Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

3937 - Nga hay Trung Quốc, ai sẽ là kẻ thù sắp tới ?

Thụy My RFI
Một oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc tuần tra chung với Tu-95 của Nga ở Tây Thái Bình Dương ngày 22/12/2020.
 © AP
Theo cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen : « Năm 2021, Hoa Kỳ và các đồng minh đứng trước một cơ hội chỉ có được một lần trong một thế hệ. Đó là đảo ngược lại thế co cụm của các nền dân chủ trước các chế độ độc tài như Nga và Trung Quốc ». Nhưng bắt đầu bằng đối thủ nào ?

Trong dịp nghỉ lễ cuối năm, trong số các tuần báo Pháp chỉ có Le Point xuất hiện trên quầy, ngoài số đầu năm của nguyệt san Le Monde Diplomatique.

2021 : Năm của sự thật cho con virus ở Vũ Hán ?

Le Point đặt câu hỏi trên trang web « Trung Quốc : Liệu 2021 sẽ là năm của sự thật về Covid ? ». Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách điều tra về nguồn gốc con virus sắp đến Vũ Hán. Tuy nhiên một thanh tra viên có vấn đề đã làm ảnh hưởng đến sự khả tín của phái đoàn.

Tại Trung Quốc, năm 2021 khởi đầu bằng một cách mà lẽ ra đã phải làm từ năm 2020 : ngay từ những ngày đầu tháng Giêng, một ê-kíp khoảng 12 người do WHO cử ra sẽ đến điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid. Họ sẽ phải cách ly hai tuần, sau đó là bốn tuần dành cho điều tra. Theo Reuters, đoàn sẽ đến Vũ Hán, trong khi những tiết lộ trước đây cho biết chính quyền Trung Quốc ngăn trở bằng cách đòi hỏi chỉ trao đổi từ xa qua video. Bắc Kinh coi cuộc điều tra như một sự cáo buộc và can thiệp vào chuyện nội bộ của mình.

Vì vậy ba thông điệp được liên tục đưa ra trên truyền thông, trước hết, mục đích không phải kết án Trung Quốc. Một trong số các nhà điều tra, ông Fabian Leendertz, Viện Robert-Koch của Đức nói : « Đó là để hiểu được những gì đã diễn ra, và dựa trên cơ sở dữ liệu ấy cố gắng giảm được nguy cơ trong tương lai ».

Thông điệp thứ hai : khả năng lây nhiễm từ động vật luôn được ưu tiên hơn là một tai nạn từ phòng thí nghiệm. Và cuối cùng, việc điều tra mất rất nhiều thời gian, không nên chờ đợi có ngay kết quả. Ông Leendertz cũng đã cảnh báo, tuy mong muốn điều tra trên thực địa để có những đột phá quan trọng, nhưng rốt cuộc phải làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc để định ra các giai đoạn cần thiết.

Khó thể điều tra thực thụ về các phòng thí nghiệm Vũ Hán

Nếu nguyên nhân của đại dịch là do lây truyền từ dơi hoặc một con vật trung gian sang người, cuộc điều tra sẽ mất nhiều năm. Sáu năm sau đợt dịch H1N1 năm 2019, người ta mới tìm ra được nơi xuất phát của virus là từ một trại nuôi heo ở Mehicô. Với con virus Sars-CoV-2 lần này, phải tăng cường giám sát virus corona nơi vật nuôi và thú hoang, với một số lượng rất lớn « nghi can », trong khi một hệ thống giám sát như vậy hãy còn phôi thai.

Giả thiết thứ hai là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Nếu đi theo hướng này, chỉ cần một cuộc điều tra đơn giản tại các phòng thí nghiệm gần tâm dịch nhất, tránh lãng phí nhiều năm tìm kiếm theo hướng khác.

Nhà vi sinh học Richard Ebright của trường đại học Rutgers, Hoa Kỳ, chuyên về an toàn sinh học, cho biết : « Một cuộc điều tra khả tín đòi hỏi phải được tham khảo tài liệu lưu trữ, các mẫu vật, tiếp xúc các nhân viên tại trụ sở Viện vi trùng học Vũ Hán, CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh) Vũ Hán và Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán. Phải gồm cả việc thanh tra các tài liệu lưu trữ bằng giấy tờ và trong máy tính, các tủ lạnh và tủ đông, chất vấn cả những thợ xây dựng, bảo trì, quét dọn, đổ rác ở phòng thí nghiệm và bộ phận hành chính, xét nghiệm huyết thanh từ những người này và lấy mẫu ở môi trường xung quanh tòa nhà ».

Nhưng đương nhiên tất cả những động thái trên đều không nằm trong chương trình điều tra của WHO. Và nếu có đi nữa, thì các chuyến thăm phòng thí nghiệm cũng sẽ hoàn toàn mang tính hình thức, việc thẩm vấn bị hạn chế.

Một thanh tra lẽ ra phải là đối tượng bị điều tra

Nhà khoa học từ lâu đã tố cáo « luật im lặng » về xuất xứ con virus, rất bất bình khi trong đoàn có sự hiện diện của Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance chuyên về bệnh nhiễm, là cộng sự lâu năm của Viện Vi trùng học Vũ Hán (IVW).

Ông Ebright nhấn mạnh : « Daszak có xung đột lợi ích ». Nhân vật này có hợp đồng với IVW và viện này được USAID tài trợ 200 triệu đô la, NIH (Viện Y tế Mỹ) 7 triệu đô la. Như vậy bản thân thanh tra này phải là đối tượng bị điều tra ! Việc The Lancet để cho Daszak đứng đầu đội đặc nhiệm về xuất xứ Covid và WHO đưa ông ta vào ê-kíp điều tra khiến công việc của đoàn trở nên không đáng tin cậy, sẽ bị cho là mưu toan minh oan cho Trung Quốc.

Chuyên gia Richard Ebright cho rằng âm mưu dập tắt hướng điều tra các phòng thí nghiệm đã bắt đầu từ ngày 17/03 với một bài báo trên Nature Medicine, một tạp chí hạng nhì của tập đoàn báo khoa học Nature. Bài viết cùng với một lá thư được nhiều người ký trên The Lancet hôm 17/02 được coi là bằng chứng khẳng định virus corona chủng mới không phải thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tuy nhiên đây chỉ là bài dạng « Ý kiến » chứ không được các nhà khoa học công nhận.

Trang web điều tra US Right to Know phát hiện lá thư trên đây là được EcoHealth Alliance của Daszak sắp xếp, bốn trong số những người ký tên có liên quan đến tổ chức này. Le Point kết luận, những ai muốn điều tra về xuất xứ của virus corona ở Vũ Hán trong năm 2021 rồi cũng sẽ gặp tình trạng như năm 2020 mà thôi.

Ai sẽ là kẻ thù, Nga hay Trung Quốc ?

Về địa chính trị, nguyệt san Le Monde Diplomatique trong bài « Ai sẽ là kẻ thù sắp tới ? » dẫn nhận định của cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen : « Năm 2021, Hoa Kỳ và các đồng minh đứng trước một cơ hội chỉ có được một lần trong một thế hệ. Đó là đảo ngược lại thế co cụm của các nền dân chủ trước các chế độ độc tài như Nga và Trung Quốc. Nhưng muốn vậy, các nước dân chủ lớn phải đoàn kết lại ».

Cách đây một thế hệ, các nước này đã tấn công vào Afghanistan, Irak, bây giờ là lúc phải tính đến các đối thủ hùng mạnh hơn. Nhưng bắt đầu bằng đối thủ nào ?

Đối với đảng Dân Chủ Mỹ, kẻ thù trước hết là Nga, vì suốt bốn năm qua họ không ngừng nhắc đi nhắc lại, nhất là chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, rằng « với Donald Trump, tất cả các ngả đường đều dẫn đến Putin ». Về phía đảng Cộng Hòa, họ « ăn miếng trả miếng » bằng khẩu hiệu « Biden Bắc Kinh ». Bởi vì Hunter Biden, con thứ của Joe Biden làm ăn với Trung Quốc, và toàn cầu hóa kiểu Dân Chủ chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông : Các thách thức cho Mỹ

Ngày 10/12/2019, ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo với thế giới : « Tập Cận Bình để mắt đến từng người trong chúng ta ». Ông lần lượt tấn công vào số 40.000 sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học hàng năm, trong đó có một số đánh cắp bí mật công nghệ và khoa học, đến nhiều trường đại học Mỹ « đã bị Bắc Kinh mua đứt », và sản phẩm Hoa Vi (Huawei) mà mỗi người sử dụng đều « rơi vào tay an ninh Trung Quốc ».

Phe Cộng Hòa tố cáo bốn năm hoang tưởng chống Nga của Dân Chủ. Biển Đông, Đài Loan, số phận người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, tất cả các hồ sơ này sẽ là thử thách cho quyết tâm chống Trung Quốc của chính quyền mới.

Ông Rasmussen cho rằng các đồng minh đang lo lắng sẽ xếp hàng dài trước cửa ông Joe Biden. Nhưng theo Le Monde Diplomatique, tham gia một liên minh do một cường quốc tâm lý không vững vàng lãnh đạo, họ sẽ không sớm tìm được sự yên tĩnh.

Rasmussen : Phòng thủ chung châu Âu không thể thay thế NATO

Về phía châu Âu, người đứng đầu NATO từ sáu năm qua khi trả lời phỏng vấn Le Point đã nhấn mạnh, một cơ chế phòng thủ chung cho Liên Hiệp Châu Âu « không thể nào thay thế được NATO ».

Theo ông Anders Fogh Rasmussen, NATO là một tổ chức biết nhanh chóng thích ứng theo sự thay đổi của thế giới. Trong suốt 40 năm, Minh ước Bắc Đại Tây Dương đã ngăn chận được Liên Xô, và sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã góp phần chấm dứt chiến tranh ở Balkkan, Bosnia, Kosovo. Sau các vụ tấn công ngày 11/09/2001, NATO đã đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố, và đóng góp vào việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech). Và sau vụ Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimée, đã tăng cường quốc phòng chung.

Cựu tổng thư ký NATO không cho Nga là một mối đe dọa trước mắt dưới dạng tấn công quân sự. Nhưng Matxcơva cũng đang dùng sức mạnh quân sự để lấn át các láng giềng Ukraina, Gruzia ; mưu toan can thiệp vào các tiến trình dân chủ ở Mỹ, Pháp, đứng sau các cuộc tấn công tin học vào Quốc Hội Đức, Na Uy ; đầu độc ở Anh. Nga sở hữu vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn có thể nhắm vào châu Âu…

Bóng dáng đầy đe dọa của Trung Quốc

Ngược lại, ông Rasmussen nói rằng không coi Trung Quốc là đối thủ. Bắc Kinh mang lại nhiều cơ hội kinh tế đồng thời có ngân sách quốc phòng thứ nhì thế giới, sở hữu các loại vũ khí có thể tấn công vào tất cả các đồng minh của NATO. Nhưng ông không muốn NATO can thiệp vào Biển Đông, hay trở thành một liên minh toàn cầu, mà chỉ luôn là liên minh khu vực giữa Bắc Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, cựu tổng thư ký NATO cũng nhìn nhận sự cất cánh của Trung Quốc cho thấy các nước sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Cái bóng của Bắc Kinh đang tiến gần : Trung Quốc hiện diện cả tại Bắc Cực, châu Phi, đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng châu Âu, có mặt trên không gian mạng, trên vũ trụ. Rasmussen cho rằng cần phải quan sát cách hành xử của Trung Quốc về tự do hàng hải, chẳng hạn trên Biển Đông, vì điều này quan trọng.

Sự bành trướng của Bắc Kinh cho thấy không thể ở thế đơn độc, và không nên chia rẽ giữa châu Âu với Hoa Kỳ. Đứng cùng với nhau, Hoa Kỳ và châu Âu chiếm đến 50% sức mạnh kinh tế và quân sự của toàn thế giới.

RCEP, quả bom tự do mậu dịch châu Á

Về châu Á, Le Monde Diplomatique trong bài « Quả bom tự do mậu dịch ở châu Á » nhận định, khi ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 14 nước Á châu, Trung Quốc đã ghi điểm trước Mỹ. Nhắc lại câu nói của thủ tướng cộng sản Lý Khắc Cường cho đây là « Chiến thắng của đa phương và tự do trao đổi », nguyệt san Pháp có phần mỉa mai « Tự do mậu dịch toàn thế giới, đoàn kết lại ! ».

Chiếm 30% sản phẩm thế giới, 28% thương mại quốc tế và 2,2 tỉ dân, RCEP là hiệp định lớn nhất từ trước tới nay. Và không có Hoa Kỳ ! Một sự đảo lộn lịch sử khi Trung Quốc ngự trị tại khu vực Đông Nam Á vốn thù ghét Bắc Kinh. Nhất là Trung Quốc yêu sách gần như toàn Biển Đông, tạo ra xung đột vì chồng chéo với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Mãi đến nay COC (Quy tắc ứng xử trên Biển Đông) vẫn bế tắc, những sự cố liên tục xảy ra.

Hiệp định gồm 521 trang (bằng tiếng Anh) đưa ra lịch trình hủy bỏ thuế quan và quota, không có tiêu chí nào về môi trường, y tế và xã hội. Thường thì việc ký một hiệp định tự do mậu dịch đều hứa hẹn tăng trưởng, thế nhưng với RCEP các chuyên gia chỉ ước lượng từ 0,2 đến 0,4%. Trên thực tế đa số đều đã có các hiệp định song phương với các khối nước lớn, và các đặc khu kinh tế nở rộ với 700 ở Đông Nam Á và 2.500 tại Trung Quốc.

Lợi ích chủ yếu nằm ở tầm vóc chiến lược, vì RCEP đặt Bắc Kinh vào trung tâm địa chính trị. Nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani công nhận RCEP là một « hiệp định thương mại loại thấp », nhưng dù sao vẫn là « bước ngoặt lớn trong lịch sử ». Cho đến nay, có ba tầm nhìn hợp tác tại châu lục là Châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ-Thái Bình Dương và Đông Á. Theo ông, RCEP cho thấy Đông Á sẽ là quan điểm thống trị. Châu Á-Thái Bình Dương với APEC và TPP đã bị ông Trump làm phương hại, Ấn Độ-Thái Bình Dương thì đang còn treo lơ lửng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét