NDC Giang
Quang cảnh một cuộc họp của Hạ viện Mỹ, chưa rõ thời điểm. Nguồn: house.gov.
Kỳ 1: Nước Mỹ thời lập quốc của những người da trắng tự do
Vào thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ, nếu quyền công dân chỉ dành cho người da trắng tự do thì dân chủ cũng chỉ dành cho người da trắng tự do.
Khi bàn đến tính dân chủ của xã hội Mỹ, có lẽ phải nhắc đến quyển “Democracy in America” (Nền dân trị Mỹ) của Alexis de Tocqueville, khen ngợi chế độ dân chủ – cộng hòa của nước Mỹ. Ông cho rằng nước Mỹ được như vậy là do ba yếu tố: điều kiện tự nhiên và lịch sử đặc biệt của nước Mỹ, luật pháp, và tính cách và tập quán của con người. [1]
Điều đáng nói là khi khen ngợi nước Mỹ, Tocqueville suy nghĩ theo chiều hướng phân biệt chủng tộc khi ông cho rằng sự hình thành của nền dân chủ là do văn hóa và truyền thống của một cộng đồng châu Âu có văn hóa vượt trội [2]. Tocqueville cũng có phê phán chế độ nô lệ nhưng lại tập trung vào khía cạnh kinh tế mà bỏ qua sự hình thành của mối quan hệ giữa chủng tộc giữa người da trắng và người da đen, cũng như hệ thống luật pháp áp bức đã tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội [3].
Thêm nữa, theo Tocqueville, Người Mỹ Bản Địa (Native Americans) suy tàn là tất yếu vì họ không có kiến thức về nông nghiệp và không biết canh tác đất [4]. Tư tưởng này có điểm tương đồng với tư tưởng của John Locke về vấn đề đất đai và tài sản. Tư tưởng của John Locke là một trong hai tư tưởng quan trọng có ảnh hưởng đến sự hình thành của nước Mỹ. (Tư tưởng còn lại là về việc hạn chế quyền lực của người cầm quyền, biểu hiện qua Đại hiến chương Magna Carta).
Locke tin rằng đất đai nên được “inclosed” (khoanh vùng lại cho sở hữu tư nhân) [5] và đất đai sẽ không có giá trị nếu không được canh tác (cultivated) [6]. Sức lao động (labor) thể hiện qua hành động canh tác là thứ tạo ra giá trị cho mảnh đất. Do đó, có thể hiểu tại sao những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ xem việc săn bắt của người Mỹ Bản Địa là phản lao động, như lời của nhà sử học David Roediger thì là “opposite of labor.” [7]
Như vậy việc sở hữu đất và canh tác đất để tạo lợi nhuận của người da trắng được xem là vượt trội (superior) so với việc không chiếm đất làm sở hữu cá nhân (private property) và việc sống trong thiên nhiên của người Mỹ Bản Địa. Bởi vì người Mỹ Bản Địa không chiếm đất làm sở hữu tư nhân và canh tác nên đất đai ở Mỹ được những người nhập cư da trắng xem là đất trống (vacant), cộng thêm việc xem lối sống của người Mỹ Bản Địa là mọi rợ (savage) dẫn đến việc chiếm đất mà người Mỹ Bản Địa đang sinh sống lại được xem là “tốt cho nhân loại” (“benefit for humanity”) [8].
Như vậy, sự dân chủ dựa trên sở hữu tư nhân (private property) và bảo vệ tài sản cá nhân (Tu chính án thứ Năm) là một quá trình chiếm đất một cách thô bạo mà Tocqueville nói riêng và nước Mỹ nói chung cố tình quên đi.
Và dân chủ ở Mỹ trong thời lập quốc cũng không dành cho phụ nữ da trắng. Mặc dù luật nhập tịch năm 1790 không cấm phụ nữ da trắng trở thành công dân nhưng phụ nữ lúc đó không có quyền bầu cử (cho đến tận năm 1920). Chưa kể luật này thừa nhận con của công dân Mỹ sinh ở nước ngoài là công dân Mỹ, trong khi lại không thừa nhận quyền công dân của người sinh ra ở nước ngoài nếu người cha không phải là người thường trú (resident) ở Mỹ. Điều này có nghĩa là quyền công dân chỉ được thừa hưởng từ người cha chứ không phải người mẹ. Như vậy mặc dù phụ nữ Mỹ có thể được xem là công dân về mặt luật pháp nhưng trên thực tế thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Khi nước Mỹ chính thức được thành lập vào năm 1776, Abigail Adams đã viết thư cho chồng mình là John Adams (lúc đó đang là nghị sĩ Quốc hội, và sau này trở thành tổng thống thứ hai của nước Mỹ) dặn dò ông hãy luôn nhớ đến những người phụ nữ. Bà muốn ông nhớ đến phụ nữ khi tham gia vào việc ban hành luật pháp cho đất nước mới, khuyên ông không nên giao cho “Các Đức Ông Chồng” (nguyên bản là bà viết hoa từ “Husbands”) quyền lực tuyệt đối vì đàn ông sẽ trở thành bạo chúa nếu họ có thể, và cảnh báo rằng phụ nữ có thể nổi loạn nếu như họ không có tiếng nói [9]. Lúc đó John Adams bác bỏ những lời đề nghị trong lá thư mà ông cho là xấc xược (“saucy”) của bà. Như vậy, khởi thủy của nền dân chủ ở Mỹ chỉ dành cho người đàn ông da trắng tự do.
Trong một đất nước trong thời kỳ lập quốc mà có:
- 1/5 dân số không có quyền công dân (người nô lệ);
- 1/2 đến 2/3 trên tổng số người da trắng nhập cư là lao động theo thời hạn (indentured servants) (như đã nói ở trên) cũng không có quyền công dân (sau này khi tỷ lệ này giảm xuống, và lực lượng lao động được thay thế bằng người nhập cư từ châu Á, chủ yếu là người Trung Quốc, thì người nhập cư từ Trung Quốc cũng không được trở thành công dân mãi đến sau 1943);
- Trong số còn lại có thể có quyền công dân thì phụ nữ lại không được đi bầu;
thì nước Mỹ lập ra dân chủ là cho ai thì đã rõ.
Thế những thành tựu về tự do, dân chủ và bình đẳng (ở một mức độ nào đó) của nước Mỹ cho đến ngày hôm nay là do đâu mà có? Là do sự đấu tranh không ngừng của những người bị áp bức.
Nhờ đấu tranh mà chế độ nô lệ mới bị bãi bỏ, người Da Đen được xem là công dân Mỹ và được đi bầu. Nhờ đấu tranh mà phụ nữ mới có quyền bầu cử. Nhờ Phong trào Dân quyền mà người Da Đen mới có quyền bình đẳng. Đó là lý do tại sao Nikole Hannah – Jones, nhà báo được giải Pulitzer năm 2020, đã viết rằng “Nước Mỹ là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng của lý tưởng và của cả sự dối trá.” (“The United States is a nation founded on both an ideal and a lie.”) Hannah-Jones lập luận rằng chính người Da Đen đã đấu tranh để biến những lý tưởng của nước Mỹ thành hiện thực.
Rõ ràng là thế.
Nước Mỹ đã và đang là đất nước của người da trắng. Khi Tổng thống Lincoln bị ám sát, Phó Tổng thống Andrew Jackson đã tuyên bố rằng “Đây là đất nước của người da trắng và ngày nào tôi làm tổng thống thì chính quyền này sẽ là chính quyền của người da trắng.” (“This is a country for white men, and by God, as long as I am President, it shall be a government for white men”)
Đến ngày giờ này, chính vì nước Mỹ vẫn là đất nước của người da trắng, nên khi cơn đại dịch COVID-19 xảy ra, ta thấy rõ sự bất bình đẳng trong một xã hội phân tầng theo màu da: những người được gọi là “essential workers” vẫn phải đi làm trong các nhà máy thịt, trong các siêu thị, những người giao hàng đa số vẫn là người da màu. Những người làm ở bệnh viện (lao công, quét dọn, y tá) cũng chủ yếu là người da màu và phụ nữ.
https://www.luatkhoa.org/2020/10/toi-nghi-gi-khi-nghi-ve-nuoc-my-ky-2-nen-dan-chu-cua-nguoi-da-trang/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét