Trần Kỳ Khôi
Sau ba năm chuẩn bị, cũng như tiêu tốn số tiền khổng lồ của người đóng thuế lên đến một tỷ đô la Mỹ, cho đại hội cấp cơ sở, cuối cùng mọi thứ cũng đã chuẩn bị xong cho Đại hội XIII. Mọi dàn xếp ngôi thứ, phân luồng, chạy chỗ, đã đâu vào đó. Đàn ông thì đổi chác bằng tiền, đàn bà thì đổi tình và nhiều thứ khác để có vai diễn đúng theo kịch bản.
Sân khấu chính trị đại hội XIII của Đảng sẽ được trình diễn trong 9 ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Trong đó, phiên trù bị tổ chức vào ngày 25/1, khai mạc chính thức ngày 26/1 và dự kiến bế mạc sáng 2/2/2021.
Nhiều nguồn tin không chính thức cho biết, do lo sợ các phe nhóm vận động ngầm, sợ nhiễm Covid-19 và bị đầu độc, nên lần đầu tiên Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng đưa ra “sắc lệnh” chưa từng áp dụng, nay công bố công khai. Đó là 1.587 đại biểu dự đại hội XIII đều phải ăn, nghỉ tập trung như đóng trại nhà binh, không được về nhà, di chuyển bằng phương tiện ô tô chung do ban tổ chức bố trí, kể cả các ủy viên Trung ương Đảng, trừ… trường hợp đặc biệt.
Phiên trù bị sẽ thực hiện các nội dung: Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua nội quy, chương trình làm việc của đại hội, quy chế bầu cử, quy chế làm việc, hướng dẫn sinh hoạt của đại biểu…
Xong các thủ tục trên, đại hội sẽ biểu quyết sửa đổi câu cuối của Điều 17, chương II, của điều lệ đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19/01/2011): “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp“. Câu này sẽ được thêm cụm từ “trừ trường hợp đặc biệt“. Vậy là xong, mở đường cho Nguyễn Phú Trọng đi tiếp nhiệm kỳ thứ ba.
Đến thời điểm này, mỗi ông Trọng nắm giữ các vị trí quyền lực vô đối: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng; Thường vụ đảng uỷ công an Trung ương; Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội XIII; Trưởng tiểu ban văn kiện đại hội XIII…
Thế nhưng, tuổi cao sức yếu và di chứng sau lần đột quỵ khi kinh lý tại Kiên Giang đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần ông Trọng. “Sáng nắng, chiều mưa, buổi trưa áp thấp” là điều dễ nhìn thấy qua việc thay đổi xoành xoạch ý tưởng dàn xếp nhân sự cấp cao, chủ chốt của ông. Phải thừa nhận rằng, đại hội XIII đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
1. Bất ngờ đầu tiên là Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng tái cử, bám víu quyền lực khi bước sang tuổi 77. Mặc dù hô hào loại bỏ, không đưa những kẻ tham vọng quyền lực vào trung ương, nhưng chính ông lại là kẻ tham quyền cố vị.
Vẫn bổn cũ soạn lại, ông Trọng hứa sẽ làm nửa nhiệm kỳ, sau đó rút lui. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế sờ đến đâu sai phạm đến đó, từ cán bộ cao cấp như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, đến các bộ trưởng, thứ trưởng, các tướng lĩnh quân đội và công an được chọn, đề bạt tại Đại hội XII đã bị dính kỷ luật Đảng và chính quyền như vừa qua và sẽ lặp lại sau đại hội XIII thì sao?
Lúc này ông Trọng sẽ lấy cớ phải “đốt lò” và lại trọn khoá để thanh trừng hết các “ân oán giang hồ”.
Hình như ông Trọng, với uy tín và thu tóm quyền lực chính trị của mình, đang muốn ổn định tình hình để tìm kiếm người thay thế phù hợp, vừa tránh xáo trộn trong bộ máy, lại vừa bảo đảm di sản của mình không bị dẹp bỏ sang một bên.
2. Bất ngờ thứ hai, ông Phạm Minh Chính, là người chưa từng kinh qua bộ trưởng, không có kinh nghiệm điều hành chính phủ, lại có thể giành được ghế thủ tướng.
Từng là tướng tình báo công an, đương kim Trưởng ban tổ chức Trung ương, Trưởng tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ, kiêm nhiệm thêm Trưởng tiểu ban điều lệ đảng, thành viên Tiểu ban nhân sự đại hội XIII, nên ông Chính đã vượt qua đối thủ Vương Đình Huệ. Lần thứ hai trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, một trùm mật vụ, sau ông Phạm Hùng, leo lên ghế Thủ tướng Chính phủ.
Có thông tin Nguyễn Phú Trọng đặt Vương Đình Huệ ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội để dọn đường cho Huệ tiếp quản chức Tổng bí thư, sau khi ông Trọng rút lui khỏi chính trường.
Cũng gay cấn không kém, với ưu thế từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã vượt qua thứ trưởng Lê Hoài Trung để giành chiếc vé vào Bộ Chính trị và nắm chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
Tương tự như việc Đào Ngọc Dung loại bỏ Vũ Đức Đam trong cuộc đua nước rút, Đinh Tiến Dũng cũng ma mãnh trong đòn gió “đề nghị điều tra xuất khẩu gạo” mờ ám, để đánh bại thái tử Trần Tuấn Anh, giành một suất vào Bộ Chính trị.
3. Bất ngờ thứ ba cũng đáng lưu ý. Ông Đỗ Bá Tỵ, sinh năm 1954 quê Phú Thọ. Năm 2016 ông còn là Tổng tham mưu trưởng quân đội, được Ban chấp hành Trung ương giữ lại qua “trường hợp đặc biệt” để tái cử khoá XII, tranh chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng ông Tỵ đã bị Bộ Chính trị khoá XI gạt ra khỏi danh sách đề cử Bộ Chính trị khoá XII, thay vào đó là Ngô Xuân Lịch, sinh năm 1954 quê Hà Nam, Bí thư trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng.
Đỗ Bá Tỵ phải ngậm ngùi khăn gói chuyển sang Quốc hội làm Phó cho Nguyễn Thị Kim Ngân. Việc này từng gây bàn tán xôn xao trong giới tướng lĩnh cấp cao, đỉnh điểm như mọi người đã rõ, tướng Lê Mã Lương công khai chỉ trích “Bộ trưởng BQP không biết đọc bản đồ quân sự”.
Để sửa chữa sai lầm, lần này Bộ Chính trị khoá XII đã chọn tướng Phan Văn Giang, sinh năm 1960, quê Thái Nguyên, đề cử Bộ Chính trị khoá XIII để nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, chứ không phải nhân vật Lương Cường, sinh 1957 quê Phú Thọ, Bí thư Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng như đồn đoán trước đây. Tướng Giang được cho là dạn dày trận mạc và có uy tín cao trong quân đội.
Ngoài ra, việc vắng bóng đại diện Nam Bộ, cũng như không thiết kế bóng hồng trong “tứ trụ” ở khoá XIII cũng là điều dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận xã hội.
Sân khấu chưa mở màn, nhưng danh sách những “nghệ sĩ ưu tú” đã được rò rỉ từ cung đình. Tại đại hội, đề cử nhân sự có thể sẽ được thêm đôi ba người để “dân chủ” và tính số dôi dư phù hợp. Tuy nhiên, sau đây là danh sách chốt lại lần cuối:
Danh sách 17 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII:
1.- Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê Hà Nội: UVBCT, tái cử chức Tổng Bí thư
2.- Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954, quê Quảng Nam: UVBCT, Thủ tướng Chính phủ, ứng cử chức Chủ tịch nước
3.- Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, quê Thanh Hoá, UVBCT, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ứng cử chức Thủ tướng Chính phủ
4.- Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê Nghệ An: UVBCT, Bí thư Hà Nội; ứng cử Chủ tịch Quốc hội
5.- Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Vĩnh Long: UVBCT, Trưởng ban Tuyên giáo; ứng cử Thường trực Ban bí thư
6.- Tô Lâm, sinh năm 1957, quê Hưng Yên: UVBCT, Đại tướng, Bộ trưởng BCA, ứng cử Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ
7.- Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, quê Nam Định: UVBCT, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ứng cử Phó chủ tịch quốc hội
8.- Trương Thị Mai, sinh năm 1958, quê Quảng Bình, UVBCT, Trưởng ban dân vận, ứng cử Trưởng ban tổ chức Trung ương
9.- Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1958, quê Quảng Ngãi: Bí thư Trung ương, Chánh án Tòa án Tối cao; ứng cử Trưởng ban Nội chính Trung ương
10.- Trần Cẩm Tú, sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh: Bí thư trung ương, Chủ nhiệm UBKT; tái cử Chủ nhiệm UBKT Trung ương
11.- Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê Nghệ An: Bí thư Trung ương, Trưởng ban Nội Chính Trung ương; ứng cử Bộ trưởng Bộ Công an
12.- Nguyễn Văn Nên, sinh năm 1957, quê Tây Ninh: Bí thư trung ương, Bí thư thành uỷ TP HCM; tái cử Bí thư thành uỷ TP HCM
13.- Phan Văn Giang, sinh năm 1960, quê Thái Nguyên, UVTW, Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng BQP, ứng cử Bộ trưởng Bộ quốc phòng
14.- Đào Ngọc Dung, sinh năm 1962, quê Hà Nam: Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; ứng cử Trưởng Ban dân vận Trung ương
15.- Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, quê Hà Nội: UVTW, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao; ứng cử Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao
16.- Bùi Minh Hoài, sinh năm 1965, quê Hà Nam: UVTW, Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT trung ương; ứng cử Trưởng ban dân vận Trung ương
17.- Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê Ninh Bình: UVTW, Bộ trưởng Bộ tài chính; ứng cử Bí thư thành uỷ Hà Nội
Danh sách 7 thành viên Ban Bí thư (không có chân trong Bộ Chính trị):
1.- Nguyễn Xuân Thắng, sinh 1957, quê Nghệ An, Bí thư trung ương, GĐ học viện chính trị quốc gia; tái cử GĐ Học viện chính trị quốc gia
2.- Lương Cường sinh năm 195 quê Phú Thọ, Bí thư trung ương Đảng, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng, ứng cử Trưởng ban tuyên giáo Trung ương
3.- Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh: UVTW, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; tái cử Chánh văn phòng Trung ương Đảng
4.- Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962, quê Hậu Giang: Bí thư trung ương, Chủ tịch MTTQ VN; tái cử Chủ tịch MTTQ VN
5.- Trần Tuấn Anh, sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi: UVTW, Bộ trưởng Bộ Công thương; ứng cử Phó Thủ tướng chính phủ
6.- Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962, quê Tiền Giang, UVTW, Phó chủ nhiệm tổng cục chính trị Bộ quốc phòng, ứng cử Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ quốc phòng
7.- Lê Minh Khái, sinh năm 1964 quê Bạc Liêu, UVTW, Chánh thanh tra Chính phủ, ứng cử Chánh án Toà án tối cao
Chắc chắn sau 9 ngày làm việc “nghiêm túc, dân chủ, tích cực và khẩn trương” trong tinh thần “sáng tạo, đoàn kết, nhất trí cao”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ bế mạc, thành công tốt đẹp! Ông Nguyễn Phú Trọng cũng lại “xúc động nghẹn ngào trước niềm tin gửi gắm của đồng chí, đồng bào” đối với ông.
Khép lại năm Mậu Tý và khoá XII của Đảng đầy bể dâu, cái Tết năm Kỷ Sửu này nhiều kẻ hả hê thắng cuộc sau đại hội và nỗi buồn của nhiều ông bà “trắng tay” ra về.
Dù gì thì con số 1.587 đại biểu và 5,2 triệu đảng viên cộng sản vẫn thuộc diện no cơm ấm cật. Còn lại là hơn 95 triệu đồng bào, trong đó có biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đang còng lưng kiếm từng hạt gạo, mỗi khi Tết đến, xuân về. Họ chẳng hề quan tâm những ai sẽ ngồi ghế “tứ trụ”, bởi ai ngồi vào những cái ghế đó, cuộc sống của họ chẳng khá hơn, khi cái đảng này vẫn còn độc quyền lãnh đạo.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/24/khai-mac-dai-hoi-xiii-tat-ca-nhung-quan-co-deu-lat-ngua/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét