Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

4107 - HRW kêu gọi Hoa Kỳ tái lập vai trò bảo vệ nhân quyền

Giang Nguyễn

Ông Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương (giữa) và mẹ là bà Cấn Thị Thêu, những người hoạt động vì quyền đất đai bị chính quyền bắt giữ năm 2020. Hình minh hoạ.

Tình hình vi phạm nhân quyền trong năm 2020 có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn tại Việt Nam. Đó là nhận định của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra ngày 13 tháng 1 trong Báo cáo Tình hình Nhân quyền Thế giới 2021. 

Báo cáo nêu rõ, “Chính phủ, dưới chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thắt chặt các hạn chế đối với các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, đi lại và tôn giáo”.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, tại cuộc họp báo tổ chức cùng ngày từ Bangkok cho biết Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về số lượng tù nhân chính trị:

“Việt Nam tiếp tục dẫn đầu các quốc gia trong khu vực về các án tù dài hạn vô cùng thô bạo đối với những người dám thực hiện quyền tự do ngôn luận và hội họp. Họ tấn công dữ dội ngay cả những người thậm chí chỉ đăng lên mạng những tài liệu mà chính quyền không thích. Các bản án đã được tòa án đưa ra trong 2 năm qua dài hơn đáng kể so với những gì đã thấy trước đây. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trước thềm đại hội đảng lần thứ 13 sẽ diễn ra vào cuối tháng này”.

000_8Y76GR.jpg
Hình minh hoạ. Ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tại phiên toà sơ thẩm ở TP HCM hôm 5/1/2021. AFP

Báo cáo Tình hình Nhân quyền Thế giới 2021 của HRW dài 761 trang, đánh giá 100 quốc gia trên thế giới trong năm vừa qua. Tại Việt Nam thống kê của tổ chức này cho thấy, trong năm 2020, ít nhất 28 người đã bị bắt hoặc truy tố vì vi phạm những điều luật quá mơ hồ và thái quá về an ninh quốc gia, chẳng hạn như các cáo buộc “tuyên truyền” chống nhà nước, hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Cụ thể HRW đề cập đến những trường hợp như nhà thơ Trần Đức Thạch, bị bắt vào tháng tư vì tham gia Hội Anh em Dân chủ, gia đình dân oan Dương Nội Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương bị bắt vào tháng 6, và nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt vào tháng 10.

Chính quyền CSVN vừa tuyên những bản án nặng nề đối với 3 nhà báo của Hội Nhà báo Độc Lập, là 15 năm tù giam đối với ông Phạm Chí Dũng và 11 năm tù đối với Nguyễn Tường Thụy cũng như ông Lê Hữu Minh Tuấn.

Ông Robertson nhận xét:

“Những bản án đưa ra ngày càng dài hơn. Chúng tôi vừa thấy những người sáng lập Hội Nhà báo Độc Lập VN bị kết án hơn 10 năm tù. Chính quyền đưa họ vào tù trong hơn 1 thập niên chỉ vì đăng bài trên mạng. Điều đó thật quá đáng, không thể chấp nhận được. 2 trong 3 người vừa mới bị kết án đều đã ngoài 60 tuổi. Vì vậy, một bản án 10 năm, 12 năm thực sự là một bản án tử hình”!

Bà Phạm Thị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thụy, sau khi nghe về báo cáo của HRW, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do là chồng bà vô tội dưới pháp luật Việt Nam:

Nhân quyền thì là quyền con người phải không. Con người đã làm theo Hiến pháp, không vi phạm pháp luật thì không bị bắt, như tất cả mọi người thì họ cũng chỉ thực hiện tự do ngôn luận. Cụ thể như anh Nguyễn Tường Thụy chồng tôi, ảnh viết những bài báo phù hợp với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Nhưng anh vẫn bị bắt và xử tù rất là nặng, 11 năm tù. Tòa án chỉ nêu ra trong 246 bài báo thì có 5 bài vi phạm mà quy thành 11 năm tù”.

Các nhà quan sát của tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden tái thiết lập vai trò bảo vệ nhân quyền của Hoa Kỳ mà họ cho rằng đã dường như bị bỏ quên dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nhiệm kỳ Tổng thống Biden sẽ là cơ hội cho một thay đổi cần thiết sau 4 năm Hoa Kỳ thờ ơ và thậm chí coi nhân quyền là thù địch, ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của HRW nói trong báo cáo. Ông nhấn mạnh, ông Biden cần phải làm việc với những lãnh tụ quốc tế để củng cố, bảo vệ nhân quyền và tìm cách đưa nhân quyên vào chính sách lâu dài của Hoa Kỳ để có thể tồn tài vượt qua những đảo lộn của nhiều nhiệm kỳ tổng thống.

"Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy việc áp dụng biện pháp chế tài của luật Magnitsky toàn cầu đối với những người chủ chốt trong chính phủ Việt Nam. Tôi cho rằng những người trong Bộ Công an nên quan ngại vì rõ ràng họ đã vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”. -Ông Phil Robertson

Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi với ông Phil Robertson về việc áp dụng biện pháp chế tài trên các quan chức vi phạm nhân quyền chiếu theo luật Magnitsky toàn cầu. Ông Robertson nhận định:

“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy việc Đạo luật Magnitsky Toàn cầu được áp dụng cho Việt Nam. Tôi nghĩ đó là điều mà chính quyền mới của Biden nên xem xét một cách nghiêm túc. Chính quyền Trump đã chiều chuộng chính quyền Việt Nam một cách hiệu quả. Với ý là chỉ Việt Nam chống Trung Quốc, nên họ tập trung vào lãnh vực thương mại và lơ là lãnh vực nhân quyền. Đó là một trong những lý do tại sao tình hình nhân quyền ở Việt Nam trở nên tồi tệ. Chính phủ Việt Nam đủ thông minh để nhận ra rằng chính phủ Hoa Kỳ từng là nhân tố chính lớn nhất phản đối họ trong vấn đề vi phạm nhân quyền, đột nhiên dưới chính quyền Trump thì không còn quan tâm gì. Họ cứ để mọi việc diễn ra. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy việc áp dụng biện pháp chế tài của luật Magnitsky toàn cầu đối với những người chủ chốt trong chính phủ Việt Nam. Tôi cho rằng những người trong Bộ Công an nên quan ngại vì rõ ràng họ đã vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”.

Các nhà quan sát tình hình đặt hy vọng vào chính quyền Joe Biden, đồng thời họ cũng nói rằng trong những năm qua, với sự rút lui của chính quyền Hoa Kỳ trong lãnh vực này, có một số quốc gia khác đã lên tiếng và thành lập liên minh để bảo vệ nhân quyền trên thế giới. HRW kêu gọi chính quyền Biden tham gia những liên minh đó.

Riêng đối với thân nhân của các TNLT, như bà Phạm Thị Lân, thì bà nói bà không theo dõi chính trị nước khác nhưng bà vẫn mong là tòa án phúc thẩm sẽ trả tự do cho chồng bà. Bà chia sẻ thêm rằng bà không được biết thông tin gì từ chồng nhưng theo tuyên bố cuối cùng của ông Nguyễn Tường Thụy tại phiên tòa sơ thẩm yêu cầu “trả hồ sơ để điều tra bổ sung”, bà tin rằng ông sẽ kháng cáo. Và khi đó, bà mong tất cả các chính quyền, tổ chức bảo vệ nhân quyền lại một lần nữa lên tiếng. Bà nói:

“Chính trị ở nước ngoài tôi cũng không hiểu, nhưng tôi mong muốn  Hoa Kỳ và tất cả các nước gây áp lực được cho TNLT hoặc tù nhân chính trị là một điều hết sức vui mừng. Ít ra thì cũng giảm án. Như chồng tôi năm nay 70 rồi, thế mà các ông kết tù thì sẽ không có ngày để trở về nhà nữa”.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hrw-calls-on-us-to-reprise-role-of-protecting-human-rights-01132021111548.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét