Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

4156 - Tư Sang vỡ mộng Thái Thượng Hoàng.

Người Buôn Gió

Ngày 12 tháng 12 BBC Việt Ngữ đăng một bài viết về nhân sự chủ chốt của bộ chính trị Việt Nam, bài báo không có tên tác giả. Có thể hiểu đây là bài viết của Ban biên tập BBC. Trong bài viết này, BBC khẳng định một cách đặc biệt phó thủ tướng Trương Hoà Bình vẫn còn trong độ tuổi tái cử.

Đoạn BBC viết:

Về độ tuổi, những người sau đây trong Bộ Chính trị vẫn còn trong độ tuổi tái cử:
  • Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, 1955. Trường hợp ông Trương Hòa Bình khá đặc biệt, vì ông sinh ngày 13 tháng Tư năm 1955. Do đó nếu Đại hội Đảng tổ chức trước thời điểm tháng Tư 2021, ông vẫn được xem là 65 tuổi.
  • Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, 1958
  • Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội (từ 2/2020), 1957
  • Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, 1957
  • Trương Thị Mai, Trưởng ban dân vận, 1958
  • Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, 1959
  • Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 1970
Không hiểu BBC căn cứ theo cách tính nào mà khẳng định Trương Hoà Bình, quê Long An vẫn còn trong độ tuổi tái cử theo quy định. Việc BBC khẳng định như vậy phải chăng là mở đường để Trương Hoà Bình được tái cử vào trung ương ĐCSVN khoá 13. Môt tờ báo có truyền thống đưa tin và bình luận về chính trị Việt Nam rất nhiều thập kỷ nay, khó có thể đưa ra một nhận xét không có cơ sở hoặc sai sót một cách ngáo ngơ như vậy.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55289128

2 ngày sau, báo Thanh Niên có bài trả lời chi tiết rõ ràng, trong đó phó thủ tướng Trương Hoà Bình nằm trong danh sách những người quá tuổi tái cử vào trung ương ĐCSCN khoá 13.
https://thanhnien.vn/thoi-su/uy-vien-nao-cua-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-du-tuoi-tai-cu-khoa-xiii-1316966.html

8 Ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều quá độ tuổi tái cử theo quy định.

Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi); Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi); Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi); Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh ngày 13.4.1955, trên 65 tuổi).

Ngày 15 tháng 1, trả lời báo chí, ông Vũ Trọng Kim khẳng định trường hợp đặc biệt ở lại bộ chính trị nên chỉ có từ 1 đến 2 người, bởi quá 2 người sẽ chẳng còn là đặc biệt. Ông Kim nói rằng trường hợp đặc biệt thường là người giữ nguyên vị trí mà họ đang giữ, ông lấy ví dụ điển hình là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Như vậy có thể khẳng định chắc chắn 1 trong 2 trường hợp quá tuổi ở lại là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vào ngày 22 tháng 12 năm 2020, cựu uỷ viên Bộ Chính Trị Phan Diễn mất tích bao lâu nay, bỗng nhiên xuất hiện trước thềm đại hội đảng 13. Ông Diễn người Quảng Nam, ông trả lời các báo nhấn manh đến thành quả kinh tế Việt Nam đạt được trong khoá 12. Ai cũng hiểu ý ông Phan Diễn muốn nhắc đến công lao của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Lướt qua những trang báo Việt Nam, chỉ có nổi bật những ý kiến của những cựu, nguyên ca ngợi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đã có sự kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí ở đại hội lần này, không như những lần trước báo chí có nhiều bài khen người này, chê người kia. Lần này chỉ có 2 ông Phúc và Trọng được khen. Cũng không có đơn thư tố cáo được tung lên mạng xã hội như kỳ đại hội trước.

Đến giờ có thể khẳng định chắc chắn rằng trường hợp đặc biệt ở đại hội 13 sẽ là ông Trọng và Phúc, đại hội sẽ bị kiểm soát chặt chẽ bởi quy chế mới do ông Trọng ban ra, không có cơ hội để các đoàn bàn bạc với nhau để đưa ra ý kiến nhân sự khác.

Và các uỷ viên Bô Chính Trị quá tuổi như Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Trương Hoà Bình, Trần Quốc Vượng...phải giã từ chính trường.

Cách tính của BBC đúng hay của báo Thanh Niên đúng, nếu BBC tính đúng thì cơ hội vào tứ trụ của phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã bị tước đoạt mất một cách trắng trợn. Ông Trương Hoà Bình đương phó thủ tướng thường trực, nếu còn tuổi thật, chức thủ tướng khó mà thoát khỏi tay ông. Là đồng hương của ông Trương Tấn Sang, ông Sang đã miệt mài bươn chải khắp các địa phương để vận động phiếu bầu cho ông Trương Hoà Bình vào tứ trụ.

Nhưng ông Phạm Minh Chính, một tướng công an như ông Trương Hoà Bình đã tính sổ ông Bình trên 65 tuổi. Ông Chính là trưởng ban tổ chức trung ương, việc lý lịch, tiêu chuẩn tất nhiên trong tay ông tính toán khó có thể sai được. Ông Chính cũng đang nhằm một suất vào tứ trụ, đặc biệt là chức thủ tướng, ông cạnh trạnh với Trương Hoà Bình đương nhiên không thể tính du di tuổi cho đối thủ của mình được. Nên khả năng cách tính tuổi của báo Thanh Niên chuẩn xác hơn BBC.

Công lao của Trương Tấn Sang vận động bấy lâu cho Trương Hoà Bình phút chót tan thành mấy khói, dưới chiêu bài từ thiện, suốt mấy năm qua Trương Tấn Sang xuất hiện nhiều buổi lễ từ thiện ở khắp nơi để vận động cho đệ tử của mình. Mộng thái thượng hoàng bất thành, Trương Tấn Sang chán nản đến mức buổi từ thiện chất độc màu da cam, bộ đội Trường Sơn tổ chức ngày 10 tháng 1 năm 2021 tại quận 1 thành phố HCM.

Chương trình này do vợ chồng Tư Sang đạo diễn bấy lâu, hút rất nhiều tiền của doanh nghiệp, đến lần này chẳng buồn thông báo những doanh nghiệp nào đóng góp bao nhiêu. Có lẽ các doanh nghiệp đã đánh hơi thấy sự thất thế của cặp Long An này nên không còn mặn mà đóng góp. Chợ chiều của cánh Long An thê thảm qua thái độ chỉ cắm đầu xem điện thoại của tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ trong buổi từ thiện.

Sĩ phu Bắc Hà, quái kiệt Quảng Nam và dị nhân Thanh Hoá đã lường trước không để cho Trương Tấn Sang dùng bọn tay chân trên mạng xã hội, lợi dụng những cựu, nguyên về hưu để phá hoại đại hội khi mưu đồ không thành.

Lệnh tuyệt mật được ban ra, kể cả những đơn thư tố cáo về nhân sự đại hội đảng cũng được liệt vào tuyệt mật. Những bọn mà Tư Sang vẫn dùng như Trịnh Văn Lâu, Trương Huy San, Việt Thắng, Mạnh Quân, Phan Trí Đỉnh... trước kia ở đại hội 12 tung hoành mưa gió dư luận, giờ im như thóc. Quá u uất Huy San chỉ thốt được lời than ai oán về việc tứ trụ lần này không có người miền Nam, nhưng chỉ thế thôi Huy San cũng gây nên sự bất mãn của đông đảo dư luận về một cách làm nhân sự không công bằng. Phút cuối, Huy San bôi lên mặt đảng CSVN một vết nhơ nhuốc và để câu hỏi chia rẽ vùng miền nhức nhối trong lòng dư luận.

Huy San là một chiến sĩ đấu tranh dân chủ cấp tiến, anh ta có quan hệ với nhiều thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Mỹ, cũng như có quan hệ và uy tín trong giới trí thức cấp tiến trong và ngoài nước, anh ta ủng hộ những đường lối dối ngoại của đảng Dân Chủ Mỹ như không căng thẳng với Trung Quốc và Việt Nam không nên cứng đầu với Trung Quốc mà thiệt thân.

Sau đại hội 13 của đảng CSVN,với sự thắng thế của đảng Dân Chủ Mỹ ở thượng viện và hạ viện, chắc chắn Huy San được sự hậu thuẫn che chở từ phía Mỹ, anh ta sẽ trở lại với những bài viết và thông tin ấn tượng hơn, gây tác động với xã hội hơn. Và khi ấy nếu lòng trung thành của anh ta còn với Trương Tấn Sang, sẽ là điều khó chịu với tứ trụ mới, nhưng nếu anh ta ngả theo '' bên thắng cuộc '' thì thật là một kênh định hướng dư luận tốt.

Thời tung hoành của Trương Tấn Sang đã qua rồi, chắc sau đại hội ông ta không còn đi lại khắp nơi trấn lột tiền doanh nghiệp dưới mác từ thiện để vận động cho ai nữa.

Anh Ba đã tự sớm lui mình vào quá khứ , anh Tư bây giờ  cũng buộc phải lui.

Thiên hạ chính thức khoá tới thu về một mối, đó là sĩ phu Bắc Hà,  tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng, một lãnh tụ cộng sản tài ba tập trung quyền lực về  tay mình một cách khoa học hơn hẳn Hồ Chí Minh, Lê Duẩn trước kia.

Thiên hạ về một mối như này, chẳng còn gì để chọc ngoáy nữa, thật buồn. Ước gì anh Tư Sang phản đòn trở lại, biết là chuyên hoang đường, nhưng có anh ấy thì thế sự mới rộn ràng phe cánh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét