính vì có chế độ tự do dân chủ. Cũng như kinh tế thị trường do người tiêu thụ đóng vai trò quyết định, sức mạnh chế độ dân chủ tự do là người ta dám thí nghiệm. Trên hết, là lòng tin tưởng vào người dân để cho họ tự do bỏ phiếu.
Nếu người Mỹ không hài lòng về kết quả cuộc bỏ phiếu năm nay, họ sẽ có cơ hội làm lại, lật ngược lại, trong bốn năm nữa! Thua keo này bày keo khác.
Trong một năm bầu cử thường người ta chú ý đến các ứng cử viên, những người đi vận động, đi biểu tình. Đó chỉ là mặt nổi của đời sống chính trị. Hạ tầng cơ sở của chế độ dân chủ là những tổ chức chuyên lo làm sao cho mọi người được bỏ phiếu tự do, dễ dàng, không ai bị đe dọa hay mua chuộc. Trong tất cả các cuộc bầu cử, có những người dân bình thường đã âm thầm bảo vệ định chế dân chủ ở nước Mỹ là những người gác thùng phiếu, những người kiểm phiếu, đếm phiếu. Hai đảng chính trị cử người theo dõi tất cả diễn trình bỏ phiếu, từ đầu đến chót. Công việc chính là do những người dân làm công việc ở các trung tâm bỏ phiếu. Họ là những người bảo vệ chế độ tự do dân chủ. Họ được những người cảnh sát canh gác thùng phiếu, các quan tòa xét xử các vụ khiếu nại, kiện tụng, hỗ trợ. Đó là những “chiến sĩ vô danh” của nền dân chủ.
Nước Mỹ đã mất mấy trăm năm xây dựng nền tảng của thể chế dân chủ, gồm các định chế như: Tự do phát biểu; Tự do hội họp; Tam quyền phân lập. Nhưng quan trọng nhất, là tinh thần của người dân nhất định bảo vệ các định chế đó.
Các ông Putin và Tập Cận Bình có thể đánh lừa dân Nga, dân Tàu, trong một thời gian ngắn. Nhưng không ai có thể đánh lừa các dân tộc mãi mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét