Ba phóng viên tờ Wall Street Journal của Mỹ bị Trung Quốc trục xuất vì từ chối xin lỗi khi một bài bình luận liên quan tới virus Corona, trong đó gọi Trung Quốc là “người bệnh thực sự của Châu Á.” (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, ngày 19 Tháng Hai, 2020, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã rút thẻ hành nghề của ba phóng viên tờ Wall Street Journal của Mỹ và yêu cầu họ phải về nước trong vòng năm ngày.
Sự việc xảy ra sau khi tờ Wall Street Journal từ chối xin lỗi vì một bài bình luận liên quan tới virus Corona, trong đó gọi Trung Quốc là “người bệnh thực sự của Châu Á.” Bài viết này đã chỉ trích các biện pháp chống dịch COVID-19 ban đầu của Trung Quốc và các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cấp quốc gia của nước này.
Trước động thái Trung Quốc trục xuất các nhà báo này, Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trả đũa. Một trong số các hành động có thể làm, là tước giấy phép hành nghề và trục xuất hàng trăm nhà báo Trung Quốc thường trú tại Mỹ về nước.
Ngày 24 Tháng Hai, Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Matt Pottinger đã chủ trì một cuộc thảo luận tại Tòa Bạch Ốc. Tại cuộc hội thảo, các viên chức đã tranh luận gay gắt về các biện pháp đáp trả Trung Quốc. Nhiều người ủng hộ việc tước giấy phép hành nghề và trục xuất hàng trăm nhà báo Trung Quốc đang thường trú tại Mỹ.
Nếu những điều này xảy ra, liệu có thể là bắt đầu một cuộc chiến về truyền thông Mỹ-Trung?
Theo ước tính của một số viên chức Mỹ, có khoảng 500 nhà báo Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ trong khi số nhà báo Mỹ tại Trung Quốc là 75 người.
Sở dĩ việc xung đột có thể xảy ra, dẫn đến những hành động đối nghịch giữa hai nước về truyền thông, là bởi bắt nguồn từ sự khác biệt về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của báo chí giữa hai nước.
Ai cũng biết một điều: Báo chí trong hai chế độ dân chủ và Cộng Sản hoàn toàn khác nhau về chức năng.
Chúng ta có thể thấy rất rõ sự khác nhau giữa hai nền báo chí của hai chế độ dân chủ và Cộng Sản độc tài.
Nếu như báo chí trong chế độ dân chủ được tự do và sự tự do đó được bảo đảm bằng luật pháp, được thi hành trong thực tế đời sống và là tiếng nói của bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu thông tin được nói lên tiếng nói của họ, thì ở các chế độ Cộng Sản, báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước Cộng Sản, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ lợi ích, sự tồn tại và cai trị của đảng Cộng Sản.
Nền báo chí tại các nước Cộng Sản, lấy việc phục vụ đảng Cộng Sản làm mục đích tối thượng, kể cả khi đặt vào trường hợp việc phục vụ đảng là đi ngược lại lợi ích của người dân, đất nước và dân tộc.
Nếu tại Mỹ, báo chí có thể chỉ trích, điều tra cả tổng thống về mọi mặt, nêu những vấn đề mà họ quan tâm về trách nhiệm, lợi ích cũng như đời tư của tổng thống và viên chức chính phủ thì ngược lại, ở các nước Cộng Sản, đó là điều tối kỵ và là con đường ngắn nhất dẫn đến nhà tù hoặc sự trả thù cá nhân thảm khốc.
Nếu tại Mỹ, một công dân có thể cũng được ca ngợi, quan tâm của báo chí nếu họ có những cống hiến cho cộng đồng, thì ở chế độ Cộng Sản, việc ưu tiên lăng xê, ca ngợi được dành ưu ái cho lãnh đạo của đảng, viên chức nhà nước.
Trong các mối quan hệ quốc tế, báo chí trong các nhà nước độc tài nhiều khi đã giúp cho chế độ thoát hiểm và lấp liếm trước dư luận những điều không thể chấp nhận. Ngược lại, báo chí ở các nước dân chủ, nhiều khi đã đẩy những sự việc
Trong cuộc chiến tranh trước đây giữa một bên là Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam, nhiều khi, sự tự do báo chí đã dẫn đến những bất lợi cho chính phủ Hoa Kỳ trong các hoạt động của mình tại chiến trường. Những hình ảnh của báo chí tự do đã bị phe Cộng Sản lợi dụng và kích động người dân chống lại cuộc chiến tại Việt Nam bằng hàng loạt những hành động khác nhau ở nhiều nơi.
Những cuộc biểu tình phản chiến trên nước Mỹ, những hành động phản đối cuộc chiến đã đặt chính quyền Mỹ trước những khó khăn. Trong khi đó, chế độ miền Bắc Cộng Sản Việt Nam với nền báo chí độc tài, bưng bít, xuyên tạc sự thật và cách biệt với cả thế giới, đã có thể yên tâm biến cả dân tộc thành một đàn cừu ngoan ngoãn lao động phục vụ đảng trong mọi lĩnh vực, đồng thời biến thành một đàn ngựa chiến khi đảng cần họ lao vào nơi máu lửa.
Người Cộng Sản đã khai thác triệt để việc sử dụng báo chí, truyền thông như một công cụ phục vụ những mưu đồ đen tối và che đậy lấp liếm bản chất tàn bạo và dối trá của mình nhằm lừa bịp người dân và dư luận thế giới. Kết quả là người Mỹ đã chán nản và bước ra khỏi cuộc chiến.
Sở dĩ điều đó có thể xảy ra, là bởi bản chất chế độ độc tài sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ quyền lợi và sự cai trị của mình.
Hệ thống báo chí trong nhà nước Cộng Sản bị kiểm duyệt gắt gao, loại bỏ hết những điều không có lợi cho sự cai trị của đảng Cộng Sản dẫn đến việc ngay cả các nhà báo và công dân cũng tự kiểm duyệt mình khi phát ngôn cũng như trong hoạt động truyền thông. Nhiều khi, họ bị bắt bớ, tù ngục hoặc bị liệt vào “thế lực thù địch” chỉ vì những bất đồng của họ trong chính kiến, tư tưởng đối với hệ thống Cộng Sản mà không cần bất cứ điều luật nào quy định.
Báo chí là cơ quan của Cộng Sản, được đảng Cộng Sản mệnh danh là “Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của đảng” nên kể cả khi tác nghiệp, hoạt động ở nước ngoài, nhiệm vụ của họ cũng chỉ là tuyên truyền cho chế độ, cho đảng Cộng Sản mà mục đích của đảng là bành trướng chủ nghĩa Mác-Lênin, một thứ lý thuyết đã được cả thế giới vứt vào sọt rác lịch sử bởi nó đã được kiểm nghiệm bằng hàng trăm triệu mạng người và những tai họa khủng khiếp của nó trên thế giới.
Vì vậy, hệ thống báo chí của Trung Quốc tại Mỹ cũng không nằm ngoài các nhiệm vụ nói trên. Và cũng vì thế, nó đi ngược lại bản chất của báo chí trong chế độ tự do báo chí tại Mỹ.
Tất cả sự khác biệt đó, bắt nguồn từ sự khác biệt về bản chất hai chế độ ở hai nước, một bên là nhà nước độc tài do một đảng độc quyền cai trị, là một nhà nước được dựng lên và “tồn tại trên họng súng” – như lời Mao Trạch Đông đã định nghĩa – và một bên là một nhà nước được bầu lên một cách minh bạch bằng lá phiếu của người dân.
Chính bởi sự khác biệt về bản chất của hai chế độ tại hai nước khác nhau mà báo chí cũng có sự khác biệt về bản chất và nhiệm vụ. Cũng bởi sự khác biệt đó, sự xung đột rất dễ xảy ra giữa hai nước về truyền thông.
Hệ thống báo chí Trung Quốc chính là công cụ tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, do vậy khi hoạt động trên nước Mỹ tự do về báo chí, sẽ phát huy hết công năng của mình phục vụ đắc lực cho đảng Cộng Sản.
Và chính phủ Mỹ, xã hội Mỹ hẳn sẽ thấy được rõ ràng những tác hại của hệ thống báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng khi nó hoạt động tự do trên đất Mỹ ra sao.
Điều mà ai cũng biết, là nếu để hệ thống đó hoạt động tự do, thì hậu quả mà nó gây ra cho xã hội Mỹ không thể là nhỏ và chính quyền Mỹ không thể làm ngơ.
Đáp lại động thái của Bắc Kinh, Chính quyền Mỹ hôm 17 Tháng Hai năm 2020 thông báo sẽ bắt đầu áp dụng quy chế mới tương tự như với ngành ngoại giao đối với năm cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trước tình trạng Bắc Kinh ngày càng gia tăng tuyên truyền thông qua các công cụ này. Những cơ quan báo chí đó bao gồm hãng tin Tân Hoa Xã, Đài Truyền Hình Quốc Tế Trung Quốc (CGNT), Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc (CRI), Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) và Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily).
Phải chăng, đây là bước mở đầu cho một cuộc chiến về truyền thông của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc tiếp sau cuộc chiến thương mại?
Ngay lập tức, ngày 18 Tháng Hai, Trung Quốc đã tỏ ra rất giận dữ và cho rằng quy định mới của Washington “Không thể chấp nhận được.”
Liệu sau sự “không thể chấp nhận được” của chính quyền Bắc Kinh, những hành động nào của Trung Quốc sẽ được thực thi để “không chấp nhận” điều này và đó sẽ là cơ sở cho một cuộc chiến truyền thông sẽ xảy ra?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét