Đưa tàu khảo sát đến gần khu vực Malaysia thăm dò dầu khí, tuyên bố lập hai huyện đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, cho tàu cá với sự tháp tùng của tàu hải cảnh đánh cá ở vùng biển Natuna của Indonesia. Trong khi các nước Đông Nam Á nói riêng và cả thế giới tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.
Hành động thể hiện rõ nhất ý đồ này của Trung Quốc là thông báo ngày 18/04/2020 về việc thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” ( tức quần đảo Hoàng Sa ) và “quận Nam Sa” ( tức quần đảo Trường Sa ), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay hôm sau, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, đã phản đối mạnh mẽ hành động đó của Trung Quốc.
Căng thẳng về Biển Đông giữa hai bên đang tiếp diễn. Theo hãng tin Reuters, hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết phía Trung Quốc vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả việc “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam ( Biển Đông )”. Cụ thể, đó là phản ứng của Bắc Kinh về việc vào cuối tháng 3, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để phản đối lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, được thể hiện qua công hàm ngày 23/03 của Trung Quốc gởi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trước đó, vào đầu tháng 3, quan hệ Hà Nội - Bắc Kinh cũng đã nóng lên do vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội cũng đã mạnh mẽ phản đối vụ này.
Năm ngoái, quan hệ giữa hai nước đã từng căng thẳng cao độ do vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam suốt nhiều tháng trời. Vào tuần trước, cũng tàu này đã bị phát hiện đang tiến hành khảo sát gần khu vực mà tàu thăm dò của công ty dầu khí Nhà nước Malaysia Petronas đang hoạt động.
Dù đang bận chống dịch Covid-19, Hoa Kỳ cũng không thể để cho Trung Quốc một mình thao túng Biển Đông. Ngày 21/04/2020, Hải quân Mỹ thông báo đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến gần khu vực mà Trung Quốc và Malaysia đang đối đầu. Hai chiến hạm này cùng với một chiến hạm thứ ba của Mỹ đã tập trận chung với một chiến hạm của Hải quân Úc.
Sau khi xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh tập trung hỗ trợ cho các nỗ lực của quốc tế chống đại dịch toàn cầu và ngưng lợi dụng lúc các nước khác không quan tâm hoặc đang suy yếu, để mở rộng các đòi hỏi chủ quyền “phi pháp” ở Biển Đông.
Nhưng Bắc Kinh có vẻ phớt lờ những lời kêu gọi của Washington. Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings, được hãng tin Reuters trích dẫn, nhận định: “Rõ ràng Trung Quốc đang có một chiến lược lợi dụng tối đa lúc thế giới bớt chú ý và năng lực của Hoa Kỳ đang suy giảm để gây áp lực lên các nước láng giềng”.
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, có cùng nhận định: “ Dường như là cho dù đang chiến đấu chống dịch, Trung Quốc vẫn không quên những mục tiêu chiến lược dài hạn. Bắc Kinh đang muốn tạo ra một tình trạng bình thường mới ở Biển Đông và để đạt được điều này, họ có những hành động ngày càng hung hăng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét