Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

4187 - Mỹ: Nguy cơ đối với các tài liệu lưu trữ về nhiệm kỳ TT Trump

Thanh Phương RFI
Ông Trump gặp tổng thống Nga Putin tại Helsinski, Phần Lan, ngày 16/07/2018. Tổng thống Mỹ bị tố đã tịch thu bản ghi chép của thông dịch viên trong cuộc họp này.
 REUTERS - Kevin Lamarque

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ để lại một lỗ hổng trong lịch sử của Nhà Trắng, đó là điều mà các sử gia lo ngại, do việc nhà tỷ phú tổng thống dường như đã tiêu hủy một số tài liệu chính thức liên quan đến nhiệm kỳ của ông.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, các kho hồ sơ lưu trữ về nhiệm kỳ tổng thống George Washington đã từng bị tiêu hủy một phần do bị chuột gậm nhấm. Nhưng mãi đến sau vụ bê bối Watergate và sau khi tổng thống Nixon buộc phải từ chức vào năm 1974, Quốc Hội Hoa Kỳ mới thông qua một đạo luật về việc lưu giữ các tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống. Đạo luật Presidential Records Act xem những hồ sơ lưu trữ đó là thuộc quyền sở hữu của nhân dân.

Chiếu theo luật này, các tổng thống và nhân viên Nhà Trắng có nghĩa vụ lưu giữ mọi hồ sơ về « các hoạt động, các cuộc họp, các quyết định và các chính sách » của nhiệm kỳ tổng thống.

Phải ít nhất là 5 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống, công chúng mới được quyền tiếp cận các tài liệu lưu trữ này. Thời hạn bảo mật có thể kéo dài hơn nhiều năm đối với một số tài liệu, tùy theo mức độ nhạy cảm của các tài liệu đó. Đối với các nhà sử học, đây là những tư liệu rất quý giá để họ hiểu được những hành động của một vị tổng thống. Nhưng có nguy cơ là họ sẽ gặp một lỗ hổng khổng lồ trong kho hồ sơ lưu trữ về nhiệm kỳ tổng thống Trump.

Tờ Washington Post ngày 05/12/2020 cho biết là nhiều hiệp hội tại Mỹ đang kiện tổng thống Donald Trump và đang báo động các cơ quan tư pháp và công luận về nguy cơ tài liệu lưu trữ về nhiệm kỳ của ông bị mất. Theo các hiệp hội này, để tránh nguy cơ gặp rắc rối với pháp luật sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền Trump có thể sẽ không lưu giữ một số tài liệu chính thức. Trước đó, ông Trump đã từng bị kiện vì ông không chịu lưu giữ bản ghi các cuộc gọi điện thoại và các cuộc họp giữa ông với một số lãnh đạo nước ngoài.

Dán lại các tài liệu bị xé

Nhật báo Anh The Guardian ngày 17/01/2021 tiết lộ là 3 ngày trước khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump có thể đã cố tình xóa bỏ một số tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống. Một số nhân viên của ông kể lại là trước đây họ đã thấy tổng thống Trump xét và vứt đi nhiều tài liệu, mà sau đó họ đã phải mất không biết bao nhiêu là thời gian để nhặt lại và dán lại ! Ông Solomon Lartey, nguyên là một nhà phân tích hồ sơ lưu trữ của Nhà Trắng, trả lời hãng tin AP rằng các nhân viên của tổng thống Trump đã bảo ông đừng làm thế, nhưng ông vẫn cứ làm !

Bản thân ông Lartey cũng đã từng dán lại một bức thư của ông Chuck Schumer, lãnh đạo khối Dân Chủ ở Thượng Viện, nói về tình hình chính trị căng thẳng do việc các cơ quan chính phủ phải đóng cửa ( shutdown ).  

Trong thời gian từ đầu năm 2017, khi bắt đầu nhiệm kỳ của Donald Trump, cho đến giữa năm 2018, ít nhất 10 tài liệu dường như đã phải được dán lại như vậy.

Tịch thu bản ghi chép của thông dịch viên

Đáng lo ngại hơn nữa : tổng thống Trump dường như cũng đã tịch thu bản ghi chép của thông dịch viên sau một cuộc trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hambourg, Đức vào năm 2017. Cuộc trao đổi này dường như đề cập đến việc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, để giúp nhà tỷ phú New York đắc cử, một nghi án đã gây nhiều xáo trộn trong nhiệm kỳ của ông Trump. Bản ghi chép của thông dịch viên trong cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin năm 2018 ở Hensinski cũng đã gặp số phận tương tự, tức là không còn một dấu vết nào. Ông Trump thậm chí dường như còn đã quở trách luật sư của ông khi vị luật sư này ghi chép nội dung một cuộc họp về điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

The Guardian trích lời ông Richard Immerman, thuộc Hội Sử gia Quan hệ đối ngoại của Mỹ, ghi nhận, dưới thời tổng thống Trump, « việc lưu giữ các tài liệu không hề là một ưu tiên, mà chúng tôi có nhiều ví dụ cho thấy một số tài liệu đã bị che giấu hoặc tiêu hủy ».

Nhiều quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã bị nhắc nhở sau khi dùng email riêng và điện thoại riêng cho các cuộc trao đổi chính thức. Cựu luật sư của Nhà Trắng Don McGahn đã nhiều lần gởi thư cho các quan chức cao cấp đó để nhắc lại các quy định cần phải tuân thủ. Cụ thể là nếu đã dùng các tài khoản cá nhân trong các cuộc trao đổi chính thức thì phải chụp lại màn ảnh và sao chép qua các tài khoản chính thức để được lưu giữ.

Theo The Guardian, hai hiệp hội lịch sử đã đệ đơn kiện để ngăn chận việc hủy các email và các trao đổi chính thức qua các tài khoản cá nhân đó.

Chuyển giao chậm trễ

Do phe của ông Donald Trump vẫn cáo cuộc có gian lận bầu cử và không công nhận chiến thắng của ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden, cho nên việc chuyển giao toàn bộ các tài liệu tổng thống cho cơ quan quản lý kho hồ sơ lưu trữ quốc gia, trên nguyên tắc phải được hoàn tất trước ngày 20/01, đã bị chậm trễ. Điều này càng làm tăng thêm nguy cơ các tài liệu của Nhà Trắng bị thất thoát. Ngay sau khi lên nắm quyền, chính quyền Biden sẽ có thể tham khảo được các hồ sơ của người tiền nhiệm, nhưng không ai dám chắc là những tài liệu liên quan đến các thủ tục truất phế và các cuộc điều tra về ông Trump sẽ còn nguyên vẹn. Ấy là chưa kể, cũng như các tổng thống tiền nhiệm, Donald Trump có quyền áp đặt việc bảo mật một số tài liệu trong một thời hạn lên tới 12 năm.

Vấn đề là dù nhiều hiệp hội đã đệ đơn kiện, dù nhiều người đã lên tiếng cảnh báo, ông Trump cũng sẽ không bị nhiều hậu quả. Đạo luật Presidential Records Act đúng là có quy định tổng thống không thể tiêu hủy các tài liệu nếu chưa hỏi ý kiến chuyên viên lưu trữ quốc gia và chưa thông báo cho Quốc Hội. Nhưng luật lại không buộc tổng thống phải nghe theo lời khuyên của chuyên viên lưu trữ và như vậy, nếu muốn, ông vẫn có thể tiêu hủy các tài liệu đó.

Đúng là ngày nay đa số các tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống đều là các tài liệu điện tử và theo các chuyên gia về lưu trữ hồ sơ, các hệ thống tin học có thể tự động lưu giữ phần lớn, nhưng không thể lưu giữ những tài liệu mà Nhà Trắng đã cố tình không đưa vào các hệ thống này.

Theo trang mạng News 24 ( news-24.fr ), ngay từ tháng 12, các chỉ thị đã được gởi đến nhân viên thuộc nhánh hành pháp của Nhà Trắng, hướng dẫn cách thức bàn giao thiết bị và hồ sơ trong các văn phòng của họ, nhưng ngay sau đó tổng thống Trump đã hủy các chỉ thị này, vì ông vẫn phản đối kết quả bầu cử. Tuy vậy, một số nhân viên của Nhà Trắng đã lặng lẽ gọi điện cho cơ quan lưu trữ hồ sơ quốc gia để xin được hướng dẫn cách sắp xếp và chuyển giao các tài liệu.

Như vậy chắc là sẽ có nhiều điều về nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump mà công chúng không bao giờ được biết đến và các sử gia sau này sẽ phải mất rất nhiều thời giờ để làm tái hiện lịch sử bốn năm đầy xáo trộn vừa qua.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét