Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

4861 - Bá quyền kết thúc như thế nào? (Phần 2)

Foreign Affairs - Tác giả: Alexander Cooley và Daniel H. Nexon

Dịch giả: Trần Ngọc Cư
Số tháng 7-8/2020

Sự tái hiện của các đại cường

Ngày nay, các đại cường khác đang đưa ra các quan niệm cạnh tranh về trật tự toàn cầu, thường là các cường quốc theo chế độ độc tài có sức thu hút đối với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia yếu hơn. Phương Tây không còn chủ trì độc quyền bảo trợ [a monopoly of patronage].

Các tổ chức khu vực mới nổi và các mạng lưới xuyên quốc gia phi tự do đang ra sức sự cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ. Những thay đổi dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc, là nguyên nhân của nhiều phát triển có tính cạnh tranh này. Những thay đổi này đã làm thay đổi cục diện địa chính trị.
Vào tháng 4 năm 1997, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã cùng nhau cam kết “thúc đẩy đa cực hóa thế giới và thiết lập một trật tự quốc tế mới”. Trong nhiều năm, nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã khinh thường hoặc bác bỏ những thách thức này, coi chúng là giọng điệu nói lấy được [wishful rhetoric]. Họ lập luận rằng, Bắc Kinh vẫn cam kết tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực của trật tự do Mỹ lãnh đạo, bằng cách chỉ ra rằng Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ hệ thống hiện tại.

Ngay cả khi Nga ngày càng trở nên quyết đoán trong việc lên án Hoa Kỳ trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này và kêu gọi một thế giới đa cực hơn, các nhà quan sát không tin rằng Moscow có thể vận dụng được hậu thuẫn từ bất kỳ đồng minh quan trọng nào. Các nhà phân tích phương Tây đặc biệt không tin rằng Bắc Kinh và Moscow có thể vượt qua hàng thập niên ngờ vực và ganh đua nhau để hợp tác chống lại các nỗ lực của Mỹ, nhằm duy trì và ảnh hưởng trật tự quốc tế.

Sự hoài nghi này là có lý do, vào thời cao điểm của bá quyền toàn cầu Mỹ trong thập niên 1990 và thậm chí vẫn còn hợp lý trong suốt thập niên tiếp theo. Nhưng tuyên bố năm 1997 của hai nhà lãnh đạo nói trên, bây giờ nhìn lại, thấy giống như một bản thiết kế cho đường lối, theo đó Bắc Kinh và Moscow đã cố gắng sắp xếp lại chính trị quốc tế trong suốt 20 năm qua.

Trung Quốc và Nga hiện đang trực tiếp thách thức các khía cạnh tự do của trật tự quốc tế, từ bên trong các định chế và diễn đàn của chính trật tự đó; đồng thời, họ đang xây dựng một trật tự thay thế thông qua các định chế và địa điểm mới, trong đó họ có ảnh hưởng lớn hơn và có thể coi nhẹ quyền con người và các quyền tự do dân sự.

Chẳng hạn, tại Liên Hiệp Quốc, hai nước thường xuyên tham khảo ý kiến về phiếu bầu và các sáng kiến được đưa ra. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hai nước đã phối hợp sự chống đối của họ nhằm chỉ trích các sự can thiệp và kêu gọi thay đổi chế độ do phương Tây đưa ra; hai nước đã phủ quyết các đề xuất về Syria và nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và Yemen do phương Tây bảo trợ.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, từ năm 2006 đến 2018, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu giống nhau 86% thời gian, thường xuyên hơn so với 78% số lần bầu theo thỏa thuận hai bên từ năm 1991 đến 2005. Ngược lại, kể từ năm 2005, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý chỉ 21% thời gian. Bắc Kinh và Moscow cũng đã dẫn đầu các sáng kiến của Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy các chuẩn mực mới, đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực không gian mạng, đặt ưu tiên chủ quyền quốc gia lên trên quyền cá nhân, hạn chế học thuyết về trách nhiệm bảo hộ [responsibity to protect] và hạn chế quyền lực của các nghị quyết nhân quyền do phương Tây bảo trợ.
Trung Quốc và Nga cũng đã đi đầu trong việc tạo ra các định chế quốc tế mới và các diễn đàn khu vực nhằm loại trừ Hoa Kỳ và phương Tây một cách rộng lớn hơn. Có lẽ nổi tiếng nhất trong số này là nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ năm 2006, nhóm này đã xuất hiện như một bối cảnh năng động nhằm thảo luận các vấn đề về trật tự quốc tế và lãnh đạo toàn cầu, bao gồm xây dựng các phương án thay thế cho các định chế do phương Tây kiểm soát trong các lĩnh vực quản trị Internet, hệ thống thanh toán quốc tế và hỗ trợ phát triển. Năm 2016, các quốc gia BRICS đã tạo ra Ngân hàng Phát triển Mới [New Development Bank] chuyên về tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Trung Quốc và Nga mỗi nước cũng đã thúc đẩy rất nhiều tổ chức an ninh khu vực mới — gồm Hội nghị về các biện pháp xây dựng niềm tin và tương tác ở châu Á, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, và Cơ chế điều phối và hợp tác tứ giác — gồm cả Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc điều hành và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga hậu thuẫn. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) — một tổ chức an ninh, thúc đẩy hợp tác giữa các dịch vụ an ninh và giám sát các cuộc tập trận quân sự hai năm một lần — được thành lập năm 2001 theo sáng kiến của cả Bắc Kinh và Moscow. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã nhận thêm Ấn Độ và Pakistan làm thành viên đầy đủ vào năm 2017. Kết quả cuối cùng là sự xuất hiện của các cấu trúc song song của việc quản trị toàn cầu, những cấu trúc này bị chi phối bởi các quốc gia độc tài và cạnh tranh với các cấu trúc cũ hơn, tự do hơn.
Các nhà phê bình thường coi BRICS, EAEU và SCO là những “nơi nói chuyện suông”, trong đó các quốc gia thành viên không thực sự giải quyết vấn đề hoặc tham gia hợp tác có ý nghĩa. Nhưng hầu hết các tổ chức quốc tế khác cũng không khác bao nhiêu. Ngay cả khi chúng cho thấy không thể giải quyết các vấn đề tập thể, các tổ chức khu vực cho phép các thành viên khẳng định các giá trị chung và nâng cao tầm vóc của các cường quốc đủ sức triệu tập các diễn đàn này. Chúng tạo ra mối quan hệ ngoại giao dày đặc hơn giữa các thành viên của mình, do đó, giúp các thành viên này dễ dàng hơn trong việc xây dựng các liên minh quân sự và chính trị.

Nói tóm lại, các tổ chức này tạo thành một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng trật tự quốc tế, một cơ sở hạ tầng trước đây bị chi phối bởi các nước dân chủ phương Tây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thật vậy, mảng mới này của các tổ chức không phải phương Tây [non-Western organizations] đã đưa các cơ chế quản trị xuyên quốc gia vào các khu vực như Trung Á, trước đây vốn thiếu kết nối với nhiều tổ chức quản trị toàn cầu. Từ năm 2001, hầu hết các quốc gia Trung Á đã tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu, EAEU, AIIB và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Trung Quốc và Nga hiện cũng đang xâm lấn vào các khu vực có truyền thống được Hoa Kỳ và các đồng minh lãnh đạo; ví dụ, Trung Quốc triệu tập nhóm 17 + 1 với các quốc gia ở trung và đông Âu và Diễn đàn Trung Quốc-CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean) ở Mỹ Latinh. Các nhóm này cung cấp cho các quốc gia trong các khu vực này những đấu trường mới để giành lấy sự hợp tác và hỗ trợ, đồng thời thách thức sự đoàn kết của các khối truyền thống phương Tây; chỉ vài ngày trước khi nhóm 16 + 1 mở rộng, bao gồm thành viên EU Hy Lạp vào tháng 4 năm 2020. Ủy ban châu Âu đã gọi Trung Quốc là “một đối thủ mang tính hệ thống” giữa những lo ngại cho rằng Sáng kiến một Vành đai – một Con đường [BRI] đang phá hoại các quy định và các chuẩn mực của Liên Âu.

Bắc Kinh và Moscow dường như đang quản lý thành công liên minh vì lợi ích trước mắt [alliance of convenience] của mình, bất chấp các dự đoán cho rằng họ sẽ không thể chịu đựng được các dự án quốc tế khác của nhau. Điều này thậm chí đã xảy ra trong các lĩnh vực mà lợi ích khác nhau của họ có thể dẫn đến căng thẳng đáng kể. Nga lên tiếng ủng hộ Sáng kiến một Vành đai – một Con đường của TQ, mặc dù đã xâm nhập vào Trung Á, nơi Moscow vẫn coi là sân sau của mình.

Trên thực tế, kể từ năm 2017, luận điệu của Kremlin đã chuyển từ nói về “một phạm vi ảnh hưởng” rõ ràng của Nga ở khu vực Á-Âu [Eurasia] sang việc chấp nhận một khu vực “Đại Á Âu” [Greater Eurasia] rộng lớn hơn, trong đó đầu tư và hội nhập do Trung Quốc dẫn đầu phù hợp sít sao với những nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây. Moscow theo mô hình tương tự khi Bắc Kinh lần đầu tiên đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vào năm 2015. Bộ Tài chính Nga ban đầu từ chối hỗ trợ ngân hàng, nhưng Kremlin đã thay đổi hướng đi sau khi thấy gió đang thổi theo chiều nào; Nga chính thức gia nhập ngân hàng vào cuối năm.

Trung Quốc cũng tỏ ra sẵn sàng đáp ứng những lo ngại và nhạy cảm của Nga. Trung Quốc đã cùng với các nước BRICS khác từ chối lên án Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, mặc dù làm như vậy rõ ràng đã đi ngược lại việc lâu nay Trung Quốc chống chủ nghĩa ly khai và các vi phạm sự vẹn toàn lãnh thổ. Hơn nữa, cuộc chiến tranh thương mại giữa chính quyền Trump với Trung Quốc đã mang lại cho Bắc Kinh thêm nhiều động lực để hỗ trợ các nỗ lực của Nga nhằm phát triển các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do phương Tây kiểm soát và thương mại bằng đồng đô la, nhằm làm suy yếu phạm vi trừng phạt toàn cầu của Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

https://baotiengdan.com/2020/10/31/ba-quyen-ket-thuc-nhu-the-nao-phan-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét