Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

302 - Dịch Corona 19: Những khía cạnh ít được lưu tâm


Ngày 24/02/2020phát biểu khai mạc cuộc họp báo (1) về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, chấm dứt bằng lời kêu gọi: “Đây là một mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể đối mặt với nó khi cùng nhau hợp sức, và chúng ta cũng chỉ có thể cùng nhau thắng nó”.
Vấn đề tài chánh
Để ý sẽ thấy trong bài phát biểu, ông Ghebreyesus ngỏ lời cám ơn: “Tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban Âu châu đã đóng góp 232 triệu Euro, điều này thể hiện sự đoàn kết toàn cầu, mang lại cho tôi niềm hy vọng. Pháp, Đức và Thụy Điển cũng đã công bố sẽ đóng góp bổ sung”.
Không thấy nhắc tới Mỹ, Trung Hoa, Nga và Saudi Arabia là những quốc gia giàu có. Với Trung Hoa, có thể đoán được là vì họ đang phải dồn mọi sức lực vào việc đối phó dịch bệnh ngay chính trên quốc gia mình.
Hai hôm sau, trong buổi điều trần ngày 26/02/2020 (2) TGĐ Ghebreyesus đã tránh đi vào chi tiết (số tiền đóng góp) khi lên tiếng cám ơn: “Tôi xin cảm ơn tất cả các quốc gia và đối tác đã đóng góp cho những chương trình Kế hoạch ứng phó, Chuẩn bị chiến lược và Quỹ dự phòng khẩn cấp: Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Ireland, Nhật Bản, Kuwait, Hà Lan , Na Uy, Slovakia, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Quỹ Bill và Melinda Gates, Tổ chức Chiến lược quan trọng và Giải quyết để cứu sống.
Đồng thời nhắc nhở: “Hầu hết các khoản đóng góp cho đến nay là các cam kết, vì vậy thay vì chờ nhận tiền, chúng tôi đang sử dụng cơ chế cho vay nội bộ của chính mình để đẩy nhanh việc phân phối tiền.
Chúng tôi mong muốn nhận được các khoản tiền cam kết càng sớm càng tốt, bởi vì chúng tôi chỉ có một nguồn tài chính hạn chế.
Vẫn không thấy có sự đóng góp của Nga và Saudi Arabia. Còn Hoa Kỳ đã được nhắc tới bằng ngôn ngữ ngoại giao để không thể lấy lý do không hợp tác với WHO mà lờ đi những điều Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Chúng tôi cũng công nhận cam kết hỗ trợ hào phóng từ Chính phủ Hoa Kỳ để hỗ trợ Trung Quốc và các quốc gia bị ảnh hưởng khác, chiến đấu và ngăn chặn COVID-19.
Vấn đề khả năng ngăn ngừa dịch bệnh
TGĐ Ghebreyesus cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là, quá nhiều quốc gia bị ảnh hưởng vẫn không chia sẻ dữ liệu với WHO. Chúng tôi không thể cung cấp hướng dẫn y tế công cộng phù hợp mà không có dữ liệu phân tích và danh sách chi tiết.
Điều này cho thấy những con số thống kê của WHO và khả năng chận đứng dịch lan tỏa hoàn toàn phụ thuộc vào, không những khả năng định bệnh tại mỗi cộng đồng, tỉnh, quốc gia, mà còn vào sự thông minh và lương thiện của giới hữu trách.
WHO chỉ có thể đóng góp rất hạn hẹp bằng cách trang bị các công cụ cho mọi quốc gia để chuẩn bị cho phù hợp một đại dịch đang tiềm tàng: Tăng năng lực thử nghiệm của các phòng thí nghiệm (viện trợ những bộ dụng cụ xét nghiệm WHO, huấn luyện sử dụng…), hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động…
Nhưng như TGĐ đã nhấn mạnh: “Không có kiểu tiếp cận một cỡ phù hợp cho tất cả. Mỗi quốc gia phải tự đánh giá rủi ro trong bối cảnh của riêng mình.
WHO không thể đóng góp để một quốc gia có những chuyên gia độc lập y tế phi đảng phái, với khả năng chuyên môn thật sự và được quyền chia sẻ những khả năng này với đám đông.
WHO không thể đóng góp để nâng cao dân trí, để thay đổi những tập tục cổ hũ, những niềm tin mù quáng, bất lợi cho việc ngăn chặn truyền nhiễm.
WHO không thể đóng góp để một nhà cầm quyền độc tài toàn trị bỗng chấp nhận những nhân sự độc lập chính trị nhưng thích ứng với nhiệm vụ đối phó tình trạng khẩn cấp.
Cuối cùng thì đối phó với COVID 19 cũng lại đưa về vấn đề muôn thuở: Cách hành xử của người dân mỗi quốc gia với nhà cầm quyền họ đang có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét