Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng sản Việt Nam sắp khai mạc ngày 25/01/2021 với dự kiến kéo dài một tuần, một số nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ hải ngoại và trong nước nhân dịp này chia sẻ một số bình luận của mình về công tác chuẩn bị đại hội và nhân sự cao cấp.
Từ Đại học Leiden, Hà Lan, Phó Giáo sư Jonathan London bình luận với BBC, cho rằng vấn đề nhân sự cấp cao của ĐCSVN như một 'hộp đen' và hy vọng người dân sớm được biết và có vai trò của mình:
Như là hộp đen?
"Vấn đề của Việt Nam là cứ năm năm một lần, chúng ta phải cố gắng nhìn vào một hộp đen và vấn đề nhân sự ở Việt Nam là không thể biết trước được là sẽ ra sao.
"Lần này có rất nhiều bình luận, chẳng hạn không có một người trong tứ Tứ trụ là một người miền Nam, mà toàn là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội v.v..., điều đó cũng là một sự thú vị cho một người quan sát như tôi.
"Cũng có người chuyên về những vấn đề mà họ gần gũi như kinh tế, tôi thấy chẳng hạn chức vụ Thủ tướng nhiều khi người ta nói phải mạnh về kinh tế.
"Có lẽ với vị mà được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng thay ông Nguyễn Xuân Phúc là ông Phạm Minh Chính thì điều này đã giúp ích.
"Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một người có tiếng lôi cuốn như là Tập Cận Bình hoặc như là Vladimir Putin v.v..., nên vấn đề về nguy cơ sẽ có một sự sùng bái cá nhân thì tôi nghĩ là không cao.
"Vấn đề là ông có làm hiệu quả không? Rõ ràng ông đang nỗ lực để củng cố những ưu tiên của ông trong tương lai gần của Việt Nam, nên như mọi người tôi thấy là không có một bất ngờ nào và những chủ trương của Việt Nam sẽ tiếp tục.
"Tôi cũng như mọi người khác hỏi rằng bao giờ Việt Nam sẽ có một cơ chế công khai, minh bạch hơn để cho người dân Việt Nam được bày tỏ ý kiến, hoặc có một vai trò nhất định.
"Bởi vì chọn như thế này, dù có thể được xem là có những điểm mạnh, nhưng hậu quả là người dân Việt Nam thấy rằng họ chưa tham gia được vào nền chính trị của chính nước họ. Nên tôi hy vọng dần dần Việt Nam sẽ có một cơ chế tốt hơn."
Không có bất ngờ?
Từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng đã có đồn đoán trong công luận về phương án nhân sự cao cấp và phương án được dự kiến này dường như sẽ 'không gây bất ngờ' gì nếu được thông qua tại Đại hội 13 và ông giải thích thêm vì sao:
"Theo những thông tin rò rỉ ở khắp nơi, hiện nay nhân sự 'Tứ trụ' của Đại hội đảng đã được xác định, tất nhiên thông tin này không chính thức mà thậm chí giả sử ai biết được thì đấy cũng chỉ là những dự kiến thôi, mà phải sau Đại hội 13, sau khi các Đại biểu đã bỏ phiếu, thì vị trí Tổng Bí thư mới được xác định.
"Nhưng người ta đã đồn đoán rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại nhiệm kỳ này với một cương vị là Tổng Bí thư, điều thứ hai nữa là đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ được bố trí, sắp xếp vào cương vị Chủ tịch nước, thứ ba là ông Phạm Minh Chính - đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng được dự kiến ở cương vị Thủ tướng Chính phủ và thứ tư là ông Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư thành ủy Hà Nội dự kiến vào vai trò Chủ tịch Quốc hội của Khóa Quốc hội thứ 15, tức là khóa sẽ biết được kết quả vào nửa cuối năm nay, theo kế hoạch bầu cử.
"Hiện cũng có rất nhiều ý kiến quanh việc này, nhưng tôi nghĩ khi mà Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đảng của khóa 12 đã quyết định rồi, thì ra Đại hội chính thức, có hai điểm phải nói như thế này: một là sẽ không có bất ngờ nào cả, bởi vì theo quyết định về quy chế bầu cử trong đảng năm 2014, thì việc đề cử và ứng cử này khi đã được quyết định rồi thì phải chấp hành.
"Và hôm nay (21/01), đương kim Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình có nói rằng bây giờ những ai giới thiệu ra Đại hội này mà khác với ý kiến của Trung ương thì phải chịu trách nhiệm về những người được giới thiệu tiếp theo đó.
"Tôi nghĩ người ta muốn nhắc lại quyết định 224 đó còn có tác dụng như thế nào đối với chỉnh đốn đảng và quy chế bầu cử cũng như đề cử của đảng Cộng sản hiện nay."
Thiếu bóng phụ nữ?
Từ Leeds, Anh quốc, cựu đạo diễn truyền hình, nhà báo tự do Song Chi nêu góc nhìn của mình và đặt vấn đề về tính dân chủ của đảng trong việc lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho bầu chọn tại Đại hội, bên cạnh các tiêu chí như vùng miền và vai trò nữ giới trong cơ cấu Tứ trụ:
"Không phải chỉ riêng Đại hội 13, mà từ mọi đại hội đảng từ trước đến giờ đều đóng cửa và người trong đảng tự lựa chọn và quyết định với nhau, còn người dân ở bên ngoài chỉ được phép đoán mò thôi.
"Nhưng điều đáng nói gần đây là nhân sự lựa chọn của đảng còn trở thành chuyện tuyệt mật nữa, thành ra người dân mà bàn tán, nhiều khi còn bị xử lý nữa, cho nên đó là một quá trình rất thiếu dân chủ.
"Còn nếu như thông tin 'rò rỉ' bên ngoài vừa rồi như PGS Phạm Quý Thọ đề cập, thì theo đồn đoán bên ngoài như thế cho thấy rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là lần này có hai nhân vật quá 65 tuổi là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc được giữ lại trong trường hợp đặc biệt.
"Trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng thì đã hai lần ông làm Tổng Bí thư rồi, bây giờ ông lại ngồi tiếp một lần nữa, thì như vậy phá vỡ điều lệ của đảng. Và chúng ta thấy thực sự Trung Quốc chẳng hạn, Quốc hội cũng đã sửa đổi Hiến pháp để ông Tập Cận Bình có thể trở thành Chủ tịch trọn đời, còn bên Nga, Quốc hội cũng đã sửa đổi Hiến pháp để cho ông Vladimir Putin có thể tiếp tục cầm quyền đến năm 2036, sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024, nhưng đó là người ta sửa trước, còn ở Việt Nam thậm chí còn có thể đi xa hơn, tức là làm xong rồi mới sửa...
"Thứ nữa là theo cơ cấu vùng miền, thì rõ ràng luôn chia ra trong Trứ trụ là có đủ ba miền Trung, Nam, Bắc, nhưng trong kỳ này có vẻ không thấy một nhân vật nào phía Nam cả trong bốn chức vụ đó, đồng thời có một chuyện nữa là ở trong bốn đề cử, dường như không thấy có vị nào là phụ nữ..."
Cách cũ rủi ro?
Cũng trong dịp này, một số nhà quan sát và bình luận khác về thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước chia sẻ với BBC nhận định và cảm quan của mình về kỳ Đại hội sắp diễn ra.
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh bình luận với BBC:
"Tôi cho rằng cách thức tuyển chọn dàn nhân sự cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến hiện thời vẫn theo lối truyền thống, kiểu Liên Xô trước kia hay Trung Quốc hiện nay.
"Chọn ai, bỏ ai là đặc quyền của nhóm lãnh đạo, chứ không phải của dân. Thành ra sức khỏe và những gì thuộc về cá nhân lãnh đạo trở thành tối mật, tuyệt mật là điều không lạ, nhất định phải thế.
"Cách tuyển lựa nhân sự này tiến bộ hơn thời quân chủ chuyên chế, nhưng lạc hậu và lạc điệu so với các nước dân chủ văn minh ngày nay.
"Chỉ định người quản trị xã hội từ cấp thấp nhất đến cao nhất của Đảng, như chúng ta thấy, đã gạt bỏ quyền của người dân chọn người lãnh đạo họ. Hệ quả theo tôi là thứ nhất đảng chỉ chọn được người hợp ý mình, chưa hẳn được dân chúng tin, yêu.
"Thứ nhì, nguồn lực tài năng quản trị xã hội của đất nước bị lãng phí, nạn mua quan bán chức, cả nhà làm quan, gắn chặt với phương thức tuyển chọn nhân sự này như hình với bóng.
"Và cuối cùng, thứ ba là có rủi ro lớn, bằng chứng là nhiều cán bộ cao cấp từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, các bộ trưởng, thứ trưởng, các tướng lĩnh quân đội và công an được chọn, đề bạt tại Đại hội XII đã bị kỷ luật Đảng và chính quyền."
Từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói:
"Tôi thấy công tác quy hoạch nhân sự cho Đại hội 13 hình như gặp nhiều khó khăn hơn so với các kỳ đại hội trước. Bằng chứng, là người ta cần đến nhiều Hội nghị TW cho việc này hơn so với các kỳ đại hội trước.
"Và nếu những thông tin đang trôi nổi trên mạng xã hội là chính xác, lãnh đạo của ĐCSVN cần xem lại công tác bảo mật, và cả lòng trung thành của những người biết nội dung các Hội nghị.
"Nếu tất cả mọi người đều thực sự trung thành với Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng, sẽ không bao giờ có những thông tin được lọt ra bên ngoài nhanh đến vậy. Từ đó, không khó để có thể dự đoán và bàn luận về khả năng tồn tại "một bộ phận hai mặt" trong nội bộ Đảng.
"Riêng câu chuyện về "tứ trụ", tôi thấy có gì đó hơi buồn cười. Việc lựa chọn Tổng Bí thư đương nhiên là câu chuyện của nội bộ Đảng, của mỗi kỳ Đại hội. Nhưng các vị trí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ là chuyện của nhân dân, thông qua đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội.
"Sự sắp xếp các vị trí đó trước khi Quốc hội khóa mới được bầu chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người hoài nghi về vai trò thực sự của nhân dân và bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam," Tiến sĩ Mai Thanh Sơn nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55768023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét