Đinh Yên Thảo
Các xung đột, bất đồng hiện diện trong mọi mối quan hệ, từ trong gia đình, bạn bè, học đường cho đến hãng sở, xã hội. Nó mạnh mẽ hơn khi liên quan đến chính kiến hay vấn đề thời cuộc quốc gia. Trong khi đây là điều tự nhiên vì nhân quan và tâm tính mỗi người đều riêng biệt và khác biệt thì vấn đề đặt ra là, bạn sẽ đối diện và giải quyết chúng như thế nào để tránh làm thương tổn các mối quan hệ của mình. Hay lý tưởng hơn nữa là, làm sao để tạo ra sự gắn kết sau những bất đồng như vậy?
Xung đột nảy sinh từ những khác biệt lớn hay nhỏ. Nó xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào mà hai hay nhiều người không đồng ý về giá trị, nhận thức, ý tưởng hoặc nhu cầu của nhau. Những nhu cầu này có thể bao gồm nhu cầu được cảm thấy an toàn, an tâm hoặc cần được tôn trọng và thừa nhận giá trị của mình cho đến nhu cầu muốn gần gũi và thân mật hơn. Có đôi khi những khác biệt này có vẻ chỉ là những điều nho nhỏ, bình thường, nhưng khi xung đột kích hoạt cảm xúc mạnh mẽ hay nhu cầu bày tỏ cá nhân sâu đậm thì thường đó chính là lý do cốt lõi để làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ví dụ nói về quan hệ thường nhật giữa cha mẹ và con nhỏ. Các em hiếu động, có nhu cầu muốn khám phá, thử nghiệm điều nguy hiểm như leo trèo trong khi cha mẹ có nhu cầu bảo vệ sự an toàn của con nên muốn ngăn cản. Sự khác biệt trong nhu cầu này ở mỗi bên đã dẫn đến xung đột. Hay khác hơn nữa, các em thiếu niên có nhu cầu được giao du kết bạn, còn cha mẹ e ngại việc kết bạn này sẽ dẫn đến các ảnh hưởng xấu hay việc học, tạo ra xung đột tương tự khi nhìn nhận và có nhu cầu trong vấn đề khác nhau. Giải quyết các điều không tránh khỏi này như thế nào tưởng như điều dễ dàng nhưng cũng là một thách đố cho những bậc cha mẹ muốn cân bằng mối quan hệ lành mạnh hơn là áp đặt mệnh lệnh. Và chắc chắn nó sẽ càng thách đố hơn trong các mối quan hệ xã hội bình đẳng, đôi lúc không có sự tương nhượng hay gắn bó mật thiết như trong gia đình.
Một trong những phương pháp khá phổ biến là mô hình Thomas-Kilmann TKI. Đây là một trong những lý thuyết áp dụng cho cá nhân và nhiều tập đoàn, hãng xưởng lớn nhỏ trên thế giới sử dụng trong việc huấn luyện nhân viên cùng các cấp quản trị của mình. Nó giúp các hãng gia tăng tính đồng đội, trang bị kỹ năng lãnh đạo, gia tăng hiệu suất lao động, giảm thiểu stress trong nhân viên khi giới hạn hay loại trừ các bất đồng nơi hãng xưởng, tạo sự đoàn kết và tinh thần đồng đội nhiều hơn.
Mô hình TKI đã xác định năm cách tiếp cận khác nhau để giải quyết xung đột, bao gồm như sau:
- Né tránh (Avoiding): Chiến thuật này chủ yếu cố gắng phớt lờ hoặc tránh né xung đột, hy vọng nó sẽ tự giải quyết hoặc tiêu tan.
- Hòa giải (Accommodating): Sử dụng chiến thuật này chủ yếu là nhường cho đối phương thỏa mãn điều họ quan tâm hoặc yêu cầu, mà bỏ qua nhu cầu và ý kiến của mình.
- Thỏa hiệp (Compromising): Tìm kiếm một giải pháp có thể thoả mãn và chấp nhận một phần nào đó nhu cầu cho cả đôi bên, nhưng không hoàn toàn với vấn đề.
- Tranh đua (Competing): Sẽ dùng mọi lý lẽ để dành phần thắng về mình, bất kể đến nhu cầu của đối phương.
- Hợp tác (Collaborating): Tìm ra một giải pháp chung có thể thỏa mãn hoàn toàn mối quan tâm, nhu cầu của đôi bên.
Mô hình này xác định hai dạng người đứng trước các xung đột, bất đồng là dạng quyết đoán và dạng hợp tác. Dạng quyết đoán nhằm thỏa mãn nhu cầu chính mình, còn dạng hợp tác nhằm thoả mãn nhu cầu đối phương. Không có cách nào trong mô hình TKI được xem là chuẩn mực và thích hợp duy nhất cũng như rất khó để thay đổi con người quyết đoán hay hợp tác của mình nên vấn đề còn lại là chúng ta có thể sử dụng một cách uyển chuyển cả năm cách giải quyết bất đồng nêu trên tùy lúc, tùy người.
Nếu vấn đề chỉ là dăm ý kiến nhỏ, không ảnh hưởng đến bạn hay người khác, bạn có thể chọn cách hòa giải hay thỏa hiệp. Nếu cần chứng minh một quan điểm hệ trọng hay sai trái, ảnh hưởng và liên can đến nhiều người, bạn có thể cần quyết đoán, binh vực cho sự thật. Hoặc giả bạn né tránh nó nếu cho rằng câu chuyện sẽ chẳng đến đâu. Dù việc né tránh như không ít người thường áp dụng cũng không phải là cách tốt nhất để giải quyết xung đột vì vấn đề vẫn còn ở đó và chưa giải quyết vì sự né tránh.
Sự bất đồng đôi khi không diễn ra bằng lời nói mà có thể bằng chính sự im lặng, sự biểu cảm trên khuôn mặt hay hành vi của cơ thể. Sự bất đồng vô ngôn này thường xảy ra trong gia đình hay nơi công sở, dù không quyết liệt nhưng cũng không kém phần nguy hại nếu không chú tâm giải quyết trước khi làm rạn vỡ mối quan hệ.
Sự bất đồng liên quan đến cảm xúc nên việc kiềm chế và kiểm soát cảm xúc là điều quan trọng. Do đó, dù chọn phương pháp nào thì thái độ hợp tác và sự tôn trọng là điều hết sức cần thiết, đặc biệt tránh việc chuyển sang việc tấn công cá nhân đầy cảm tính, không liên can đến vấn đề bất đồng như rất nhiều người thường vướng phải.
Có ai đó đã từng bảo rằng chỉ 10 % việc bất đồng là đến từ quan điểm, còn lại 90 % là giọng nói, thái độ và cách diễn đạt của bạn như thế nào. Vậy để chiến thắng hay giải quyết trong các cuộc tranh luận hay sự bất đồng, trước hết hãy tự chiến thắng mình bằng một thái độ hòa nhã, tích cực và tôn trọng người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét