Vì sao vỡ nợ?
Huyện uỷ và UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa đang nợ khoảng 52 tỷ đồng. Trong đó UBND huyện Yên Định đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, còn Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng. Lý do nợ được nêu là tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền mua sắm bàn ghế, tổ chức tiếp khách, ăn uống; tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn...
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho báo chí trong nước biết số nợ này chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015 và hiện tại thì địa phương không thể chi trả vì không có hóa đơn chứng từ.
Bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định giai đoạn 2012 - 2015 xác nhận trong thời gian bà đương chức, việc chi tiêu và nợ nần nhiều người cả trong và ngoài cơ quan bà có biết nhưng "con số cụ thể nợ bao nhiêu, chi như thế nào thì không nắm rõ".
Ông Đường Văn Thái, người từng có 10 năm làm việc trong cơ quan công quyền Hà Nội, cũng là một nhà báo cho hay, các khoản nợ phát sinh do rất nhiều lý do. Một phần họ không có tiền nhưng vung tay quá trán. Một phần do các doanh nghiệp, các lãnh đạo phòng ban khác muốn lấy lòng các sếp lớn nên cứ chi tiền ra trước. Đa số các khoản chi đều không có chứng từ nên không ai biết, không ai lo. Một hóa đơn ăn nhậu của các sếp lên đến mấy chục triệu đồng. Các sếp thì cứ vô tư tiêu xài mặc cho ngân sách không còn và quỹ đang âm hàng chục tỷ.
Ông Thái nói:
“Chuyện ăn nhậu là chuyện nhỏ. Họ còn cố tính vung tay quá trán. Biết không có tiền nhưng vẫn cố tình vẽ ra những dự án để tham nhũng.
Rất nhiều nơi các sếp rủ nhau ăn nhậu ở các nhà hàng quen rồi cho nhân viên ở lại lấy hóa đơn về thanh toán với kế toán. Họ gọi đó là những khoản tiền tiếp khách. Nhưng những hóa đơn này cũng bị kê giá cao hơn để ăn chênh lệch. Ví dụ ăn hết 500 ngàn thì viết hóa đơn 800 ngàn.”
Thông tư số 71/2018 của Bộ Tài Chính có quy định về việc tiếp khách trong nước phải tiết kiệm, không phô trương hình thức và thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Các khoản chi cho tiếp khách này không được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Việc lạm chi ngân sách hay ăn xài quá trớn của các cán bộ huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa bị báo chí đưa tin khiến người dân sửng sốt với con số 52 tỷ đồng không phải là trường hợp duy nhất và đầu tiên.
Cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai công bố sai phạm về việc sử dụng các nguồn kinh phí tại UBND huyện Chư Sê trong năm 2016 và 2018. Số tiền sai phạm tại UBND huyện và các đơn vị liên quan cần phải thu hồi vào ngân sách hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó tiền tiếp khách là hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận định đây là vấn đề nan giải. Muốn thay đổi thì việc trước tiên là phải thay đổi thể chế chính trị. Ông nói:
“Không phải chỉ một nơi đâu. Nhiều nơi lắm. Số nợ đang còn rất là nhiều. Hiện nay ngân sách thu không đủ chi. Luôn luôn lạm chi. Năm nào cũng thế. Thành ra đây là một việc nan giải của chính quyền hiện nay. Số nợ vay của các địa phương là rất nhiều, chưa có cách gì thu hồi lại cho Nhà nước.
Cái này là một quả bóng. Nó phình lên thì đến lúc nó sẽ vỡ thì là chuyện lớn chứ không đơn giản đâu. Cái lớn nhất hiện nay là làm sao để họ trả lại quyền làm chủ xã hội cho người dân.”
Ai sẽ trả nợ?
Thông tư về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 quy định, các khoản chi tiêu dùng cho bộ máy chính quyền cấp huyện sẽ được chi từ nguồn ngân sách địa phương. Hàng năm sẽ phải tiến hành lập dự toán ngân sách, đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy, việc chi tiêu dùng sẽ phải nằm trong định mức đã được cho phép. Với những khoản chi vượt mức ngân sách như vậy thì ai sẽ trả nợ?
Ông Đường Văn Thái cho hay:
“Bây giờ giải quyết hậu quả thì chắc chắn sẽ lấy từ ngân sách mang ra trả. Mà ngân sách là tiền thuế của dân chứ chắc chắn không ông bà nào bỏ tiền túi ra trả cả. Tôi làm ở UBND huyện Đông Anh 10 năm nên biết rõ. Toàn bộ là vẽ hươu vẽ vượn để rút ruột tiền ngân sách.
Khi chuyện đã vỡ lở như ở Thanh Hóa thì họ sẽ trích từ ngân sách ra, còn những nơi chưa bị lộ thì họ sẽ nâng khống những khoản chi khác để bù đắp vào những khoản nợ nhằm xử lý êm đẹp mọi chuyện. Khi thanh tra đến quyết toán sẽ không thấy dấu vết nữa.”
Chuyện lãnh đạo các tỉnh vi phạm chỉ bị cách chức hay rút kinh nghiệm là chuyện người dân thấy quá rõ từ xưa đến nay.
Có thể dẫn chứng việc Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Trưởng phòng An ninh điều tra, Trưởng và Phó phòng CSGT Đồng Nai bị cách hết mọi chức vụ trong đảng vào ngày 7/3/2020.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong thời gian giữ các chức vụ, bốn cán bộ trên chịu trách nhiệm về một số vi phạm trong lĩnh vực được phân công liên quan đến xử lý sai quy trình một số vụ án.
Trước đó, tháng 8/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Khắc Mai kết luận:
“Lâu nay những địa phương gây nhưng khoản nợ như thế vẫn cứ ỳ ra. Nó đi tới chỗ đề nghị giải tỏa hay xóa nợ chứ khả năng địa phương đó trả nợ là không có đâu!”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ với RFA rằng, dịch cúm lần này ảnh hưởng khá nhiều đến nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, chính phủ đang phải lo tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên bất cứ nơi nào dùng tiền ngân sách vào những việc không mang lại lợi ích kinh tế xã hội đều là việc không nên làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét