Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

619 - “Khóc một dòng sông”

Nguyễn Tuấn Khoa

Giờ Vạn Vật Học lớp Đệ Lục (1972), khi giảng về sông Cửu Long thầy tôi nói: Đó là con sông hùng vĩ, thượng nguồn ở Trung Quốc (TQ) chảy qua 5 nước. Sông có 9 nhánh đổ ra Biển Đông, giống như 9 con rồng phun nước tại cửa 9 cửa sông.

Thầy nói, thật ra sông Cửu Long chỉ có 8 nhánh! Do số 9 là số may mắn trong văn hóa Phương Đông nên người ta phải cố gán thêm một nhánh cho đủ 9. Đó là nhánh Ba Thắc rất nhỏ, đang bị bồi lấp.

Vị trí cửa sông Cửu Long. Nguồn: Ảnh chụp từ Google map 
Như một định mệnh trớ trêu, gần nửa thế kỷ sau bài giảng đó, nhánh Ba Thắc rồi thêm nhánh Ba Lai đã thành dòng sông chết. Hai con rồng đã về trời! Sông Cửu Long tám nhánh nay chỉ còn bảy. Thất Bát! Con số này như một điềm gỡ cho một vùng châu thổ buồn.

Lịch sử Châu Thổ sông Cửu Long (CTSCL) là một cuộc giành giật giữa sông và biển trong hàng ngàn năm. Lúc biển tiến, cả vùng ngập trong biển; lúc biển thoái, sông mạnh mẽ đẩy lùi biển ra đại dương… Để giờ đây nơi gặp gỡ giữa Cửu Long và Biển Đông đã tạo nên một vùng châu thổ trù phú với đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới.

Dòng Mekong hùng vĩ bao đời nay đã cần mẫn tải ngọc phù sa nuôi sống gần 70 triệu người trên toàn lưu vực 800 cây số vuông. Ở cuối nguồn, hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang đã tạo nên vựa lúa lớn và một nền văn hóa đặc sắc với 17 triệu cư dân. Bỗng chốc tất cả trở nên suy tàn.

Hạn mặn 2016 đã lên đến Cần Thơ, vượt mức chịu đựng của dân ĐBSCL. Hạn mặn 2020 còn khốc liệt hơn nhiều. Nếu lấy mức mặn 4 phần ngàn là ngưỡng sống còn của cây lúa thì nước mặn từ Biển Đông đã vào sâu hơn 80 km nhưng nếu lấy mức mặn 0.5 phần ngàn cho nước uống thì mặn đã chạm đến hầu hết các nhà máy nước toàn vùng. Ngày mặn lên tới nhà máy nước Châu Đốc rồi Nam Vang sẽ không còn xa nữa.

Chuỗi đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc là thủ phạm lớn nhất


Thật vậy, tính từ năm 1993 đến năm 2019, Trung Quốc đã hoàn tất 11/14 đập. Khi đập đầu tiên là Mạn Loan (1,500 MW, 1993) tích nước, ngay lập tức mùa mưa cùng năm 1993 mực nước sông Mekong xuống thấp hơn cả mực thấp lịch sử của mùa khô.

Vị trí chuỗi 14 đập Vân Nam và chuỗi 11 đập Lào-Thái-Miên. Photo Courtesy
Tiếp theo đập Đại Chiếu Sơn (1,350 MW, 2003) đã làm cho tình hình thêm trầm trọng. Cho đến khi sự xuất hiện của hai “hung thần”, TQ đã làm cho mực nước sông Mekong thấp hơn và dẫn đến hạn-mặn năm 2016 và 2020. Đó là đập Cảnh Hồng (1,350 MW, 2007) với hồ chứa 15 tỷ m3 rồi đập Nọa Trắc Đồ (5,500 MW, 2014) với hồ chứa 22.7 tỷ m3.

Có một bài viết bênh vực cho tội ác của chuỗi đập Vân Nam với lý do sông Lan Thương ở đầu nguồn nhỏ và TQ chỉ giữ lại 7% lượng nước (sic). Tác giả còn cho rằng các thủy điện ở Tây Nguyên VN mới gây hại (sic luôn). Chỉ riêng các điều trình bày trên đủ kết tội chuỗi Vân Nam, tuy nhiên cũng cần nói thêm:

- Phần góp nước của TQ là 16% đứng thứ 4 (giữ lại 7%), VN góp 11%, đứng thứ 5, sau Lào (35%), Thái Lan (18%) Cam Bốt (18%). Hãy xem, lưu vực thủy điện Tây Nguyên, gọi là 3S gồm Sekong, Sesan và Srepok, chiếm 57% diện tích lưu vực sông Mekong trên đất VN, nên phần góp nước của 3S sẽ thấp hơn 11% nhiều. Câu hỏi là: tại sao ông thứ tư TQ trắng tội trong khi đó Tây Nguyên - con lớn của ông thứ năm VN lại phải chịu tội?

- Theo ông Tô Văn Trường, hồ điều hòa của thủy điện Sesan 4A, Srepok 4A góp phần giúp 3S giảm thiệt hại đáng kể cho vùng hạ lưu.

- Theo Phạm Phan Long, vào mùa khô, tuyết tan trên Himalaya đã giúp cho tỷ lệ góp nước của TQ tại trạm Kratie là 80% và trạm Vạn Tượng là 40%, tỷ lệ này còn cao hơn vào những năm mưa ít. Với tỷ lệ góp nước 80% vào mùa khô và 40 tỷ m3 từ chuỗi 11 đập Vân Nam kể trên, TQ có thế mạnh tuyệt đối khuynh đảo các quốc gia vùng hạ lưu. Rất tiếc bài viết đã không xét đến hoạt động Mekong vào mùa khô.

Các đập thủy điện Lào-Thái-Miên là thủ phạm thứ hai


Chuỗi 11 đập này gồm có 7 đập trên đất Lào, 2 đập trên đất Cam Bốt và 2 đập trên biên giới Lào-Thái. Hiện đã có 3 đập đã hoàn tất. Theo ông Ngô Thế Vinh, từ 1994 các công ty tư vấn hỗn hợp Canada-Pháp đã cảnh báo về tác hại rất lớn đến môi sinh vùng hạ lưu. Đến 05/2007, hơn 30 nhà khoa học đã gửi thư phản đối lên chính phủ thuộc MRC - Ủy ban sông Mekong (UBSMK - Mekong River Committee).

Cho đến nay, chỉ một thủy điện Xayabouri (Lào, 1260 MW, 2019) đã gây thiệt hại đáng kể cho vùng hạ lưu. Thiệt hại sẽ còn tăng vì trong tháng 4/2020, PVN của Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư, sẽ khởi công xây thủy điện Luang Prabang (1,410 MW), lớn thứ nhì trong chuỗi đập này. Tuy nhiên sức tàn phá lớn nhất về thủy sản phải kể tới đập Sambor (Cam-Bốt, 980 MW), cuối cùng trong bậc thang, đang trình duyệt. Sambor sẽ chặn lại 60% phù sa cung cấp cho DBSCL (theo Viện Di sản NHI- Cơ quan giám sát lưu vực sông) và chặn cá từ Biển Hồ di chuyển lên thượng nguồn, thiệt hại nguồn cá của Căm Bốt, chiếm tới 12% GDP (theo ông Ngô Thế Vinh).

Ngoài ra, mức tàn phá it hơn, đó là hàng chục thủy điện trên sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan và Tây Nguyên Việt Nam. Cộng thêm là các công trình thủy lợi, cấp nước được lách luật, khai thác sâu trong nội địa trên kênh nối dòng chính sông Mekong.

Đại diện kém tài của VN trong Ủy ban sông Mekong là thủ phạm thứ ba


Ý thức được sông Mekong là dòng sông mang lợi ích chung, nên năm 1957, các quốc gia trong lưu vực đã quyết định thành lập Ủy ban sông Mekong (UBSMK), ban đầu gồm có 4 nước Thái-Lan, Lào, Cam-Bốt và Nam-VN với sứ mạng phát triển hạ lưu sông Mekong. Một điều khoản quan trọng của UBSMK là cả 4 thành viên đều có quyền phủ quyết (Veto Power) các dự án của nhau. Chính điều này mà UBSMK không có một ngày đoàn kết và tranh cãi diễn ra hầu hết các cuộc họp. Đoàn VNCH gồm những đại biểu và có kinh nghiệm trong các tổ chức quốc tế, được hỗ trợ bởi think tank gồm các nhà khoa học uyên bác từ ĐH Cần Thơ và các viện nghiên cứu, nên họ đã bảo vệ được ĐBSCL an toàn cho đến ngày cuối cùng. Họ là tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ (Cố vấn Môi sinh UBSMK), tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân (Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ) và nhiều người nữa…

Lưu vục sông Sekong, Sesan và Srepok. Sông nhánh của sông Mekong khu vực Tây Nguyên. Nguồn: Ủy ban sông Mekong Việt Nam.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, VN thống nhất tiếp tục tham gia UBSMK với những đại diện yếu kém, kể cả ngoại ngữ. Họ được chọn lựa theo tiêu chuẩn “hồng là chính”. Think tank mới gồm cả những người chuyên về lịch sử Đảng, chẳng hạn như ông Phạm Sơn Khai thay thế cho ông Nguyễn Duy Xuân ở ĐH Cần Thơ. Trong khi đó ông Xuân phải chịu đày đọa 11 năm nơi núi rừng miền Bắc để rồi phải chết trong đói khát, bệnh tật. Còn nhiều nhà khoa học đáng kính khác, hoặc cùng chung số phận, hoặc vượt biển mà cho đến nay không ai biết họ sống chết nơi nào?

Ngày 5/4/1995, UBSMK (đổi tên thành Uỷ hội sông Mekong (Mekong River Commission). Dưới sự cố vấn của Think Tank Đỏ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã ký một hiệp ước lịch sử, “Hiệp ước Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong”. Theo đó, các thành viên không có quyền phủ quyết. Hiệp ước này mở đầu cho một giai đoạn “ai làm gì cũng được” và đẩy ĐBSCL chìm trong thảm họa hạn-mặn mà không có điểm dừng.

***

25 năm sau hiệp ước tự tước bỏ vũ khí, nhìn thảm cảnh thiếu nước uống và những cánh đồng khô-mặn của người dân ĐBSCL khiến cho chúng ta vừa đau xót vừa uất hận. Sự tàn phá của ĐBSCL vẫn chưa dừng lại vì chuỗi thủy điện Vân Nam và chuỗi Lào-Thái-Miên vẫn đang gấp rút thực hiện mà không có thể lực nào ngăn cản được.

Rồi đây chúng ta sẽ chứng kiến những cơn hạn-chồng-hạn thiêu đốt, những cơn lũ-chồng-lũ mãnh liệt, những cù lao không vườn trái cây, những xóm làng không bóng người. Từng đoàn người sẽ lần lượt rời bỏ đất phương Nam để “tha phương cầu thực”.

https://www.diendantheky.net/2020/04/nguyen-tuan-khoa-khoc-mot-dong-song.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét