Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

4859 - Tư pháp Việt Nam hoạt động theo cách kỳ lạ

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown - Song Phan, chuyển ngữ

Michael Nguyễn trong một phiên tòa ngày 24/6/2019. Nguồn: AFP/ Getty Images

‘Anh hùng nhân dân’ Mỹ được trả tự do vào lúc việc đàn áp những người bất đồng chính kiến tăng mạnh

Hôm 21 tháng 10, chính phủ Việt Nam đã thả Michael Nguyễn, một người đàn ông 55 tuổi, chuyển cho tòa Đại sứ Hoa Kỳ tạm giữ. Một ngày sau, về lại California sau hơn 26 tháng bị giam giữ, ông đã đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, ‘Little Saigon’, nơi mà theo Los Angeles Times, anh là một ‘anh hùng nhân dân’.

Michael có lẽ không phải là dạng người thực sự chế tạo bom trong tầng hầm của mình. Có nhiều khả năng hơn là anh ta chỉ lân la với những người mà khi uống vài cốc bia rồi mơ tưởng về việc lật đổ chế độ đảng trị của Việt Nam. Tuy nhiên, theo công an Việt Nam, Michael đã cố thực hiện những điều mình mơ tưởng. Giờ giấc hành động quả thật tồi tệ – rõ ràng cũng vụng về như kiểu cách bảo mật của anh ta.

Sau hai năm ngồi tù ở Việt Nam, mặc dù không đại diện cho cộng đồng những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam theo bất kỳ cách nào, Michael đã trở thành con tốt trong quan hệ ngoại giao giữa chế độ Hà Nội với chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ hai tuần trước khi Michael được thả, các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau cho cuộc thảo luận song phương hàng năm về những vấn đề nhân quyền (năm nay nó được tổ chức qua mạng).

Đạt bằng được việc thả Michael chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên đang đi đến kết thúc thì Phạm Đoan Trang lại bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Và, không giống như Michael Nguyễn, khi những người bất đồng chính kiến người Việt bị bắt, họ bị từ chối không cho thăm viếng hoặc nhận quà của gia đình, trừ khi họ thú nhận ý định phạm tội của mình.

Đoan Trang, một nhà vận động huyền thoại cho quyền tự do dân sự, không hề rao giảng bạo lực. Cô là một nhà giáo dục chứ không phải một kẻ kích động. Từ khi cô không còn thẻ nhà báo do nhà nước cấp gần một thập niên trước, Trang đã đi khắp đất nước không mệt mỏi, kêu gọi đồng bào khẳng định, một cách hòa bình không khoan nhượng các quyền mà hiến pháp Việt Nam bảo đảm cho công dân của mình. Việc gán cho hành động như vậy là “tuyên truyền chống nhà nước” có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng đó là cái tội mà chính quyền Hà Nội đã gán lên cô.

Cô Trang sẽ có rất nhiều người đồng hành trong tù trong khi các kiểm sát viên nhà nước chuẩn bị cáo trạng. Khi Michael Nguyễn bị bắt hồi tháng 7 năm 2018, Việt Nam có 147 tù nhân chính trị bị giam giữ, theo Dự án 88, một tổ chức vốn theo dõi sát sao các vấn đề tự do dân sự ở Việt Nam. Tháng 10 năm 2020, cũng tổ chức này đã thống kê được 254 người đang bị giam giữ trong các nhà tù và ‘trung tâm tạm giam’, đang chờ xét xử hoặc thụ án về các tội danh như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Mặc dù được báo chí nước ngoài gọi chung là ‘những người bất đồng chính kiến’, cô Trang và những người Việt khác lên tiếng chống lại các chính sách của nhà nước đảng trị lại là một nhóm rất đa dạng với các chương trình hành động rất khác biệt. Một số thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản. Những người khác phản đối theo cách khác nhau đối với việc đàn áp các nhóm tôn giáo không có sự chấp thuận của nhà nước hoặc các công đoàn độc lập. Một số nhà bất đồng chính kiến ​​thách thức sự kiểm duyệt của chế độ đối với báo in và mạng xã hội, hoặc các chính sách hạn chế quyền của nông dân so với các công ty phát triển đất đai hoặc các chính sách dẫn đến việc hủy hoại môi trường, nhân danh tăng trưởng kinh tế.

Trường hợp của Michael Nguyễn là một vấn đề khác, vấn đề có đặc điểm là điều có vẻ rõ ràng là vụng về tại một thời điểm trong tháng 7 năm 2018 khi căng thẳng đang lên cao. Công an đã bắt Michael và hai thanh niên Việt Nam vì tội “bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đồng thời tổ chức tuyên truyền, lập kế hoạch mua vũ khí, lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền tại TP.HCM và Hà Nội“. Chỉ vài tuần sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Việt Nam để phản đối việc chính phủ được cho là có ý định trao cho các nhà đầu tư Trung Quốc một số đặc quyền ngoài phạm vi tại ba “đặc khu kinh tế”.

Bản cáo trạng cho biết, Michael và hai thanh niên tên Bình và Phi đã trao đổi với nhau qua Facebook và email bắt đầu từ đầu năm 2017. Tháng 8/2017, anh ta đến Việt Nam để gặp hai bạn mới. Họ đã giới thiệu anh ta với một kẻ chủ mưu tên là Phong, là người khẳng định đã tổ chức “Đơn vị hành động đặc biệt”. Michael bị cáo buộc đã đưa cho Phong 2000 USD để mua vũ khí và các vật dụng khác.

Michael về Việt Nam một lần nữa vào tháng 6 năm 2018. Theo cáo trạng, lần này cả ba người âm mưu gặp nhau tại nhà cha của Bình ở Biên Hòa. Họ đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Sau đó, họ đã đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ để tuyển mộ một số người khác vào âm mưu của họ. Ngày 7 tháng 7, họ đã bị bắt ở đó.

Michael, Bình và Phi bị đưa ra xét xử 11 tháng sau đó, bị kết tội “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án tù lần lượt 12, 11 và 10 năm. Katie Porter, dân biểu đại diện khu vực quận hạt 45 ở quận Cam, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vận động không mệt mỏi cho việc trả tự do Michael Nguyễn.

Gia đình của Michael và những người hàng xóm là người di cư, định cư ở Nam California sau khi chế độ chống cộng sản ở miền Nam Việt Nam bị sụp đổ. Họ đã làm việc chăm chỉ, giàu lên và hội nhập ít nhiều. Nhiều người vẫn còn bám chặt ý niệm rằng, một ngày nào đó, theo cách nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể “trở về quê hương”.

Cuộc sống đối với Michael trong nhà tù Việt Nam chắc chắn là không thoải mái, tuy nhiên dù với nỗ lực vụng về nhằm tạo ra một cuộc cách mạng ở Việt Nam, anh vẫn được nhân viên tòa Đại sứ đến thăm hàng tháng (có thể cũng mang quà của gia đình). Anh đã có thể hy vọng được thả, vì biết rằng Bộ Ngoại giao đang thúc ép vụ việc của anh.

E rằng đối với Phạm Đoan Trang thì điều tương tự không xảy ra. Cách đây không lâu, các nhà bất đồng chính kiến ​​của Việt Nam có thể tiếp cận với một lượng lớn khán giả qua internet. Bây giờ thì điều đó khó hơn nhiều; dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chế độ đã gia tăng các trò phá rối, hình sự hóa các phát biểu trên mạng, và với việc đe dọa đóng nguồn thu nhập từ Việt Nam, đã uốn nắn cả Facebook và Youtube theo ý muốn của chính phủ.

Năm nay, một chỗ nứt mới đã mở ra trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam: Ai ủng hộ và ai chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump? Từ Việt Nam rất khó nhận ra những khiếm khuyết trong tính cách của Trump và sự thờ ơ của ông đối với các quyền tự do dân sự. Dễ thấy hơn nhiều là tư thế cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, mà dân Việt Nam gán cho chính Trump. Trung Quốc, hay cụ thể là cáo buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phụ thuộc vào “người anh lớn” Trung Quốc, là thứ đáng phỉ nhổ đối với một phần đáng kể giới trí thức Việt Nam, và họ đã lên tiếng.

Gần đây, một blogger có tư duy tự do với lượng người theo dõi lớn, đã viết rằng “Tôi biết rằng nếu tôi viết về tác động tai hại của tổng thống Trump đối với chính trường Mỹ, tôi sẽ mất đi nhiều người bạn say mê Trump… Nền chính trị Mỹ có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, kết nối với cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở đây. Khi Trump cầm quyền là lúc Cộng sản Việt Nam đã bóp nghẹt người dân tới mức họ muốn, và đó là lý do tại sao cá nhân tôi không thể không chỉ ra sự xấu xa trong chế độ của ông ta”.

Blogger này thuộc một thiểu số trong những người Việt có đầu óc phóng khoáng. Trump cũng điều khiển lòng trung thành của đa số người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người mà đối với họ những vết sẹo do việc bị thua cuộc gây ra vẫn còn nguyên. Ít nhất trong chừng mực đó, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam và những kẻ chưa chịu thất bại ở Little Saigon có chỗ đứng chung.

_____

Tác giả: David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam. Ông là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel.

https://baotiengdan.com/2020/10/31/tu-phap-viet-nam-hoat-dong-theo-cach-ky-la/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét