Tình nguyện viên đi tặng cơm được trang bị bảo hộ kĩ càng để phòng tránh lây nhiễm. Photo: facebook Chau Thi Phan
Chia sẻ, thương yêu
Hình ảnh những thùng mì gói, những túi gạo mắm được sắp xếp gọn gàng bên đường cùng những tấm bảng viết vội: “Nếu hết gạo xin nhận một phần. Nếu còn gạo xin nhường người khác”; “Ai cần hãy đến lấy - trứng vịt và mì gói - cùng nhau vượt qua Covid”; “Bánh tét miễn phí mùa Covid”; “Hỗ trợ dịch Corona. Nếu khó khăn hãy lấy 1 phần. Nếu ổn, xin bạn nhường lại”… được mạng xã hội chia sẻ liên tục những ngày qua khiến ai cũng thấy ấm lòng trong mùa dịch.
Trong khi đó, dù chính quyền khuyến khích người dân tự nguyện đóng góp ít nhất là 20.000 đồng, nhưng những người mà RFA trò chuyện đều cho biết họ không đóng vì chính quyền không minh bạch. Họ không tin nên không góp.
Anh Nguyễn Văn Vũ, một người dân Sài Gòn cho rằng chuyện kêu gọi đóng góp chống dịch là chuyện lố bịch và nực cười. Anh giải thích:
“Tôi đã không tin chính quyền này từ lâu rồi. Họ không bao giờ công khai, minh bạch một chuyện gì nên kêu góp một đồng tôi cũng không góp vì không biết tiền đó sẽ đi đâu”.
Chị Kim Hạnh thường làm từ thiện trong chùa vào những ngày rằm nói với RFA rằng, chị tự bỏ tiền mua mì gói biếu cho những nhà nghèo trong xóm. Tận tay chị trao chị mới tin. Nó thiết thực hơn nhắn tin đóng góp theo lời kêu gọi của chính phủ.
Chị Phan Thị Châu, chủ nhiệm Quán cơm Tương trợ Nụ Cười 2 cho biết chính quyền đến tận nhà vận động chị đóng góp nhưng chị từ chối. Chị có cách đóng góp của riêng chị. Chị trình bày:
“Chuỗi quán cơm ở Sài Gòn của tụi chị là 6 quán. Vợ chồng chị phụ trách ba quán, bán từ thứ hai đến thứ Bảy. Mùa dịch này phải giúp nhiều hơn và phải nỗ lực hơn. Trước đây mình chỉ bán buổi trưa, bây giờ không thể tập trung khách nhiều một lúc như vậy vì sợ lây. Thế là nhân viên phải tập trung tại quán từ lúc hơn 4 giờ sáng để 5 giờ nổi lửa. Nấu xong phải để cơm và đồ ăn nguội cho vô hộp xốp để an toàn cho sức khỏe bà con. Khi vô hộp rồi thì bắt đầu phát cho đến gần trưa để tránh ùn ứ nhiều người một lúc. Trước đây chị bán giá tượng trưng 2.000 đồng một phần cơm. Mùa dịch này thì thao tác phát nhanh hơn bán nên chỉ phát thôi, không bán”.
Chị nói thêm rằng hai quán cơm gần Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Gia Định vẫn hoạt động để phục vụ bà con ung thư. Muốn vậy chị phải trình bày với phường mong họ hỗ trợ bằng cách cho chị tiếp tục phát cơm, đồng thời chị nói bà con không tập trung, đứng cách xa nhau vì nếu quán bị đóng cửa thì sẽ thiệt thòi cho bà con.
Ngoài dịch bệnh, thiên tai cũng ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến người dân. Đợt hạn hán vừa qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là khốc liệt nhất trong 100 năm qua. Cây cối chết khô, người dân thiếu nước ngọt. Trước tình hình đó, những người dân nơi đây lại chung tay giúp nhau vượt qua khó khăn, đem nước ngọt về cho bà con đang khát.
Ông Ngô Nhật Đăng, một người tham gia nhóm đem nước ngọt về phân phát cho bà con Gò Công chia sẻ với RFA rằng, những người dân bình thường phải hy sinh vất vả trên đồng ruộng. Làm hôm nay lo ngày mai nhưng tấm lòng của người dân trong những lúc khó khăn như thế này khiến ông cảm động. Ông nói thêm:
“Đây là chuyện tự giác hoàn toàn. Người ta góp tiền mua bồn, người có xe. Những lao động bình thường tình nguyện chở nước giúp cho bà con. Người dân ngoài thị xã thì sẵn sàng cho nước. Nước máy cả đêm bơm vào những bồn chứa. Xe của mình đến lấy, bơm nước chở đi các nơi.
Mình thấy tình cảm của mọi người rất là trong sáng. Rất đúng với tinh thần chia sẻ từ ngàn xưa. Vùng hạn nặng nhất của năm nay là Gò Công, Tiền Giang. Miền Tây thì đỡ. Tôi gặp những cụ già 80, 90 tuổi ở vùng này họ đều nói chưa bao giờ thấy hạn hán nặng như thế.”
Không trong mong vào nhà nước
Dẫu biết, cứu giúp người dân là trách nhiệm của chính phủ trong bất cứ tình huống khẩn cấp nào, kể cả thiên tai hay dịch bệnh. Nhưng đối với người Việt Nam, dường như họ đã quen tự cứu mình qua kinh nghiệm hàng chục năm qua.
Đối với nạn hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay, ông Ngô Nhật Đăng cho biết, người dân đã tự giúp nhau hơn một tháng nay rồi. Người dân nơi đây họ ý thức rất tốt, họ chia sẻ, đùm bọc nhau, không trông mong gì đến chính phủ. Trong lúc thảm họa thì người dân giúp đỡ lẫn nhau là chính. Ông nêu quan điểm của mình:
“Hầu như mọi chính quyền đều nói lo cho dân nhưng tôi thấy việc cung cấp nước ngọt cho dân lần này vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Nhà máy cấp nước ở đây chạy hết công suất cũng không đủ. Rồi việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ người nghèo hầu như vượt quá khả năng của chính phủ.
Tôi cảm thấy rằng chính phủ này họ không có kinh nghiệm về những khủng hoảng. Đáng lẽ việc này có thể dự đoán được từ trước nhưng hệ thống của chế độ cộng sản toàn trị không có cơ chế báo động sớm, nên khi xảy ra dịch bệnh hay hạn hán lịch sử như thế này thì chính quyền lúng túng. Họ không biết giải quyết khủng hoảng như thế nào.”
Ông ghi nhận trong mùa dịch, chính quyền có hỗ trợ cho nhóm của ông trong việc vận chuyển nước chứ không hề gây khó dễ. Ví dụ có lệnh cấm vận chuyển nhưng họ vẫn để cho nhóm chuyên chở nước. Cảnh sát giao thông cũng như các cơ quan khác đều ưu tiên cho những xe chở nước về vùng sâu vùng xa.
Chị Phan Thị Châu nêu thực tế, nếu trông chờ vào chính phủ thì dân sẽ đói trước khi được cứu đói. Chị nói:
“Tụi chị đang có hai chương trình. Thứ nhất là chương trình nấu cơm hàng ngày phát cho những người cơ nhỡ. Đó là giúp phần ngọn.
Chương trình thứ hai là tụi chị đi tới từng nhà những người bán vé số, chạy xe ôm hoặc làm mướn bị mất việc mùa dịch. Mình cho họ gạo, tiền, mắm muối… để họ sống sót trong mùa dịch.
Mình giúp kiểu này là giúp cái ngọn thôi. Mình giúp họ con cá chứ không thể giúp họ cần câu. Giúp cần câu là việc của nhà nước. Bây giờ nhà nước không cho họ cần câu mà mình không cho họ con cá thì họ chết sao?”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cbo biết Chính phủ Hà Nội chuẩn thuận chi gói hỗ trợ 65 ngàn tỷ đồng để giúp cho chừng 20 triệu người được nói bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 hiện nay.
Thực tế cho thấy từ khi kế hoạch được chuẩn thuận đến lúc tiền, hàng đến được tay người dân cần phải mất một khoảng thời gian, cũng như qua nhiều cấp khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét