Lũ bắt đầu rút, cũng là lúc chính quyền nên ngồi lại tự kiểm điểm trách nhiệm của mình. Đừng lấy con số trăm tỷ nghìn tỷ, trực thăng xuồng máy khoả lấp sự bị động. Tất cả những động thái này đều trễ 1-2 ngày sau đỉnh lũ.
Phải sòng phẳng nhìn nhận, con nước đêm 18/10 là một cuộc đánh úp của nước trời vào nhân dân cô đơn. Dù con nước dềnh dàng cả tuần lễ trước đó, nhưng không ai nghĩ là nó lớn đến như vậy.
Nhân dân tự kêu gào, tự cứu lấy nhau trong tai hoạ. Sự tham gia cật lực của chính quyền cơ sở là nhanh chóng nhưng thiếu phương tiện và chiến thuật, nên cũng rối như canh hẹ.
Có nghĩa là những bản tin khí tượng trước đó đã… trật lất. Và đã không có một kịch bản ứng phó bài bản, quy mô nào được xây dựng. Kể cả kịch bản di dời dân vùng trũng trước khi nước hỗn đổ về.
Con nước này đánh chìm kỹ năng tiên lượng dân gian của người dân và phơi lộ kỹ năng phòng chống yếu kém của chính quyền, đủ ban bệ cấp ngành lãnh đạo ngang dọc. Đó là sự “việt vị” khó hiểu!
Cần có một sự giải mã cơn lũ lịch sử này để biết nguyên nhân. Không thể nói chung chung là biến đổi khí hậu được. Con nước này hoặc là đã chảy thẳng từ núi xuống một cách ồ ạt do không còn cây rừng, hoặc là nước bị “ém” ở một nơi nào đó giữa chừng dội bom xuống hạ nguồn.
Tôi có xem một clip người Nhật làm thí nghiệm. Về cơ bản có rừng thì nước vẫn xuống, nhưng không thốc thẳng, mà xuống nhịp nhàng và dâng lên từ từ. Nghĩa là hạ du có thời gian để đo định.
Cơn lũ lịch sử cuốn phăng hàng trăm nhân mạng và tài sản quá khủng khiếp. Nó phải có một nguyên nhân thích đáng, một câu trả lời cho dân. Nó đòi hỏi phải có một sự minh bạch diện tích rừng của nhiều bên kiểm soát chéo.
Trước mắt, những người trong ban phòng chống bão lụt của tỉnh Quảng Bình phải biết xin lỗi vì đã không làm tròn trách nhiệm với dân. Quá nhiều ban bệ nhưng dân vẫn phải tự bơi trong lũ. Đó là sự thật không thể khoả lấp được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét