Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

297 - Alexandre Yersin và sự gắn bó với dân tộc Việt Nam

Dịch hạch là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, có thời điểm làm giảm 2/3 dân số châu Âu và 1/3 dân số Trung Quốc. Chính bác sĩ Alexandre Yersin là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn này và các nhà khoa học về sau khống chế nó hoàn toàn. Câu chuyện về Alexandre Yersin cũng là một câu chuyện thú vị khi cả cuộc đời trưởng thành của ông đều gắn bó với hai chữ Việt Nam.
Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh Lao, nhưng Alexandre Yersin và thầy hướng dẫn của mình là giáo sư Roux nổi danh với phát minh ra vắc xin bạch hầu. Thành tựu của ông khiến thiên tài Louis Pasteur chú ý và được nhận vào làm ở viện Pasteur Paris danh giá. Nhưng máu thám hiểm trong người khiến ông nằng nặc xin nghỉ việc để đi làm thuỷ thủ tàu viễn dương “dù chưa có kinh nghiệm đi biển bao giờ”. Ông nói “đời mà không đi, thì còn gì là đời”.
Các lần đi thám hiểm và quay lại Pháp, ông đều được Louis Pasteur “mời ăn tối và nghe báo cáo”, “thấy thú vị trước các thông tin mới mẻ do Yersin kể”. Pasteur yêu cầu ông hãy làm gì thì làm cho trọn vẹn để “vang danh thiên hạ, giúp nhân loại”. Vâng lời thầy, Alexandre Yersin xách đồ đạc lên tàu vượt ngàn hải lý, mặc cho gió bão khôn lường. Hình ảnh học trò khăn gói xuống thuyền dọc ngang quả đất sau khi học xong là hình ảnh vô cùng đẹp của những người có lý tưởng sống.
Sang Việt Nam, ông làm bác sĩ trên tàu giữa Sài Gòn, Manila, Hải Phòng rồi sau đó định cư ở Nha Trang, sau một lần tàu cập bến và ông phải lòng với cảnh sắc nơi đây. Đầu thế kỷ 20, ông tham gia hội đồng sáng lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y khoa Đông Dương (nay là Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, quy hoạch các bệnh viện ở các tỉnh thành khắp Việt Nam theo khoảng cách địa lý để “ai bị bệnh cũng có chỗ gần nhất mà đến trị kịp thời”.
Alexandre Yersin và sự gắn bó với dân tộc Việt Nam
Nhưng Hà Nội cũng chỉ có thể giữ chân ông được 2 năm. Ông quay trở lại Nha Trang, thực hiện chuỗi những ngày làm khoa học và thám hiểm khắp núi rừng Đông Dương. Ông là người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và quy hoạch thành phố Đà Lạt, xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và phát triển mạnh hơn cho viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin của ông nằm ở suối Dầu là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là thành phố dược phẩm, là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.
Alexandre Yersin cũng là người mang cây cao su, ca cao, cà phê (thậm chí ông cho thử nghiệm cây điều từ Brazil và tiêu đen từ Ấn Độ ở nông trại của mình), đến bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, cẩm tú cầu, xà lách xoong, cà chua… (hầu như tất cả các loại rau củ mang tiếng Pháp đều là do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua). Ông còn nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là một triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC. Ông cho rằng “tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không tài nào cầm được tiền của các bệnh nhân”. Toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn bí mật chuyển đều đặn về một quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.
Alexandre Yersin sống một mình, giản dị ở Nha Trang đến cuối đời, một cuộc đời đầy ắp những chuyến đi thám hiểm và thành tựu. Nha Trang cũng là nơi tiếp cận điện ảnh đầu tiên của nước ta do ông mang về chiếu.
Có lần khi trẻ con vào nhà ông xem phim và nghịch phá những chậu hoa quý, gia nhân toan ra mắng nhưng ông bảo “đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ”. Một lần ông lái xe hơi trên đường, một người dân bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn. Dù lỗi của người đi bộ rành rành nhưng ông chạy xuống giúp họ băng bó, xin họ tha thứ và kiên quyết trả lại xe cho chính phủ, đi xe đạp, vì theo ông “dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ”. Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc đã bắt ông, định hành quyết. Nhưng họ nhìn vào mắt ông, thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, họ quyết định thả ông ra. Ông sau đó chữa trị bệnh cho cả buôn làng và gửi thuốc men lên cho họ đều đặn. Ngôi nhà của ông là trại tế bần khổng lồ cho người sa cơ lỡ vận, ốm đau, bệnh tật, đói kém… của khắp vùng, mở cửa suốt ngày suốt đêm. Ông không có vợ con vì dâng hiến phụng sự cả đời cho khoa học, nhưng người ta kính yêu ông như cha mẹ ruột.
Trong khi nhiều trí thức Việt Nam đi Pháp để hưởng thụ sự văn minh có sẵn của xứ người, ông như cá bơi ngược dòng. Dù quê hương ông là đất nước Thuỵ Sĩ giàu có và xinh đẹp, dù tốt nghiệp trường Y Paris và là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới khi ấy, ông vẫn xuống tàu đi về phương Đông, một miền đất nghèo xa lạ. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và an nghỉ cuối đời. Ông luôn nói: “Tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ phụng sự cả tính mạng và cuộc đời tôi cho họ”.
Đám tang ông là đám tang lớn nhất Việt Nam lúc đó. Giây phút cuối đời, ông nhờ người quản gia dìu ông ra phía cửa sổ, nhìn về phía biển, nơi ghi dấu một thời dọc ngang tuổi trẻ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang bỏ hết công ăn việc làm để lo hậu sự. Tàu bè ngoài biển vội vã cập bến xóm Cồn, ngưng mọi hoạt động đánh bắt trong nhiều ngày. Những phụ nữ tiểu thương bán cá đã bỏ hết cá mắm tiền bạc danh lợi mỗi ngày, bỏ cái nón lá quen thuộc để đeo khăn tang trắng xoá trên đầu, xuống đường đưa tiễn, khóc hết nước mắt.
Alexandre Yersin và sự gắn bó với dân tộc Việt Nam
Người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, các thành phố lớn khác châu Á yêu quý ông, nhất là người Hong Kong, nơi ông đã thành công trong việc giúp hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nỗi kinh hoàng do dịch cúm. Úc từng mời ông sang thành lập viện Pasteur cho họ nhưng ông đã từ chối. Hong Kong thì tìm mọi cách giữ ông lại, nhưng ông vẫn khăng khăng quay về dải đất hình chữ S mà ông trót yêu thương. Năm 1943, khi ông mất, trí thức toàn thế giới, đặc biệt giới Y khoa và giới thám hiểm đã bày tỏ sự thương tiếc vô hạn. Di chúc ông ghi giản dị: “Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) đừng cho ai đem thi hài tôi đi nước khác. Mọi tài sản xin tặng hết cho Viện Pasteur và những người cộng sự lâu năm đã làm việc với tôi”.
Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa hay thậm chí ăn cà rốt, uống cà phê, đắp mặt cà chua (trước đó thì người Việt chúng ta chỉ có cà pháo… để ăn với mắm tôm) thì hãy biết ơn Yersin. Công lao của ông với dân tộc này, với đất nước này là không bao giờ kể hết.
Các bạn có thể đọc thêm tư liệu về bác sĩ Yersin, có nhiều cuốn sách viết về ông. Đó là một người mà người Việt chúng ta phải mãi mãi nghiêng mình. Sách giáo khoa nên bổ sung nhiều bài học về ông để dạy ở các cấp học để thế hệ chúng ta mãi mãi biết ơn. Lòng biết ơn là thước đo của sự văn minh, ở mỗi cá nhân và cả dân tộc.

Nguồn: Tài khoản instagram “Mỗi ngày một trang sách” (moingaymottrangsach.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét