Lâu nay người Việt mình cứ quen mồm gọi chế độ cũ là Ngụy, chẳng qua bị nhồi lâu thành ra quen mồm, thấy cũng bình thường, kiểu như đương nhiên nó phải thế, chả thắc mắc gì.
Từ “ngụy” đó bắt đầu được sử gia nhà Nguyễn dùng để chỉ nhà Tây Sơn. Hình như trước đó chưa ai dùng? Đó là để chỉ cái sự không chính danh của Tây Sơn. Tương tự vậy, chế độ CS cũng gọi QGVN và VNCH là Ngụy quyền (không hiểu sao lại viết hoa?). Nhưng Đế quốc VN lại không bị gọi là Ngụy nhé! Chắc chắn có lý do của nó. Mình sẽ phân tích ở dưới.
Về tính chính danh của các chính quyền, thì thường có 2 loại, quân chủ và dân chủ.
1. Chính danh quân chủ
Kiểu chính danh này là phổ biến suốt thời kỳ phong kiến. Vua được coi là thiên tử, con vua đương nhiên được nối dõi làm vua. Nếu vua không có con đẻ thì con nuôi hoặc cháu vua (trong họ) sẽ được chọn. Kẻ được chọn đó được coi là có chính danh quân chủ.
Thời phong kiến, tội khi quân, giết vua, cướp ngôi vua là tội tày trời. Cướp ngôi sẽ không có chính danh, quan lại và dân chúng sẽ không theo.
Các triều đại phong kiến VN cũng hiếm có chuyện cướp ngôi vua trắng trợn, đều phải có lý do hợp lý và thường kẻ “cướp ngôi” đều đang là quan to đầu triều, lấy ngôi của ấu chúa, khi vua mới chết.
Nhà Đinh sang nhà Lê cũng phải dựa vào việc nhà Tống xâm lược, tình huống khẩn cấp, nên quan quân mới “thuyết phục” bà thái hậu đang nhiếp chính nhường ngôi cho Lê Hoàn đang là “phó vương”.
Lý Công Uẩn cũng lên ngôi khi đang làm quan to, sau khi Lê Long Đĩnh chết.
Trần Cảnh lên ngôi với sự sắp đặt của Trần Thủ Độ là đại quan triều Lý, trong khi triều Lý đã mạt, Lý Chiêu Hoàng “nhường ngôi” cho chồng một cách êm thấm. Trần Cảnh cũng là con của Trần Thừa, một đại quan khác.
Hồ Quý Ly cũng là quan đầu triều phế cháu ngoại mình là vua Trần, lên ngôi vua. Sau đó sợ điều tiếng lại nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, cũng là cháu ngoại vua Trần. Lấy cớ về việc cướp ngôi đó, nhà Minh sang chiếm nước ta. Nhà Hồ một phần vì thiếu chính danh mà để mất nước.
Lê Lợi, một địa chủ ở Thanh Hoa, dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh dành thắng lợi, cũng phải dựng Trần Cảo (hậu duệ nhà Trần) lên làm minh chủ. Nhưng lúc sắp sửa lên ngôi vẫn phải chế ra lý do với nhà Minh là Trần Cảo (người được nhà Minh chấp thuận để khôi phục nhà Trần) đã chết, quý tộc nhà Trần không còn ai, để được lên ngôi vua một cách chính thống (được nhà Minh phong làm An Nam quốc vương).
Mạc Đăng Dung cũng là quan đầu triều Lê, ép vua nhường ngôi, nên cũng bị mất chính danh. Nhà Hồ và nhà Mạc không được coi là triều đại chính thống trong lịch sử phong kiến VN.
Nguyễn Kim, cũng 1 đại quan nhà Lê và con rể là Trịnh Kiểm lấy tiếng phù Lê diệt Mạc để trung hưng được nhà Lê, gọi là triều Lê Trung hưng. Kể từ Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm, họ Trịnh làm chúa, thay vua Lê cai trị đất nước. Vua Lê lúc đó giống như vua Hán thời Tam quốc, chả còn quyền hành thực tế, nhưng con cháu vẫn được nối ngôi. Chúa Trịnh không dám cướp ngôi, vì chả có lý do gì và sợ mất chính danh. Chúa Trịnh trị vì Đại Việt 200 năm như vậy.
Nguyễn Hoàng, con trai Nguyễn Kim, xin trấn thủ Thuận Hóa để ly khai chúa Trịnh. Kể từ con trai ông cũng làm chúa cai trị Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Chu, cháu 6 đời của Nguyễn Hoàng, muốn biến Đàng Trong thành 1 nước độc lập với Đàng Ngoài, xin vua Thanh phong vương nhưng không được. Vì nhà Thanh chỉ coi vua Lê là chính danh, coi Đàng Trong vẫn là đất của nhà Lê. Thế là chúa cũng đành chịu, tự phong vương và coi Đàng Trong là độc lập với Đàng Ngoài nhưng vẫn phải lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh chứ không dám tự lên ngôi vua.
Đến khi anh em Tây Sơn khởi nghĩa chống chúa Nguyễn, cũng phải lấy tiếng là diệt quyền thần Trương Phúc Loan, kẻ lấn át chúa Nguyễn! Nhưng người chấm dứt chúa Nguyễn lại là Trịnh Sâm. Kẻ tận diệt chúa Nguyễn là anh em Tây Sơn, vốn xuất thân chỉ là thương gia nhỏ.
Sau khi Trịnh Sâm chết, Đàng Ngoài hỗn loạn, do Trịnh Sâm phế trưởng lập thứ (thiếu chính danh). Tây Sơn (chính xác là Nguyễn Huệ) nhân cơ hội mới ra Bắc diệt chúa Trịnh, nhưng vẫn không dám lật vua Lê. Cũng chỉ vì thiếu lý do và sợ không có chính danh. Nguyễn Huệ phải rút về Phú Xuân.
Sau đó, Nguyễn Huệ lại ra Bắc 2 lần để giết Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm với cái cớ là hai người này chuyên quyền lấn át vua! Thực tế là do sợ hai người đó muốn làm chúa, cướp mất công của mình. Vua Lê Chiêu Thống phải bỏ Thăng Long trốn đi. Nguyễn Huệ vẫn không dám cướp ngôi mà lập Lê Duy Cận, chú của Lê Chiêu Thống, làm giám quốc.
Cơ hội tiếm ngôi của Nguyễn Huệ chỉ có khi Lê Chiêu Thống cho người cầu viện nhà Thanh. Nguyễn Huệ lấy lý do chống giặc để tự lên ngôi với niên hiệu Quang Trung.
Nguyễn Huệ là kẻ tiếm ngôi duy nhất xuất thân trong giới bình dân, khi vua chính danh vẫn còn sống. Lê Lợi không bị coi là tiếm ngôi, dù bị tiếng ép chết Trần Cảo, cũng không phải xuất thân quan lại. Vì lúc đó nhà Minh đã chiếm được Đại Việt và cai trị trực tiếp, gây nhiều tội ác, lúc đó không còn nhà Trần nữa.
Nguyễn Ánh khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, thì lấy cái chính danh là hậu duệ chúa Nguyễn, khôi phục lại nhà chúa. Vua Lê lúc đó đã chạy sang Tàu nên Nguyễn Ánh tự lên ngôi. Vì thế, Nguyễn Ánh không bị cái tiếng cướp ngôi vua. Vì dù sao Nguyễn Ánh vẫn có chính danh hơn là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc (đều tự lên ngôi).
Vì lẽ đó, nên dưới con mắt sử gia nhà Nguyễn, thì Tây Sơn là ngụy triều, do ép vua phải bôn tẩu, cầu viện, rồi tiếm ngôi.
Dưới con mắt sử gia CS thì Tây Sơn có chính danh là vì đã đánh đuổi được ngoại xâm. Nhưng việc quy kết quân Thanh là ngoại xâm mới là suy diễn cho tương lai. Chứ thực tế lúc đó quân Thanh chưa chiếm được Đại Việt, không hề đánh nhau với quân nhà Lê, chỉ đánh vài trận nhỏ với Tây Sơn, cũng chưa đặt quan lại cai trị trực tiếp (chưa sát nhập Đại Việt vào nhà Thanh) mới có ý đồ mà thôi. Lê Chiêu Thống vẫn làm vua.
Nói chung, việc Nguyễn Huệ đánh quân Thanh với hoàn cảnh hoàn toàn khác với Lê Lợi đánh quân Minh. Trong khi Lê Lợi vẫn phải dựng Trần Cảo lên để lấy tiếng khi phất cờ khởi nghĩa, thì Nguyễn Huệ đã tự xưng đế.
Mình phải tóm tắt lại các sự kiện thay đổi triều đại phong kiến VN trong gần 1000 năm, để mọi người thấy rằng cái tính chính danh quân chủ thời đó nó quan trọng thế nào. Điều này đặc biệt rõ ở thời chúa Trịnh, quyền lực như vậy mà vẫn không dám lật vua. Những kẻ “tiếm ngôi” đều phải xuất thân quan to, đầu triều và việc tiếm ngôi cũng phải hết sức khéo léo. Chỉ duy nhất Nguyễn Huệ là kẻ tiếm ngôi xuất thân bình dân và dùng bạo lực đánh vua. Các trường hợp khác đều phải khi vua đã chết.
Với một lịch sử như vậy, nên việc Việt Minh cướp chính quyền rồi ép vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm là việc không đơn giản, dưới góc nhìn phong kiến. Đã cướp chính quyền rồi thì làm gì còn có chuyện vua Bảo Đại TỰ NGUYỆN trao ấn kiếm nữa?!
Đế quốc VN (nhiều người còn không biết đến cái quốc hiệu này) không bị coi là ngụy, là do vua Bảo Đại có chính danh. Vì thế chỉ bị gọi là chính quyền bù nhìn, nhưng không ngụy!
Phần 2 mình sẽ phân tích tiếp về chính danh dân chủ và so sánh tính chính danh của VNDCCH, QGVN và VNCH (Hai nền Cộng hòa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét