Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

4174 - Hy vọng, và dấn tới

Tuấn KhanhNguồn: RFA 


Buổi sáng, bưu kiện nhỏ nhận được đến trước cửa, khiến tôi tần ngần sau khi mở ra. Vậy rồi, một chút gì đó về hai nhạc sĩ nhạc trẻ tiền phong Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang cũng đã được tập hợp lại, ra mắt trong đầu năm 2021. Cầm sách trên tay mà thật cảm động.

Dự án này, 3 năm trước đã được nhà thơ Lý Đợi đi mời chào với nhiều người. Trong suốt những năm tháng tạm dừng giới thiệu thơ của mình với công chúng, Lý Đợi lặng lẽ tự dựng nên một chuỗi ấn bản của mình về con người và văn hóa riêng của Sài Gòn. Tất cả những gì tản mát và có thể rơi rớt đâu đó, được tập hợp lại, in đẹp, trang trọng ra mắt chờ người đồng cảm với mình.

Lần đầu tiên, khi được rủ rê nhập cuộc với cuốn sách này, tôi đã ngần ngại “được không, với cái cách kiểm duyệt của chế độ này?”. Lúc đó, Lý Đợi không dám chắc bất kỳ điều gì, nhưng bản tính lì lợm của một tay Quảng Nam, hắn cứ thúc “cứ làm, cứ dấn từng bước thôi anh”.

Ngày cuốn sách ra đời, Lý Đợi gọi và nói với giọng vui mừng rằng “phần viết của anh, chỉ sửa cách gọi, đúng có một chữ”.

Tôi nhớ, hình như đó là chữ ‘Cộng sản’, được đổi thành chữ ‘miền Bắc’.

Cuộc trường chinh cắt gọt linh hồn chữ nghĩa chưa bao giờ thôi ám ảnh giới văn nghệ Việt Nam, sau nhiều thập niên. Nó không chỉ ám ảnh với người sáng tạo mà với cả một thể chế. Sau 45 năm chơi trò cút bắt, thậm chí là hình sự đối với âm nhạc miền Nam, lệnh tha bổng tương đối đã được ban hành cho bất kỳ ai muốn ca hát và biểu diễn – như một cách để giới kiểm duyệt tạm chấm dứt cuộc săn đuổi đầy mệt mỏi và vô nghĩa của mình sau bấy nhiều năm. Dù phải sửa một tên gọi trong toàn bộ bài viết thôi, ấy cũng có thể coi là một bước tiến vĩ đại của tư duy kiểm duyệt đã từng.

Lý Đợi nói đúng, dù như thế nào chúng ta vẫn phải dấn tới. Dù ngột ngạt hay trói buộc thế nào thì kẻ được gọi là trí thức vẫn phải dấn tới về phía tương lai và tự do của mình. Ấn bản Phượng Hoàng cầm trên tay nhắc tôi không biết bao nhiêu điều. Tôi nhớ nụ cười buồn bã của anh Lê Hựu Hà khi nghe những bài hát của anh không được cho phép trình diễn hay phát hành. Nhớ cả tiếng thở dài của nhạc sĩ Thanh Sơn, Trần Quang Lộc, Mặc Thế Nhân… khi phải vật lộn để bảo vệ từng ca từ, nhớ sự tổn thương của họ khi phải chứng minh mình là một nghệ sĩ “trong sạch” trong mắt nhìn của cơ quan kiểm duyệt.

Tôi nhớ cả u ám phần mình. Bài hát Dối Trá có ca từ mô tả nhân vật là “người”, bị báo cáo mật từ Sở văn hóa gửi về Cục biểu diễn xin lệnh cấm hoạt động văn nghệ suốt đời, vì cho rằng chữ “người” ấy, là một âm mưu xúc phạm, ám chỉ ông Hồ Chí Minh.

Thật may mắn, vì tôi đã chứng kiến được những ngày tháng khắc nghiệt nhất, và những giờ phút những trói buộc đó lơi dần, thậm chí chứng kiến ngôn luận từ hệ thống đó còn tự trách, vì đã quá khắt khe trong suốt một thời gian dài.

Chỉ tiếc là những người của thế hệ mà tôi biết, họ đã không được tận hưởng đủ những giờ phút như thế này.

Tôi nhớ vào những ngày tháng cam go nhất, vào những lúc có những luật lệ bất thành văn từ các quan lại văn hóa “một album 10 bài hát, chỉ được sử dụng tối đa 3 bài hát của các tác giả của chế độ cũ”, những nhạc sĩ ấy vẫn miệt mài viết, vẫn hát – dù có thể không được duyệt – nhưng họ vẫn tin rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ phải thay đổi, và âm nhạc thật sự sẽ lại lên tiếng.

Cuộc sống chỉ có thể tốt hơn, chứ chẳng bao giờ có chuyện tốt nhất. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có sự tốt hơn nào, nếu từ chối hy vọng và dấn tới, chấp nhận cam chịu.

Cũng vì suy nghĩ này, năm 2007, tôi đã quyết định phủ nhận tất cả mọi sự kiểm duyệt, để bắt đầu như một người tự do hoàn toàn, bằng album Bụi Đường Ca. Mà thật lòng lúc đó không dám nghĩ rằng sẽ có một ngày, mọi thứ không kiểm duyệt trên internet như hôm nay. Đơn giản, tôi chỉ muốn đứng về phía những người đi trước, chia sẻ cùng cảnh ngộ với họ.

Cảm ơn, cuốn sách ra đời, như một dịp để nhớ, và tưởng niệm đến tất cả những văn nghệ sĩ của miền Nam đã sống, đã viết, và đã hát với tinh thần tự do trong mọi hoàn cảnh, ở mọi phương trời. Họ là những kẻ bị xô đẩy vào góc tối nhưng vẫn hy vọng và dấn tới. Xã hội âm nhạc hiện hành Việt Nam hôm nay là một chứng minh.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những tin nhắn của những người bạn trẻ hỏi là phải làm sao trước thời cuộc hôm nay. Cầm cuốn sách trên tay, đọc về những sự tự do trong văn hóa miền Nam đã từng có, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hôm nay, cũng vậy, phải luôn hy vọng và dấn tới trước những barie độc tài, mới có thể tìm thấy những bến bờ khác chờ đón, phía ngoài của ràng buộc ao tù, kiểm duyệt.

Dù là giành lại cái đã có, hay tìm đến đường biên mới, đừng bao giờ từ bỏ niềm hy vọng và luôn dấn tới, của mỗi người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét