Vụ Đồng Tâm và cả vụ Covid-19 còn cho thấy bệnh dịch kinh niên ở cả Việt Nam và Trung Quốc chính là bệnh “mù chuyên chế”, gây ảnh hưởng tới não chứ không phải phổi.
Hôm 21/2 Tân Hoa Xã chi tiền quảng cáo trên Facebook để chuyển một bài viết bằng tiếng Anh tới độc giả trên thế giới. Đó là bài ca ngợi những “kết quả đáng kể” của quốc gia đông dân nhất thế giới trong cố gắng phòng chống vi-rút xuất phát từ Vũ Hán. Chỉ một ngày sau Facebook đã quyết định ngưng chạy quảng cáo này. Lý do? Tân Hoa Xã đã quảng cáo tin chính trị mà không kèm theo nhãn giải thích đó là tin chính trị xã hội được dùng tiền để kiếm thêm độc giả, vi phạm qua định của Facebook.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường tập trung vào những nỗ lực trong hiện tại của Bắc Kinh, dù là những cố gắng đáng kể, mà lờ đi những tuần án binh bất động ban đầu khi họ để cho ngọn lửa dịch bùng cháy. Ngay cả khi sau khi đã biết có dịch bệnh hoành hành, giới quan chức tỉnh Hồ Bắc vẫn tổ chức sự kiện ăn mừng Tết âm lịch với sự tham gia của 40.000 gia đình. Lãnh đạo Trung Quốc chính là thủ phạm khiến số ca lây nhiễm trong Trung Quốc vượt quá 100.000 và số người tử vong lên trên 1.000. Nếu họ không bưng bít thông tin trong những tuần đầu tiên, số người nhiễm ở Trung Quốc sẽ ít hơn nhiều và bệnh dịch sẽ không tràn ra tới trên 50 nước như vừa qua.
Các nhà phân tích đưa ra các cách lý giải khác nhau về chuyện Trung Quốc phản ứng chậm trong dịch cúm Covid-19. Phó giáo sư Zeynep Tufekci ở Đại học Bắc Carolina viết cho trang The Atlantic rằng chính hệ thống kiểm soát và kiểm duyệt ở Trung Quốc có thể đã khiến ông Tập Cận Bình cũng không biết những gì đang diễn ra ở chính đất nước mình. Bà Tufekci coi đây là “chứng mù chuyên chế”, điều đã khiến Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc khuyến khích người dân ăn “năm bữa mỗi ngày” hồi năm 1958 vì được báo cáo láo rằng Trung Quốc đang thừa đồ ăn. Chỉ vài tháng sau khi người dân đổ cả đồ ăn xuống cống vì phải ăn cho đủ thành tích, Trung Quốc đã gặp một trong những nạn đói khủng khiếp trong lịch sử khiến hàng chục triệu người chết vì sức tàn phá của chính sách Đại Nhảy Vọt. Một lần nữa Mao chỉ biết được tác hại của Đại Nhảy Vọt khi đã quá muộn, theo bài viết của bà Tufekci.
Ông Tập Cận Bình có lẽ cũng không biết tới những lời cảnh báo sớm của bác sỹ Lý Văn Lượng từ đầu tháng Một, lúc bệnh dịch đã tồn tại được hơn ba tuần. Các nhà kiểm duyệt đã nhanh chóng xoá nó đi khỏi các diễn đàn và mạng xã hội trong lúc công an hỏi tội bác sỹ Lý và các đồng nghiệp của ông. Một trong những lời nói cuối cùng của bác sỹ Lý trước khi chết vì vi-rút Covid-19 là: “Trong một xã hội lành mạnh không thể chỉ có một giọng nói được.”
Thật trái khoáy đây chính là những gì các chính thể cộng sản trong đó có cả Việt Nam muốn tạo ra: xã hội một giọng. Đó là lý do ban tư tưởng tồn tại với một ông tổng biên tập cho cả quốc gia trong đó báo chí là độc quyền sở hữu của nhà nước. Chính sách này tạo ra nhiều đàn cừu không có tư duy độc lập hoặc phải tự bóp méo tư duy độc lập của mình để có thể hưởng lợi từ hệ thống bệnh hoạn.
Nhưng khi dịch bệnh hoành hành như ở Hồ Bắc, cả cừu lẫn những người có suy nghĩ tự do đều bị ảnh hưởng như nhau. Một đất nước với quân đội có thể coi là mạnh nhất châu Á mà chật vật trước con vi-rút nhỏ xíu mắt thường nhìn không ra. Covid-19 cho thấy Trung Quốc còn lâu mới là siêu cường, theo lời một giáo sư từ Viện Khoa học Chính trị Paris. Trong bài viết cho ban Brazil của Đài tiếng nói quốc tế Pháp, ông Alfredo Valladão nói rằng các giá trị của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn, nhất là sau các cuộc biểu tình kéo dài ở Hong Kong. Cộng thêm với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, mọi việc không hề suôn sẻ với ông Tập Cận Bình trên đường tiến tới đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022.
Nguy cơ từ dịch bệnh ở nước láng giềng Trung Quốc cũng là phép thử đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đại hội 13 vào năm sau. Sau vụ đốt làng ở Đồng Tâm, bất cứ chính sách sai lầm nào trong xử lý dịch bệnh sẽ gây phương hại tới cơ hội thăng tiến của các chính trị gia chóp bu đang cầm quyền. Vụ Đồng Tâm và cả vụ Covid-19 còn cho thấy bệnh dịch kinh niên ở cả Việt Nam và Trung Quốc chính là bệnh “mù chuyên chế” và điều này phải đáng sợ hơn con Covid-19 gấp nhiều lần. “Mù chuyên chế” gây ảnh hưởng tới não chứ không phải phổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét