Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

4082 - Cơn bão Điện Capitol và niềm tin vào nền dân chủ Mỹ

  • TS Lê Trung Tĩnh
  • Anh Quốc
Điện Capitol, trụ sở Quốc hội, là biểu tượng nền dân chủ độc đáo của Hoa Kỳ
EPA

Chụp lại hình ảnh,

Điện Capitol, trụ sở Quốc hội, là biểu tượng nền dân chủ độc đáo của Hoa Kỳ

Tôi có một tình cảm khá bất công với nước Mỹ: tôi yêu nước Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ít nhất là gần bằng với Việt Nam nơi tôi sinh ra, Pháp hay Anh nơi tôi học tập, sinh sống và có con. Đến độ mà người bạn đón tôi tại sân bay Washington DC Dulles cách đây vài năm đã quá ngạc nhiên vì sự phấn khích của tôi khi đến Mỹ, một sự phấn khích không tưởng đối với một người đã sống gần một nửa thời gian ở nước ngoài.

Có thể tình cảm này là bởi vì khi còn nhỏ, hơn ba mươi năm trước, ở Việt Nam tôi đã tìm thấy trong nhà mình giữa nhiều cuốn sách có bìa mang hình những cái bắt tay của USAid với nền lá cờ Những ngôi Sao và Vạch.

Hoặc sau này khi tôi lớn lên, tôi đến thăm nghĩa trang của người Mỹ ở Normandy, Pháp nơi hàng chục nghìn người Mỹ đã chết để bảo vệ tự do cho Châu Âu và thế giới.

Chính với tình cảm này, tôi xem hình ảnh người dân tràn vào Điện Capitol gây ra cái chết của năm người với một nỗi buồn tột cùng. Mặc dù tôi đồng ý với việc lên án những hành vi này, nhưng tôi không chia sẻ những bình luận hạ nhục nước Mỹ và nền dân chủ của nước này, hay thậm chí một số người còn chế nhạo cái mà họ gọi là sự suy đồi của ngọn hải đăng của thế giới tự do.

US landing craft
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Quân Mỹ dùng loại xuồng đổ bộ để từ tàu chiến đáp vào bãi biển Pháp. Chỉ trong ngày D-Day, Đồng minh dùng 7000 chiến hạm các loại và chuyển sang Pháp 10 nghìn xe cộ, chiến xa.


Dân chủ không phải là 'đương nhiên'

Bỏ qua những lời nói từ những kẻ thù của thế giới tự do, có vẻ những người hiện giờ thất vọng về nước Mỹ phần nào đã coi dân chủ như một lẽ đương nhiên và đơn giản như một đặc ân, một món quà vĩnh cửu đặc biệt cho phương Tây, một đặc-tính-ngoại-hạng của phương Tây. Nên bỗng nhiên họ bị sốc vì hình ảnh của Mỹ và con người Mỹ không mỹ miều như mong đợi, phần nào là kết quả của sự lý tưởng hóa quá đáng một xã hội dân chủ. Hay mọi người có thể hơi quá coi trọng sự khác biệt của con người phương Tây để giải thích các đặc điểm dân chủ của xã hội phương Tây?

Sống ở những quốc gia phương Tây trong nhiều năm, tôi phải thừa nhận rằng có rất ít sự khác biệt giữa người dân phương Đông và phương Tây nói chung. Khác với những gì tôi đã suy nghĩ, khi đến những đất nước phương Tây này, tôi phát hiện ra rằng cỏ cũng là cỏ, con người cũng là con người, với tất cả những thăng trầm, tốt và xấu, thông minh và ngu ngốc, ôn hòa và bạo lực. Tất cả con người chúng ta đều giống nhau và có nhiều vấn đề.

Normandy Invasion
IWM

Chụp lại hình ảnh,

Tranh tuyên truyền của quân Đồng minh với cờ các nước tham gia liên quân đánh phe Trục.

Phương Tây dân chủ hơn không phải vì người dân của họ khác hay vượt trội hơn phương Đông và, cụ thể trong trường hợp này, người Việt Nam. Họ không khôn ngoan hơn, văn minh hơn, hay về bản chất ít bạo lực hơn. Nếu có khác biệt thì họ dũng cảm hơn một chút, chỉ một chút thôi vì nhiều người cũng bắt buộc phải vậy chứ không phải tất cả đều tự nguyện, trong việc lựa chọn cách sống với nhau tốt hơn, công bằng hơn. Dân chủ là một sự lựa chọn.

Và sự lựa chọn sống cũng như tổ chức xã hội theo một lối sống dân chủ được điều hành bởi pháp quyền không phải là không có tai nạn, mà cơn bão Điện Capitol hôm qua là một ví dụ. Nhưng dầu đáng lên án đến đâu, đây là một tai nạn của lối sống can đảm chọn dân chủ thay vì chủ nghĩa độc tài.

Hãy tưởng tượng làm thế nào một cảnh tượng như vậy có thể xảy ra ở Trung Quốc, Nga, hoặc thậm chí Việt Nam, nơi mọi cuộc tụ họp chẳng hại ai cũng được giám sát, đừng nói đến các biểu tình, đình công và tất nhiên là không có chuyện gây bão cho bất kỳ Cung điện hay tòa nhà Quốc hội nào.

Thành thật mà nói, việc xông vào điện Capitol, dù mang nhiều tính biểu tượng, không phải là quá ấn tượng với tôi, một công dân Pháp, nơi mọi người biểu tình vài tuần một lần và môn thể thao quốc gia là phản đối, hầu hết đều rất mãnh liệt: bao gồm cả nhặt đá trên vỉa hè ở Champs Elysees ném vào cảnh sát, biến đường xá thành chiến hào, đốt ô tô, đập phá bất kỳ tác phẩm điêu khắc hàng nhiều trăm năm tuổi nào ở Khải Hoàn Môn. Tất cả nhằm chống lại bất kỳ chính phủ của bất kỳ tổng thống được bầu nào: từ tả sang hữu, hoặc thậm chí ở giữa.

Lên án những hành vi bạo lực này là một quyền. Lên án mà không cố gắng tìm hiểu gốc rễ của vấn đề là đơn giản phớt lờ thực tế, hoặc là một lựa chọn chính trị có chủ ý, và do đó cướp đi ở người dân cơ hội được lắng nghe, được hiểu lý do của hành vi của họ và thậm chí được thông cảm. Đúng, dù họ có vẻ xấu đi chăng nữa, những người này có quyền được hiểu, cũng như những người đã biểu tình vì Black Lives Matter. Tôi luôn nghĩ rằng việc chỉ lên án những hành vi bạo lực do một số thành viên BLM đơn độc gây ra cũng phần nào bóp nghẹt phong trào đòi hỏi quyền lợi hợp pháp và đúng đắn cho người da đen.

Lên án là một chuyện, tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp tận gốc càng quan trọng hơn. Thậm chí còn quan trọng hơn nhiều ở một đất nước như Hoa Kỳ, nơi chúng ta có những người sắc sảo nhất cùng chung một nồi nấu chảy, từ một Barack Obama nào đó mà tôi đọc được hai từ “be cool” và “đòn bẩy”, đáng nhớ nhất trong "Những giấc mơ từ cha tôi" của ông.

Không biết ông Obama sử dụng đòn bẩy như thế nào trong cuộc đời chính trị của mình nhưng sự điềm tĩnh là đặc điểm rất đáng chú ý của ông. Và lại càng quan trọng khi nước Mỹ có một người mang tên Donald Trump, một nhân vật táo bạo mà chỉ một nền dân chủ như Mỹ mới có thể kiềm chế và...phát triển.

Tôi vẫn tin rằng nước Mỹ cùng nền dân chủ của mình vẫn luôn là nơi tốt nhất để cả hai nhân vật trên và nói rộng ra là cho tất cả chúng ta có thể cùng sống và mưu cầu hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét