Người dịch: Nguyễn Thanh Hải
Hoa Kỳ hiện và sẽ luôn là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ những thương thuyền đầu tiên khởi hành đến Trung Quốc chỉ tám năm sau ngày Cách mạng Mỹ thành công, đến việc thiết lập sự hiện diện ngoại giao đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1794, sự tham gia của Hoa Kỳ trên nền tảng thương mại, hợp tác và sự hy sinh chung đã mang đến hòa bình và thịnh vượng trên toàn khu vực ngày hôm nay.
Khung chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (sau đây gọi tắt là Khung chiến lược) đóng vai trò như bản chỉ dẫn chiến lược tổng thể cho chính quyền Trump suốt 3 năm qua trong việc triển khai thực hiện Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 (NSS) của Tổng thống tại khu vực đông dân và có nền kinh tế năng động nhất thế giới.
NSS thừa nhận rằng thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác là sự đối đầu ngày càng tăng về tầm nhìn tương lai giữa tự do và đàn áp. Để hiện thực hóa tầm nhìn tích cực của Mỹ đối với khu vực và giải quyết những thách thức chưa từng có mà các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải đối mặt liên quan đến vấn đề chủ quyền, thịnh vượng và hòa bình, vào tháng 2 năm 2018, Tổng thống Trump đã phê duyệt việc triển khai Khung chiến lược tại các bộ và cơ quan của nhánh Hành pháp. Tài liệu gốc đã được giải mật và công bố (Dự án Nghiên cứu Quốc tế sẽ sớm công bố bản dịch – NBT), nhằm gửi đi thông điệp đến người dân Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực quan trọng này.
Khung chiến lược đã định hướng việc xây dựng nhiều khuôn khổ chính sách và kế hoạch chiến dịch thành phần, từ đó định hình cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với những vấn đề cụ thể có tầm quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương bên cạnh những vấn đề khác, chẳng hạn như Phương thức tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (U.S. Strategic Approach to the People’s Republic of China), Khung chiến lược của Hoa Kỳ chống lại hành động xâm lược kinh tế của Trung Quốc (U.S. Strategic Framework for Countering China’s Economic Aggression), Kế hoạch chiến dịch của Hoa Kỳ chống lại ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc tại các Tổ chức Quốc tế (U.S. Campaign Plan for Countering China’s Malign Influence in International Organizations)… Cùng với các văn bản phụ trợ, Khung chiến lược đã định hướng toàn bộ hành động của chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực về các vấn đề chủ quyền quốc gia, tự do hàng hải và hàng không, thương mại và đầu tư theo nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng quyền của các cá nhân, nền pháp quyền cũng như tính minh bạch.
Bắc Kinh đang gia tăng việc gây áp lực buộc các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rời bỏ tự do và chủ quyền của mình để hòa vào cộng đồng “vận mệnh chung” do Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra. Hoa Kỳ có cách tiếp cận khác. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác – gồm tất cả những quốc gia chia sẻ các giá trị và nguyện vọng về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở – có thể giữ vững và bảo vệ được chủ quyền của mình.
Khung chiến lược cho rằng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở phụ thuộc vào sự dẫn dắt mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có một lịch sử đấu tranh lâu dài bên cạnh những chế độ coi trọng các giá trị mở và tự do chống lại các chế độ áp bức. Là nền kinh tế đứng đầu thế giới sở hữu lực lượng quân sự hùng mạnh nhất cùng một nền dân chủ sống động, Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải đứng ở tuyến đầu để lãnh đạo cuộc chiến này.
Khung chiến lược tìm cách củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn và đa dạng của Hoa Kỳ, vốn từ lâu đã tạo nền tảng cho sự ổn định và hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Để đạt được điều đó, Khung chiến lược đã nêu lên tầm quan trọng của việc hỗ trợ những cách tiếp cận khu vực bổ sung của các nước đồng minh và đối tác. Những cách thức tiếp cận này bao gồm khái niệm Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Úc, chính sách An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương của Ấn Độ, Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan và Quan điểm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhiều khái niệm và cách tiếp cận này đang gây tiếng vang trên toàn cầu, bên cạnh đó các quốc gia như Pháp và Đức cũng đang ra mắt các khung chính sách của riêng họ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sự liên kết giữa các cách thức tiếp cận chiến lược đối với khu vực đang ngày càng gia tăng và nổi bật hơn cả là sự phát triển của liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản trong bốn năm qua. Tổng thống Trump đã nhìn thấy được ý nghĩa chiến lược của khái niệm về một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở ban đầu do Nhật Bản phát triển. Trong một bài phát biểu vào năm 2007 tại Ấn Độ, Thủ tướng Abe Shinzo khi đó đã kêu gọi một “châu Á rộng lớn hơn” trải dài trên cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – “vùng biển của tự do và thịnh vượng sẽ rộng mở và minh bạch cho tất cả”. Tại Nairobi, Kenya vào năm 2016, Thủ tướng Abe đã nêu rõ hơn tầm nhìn toàn cảnh về khái niệm này, kêu gọi khu vực, từ châu Phi đến châu Á, phát triển thành “một nơi tôn trọng tự do, pháp quyền và nền kinh tế thị trường, không bị cưỡng ép, và […] thịnh vượng”.
Trong chuyến công du dài nhất của một Tổng thống Mỹ tới khu vực trong hơn một phần tư thế kỷ vào năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, Tổng thống Trump đã dựa trên tầm nhìn của Thủ tướng Abe kêu gọi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo Tổng thống Trump, khu vực này là nơi mà các quốc gia độc lập có chủ quyền, với nền văn hóa đa dạng và theo đuổi những giấc mơ khác nhau, có thể cùng thịnh vượng và phát triển trong tự do và hòa bình”.
Vào tháng 4 và tháng 10 năm 2018, các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đã mời đại diện từ các quốc gia trong khu vực đến Honolulu để thảo luận về tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời mời đại diện từ mỗi quốc gia chia sẻ quan điểm của mình về chiến lược và hành động nhằm đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trên tinh thần hợp tác, các đại biểu tham dự đã xác định các nguyên tắc chung được các quốc gia đa dạng trong khu vực đồng thuận. Những nguyên tắc này bao gồm tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia, nền pháp quyền và trách nhiệm giải trình trước công chúng; vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và không gian mạng; giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải bằng biện pháp hòa bình; thương mại tự do, công bằng, có đi có lại; đầu tư và hội nhập khu vực thông qua các dự án kết nối và đầu tư được tài trợ một cách minh bạch, bên cạnh đó là cải thiện tình trạng của xã hội và môi trường.
Việc giải mật Khung chiến lược vào thời điểm này thể hiện một cách rõ ràng những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực. Hoa Kỳ coi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “một chòm sao tuyệt đẹp của các quốc gia, mỗi ngôi sao tỏa sáng theo cách riêng, không phải là vệ tinh của bất cứ ai – và mỗi quốc gia là một dân tộc, một nền văn hóa, một lối sống và một ngôi nhà,” theo cách nói của Tổng thống Trump tại Việt Nam năm 2017. Miễn là các quốc gia vẫn hợp tác cùng nhau để giữ cho khu vực tự do và rộng mở, chúng ta có thể đảm bảo rằng tầm nhìn này sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng lâu dài trong tương lai.
Robert C. O’Brien
Trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia
Ngày 5 tháng 1 năm 2021
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/01/20/robert-c-obrien-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-mo-va-tu-do/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét