CHỈNH ĐỐN NỘI BỘ
Đồng thời với sự thi hành đường lối nói trên với Nga Sô, và cũng để làm hậu thuẫn cho đường lối ấy, Tây phương đang vận dụng nỗ lực của mình để chinh đốn lại nội bộ xã hội Tây phương. Các cường quốc Tây Âu ngày nay trải qua một giai đoạn, có nhiều điểm tương đồng với thời đại Chiến Quốc bên Tàu và thời kỳ các đô thị quốc gia của Cổ Hy Lạp hay là thời kỳ các đô thị quốc gia của Ý vào các thế kỷ X đến XIV.
Đại khái, các đô thị quốc gia Cổ Hy Lạp ngày xưa cũng là nơi đã phát sinh một nền văn minh sáng lạng và cường thịnh. Người Hy Lạp cũng đã vượt sóng chinh phục các dân tộc ở khắp ven biển Địa Trung Hải. Hạt giống văn minh do họ gieo rắc, đã nảy mầm nhiều nơi, và ở những nơi này, nhiều quốc gia nhờ dân đông và đất rộng đã phát triển mạnh bạo, trở thành những lực lượng hùng hậu lấn áp cả uy thế của mẫu quốc.
Và nhiều quốc gia mới đã trở lại chinh phục các đô thị quốc gia Hy Lạp. Lúc đó các đô thị quốc gia này đã phải sụp đổ vì không thắng nổi những sự tranh chấp cổ truyền để thống nhất lực lượng, chống xâm lăng.
Ngày nay, các cường quốc Tây Âu cũng vậy. Đó là nơi phát sinh nền văn minh Tây phương đã chinh phục thế giới. Hạt giống văn minh của họ đã nảy mầm khắp nơi trên địa cầu ở nhiều nơi này, nhờ dân đông và đất rộng, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh bạo trở thành những lực lượng đe dọa cả các cường quốc Tây âu. Ví dụ Nga Sô hay Mỹ.
Rút kinh nghiệm thất bại của các đô thị quốc gia Cổ Hy Lạp, các nhà lãnh đạo Tây Âu đang huy động hết nỗ lực của mình để thực hiện, sự thống nhất Âu châu. Những hiệp ước quan thuế sáu nước, hiệp ước quan thuế bảy nước, và, ngay đến Thị Trường Cộng Đồng Âu Châu đều là những thực hiện đầu tiên và cụ thể của những cố gắng nói trên.
Sau khi, vì mâu thuẫn nội bộ mà suýt bị đánh bại, và vì mâu thuẫn với Nga Sô mà mất hết các thuộc địa, trước kia là nguồn cung cấp thiên sản cho họ, các cường quốc Tây Âu nhận thức rằng con đường sống duy nhất của họ là thanh toán các mâu thuẫn nói trên. Và chính đó là điều mà họ đang làm. Đối với chúng ta, các quốc gia đã bị đế quốc thống trị, các mâu thuẫn trên đã tạo cho chúng ta cơ hội ngày nay.
Vậy thì, ngày nào, các cường quốc Tây Âu và Tây phương, thành công trong dự tính của họ, các mâu thuẫn trên không còn nữa, và cơ hội của chúng ta cũng sẽ mất. Vậy câu hỏi là: các cƣờng quốc Tây phương đã thành công chưa?
Trong công việc thanh toán mâu thuẫn nội bộ, có nhiều triệu chứng chỉ răng họ có thể thành công và đang thành công. Triệu chứng quan trọng nhất là ý thức, ngày càng rõ rệt, của quần chúng Âu châu đối với quan niệm “Âu châu quốc gia chung”. Trên phương diện này, những hành động, có đượm tính cách di hận cá nhân của tướng De Gaulle đối với các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, thành ra một trở lực cho công cuộc thanh toán mâu thuẫn nội bộ Âu Châu.
Vì vậy, mà chúng la có thể đoán rằng tướng De Gaulle còn sống, uy tín cá nhân của De Gaulle sẽ che chở cho chính sách của mình, nhưng lần hồi nước Pháp sẽ bị cô lập. Tướng De Gaulle chết đi công cuộc thanh toán các mâu thuẫn nội bộ của Âu châu sẽ tiến hành dễ dàng hơn. Đối với chúng ta, những mâu thuẫn nội bộ, giữa các cường quốc Tây phương, ngày nay, không còn quan hệ như những mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương nữa. Bất quá đó chỉ là những mâu thuẫn có thể dùng đƣợc trong công cuộc ngoại giao thông thường.
Vậy, Tây phương đã thành công trong công việc thanh toán mâu thuẫn giữa Nga và Tây phương chưa? Cố gắng của Tây phương trong công việc thanh toán mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương, vừa nhằm mục đích tránh cho nhân loại một chiến tranh nguyên tử thảm khốc, vừa nhằm mục đích cứu thoát văn minh Tây phương khỏi một sự tiêu diệt chắc chắn, nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử bùng nổ giữa Nga Sô và Tây phương.
THÁI ĐỘ CỦA NGA SÔ
Nga Sô, ngày nay, đứng trước hai lời kêu gọi. Một bên, lời kêu gọi của Tây phương là lời kêu gọi của gia đình những người cùng một văn minh và cùng một di sản tinh thần. Một bên, là lời kêu gọi của gia đình những người cùng một lý tưởng Cộng Sản. Chính trị thượng từng của thế giới ngày nay, sẽ được qui định bởi thái độ của Nga Sô trước hai lời kêu gọi trên. Ở vào một trình độ phát triển, như trình độ của Nga Sô ngày nay, Nga Sô có thể đáp lời kêu gọi của Tây phương.
Nhưng ký ức cuộc tranh đấu gay go với Tây phương, trong suốt mấy thế kỷ, cũng chưa có thể sớm chiều phai mờ trong trí các nhà lãnh đạo Nga Sô. Nga Sô có thể đáp lại lời kêu gọi của gia đình các đồng chí lý tưởng Cộng Sản. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga Sô, cũng thừa hiểu rằng lý tưởng Cộng Sản làm một phương tiện tranh đấu, đã giúp cho Nga Sô thực hiện cuộc phát triển dân tộc và chỉ còn giá trị khi còn một ích lợi nào cho cuộc tranh đấu giữa Nga Sô và Tây phương.
Mà cuộc tranh đấu của Nga Sô đối với Tây phương ngày nay không còn như xưa nữa. Lý tưởng Cộng Sản hết còn là một lợi khí sắc bén trong lòng địch Tây phương nữa, bởi vì Tây phương đã tìm được những phương thuốc có khả năng loại lý tưởng Cộng Sản ra ngoài xã hội của họ. Vậy Nga Sô sẽ ngả về bên nào? Khó mà biết được. Nhưng có lẽ thái độ chính trị thiết thực nhất, là Nga Sô sẽ tùy theo hoàn cảnh thực tế, mà có lúc ngả bên này và có lúc ngả bên kia. Có điều chắc chăn là lý tưởng Cộng Sản đối với Nga Sô đã giảm giá trị đi rất nhiều.
Vì lý do này, và vì lý do Nga Sô có lúc tỏ ra thiên về Tây phương, cho nên mới gây nhiều sự tranh luận lý thuyết với Trung Cộng. Nhưng trong giai đoạn này, Nga Sô đang ngả về đâu? Thuyết sống chung hòa bình của Nga có thể là một kế hoạch ru ngủ đối với Tây phương, nhưng chắc hơn là Nga Sô cũng trông thấy sự tai hại của một cuộc chiến tranh nguyên tử đối với nhân loại, và nhất là đối với văn minh Tây phương.
Và chủ trương sống chung hòa bình, đương nhiên, đồng ý với Tây phương để cứu thoát văn minh Tây phương khỏi họa tiêu diệt. Và gần đây, thái độ của quần chúng Nga Sô, đối với các phái đoàn văn hóa Tây phương, tỏ ra nhiều cảm tình, đó là một triệu chứng Nga Sô thiên về Tây phương.
Một triệu chứng khác về sự Nga Sô hiện nay có lẽ đang thiên về Tây phương là phản ứng vô cùng mạnh bạo của Trung Cộng đối với thái độ dung hòa của Nga Sô. Trung Cộng đang ở vào một tình trạng, tương tự như của chúng ta, nghĩa là của một quốc gia vừa độc lập và đang tìm phát triển. Trung Cộng cũng đang cần có sự mâu thuẫn giữa Nga và Tây phương để phát triển.
Chỉ khác với chúng ta một điều là khối người của Trung Cộng là một yếu tố vô cùng quan trọng, có thể dùng đó mà làm lệch cán cân chính trị thế giới. Vì vậy cho nên Trung Cộng ảnh hưởng được đến sự bang giao giữa Nga Sô và Tây phương. Nhưng cũng vì số người to tát này mà công cuộc phát triển của Trung Cộng vô cùng khó khăn.
Khi nhìn thấy Tây phương đang tìm cách thanh toán các mâu thuẫn giữa mình và Nga Sô, và xem chiều Nga Sô muốn thiên về Tây phương, thì Trung Cộng, lấy tư cách là một phần tử quan trọng trong gia đình lý tưởng Cộng Sản, phản đối rất gay gắt. Chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Trung Cộng hiện nay rất lo âu về việc mâu thuẫn giữa Nga và Tây phương có thể hết trong khi công cuộc phát triển của Trung Cộng chưa hoàn thành.
Dầu sao, nếu chưa mất hết hẳn, thì mâu thuẫn giữa Nga Sô và Tây phương đã giảm đi nhiều. Và đồng thời cũng giảm đi cơ hội phát triển cho chúng ta, nếu chúng ta không sớm tỉnh ngộ để nắm lấy dịp mà phát triển dân tộc. Kinh nghiệm thất bại lần trước đủ cho chúng ta thấy hoàn cảnh bi đát mà chúng ta sẽ lọt vào kỳ này, nhất là nếu kỳ này người láng giềng khổng lồ của chúng ta phát triển được dân tộc của họ.
Tuy nhiên, trong một thế giới gồm nhiều cường quốc như thế giới hiện tại, nếu loại mâu thuẫn này chấm dứt, thì thế nào giữa các cường quốc cũng nảy sinh ra những loại mâu thuẫn khác. Sự sinh tồn của các quốc gia nhỏ bé như quốc gia chúng ta căn cứ trên sự khai thác đúng mức các loại mâu thuẫn. Vì vậy cho nên, miễn là thiểu số lãnh đạo xứng danh của chúng ta còn, là chúng ta còn cơ hội phát triển.
Cơ hội phát triển của chúng ta khác với cơ hội phát triển của các khối lớn, như Trung Hoa hay Ấn Độ, là ở chỗ đó. Trong các đoạn trên đây chúng ta đã cố gắng tìm hiểu công cuộc mà dân tộc chúng ta cần phải thực hiện, trong giai đoạn này, để bảo vệ độc lập và mưu hạnh phúc cho toàn dân. Công việc đã nhìn thấy, hoàn cảnh bên ngoài có thuận tiện, vậy thực hiện được hay không còn phụ thuộc điều kiện nội bộ của chúng ta. Trong phần sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu những điều kiện nội bộ nói trên.
Ngô Đình Nhu (1910-1963)
* Chính Đề Việt Nam tác giả Ngô Đình Nhu, là em và trên danh nghĩa là cố vấn chính trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963). Sách được viết trong khoảng thời gian 1960-1962.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét