Trong việc phòng chống virus corona chủng mới (Covid-19), các nước dân chủ, tức là những quốc gia bảo đảm minh bạch thông tin, phải chăng sẽ tỏ ra hiệu quả hơn các nước độc tài ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta thử so sánh tình hình ở những nước độc tài như Trung Quốc và Iran với những nước dân chủ như Pháp.
Khi dịch virus corona bắt đầu bùng phát mạnh ở Trung Quốc, chắc không ít người đã trầm trồ thán phục khi thấy nước này chỉ trong 10 ngày đã xây xong một bệnh viện 1.000 chỗ để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Chỉ có một chế độ độc tài như Bắc Kinh mới có thể « quản thúc tại gia » cả 150 triệu người chỉ trong vòng vài ngày để ngăn chận virus lây lan. Và cũng chỉ có quân đội Trung Quốc mới có thể huy động nhiều tiểu đoàn và biệt phái đến 3.000 bác sĩ quân y tham gia chống dịch.
Thế nhưng, như nhận định của tờ Figaro trong số báo ra hôm nay, 03/03/2020, khủng hoảng virus corona cũng đã bộc lộ những hạn chế của một chế độ độc tài như Trung Quốc. Kể từ tháng 12 năm ngoái, khi virus bắt đầu xuất hiện cho đến tháng 2, chính quyền Bắc Kinh đã kiểm duyệt thông tin, giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, thậm chí còn muốn bịt miệng những bác sĩ can đảm đã dám lên tiếng báo động về nguy cơ này.
Chính vì che giấu thông tin như vậy mà Trung Quốc đã tự đánh mất những phương tiện để khống chế dịch ngay từ đầu, khiến dịch Covid-19 lan rộng trong nước và ra nước ngoài.
Iran cũng thế. Khi cố tình đưa ra những số liệu thấp hơn thực tế, thậm chí tố cáo một « âm mưu » của nước ngoài, chế độ độc tài Hồi Giáo đã biến Iran thành một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, với hơn 1500 ca lây nhiễm, trong đó có cả thứ trưởng Y Tế và 66 ca tử vong, tính đến sáng nay, 03/03.
Theo nhận xét của tờ Le Figaro, khác với các chế độ độc tài, các nền dân chủ đối phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, minh bạch và hợp lý. Nhờ có sự minh bạch mà thông tin được phổ biến nhanh chóng và nhờ vậy bảo đảm hiệu quả cho các biện pháp phòng chống. Chẳng hạn như tại Pháp, từ khi dịch corona bùng phát mạnh, mỗi ngày, bộ trưởng Y Tế hoặc tổng cục trưởng Tổng cục Y Tế, thông báo tình hình dịch bệnh được cập nhật và trả lời mọi câu hỏi của báo chí.
Một lợi thế khác của nền dân chủ đó là các lãnh đạo phải hành động có trách nhiệm trước người dân, nếu không thì sau này họ sẽ bị cử tri trừng phạt qua lá phiếu. Tại Pháp, không chỉ có chính phủ dốc toàn lực để đối phó dịch bệnh, mà ngay cả tổng thống Emmanuel Macron cũng đã phải điều chỉnh lịch làm việc của ông, hoãn một số chuyến công du, để tập trung vào việc xử lý khủng hoảng Covid-19 trong cương vị nguyên thủ quốc gia.
Hiện giờ ở cấp độ toàn cầu, dịch bệnh Covid-19 coi như chỉ mới ở giai đoạn đầu, sự so sánh tạm dừng ở đó, với phần thắng nghiêng về phía các nền dân chủ.
Nếu có điều gì có thể hạn chế các nền dân chủ như nước Pháp trong việc đối phó với dịch bệnh, thì đó là lo ngại đụng chạm đến các quyền tự do cá nhân của người dân. Tình hình dịch Covid -19 ở Pháp hiện đang ở mức độ báo động « giai đoạn 2 - stade 2 ». Nhưng khi virus corona này lan rộng trên toàn quốc, báo động sẽ được nâng lên thành « giai đoạn 3 », mức cao nhất. Khi đó chính phủ Pháp sẽ phải huy động toàn bộ các thành phần của hệ thống y tế, đồng thời sẽ thi hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với người dân. Nhưng để chuẩn bị cho mức báo động cao hơn, theo tờ Le Monde hôm nay, bộ trưởng Y Tế Pháp đã phải hỏi ý kiến của Ủy ban quốc gia tham vấn đạo lý về các biện pháp bó buộc về y tế công cộng có thể sẽ được thi hành để phòng chống dịch. Chính ủy ban này sẽ tư vấn cho chính phủ để làm sao dung hòa giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và việc tôn trọng các quyền tự do cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét