Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

415 - Cách Duterte biến Philippines thành quân cờ của Trung Quốc

Tác giả: Richard Javad Heydarian | Giới thiệu: Minh Anh
Để giành được những đồng đôla phát triển đất nước, Rodrigo Duterte đã gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Philippines. Quyết định chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Duterte là bác bỏ chiến thắng mang tính lịch sử của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển.
Tháng 2/2020, trên thực tế, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chấm dứt liên minh tồn tại cả thế kỷ của nước này với Mỹ. Bằng việc đơn phương bãi bỏ Thỏa thuận về các lực lượng Thăm viếng (VFA) năm 1999, cung cấp khuôn khổ hợp pháp cho phép binh lính Mỹ đóng quân và luân chuyển trên lãnh thổ Philippines, nhà lãnh đạo Philippines đã khiến hợp tác an ninh song phương mạnh mẽ gần như trở thành điều bất khả thi. Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) Mỹ-Philippines, được tạo dựng trên đống đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ hai, giống như một cái vỏ rỗng, một bộ xử lý CPU không có hệ thống vận hành. VFA chính là phần mềm vận hành MDT.
Trên giấy tờ, liên minh này vẫn tồn tại, nhưng theo lời một quan chức cấp cao của Philippines, giờ đây trên thực tế nó vô dụng. Hành động bãi bỏ VFA mang tính hình thức và rất gây chú ý này là một động thái đậm chất cá nhân, bị chính trị hóa một cách trơ trẽn và nói thẳng ra là một quyết định hấp tấp, mà sẽ khiến Philippines dễ bị tác động trước một loạt thách thức an ninh, trong đó có mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và các điều kiện thời tiết cực đoan đã tàn phá đất nước này trong những năm gần đây. Và không nước nào khác ngoài Trung Quốc, được dự đoán là kẻ thắng lợi lớn nhất trong nước cờ thí tốt gần đây của Duterte.
Trao đổi với Trung Quốc
Dù quyết định gần đây của Duterte dường như gây sốc, nhưng nó hoàn toàn không bất ngờ. Tác giả nhớ lại thời gian căng thẳng cuối cùng trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines năm 2016, khi cựu Thị trưởng Davao từ một ứng cử viên ít tiếng tăm biến thành người có triển vọng thành công không thể tranh cãi. Đột nhiên, các bài phát biểu của ông, vốn thường pha trộn những tính từ đầy màu sắc và lời lẽ táo bạo, đã trở nên quan trọng chưa từng thấy, và giờ đây đáng được phân tích kỹ lưỡng và tỉ mỉ.
Về chính sách đối ngoại, 2 bài phát biểu công khai của Duterte đã khiến tác giả chú ý. Bài phát biểu thứ nhất là ở Palawan, hòn đảo cực Tây của Philippines, nằm trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa có giá trị. Bài phát biểu này đặc biệt có liên quan, vì gần như cả thế giới chú trọng đến phần ít quan trọng nhất, đặc biệt là khi Duterte nói châm biếm về việc đi mô-tô nước và sẵn sàng mang theo cờ tổ quốc đến quần đảo Trường Sa để dụ Trung Quốc đến và chiến đấu bằng vũ lực hoặc súng ống nếu cần thiết để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở khu vực này.
Tuy nhiên, khi xem xét cẩn thận toàn bộ bài phát biểu này, nó cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, đó là thái độ tôn trọng không thể lý giải nổi, nếu không muốn nói là sự phục tùng rõ ràng của Duterte đối với Trung Quốc trước tâm điểm chú ý của toàn bộ công chúng. Khi nói chuyện với Trung Quốc, cựu thị trưởng Davao không hề dùng giọng điệu mỉa mai hay có bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiết chế tuyên bố của mình, ông nêu rõ: “Nếu các ông xây dựng cho tôi một tuyến đường sắt bao quanh Mindanao, hãy xây dựng một tuyến đường sắt từ Manila đến Bicol … một tuyến đến Batangas, thì trong 6 năm làm tổng thống, tôi sẽ giữ im lặng về các tranh chấp trên Biển Đông”.
Bài phát biểu thứ hai thậm chí còn thú vị hơn. Trong đó, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV-9 (sau đó được đổi tên thành CGTN – mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc) đã phỏng vấn hai ứng cử viên tổng thống dẫn đầu khi đó là Thượng nghị sĩ Grace Poe-Llamanzares và Duterte. Tại đây chúng ta có thể thấy một Duterte hoàn toàn khác: Ông là một nhà chính trị tài ba không thể nhận ra, nhất quán đầy ấn tượng và rất tôn trọng Trung Quốc (khi nắm quyền, nhìn chung ông hành động theo lối tương tự trong nhiều chuyến thăm đến Trung Quốc). Người sẽ sớm trở thành tổng thống đã trơ trẽn nhắc lại yêu cầu của mình: “Điều tôi cần từ Trung Quốc là giúp phát triển đất nước”. Đổi lại, ông sẽ giảm bớt hợp tác an ninh với Mỹ, và điều quan trọng là xem thường phán quyết mang tính bước ngoặt chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Người dẫn chương trình này là người Trung Quốc, tự tin nói: “Duterte nói ông sẽ không trông cậy vào việc người Mỹ đến giúp đỡ Philippines và thậm chí sẽ xem xét bác bỏ vụ kiện Trung Quốc của Chính quyền Aquino”. Công bằng mà nói, nhìn chung Duterte minh bạch về tầm nhìn địa chính trị của mình, dù hầu như không ai ở trong nước coi trọng hay hiểu lời ông nói theo nghĩa đen. Ông đã giành chiến thắng một cách ngoạn mục, dễ dàng đánh bại 2 đối thủ hàng đầu từng đi du học ở Mỹ là Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas II (học trường Đại học Wharton) và Thượng nghị sĩ Grace Poe (học trường Đại học Boston). Hai người này đều ủng hộ mối quan hệ khăng khít với Mỹ để kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Theo chân nhà lãnh đạo
Khi cầm quyền, Duterte đã làm chính xác những gì ông hứa hẹn trên chương trình truyền hình Trung Quốc. Quyết định chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của ông khi chỉ vừa nhậm chức được 1 tháng là bác bỏ chiến thắng lịch sử của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Tổng thống Philippines lạnh lùng tuyên bố rằng ông sẽ gạt phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay, bác bỏ đa số tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở các vùng biển lân cận sang một bên vì lợi ích phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
Đồng thời, trong các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình, bắt đầu với Trung Quốc, Duterte thậm chí còn thẳng thừng hơn về việc ông lợi dụng liên minh Mỹ-Philippines: “Tôi muốn, có thể trong 2 năm tới, đất nước của tôi sẽ không còn có sự hiện diện của binh lính nước ngoài. Tôi muốn người Mỹ biến mất khỏi đây”. Một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 6 năm cầm quyền đã trôi qua, trên thực tế, Duterte đã thực hiện được lời đe dọa trước đây của mình. Ban đầu, tin tức về việc bãi bỏ VFA vấp phải sự hoài nghi, nhiều người tự hỏi rằng liệu Tổng thống có sẵn lòng liều lĩnh đẩy giới chức quốc phòng và nói rộng hơn là người dân Philippines, vốn coi trọng liên minh đã tồn tại cả thế kỷ của nước này với Mỹ, ra xa hay không.
Xét cho cùng, nhiều quan chức hàng đầu của Philippines, cũng như một vài tổng thống, đã được đào tạo ở Mỹ trong suốt hàng thập kỷ hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Trong Chiến tranh Lạnh, Philippines là nơi có các căn cứ nước ngoài lớn nhất của Mỹ ở Subic và Clark. Chỉ một vài năm trước, người dân Philippines còn yêu thích nước Mỹ hơn chính người Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn là đối tác nước ngoài được yêu thích nhất của Philippines. Trái lại, tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc luôn ở mức âm, đạt mức thấp mới (-33%) vào năm 2019 trong bối cảnh diễn ra những tranh chấp âm ỉ ở Biển Đông và dòng chảy đầu tư bất hợp pháp của Trung Quốc vào Philippines.
Dù liên minh Mỹ-Philippines không hề hoàn hảo, nhưng Lầu Năm Góc là nguồn hỗ trợ then chốt cho quốc gia Đông Nam Á này trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. VFA đã tạo điều kiện cho gần 2 tỷ USD tiền viện trợ cho Philippines. Con số này không nhiều khi so với những gì các nước không phải đồng minh của Mỹ như Pakistan và Ai Cập nhận được trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, chất lượng viện trợ của Mỹ mang tính quyết định, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác an ninh phi truyền thống.
Đáng chú ý nhất là Mỹ vô cùng hữu ích trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, trong đó có việc triển khai 1 tàu sân bay, 66 máy bay và 13.400 binh lính đến Philippines khi siêu bão Hải Yến đổ bộ và tàn phá phần lớn khu vực trung tâm nước này vào năm 2013. Và gần đây hơn, Mỹ đã giúp huấn luyện Lực lượng đặc nhiệm, cung cấp vũ khí tiên tiến, hoạt động tình báo và giám sát trong thời gian thực vô cùng cần thiết trong vụ các tay súng Hồi giáo bao vây Marawi trong nhiều tháng.
Hơn nữa, Chính quyền Trump cũng tăng cường hỗ trợ an ninh trên biển cho Philippines, bao gồm thông qua hỗ trợ phòng thủ ngày càng tăng, những sự đảm bảo hỗ trợ rõ ràng hơn ở Biển Đông, và cải thiện một cách thích hợp các khả năng của Lực lượng bảo vệ bờ biển và khả năng giám sát của Philippines. Chắc chắn, vẫn còn có cơ hội lớn để cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, quan hệ song phương đã sụp đổ sau lời đe dọa của Tổng thống Philippines về việc cắt đứt quan hệ an ninh nhằm phản ứng trước tin Mỹ cấm cửa các quan chức Philippines vì những quan ngại về nhân quyền, đặc biệt là đối với cựu cảnh sát trưởng, đồng minh lâu năm của Duterte, Ronald dela Rosa.
Có khả năng Duterte hy vọng sẽ phỉnh phờ Mỹ rút lại các biện pháp trừng phạt đã và sắp được ban hành đối với giới thân cận của ông bằng cách thúc đẩy VFA. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rõ rằng ông đồng ý chấm dứt thỏa thuận nếu việc làm đó tiết kiệm nhiều tiền bạc cho Mỹ. Đây là một sự đảo ngược ấn tượng đối với hai đồng minh, từng tiến hành gần 300 hoạt động quân sự chung trong năm 2019, nhiều nhất trong số các đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, mọi thứ đều diễn ra đột ngột, ít nhất một nửa trong số 318 hoạt động quân sự chung theo kế hoạch trong năm 2020 đang có nguy cơ bị hủy bỏ. Các cuộc tập trận song phương có thể trở thành con số 0 trong những năm cuối cùng Duterte cầm quyền. Giờ đây, thậm chí còn có các cuộc thảo luận về khả năng có một VFA giữa Philippines với Nga và Trung Quốc, các đối thủ chính của Mỹ. Chúng ta cũng không thể loại bỏ khả năng về một sự thay đổi triệt để vào phút chót, khi các quan chức của cả hai chính quyền liều lĩnh tìm cách cứu vãn liên minh đã tồn tại cả thế kỷ này. Còn có một lý do khác để nghi ngờ bài luận “Sự cáo chung của lịch sử” trong một thế kỷ với sự bối rối về chính trị, sự pha tạp về hệ tư tưởng và tính khó lường trước đầy nguy hiểm.
Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế, khoa học chính trị tại Đại học De ​​La Salle, từng là cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét