Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

3961 - Vaccine chống Covid và vaccine chống đói nghèo

Phan Thành Đạt

Từ gần một năm nay, thế giới chứng kiến một cuộc chạy đua vaccine chống coronavirus. Những ứng cử viên lớn cho cuộc thi marathon này là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Có khoảng 197 loại vaccine chống Covid 19 đang được con người nghiên cứu và thử nghiệm. Một vài loại vaccine đầu tiên đã được cấp phép. Tuy nhiên, ít người bàn đến vaccine chống đói nghèo và bất bình đẳng. Vaccine này cần có để chữa trị các thể chế xã hội yếu kém do con người tạo ra.

 I. Chiến dịch tiêm vaccine trong Liên minh châu Âu

Chủ Nhật, ngày 27 tháng 12, Liên minh châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine chống Covid 19. Ở Pháp, người được tiêm vaccine đầu tiên là bà Mauricette M, 78 tuổi, sống trong một viện dưỡng lão. Ở Đức, người nhận mũi tiêm đầu tiên là một bà cụ 101 tuổi, sống trong viện dưỡng lão ở Berlin. Ở Tây Ban Nha, một cụ ông 96 tuổi được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Ở Ý, người được tiêm đầu tiên là một y tá làm việc trong một bệnh viện nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid 19. Tại cộng hoà Séc, thủ tướng Séc là người tự nguyện tiêm đầu tiên để khuyến khích công dân tham gia…

Tổng thống Pháp Emannuel Macron viết trên Twitter: “Tôi đã nói và tôi nhắc lại vaccine không bắt buộc, chúng ta hãy tin tưởng vào các nhà khoa học và các bác sĩ. Chúng ta là đất nước của ánh sáng, đất nước của Louis Pasteur, lý trí và khoa học cần chỉ đường cho chúng ta“.

Toàn bộ những chi phí cho chương trình tiêm vaccine do nhà nước chi trả.

Các phương tiện báo chí của châu Âu đưa tin rầm rộ về sự kiện quan trọng này. Vaccine Pfizer-BioNTech do Mỹ và Đức kết hợp sản xuất. Vaccine này đã được Mỹ, Canada sử dụng rộng rãi. Hội đồng y tế của Liên minh châu Âu, sau nhiều phiên họp khẩn, đã quyết định cho phép sử dụng vaccine này.

Các nhà khoa học sau nhiều lần thảo luận đã đánh giá về độ an toàn của vaccine. 450 triệu công dân trong Liên minh châu Âu sẽ được tiêm chủng nếu tất cả đồng ý, vaccine miễn phí và không bắt buộc với mọi người. Vaccine Pfizer-BioNTech có mức độ thành công hơn 90%, nhược điểm của nó là phải được bảo quản với nhiệt độ -70 độ. Điều này không hề đơn giản cho việc phân phối và vận chuyển.

Chủ nhật, ngày 27 tháng 12, Anh công bố vaccine AstraZeneca do đại học Oxford sản xuất có mức độ thành công 100% ngăn ngừa Covid 19. Nếu điều đó đúng với thực tế, vaccine này sẽ tiện lợi hơn rất nhiều vì không cần phải bảo quản ở nhiệt độ -70 độ mà chỉ cần để trong tủ lạnh bình thường.

27 thành viên trong Liên minh châu Âu đưa ra kế hoạch tiêm vaccine giống nhau. Những người đầu tiên được tiêm là những người già trong các viện dưỡng lão. Ở Pháp, 44% những người chết vì Covid 19 sống trong các cơ sở này. Những nhân viên y tế làm việc ở các bệnh viện hay những người làm việc trong các viện dưỡng lão đều là những đối tượng ưu tiên được tiêm chủng.

Tiếp theo sẽ là những người trên 65 tuổi, những người có tiền sử bệnh lý phức tạp có nhiều nguy cơ. Cuối cùng toàn bộ người dân được tiêm vaccine kể từ tháng 4 năm 2021. Tuy nhiên, ở Pháp, hơn 50% số người được hỏi, tỏ ra hoài nghi vì vaccine chưa được kiểm nghiệm qua thực tế. Họ lo lắng về những ảnh hưởng do vaccine gây ra.

Để chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh cần có khoảng trên 60% dân số tiêm vaccine chống Covid 19, những biện pháp phòng dịch cần phải tiếp tục được tuân thủ cho đến khi dịch bệnh chấm dứt hoàn toàn, điều này không hề dễ dàng.

Liệu vaccine có là vũ khí hữu hiệu để con người tiêu diệt hoàn toàn coronavirus? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, vaccine đem lại hy vọng như ánh sáng mong đợi được nhìn thấy ở cuối đường hầm. Hơn nữa với thời gian, con người sẽ chọn ra những loại vaccine hiệu quả nhất và an toàn nhất.

II. “Vaccine” xoá bỏ đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, hay ước mơ không thực tế

Năm 2020 là một năm đen tối với thế giới: Năm có diễn biến thời tiết phức tạp và là một trong những năm nóng nhất từ trước đến nay. Năm đánh dấu bằng nạn cháy rừng khủng khiếp ở Úc phá hủy hệ động thực vật phong phú của trái đất. Năm có nhiều trận lũ lụt tàn phá châu Á nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam… Một năm mà con người phải vật lộn với dịch Covid 19 khiến 4 tỉ người trên thế giới bị phong tỏa, hơn 1,8 triệu người chết tính đến cuối năm 2020… Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Tình trạng đói nghèo gia tăng vì thiên tai, dịch họa. Victor Hugo từng ví đói nghèo như căn bệnh trong cơ thể xã hội. Tuy nhiên, con người chưa tìm được các biện pháp hiệu quả để chữa triệt để căn bệnh này vì thể chế xã hội có nhiều thiếu sót và khó thay đổi, nói cách khác, con người không tìm được “vaccine” để tiêu diệt tận gốc đói nghèo.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mong manh và bất công. 1% dân số nắm giữ 90% khối tài sản của thế giới. 99% dân số thế giới còn lại chỉ nắm giữ 10% khối tài sản. Tổng thu nhập hàng năm của Microsoft do Bill Gates điều hành, ngang bằng tổng thu nhập của 23 triệu dân Bắc Triều Tiên. 10 người giàu nhất thế giới có khối tài sản nhiều hơn 80 quốc gia nghèo cộng lại. Jeff Bezos với khối tài sản 202 tỉ đô la bằng tổng thu nhập một năm của một quốc gia trung bình khoảng 35 triệu dân.

Chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng vì khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid 19. Pháp có thêm 1,3 triệu người nghèo do khủng hoảng kinh tế năm 2020. Những đoàn người xếp hàng dài nhận thức ăn miễn phí do các tổ chức xã hội phân phát. Người vô gia cư càng ngày càng đông, họ ngủ vạ vật tại ga tàu điện. Đó là những cảnh tượng người ta nhìn thấy hàng ngày ở Paris. Điều này hết sức đau lòng ở một đất nước giàu và văn minh như Pháp.

So với các thể chế xã hội khác, chủ nghĩa tư bản có nhiều ưu điểm, tuy nhiên đó là một mô hình xã hội có nhiều khuyết tật. Nó không thể tạo ra sự công bằng, bình đẳng vì con người chưa thể tìm được “vaccine” để xoá bỏ triệt để đói nghèo và bất công. Theo nhận xét của nhà nhân chủng học người Pháp Claude Lévi-Strauss, xã hội phương tây giống như một con quái vật khổng lồ nó đang tự ăn dần bản thân mình.

Đói nghèo liên quan trực tiếp đến môi trường vì môi trường tác động lâu dài đến cuộc sống của con người. Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu là những quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới, (việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu là mối lo ngại lớn). Điều bất công là, người dân ở các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba lại là những nạn nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng do tác động của môi trường.

III. Vaccine hay là sự phân biệt giàu nghèo

Từ hơn một thập niên qua, chủ nghĩa dân túy mang khuynh hướng cực đoan càng ngày càng được nhiều nhóm người trong xã hội chấp nhận. Các nhà lãnh đạo như Donald Trump ở Mỹ, Jair Bolsonaro ở Brazil, Victor Orban ở Hungary… là những đại diện của đám đông cuồng nộ.

Đám đông không hài lòng về các chính sách của các nhà chính trị trước đây. Họ nghi ngờ về dân chủ. Họ lo lắng cho tương lai. Họ muốn bảo vệ những quyền lợi đã có và lo sợ đến những nguy cơ mà thể chế dân chủ không thể giải quyết được. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dân túy không giải quyết được những bức xúc của họ.

Các nhà chính trị cực đoan không những gây chia rẽ dân chúng, tạo điều kiện cho thuyết âm mưu phát triển, họ còn bộc lộ nhiều khuyết điểm trong việc quản trị đất nước, đặc biệt là việc xử lý dịch Covid 19. Mỹ, Brazil cũng như nhiều nước châu Âu trở thành những nơi chết chóc khủng khiếp vì coronavirus. Điều này không chỉ bàn đến trách nhiệm của các nhà chính trị dân túy, mà còn cần bàn đến trách nhiệm của nhiều người ủng hộ họ một cách mù quáng, bằng bất cứ giá nào.

Thế giới đã có một số loại vaccine đầu tiên chống lại coronavirus, tuy nhiên điều đáng buồn là vaccine không giành cho tất cả mọi người và có mặt ở tất cả các quốc gia. Sự phân biệt giữa nước giàu và nước nghèo thể hiện rất rõ rệt trong giai đoạn khó khăn này.

Mỹ và châu Âu bắt đầu tiến hành tiêm vaccine cho công dân của mình. Những người già và những người có tiền sử bệnh nền được ưu tiên tiêm trước. Mỹ và châu Âu đã đặt hàng trăm triệu liều vaccine để tiêm miễn phí cho công dân của mình vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên ở các nước thuộc thế giới thứ ba, phương Tây gần như không nhòm ngó và quan tâm đến, trong khi đại dịch Covid 19 là mối nguy cơ toàn cầu, con người cần phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu.

Các nước nghèo ở châu Phi như Somalia, Ethiopia… ở Nam Á như Bangladesh, Sri Lanka… với ngân sách eo hẹp, sẽ rất khó khăn để mua vaccine. Tiêm vaccine cho toàn bộ dân số của mình là một vấn đề lớn, một thứ xa xỉ. Vaccine phải chăng chỉ dành cho những nước giàu?

Các hãng dược lớn của Mỹ và châu Âu sẽ có nhiều cơ hội kiếm lời và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Thiết nghĩ, các nước phương Tây cần có trách nhiệm của mình đối với phần còn lại của thế giới. Vaccine không chỉ sử dụng ở Mỹ và phương Tây, đồng thời nó phải được phân phát và chia đều cho các nước nghèo vì tinh thần đoàn kết và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu. Các hãng dược lớn cần bán vaccine không lấy lãi, thậm chí tài trợ toàn bộ cho các nước nghèo không có khả năng chi trả. Vì lý do khủng hoảng dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, các nước giàu cần xóa nợ cho các nước nghèo.

Người ta vẫn khẳng định virus không có biên giới, không có sự phân biệt, điều duy nhất khiến con người bình đẳng với nhau là nguy cơ dịch bệnh, mối đe dọa cho bất kỳ ai dù người giàu hay người nghèo, dù người có chức vụ quan trọng trong xã hội hay một người bình thường ít người biết đến.

Lý thuyết là như thế nhưng thực tế cũng có nhiều khác biệt vì con người tạo ra sự khác biệt đó. Nhiều người da đen hay da màu ở Mỹ là những lao động bình thường, phải tiếp xúc với nhiều người, ví dụ những nghề như lái xe taxi, lái xe bus, nhân viên bảo vệ, nhân viên ở siêu thị… Những người làm những nghề này vẫn có khả năng lây nhiễm nhiều hơn một chủ trang trại da trắng ở miền Nam nước Mỹ.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/03/vaccine-chong-covid-va-vaccine-chong-doi-ngheo/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét