Suốt nhiều năm liền, từ khi thày bu chịu đầu hàng, phải vào hợp tác xã nông nghiệp cho tới lúc anh trai tôi đi bộ đội (năm 1969), rồi kéo dài mãi tới đận tôi đi đại học (năm 1972), vẫn chỉ mỗi nhân khẩu/vụ khoảng 40kg thóc, cả năm 2 vụ được 80 - 90kg, quy ra gạo được hơn 50kg, rải đều cho 12 tháng ăn cầm hơi. Lại rơi vào cuộc thiếu đói triền miên. Người làm ra thóc gạo nhưng không đủ gạo ăn.
Độn vào nồi cơm đủ thứ có thể độn được, nào sắn (miền Nam gọi là củ mì), khoai tây, khoai lang tươi, khoai lang khô, củ dong riềng, củ mình tinh, sau này có thêm bột mì vón, mì sợi. Tới bữa cơm, ai ngồi đầu nồi khổ nhất, tìm được hột cơm ưu tiên cho người già và trẻ con, đỏ con mắt, khó hơn tìm đường lên giời.
Năm lớp 10, tôi lên huyện trọ học, cả nhà ưu tiên cho ăn cơm thuần không phải độn nhưng mỗi tuần chỉ được xách đi 10 bò (lon sữa bò) gạo. Tôi ở chung với ông bạn Vũ Trường Thành (vừa mất), nhà Thành khá hơn cho y mỗi bữa hẳn một bò. Có lần trong bữa ăn, vét nốt nồi cơm, tôi chua chát đùa bảo sau này mà thành đạt công danh tao sẽ nhớ ơn mày. Y cười, đang chết đói mà còn nói chuyện thành đạt, đồ điên. Nhớ y còn động viên tôi, “sức ta là sức thanh niên/thế ta là thế đứng trên đầu thù”, nay nhịn đói một tí để mai kia no bụng, mày ạ. Mãi sau này, y kể, hôm ấy tao đọc thơ cụ Tố Hữu nhưng nhìn vào cái gương soi cắt tóc nhà bác Mẳn thấy hai đứa mình đói xanh như tàu lá, tao an ủi mày thế thôi chứ suốt đêm không ngủ. Thày bu tao ở Cốc Liễn cũng nhịn đói nhường gạo cho con chứ nào có no đủ gì. Dở dang lớp 10 chưa kịp tốt nghiệp, y đi bộ đội, vào đánh nhau ở thành cổ Quảng Trị hè 1972, bị thương, về quê học làm thầy giáo, năm nào cả hai vợ chồng cũng lặn lội vào thành cổ, nghĩa trang đường 9, nghĩa trang Trường Sơn thắp hương mộ đồng đội, khóc rưng rức. Còn tôi thì không kịp trả nghĩa y về “bát cơm phiếu mẫu” bởi mình phận nghèo, chả công danh, ông nọ bà kia như từng ao ước, bạn bè sau hòa bình tan đàn xẻ nghé, lâu lâu mới có dịp gặp lại, chỉ ôn nghèo kể khổ về thời đói kém.
Nông dân, sống với ruộng nương, làm ra hột thóc, có thêm tí vườn tược trồng trọt thứ này thứ nọ, nuôi con gà con qué… nên bị nhà nước xếp vào dạng “có điều kiện” tự cung tự cấp. Hợp tác xã chỉ chia cho nhân khẩu mỗi vụ mấy chục ký thóc là xong, xoa tay hết trách nhiệm. Nông dân không có sổ gạo, sổ lương thực. Sống thế nào mặc lòng. Bi kịch ở chỗ, chính mình chủ ruộng đất, gieo ruộng mạ, cấy cây lúa, làm ra hạt gạo nhưng quanh năm đói. Những cơn đói đã hủy hoại bao nhiêu thế hệ, giết chết và làm còi cọc bao nhiêu ước mơ, khát vọng. Nỗi ám ảnh về hợp tác xã sản xuất lớn tiến lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc cứ bám vào con người ta tới lúc chết.
Thiếu ăn, sợ nhất vào khoảng tháng ba ngày tám, dân mình gọi là giáp hạt. Làm ruộng hồi xưa lấy trồng lúa là chính, mỗi năm hai vụ. Tính theo âm lịch, vụ chiêm thời gian từ cuối đông cấy, tới đầu hạ mới thu hoạch, ôm trọn mùa xuân nên còn có tên vụ chiêm xuân. Vụ mùa cấy từ đầu hạ tới đầu đông thì gặt, ôm trọn mùa hạ và mùa thu nên còn có tên vụ hè thu. Cữ tháng ba hoặc tháng tám (ngày tám) lịch ta, thóc trong nhà thì đã hết, mà bông lúa ngoài đồng vẫn chưa chín, chưa thể thu hoạch, chưa thể cầm cái liềm ra đồng đem hạt thóc về, phải đợi một thời gian đáng kể nữa mới chạm tới nó, nên bà con ta gọi là giáp hạt. Cái đói chập chờn theo cả vào giấc ngủ, mơ cũng chỉ thấy cơm, được ăn cơm, ăn no, không phải ăn độn. Thiên đường xã hội chủ nghĩa, thiên đường cộng sản xa xôi nơi đâu chửa thấy, đám chúng tôi chỉ biết thiên đường đang khao khát vươn tới là bữa ăn no.
Do hoàn cảnh địa lý và công việc, dân thành phố có hộ khẩu (chỉ trừ những người sống lang thang, người phạm tội bị cắt hộ khẩu, người đi bộ đội trốn về (B quay) chứ nói chung ai cũng có hộ khẩu, kể cả dân phe phẩy, buôn bán cò con) được hưởng chế độ bao cấp, phân phối về lương thực, thực phẩm. Điều đó cũng phải đạo. Chả nhẽ để họ chết đói. Đó là chưa kể “nếu không có bác công nhân/lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/áo quần ta mặc ai may/lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà”. Tháng 5.1964, dân thành phố ùn ùn kéo về nông thôn sơ tán tránh máy bay Mỹ, họ đem theo cuốn sổ lương thực, sổ gạo.
Khi ấy, đám trẻ con chúng tôi, những đứa đói quanh năm, mới biết thế nào là sổ gạo. Đứa trẻ thành phố chả cần làm gì vẫn có gạo ăn, ngoài ra còn được mua thịt lợn, đậu phụ, nước mắm, xì dầu, mì sợi, mì chính… Nông dân khổ quá, đói quá nên đôi khi tị nạnh với người thành phố, kiểu như mình làm ra thóc gạo mà lại đói, còn “chúng” chỉ cày đường nhựa sao được dững 13 - 14 ký, thậm chí 16 ký, 19 ký, 21 ký một tháng. Người nhà quê (cách gọi nông dân thời ấy) đâu hiểu rằng bên trong cái sổ gạo ưu tiên cũng chứa tầng tầng lớp lớp khổ sở, đớn đau, bi kịch. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh chống trôi: Một gia đình nông dân miền Bắc thời chiến tranh (ảnh tư liệu của Lee Lockwood)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét