Sau những ngày hỗn loạn tại Điện Capitol, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 08/01/2021 cam kết sẽ chuyển giao quyền lực « êm thắm và có trật tự », đồng thời tuyên bố không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm Joe Biden. Cùng lúc, phe Dân Chủ muốn tổ chức một cuộc luận tội tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày thứ Hai 11/01/2021.
Thái độ này của ông Donald Trump được diễn giải như thế nào ? Đảng Dân Chủ muốn gì khi mở một cuộc luận tội trong khi chỉ còn có mươi ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ? Nhà báo Phạm Trần từ Washington giải thích.
RFI Tiếng Việt : Trình tự nghi thức của ngày chuyển giao quyền lực là gì ? Tuyên bố của ông Trump không đến dự lễ nhậm chức người kế nhiệm Joe Biden được diễn giải như thế nào ?
Nhà báo Phạm Trần : Theo tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ, mỗi một khi chuyển quyền, tổng thống đương nhiệm mời vị tổng thống đắc cử vào trong Nhà Trắng, để mạn đàm, uống nước trà buổi sáng. Sau đó hai người ngồi cùng chiếc xe đi đến điện Capitol để vị tổng thống đắc cử nhậm chức. Đây là tiến trình bình thường trong lịch sử.
Nhưng năm nay, do những biến cố chính trị xung quanh việc phủ nhận ông Joe Biden thắng cử nên gây ra những rắc rối. Cuối cùng, sau khi thấy Quốc Hội đồng ý với quyết định của cử tri đoàn, tổng thống Donald Trump buộc lòng phải lên đài truyền hình thông báo với toàn quốc là ông hứa chuyển quyền một cách ôn hòa, trật tự.
Nhưng ông Donald Trump lại thòng thêm một câu, « để trả lời cho tất cả những người đã hỏi tôi, thì hôm nay tôi nói cho mọi người biết là tôi sẽ không dự buổi lễ nhậm chức ngày 20/01 ». Câu nói này của Donald Trump đã bộc lộ bản tính của ông là không muốn có sự hòa giải có sự chuyển quyền một cách êm thắm.
Mặc dù là bề mặt là có sự chuyển quyền nhưng trong thâm tâm Donald Trump vẫn cho là ông thắng cử. Điều này sẽ tạo ra những trở ngại cho tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Bởi vì điều này sẽ tạo ra một làn sóng tiếp tục phản đối của những người ủng hộ ông Donald Trump.
Phe Dân Chủ muốn tổ chức luận tội tổng thống Donald Trump. Tại sao đảng Dân Chủ muốn thực hiện việc này trong khi chỉ còn vài ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ?
Điều đầu tiên là họ muốn truất phế ông Donald Trump ngay lập tức căn cứ vào điều 25 Tu chính án của Hiến Pháp Mỹ. Điều khoản này cho phép phó tổng thống Mỹ và thành viên nội các họp với nhau và quyết định rằng tổng thống không còn khả năng hay là không còn uy tín để lãnh đạo đất nước nữa.
Sau đó, nếu điều này không xảy ra thì phải đem ra Quốc Hội. Nhưng mà thủ tục đi lên Quốc Hội để truất phế một tổng thống đương nhiệm hết sức là dài dòng, phải thảo luận rồi phải biểu quyết,… trong khi đó ông Trump chỉ còn có mươi ngày nữa là hết nhiệm kỳ.
Vì vậy, bà chủ tịch Hạ Viện, tức lãnh đạo đa số của đảng Dân Chủ thấy rằng con đường hay nhất là giờ không buộc ông Donald Trump từ chức, trừ phi ông ấy tự nguyện nhượng quyền lại cho ông phó tổng thống, mà bà tiến hành thủ tục luận tội sẽ dễ dàng hơn bởi vì chỉ cần có một đa số ở Hạ Viện là có thể biểu quyết luận tội ông Donald Trump.
Cụ thể là phe Dân Chủ muốn luận ông Trump về những tội gì ?
Theo bản dự thảo nghị quyết, đảng Dân Chủ đưa ra một điều tuy ngắn nhưng bao gồm nhiều ý nghĩa chính tại sao họ lại luận tội ông Trump. Theo đó, ông Trump đã đưa ra những phát biểu kích động xúi bẩy những thành phần ủng hộ ông ấy để mà tiến vào tòa nhà Quốc Hội và đã gây ra thiệt hại cho quốc gia, tức là buộc tội ông Trump chống quốc gia chống đất nước. Đấy là một tội được coi như tội phản quốc.
Căn cứ vào việc làm đó họ sẽ tiến hành luận tội ông Donald Trump vào ngày thứ Hai 11/01, và một nghị quyết sẽ được thông qua, dự trù vào khoảng giữa tuần thứ Tư 13 hay là thứ Năm 14/01.
Nhưng mà chuyện nước Mỹ luận tội một tổng thống ở Hạ Viện với một đảng đang chiếm đa số thì rất dễ dàng. Nhưng phiên tòa xử vị tổng thống bị luận tội là ở Thượng Viện chứ không phải ở Hạ Viện, như cuộc luận tội đầu tiên năm 2019 liên quan đến cuộc bầu cử được cho là có sự can dự của Nga.
Vào thời điểm đó, ông Donald Trump và những người trong ban vận động tranh cử của ông đã bị cáo buộc có quan hệ với Nga, tức là nước ngoài, để tìm cách lũng đoạn cuộc bầu cử. Nhưng khi lên đến Thượng Viện, thì không có đủ số phiếu để có thể đưa ra các hình phạt đối với ông Donald Trump.
Kỳ này cũng sẽ diễn ra như thế. Do vậy, đối với đảng Dân Chủ, đây là một hành động chính trị, và nhằm chứng minh quyền lực của Quốc Hội đối với ông tổng thống đã có những hành động bị coi như là chống lại quốc gia.
Chuyện này rồi trước sau cũng qua đi vì thời gian ông Trump cầm quyền chỉ còn có 10 ngày, và nhất là số nghị sĩ của đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Thượng Viện, thế nên, nghị quyết này cũng rơi vào tình trạng là sẽ không đi tới đâu.
Giả như bản nghị quyết này được thông qua, phải chăng là ông Trump sẽ không được ra tái tranh cử vào năm 2024 ?
Đúng vậy. Ông Trump sẽ bị ngăn cấm tuyệt đối giữ bất cứ một chức vụ dân cử hay một chức vụ nào trong chính quyền. Đặc biệt là ông sẽ không được ra ứng cử nữa. Điều này sẽ xảy ra nếu quyết nghị của Hạ Viện được bên Thượng Viện chấp thuận.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, chuyện này rồi cũng sẽ qua đi, không có gì ngăn cấm ông Trump ra tranh cử năm 2024, vì ông đã chuẩn bị rồi. Ông ấy nói rõ ràng là ông rời Nhà Trắng nhưng tiến trình chính trị của ông là mới bắt đầu. Do vậy ai cũng biết rằng ông ấy sẽ ra tranh cử năm 2024.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét