Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

4701 - Nhà hoạt động Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy "sắp được xét xử"

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng
Chụp lại hình ảnh,

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, bị chính quyền bắt giữ từ ngày 21/11/2019

Nhà hoạt động xã hội dân sự, ông Phạm Chí Dũng và đồng nghiệp đang bị bắt giữ có thể sắp được đưa ra xét xử trong vòng vài tháng nữa, tức cuối năm 2020, theo một luật sư được gia đình mời bào chữa từ Sài Gòn.

Hôm 21/10/2020, luật sư Nguyễn Văn Miếng từ Văn phòng Luật Hồng Đức nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã nhận được công văn phúc đáp của cơ quan An ninh Điều tra, thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh thông báo đã kết thúc điều tra vụ án với ông Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch hội nhà báo nói trên và đã gửi hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố.

"Ngay sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt hồi tháng 11/2019 và ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt mấy tháng sau đó vào tháng 5/2020, gia đình của các ông đã liên lạc với tôi và nhờ tôi tham gia bảo vệ, luật sư bào chữa cho các ông," luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC từ Sài Gòn.

"Trong số những người được gia đình các ông mời, theo tôi được biết, còn có luật sư Đặng Đình Mạnh, đồng nghiệp của tôi.

"Sau đó chúng tôi đã tiến hành các thủ tục theo luật định để xúc tiến việc có thể tham gia bào chữa cho các ông, đến trưa hôm nay, ngày 21/10, tôi đã nhận được một văn bản của cơ quan An ninh Điều tra, thuộc Công an TP Hồ Chí Minh (ký ngày 16/10/2020) phản hồi.

"Sở dĩ tôi nhận được văn bản này là vì sau khi ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt thì gia đình có mời chúng tôi như trên bào chữa cho hai ông, tuy nhiên sau khi chúng tôi gửi văn bản để đăng ký bào chữa thì cơ quan an ninh điều tra khi đó gửi một văn bản nói rằng khi nào kết thúc điều tra thì mới cho chúng tôi tham gia.

Văn bản của cơ quan công an
LS NGUYEN VAN MIENG

Chụp lại hình ảnh,

Văn bản trả lời luật sư của cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh

"Bình thường khi kết thúc điều tra thì cơ quan đó phải gửi văn bản cho chúng tôi, nhưng ngược lại chúng tôi phải thường xuyên gửi văn bản yêu cầu cho được tham gia làm luật sư bào chữa.

"Lần này, hôm 16/10 cơ quan An ninh Điều tra mới gửi một thông báo và nói rằng họ vừa kết thúc điều tra xong, cái này không phải tự nhiên họ gửi, mà do tôi đã gửi công văn, giấy tờ lặp lại việc đăng ký làm luật sư bào chữa, thì họ mới trả lời và phản hồi bằng một thông báo rằng vụ án đã kết thúc điều tra hôm 15/10 và họ đã chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cùng với kết luận điều tra.

"Cho nên bây giờ họ lại bảo chúng tôi liên hệ với Viện Kiểm sát để được cấp thông báo bào chữa. có vấn đề đây ở chỗ là đáng lý ra sau khi kết thúc điều tra, họ phải gửi cho chúng tôi một thông báo bào chữa, trong đó nói rằng cơ quan của họ đã kết thúc điều tra và luật sư hay các luật sư được phép tham gia trong vụ án này.

"Nhưng họ lại không làm thế, họ lại đi đường vòng và 'bán cái' qua bên Viện Kiểm sát thành phố, như vậy gây mất thời gian cho các luật sư, buộc chúng tôi phải làm lại hồ sơ để đăng ký, trong khi Viện Kiểm sát có cấp ngay cho chúng tôi hay không thông báo bào chữa đó lại là vấn đề khác.

"Thông thường, sau 24 giờ nhận được hồ sơ và đề nghị của luật sư, thì họ sẽ thông báo việc cấp thông báo bào chữa, tuy nhiên kinh nghiệm nhiều lần cho thấy chúng tôi nộp và thông qua đăng ký tại Viện Kiểm sát thì họ bắt đợi cho đến khi nào họ ra cáo trạng và khi đó thì họ sẽ chuyển qua Tòa án."

"Cuối năm có thể xét xử"?

Lưu lại audio,

Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy, bình luận về việc ký giả độc lập, TS Phạm Chí Dũng bị bắt

Khi được hỏi việc này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến tác nghiệp của các Luật sư và khi nào vụ án với các nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy mới được đưa ra xét xử, cũng như có thể được xét xử thế nào, Luật sư Nguyễn Văn Miếng đáp:

"Khi chuyển hồ sơ qua Tòa án như thế, người ta tới khi đó có thể mới cấp cho chúng tôi thông báo bào chữa, như vậy thì các luật sư mất đi rất nhiều thời gian để vào cuộc.

"Còn về khả năng khi nào vụ án sẽ được đưa ra xét xử, thì cái này tùy theo Tòa án thôi, nhưng thường thì một tháng nữa, sau khi Viện Kiểm sát hoàn thành và chuyển cáo trạng qua Tòa án, sau đó thêm một tới hai tháng nữa, nếu không sớm hơn và không có gì đặc biệt, thì Tòa án sẽ xét xử.

"Hiện nay đã là cuối tháng 10/2020 rồi, thì có thể và có lẽ theo chúng tôi là sớm nhất cuối năm nay, họ sẽ đem ra xử.

"Thông thường các vụ án hình sự ở Việt Nam rất ít khi thay đổi tội danh, người ta có thể thay đổi giữa khung này với khung khác, nhưng tội danh thì ít khi thay đổi, và hai ông Dũng và Thụy đã bị họ truy tố về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước mà được quy định theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, thì theo tôi là ít khi họ sửa đổi tội danh.

"Trừ trường hợp có gì đặc biệt mà phải bổ sung điều tra, mà Tòa trả lại hồ sơ, thì ít khi họ thay đổi tội danh của hai ông và khả năng cao là các ông sẽ bị xét xử theo đó."

Sức khỏe và thông tin giam giữ?

Ông Nguyễn Tường Thụy
FB NGUYEN TUONG THUY

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam bị chính quyền bắt giữ ngày 23/05/2020

Khi được hỏi về sức khỏe cũng như các thông tin có thể có về tình hình của các nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy từ khi hai ông bị bắt đến nay, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói:

"Chính là do việc cơ quan An ninh Điều tra của Công an và nhà nước không cho Luật sư được tham gia bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của chúng tôi ngay từ sau khi họ bị bắt, nên tới nay chúng tôi không có bất cứ một thông tin nào về các thân chủ của mình và bản thân gia đình hai ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy cũng không được gặp họ.

"Tuy nhiên chúng tôi biết rằng thân nhân của hai ông dù không được gặp nhưng được gửi đồ vào tiếp tế.

"Hiện nay hai ông đều đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, là trụ sở của cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh.

"Nhưng nay, sau khi đã được thông báo chính thức của cơ quan An ninh Điều tra là họ đã kết thúc điều tra vụ án, thì tôi đã hướng dẫn cho thân nhân của ông Phạm Chí Dũng, cũng như vợ ông Nguyễn Tường Thụy là họ có thể liên hệ với nơi giam giữ để họ cho thăm gặp các ông vì đã kết thúc điều tra rồi.

"Tôi muốn nói thêm là hai ông Dũng và Thụy bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, nhưng hai ông lại thuộc sự quản lý của trại giam Chí Hòa, trại giam này có hai cơ sở: một là trại giam Chí Hòa và thứ hai nữa là tại số 4 Phan Đăng Lưu, và tôi được biết là hai ông đang bị tam giam tại cơ sở số 4 Phan Đăng Lưu này.

"Về sức khỏe của hai ông, thì tôi được biết là ông Thụy trước khi bị bắt có bị ốm đau, con ông Dũng thì trước khi bị bắt, tôi không nghe thông tin đó như thế nào, mặc dù ngay sau khi ông Dũng bị bắt thì vợ ông có liên lạc với tôi để nhờ chúng tôi bào chữa cho chồng bà.

"Ông Thụy thì trước khi bị bắt, ông có liên lạc trực tiếp với tôi và nói với tôi là nếu ông bị bắt, ông nhờ tôi tham gia làm luật sư bào chữa cho ông. Sau khi các ông bị bắt thì các ông không thể liên lạc được với chúng tôi nữa, chỉ có người nhà họ liên lạc và luật pháp cho phép thân nhân các bị can, bị cáo nhờ các luật sư giúp đỡ pháp lý, bào chữa cho người nhà của họ trước Tòa.

"Tới đây, chúng tôi sẽ khẩn trương làm các thủ tục và công việc cần thiết để có thể bào chữa và bảo vệ tốt nhất quyền lợi pháp lý và các quyền của thân chủ của mình trước các cơ quan tư pháp và Tòa án, còn khi nào chúng tôi được phép tiếp xúc với các thân chủ của mình, chúng tôi hy vọng sẽ có các thông tin đầy đủ và tốt hơn về tình hình của họ," luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, hôm 21/10/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét